Giáo dục với việc xây dựng con người mới, con người xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 19/01/2015 - 07:01

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại, đã để lại cho dân tộc Việt Nam một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong hệ thống những quan điểm ấy, quan điểm của Người về xây dựng và phát triển nền giáo dục con người Việt Nam yêu nước, có ý chí tự lực, tự cường - con người xã hội chủ nghĩa, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

giaoducvoiviecxaydungconnguoi

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, con người xã hội chủ nghĩa

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ra rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một con đường dài, khúc khuỷu, quanh co và không ít khó khăn, thử thách; để vượt qua con đường ấy cần phải có những con người mới, con người cách mạng. Chủ nghĩa xã hội được xây dựng bằng sức mạnh của những con người mới và con người mới cũng là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: "Muốn xã hội chủ nghĩa, phải có: người xã hội chủ nghĩa"1. Vậy con người xã hội chủ nghĩa theo quan điểm của Chủ tịchHồ Chí Minh là gì?

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người mới - con người xã hội chủ nghĩa là những người có mục đích và lối sống cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Con người ấy vừa phải có đức, vừa phải có tài, vừa hồng, vừa chuyên. Biểu hiện cụ thể của phẩm chất ấy là:

- Trung với nước, hiếu với dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, nước là của dân và dân là chủ nhân của nước. Vì vậy, con người mới, con người xã hội chủ nghĩa phải ý thức được vai trò, vị trí của mình, luôn quyết tâm phấn đấu để thực hiện và hoàn thành mục tiêu cách mạng của Tổ quốc; khẳng định sức mạnh, vai trò "gốc rễ" của mình và toàn thể nhân dân, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Đây chính là phẩm chất biểu hiện sinh động của phẩm chất "Trung với nước, hiếu với dân". Đó cũng chính là thước đo phẩm chất của mỗi con người (cần cù, siêng năng, chăm chỉ; tiết kiệm tiền bạc, của cải, thời gian, không hoang phí; trong sạch không tham lam tiền của, địa vị, danh tiếng, thẳng thắn, đứng đắn; công minh trong mọi việc...). Đó cũng là thước đo sự phồn thịnh của một dân tộc bởi con người chính là biểu hiện của quốc gia, dân tộc.

- Thương yêu con người, có tinh thần quốc tế trong sáng.

Con người dù ở vị trí nào trong xã hội đều có hai mặt tốt và xấu. Chúng ta cần phải làm cho phần tốt trong mỗi con người ngày càng nảy nở thêm và phần xấu dần dần mất đi. Mỗi người phải không ngừng cố gắng mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khác và toàn thể xã hội. Nhưng việc làm đó không chỉ dừng lại trong phạm vi dân tộc, quốc gia mà phải mở rộng ra toàn thế giới. Mặt khác, con người mới cũng cần phải đấu tranh chống lại kẻ thù chung của toàn nhân loại, chống lại áp bức, chiến tranh, đem lại cuộc sống hòa bình trên toàn thế giới.

- Có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp.

Ba phẩm chất trên là biểu hiện của chữ "đức" trong mỗi một con người mới. Nhưng nếu có đức mà không có tài thì cũng là người vô dụng. Do đó, con người mới cần phải không ngừng nâng cao trí thức và trình độ chuyên môn của bản thân. Vì có như vậy họ mới mang lại cuộc sống có đủ cả giá trị vật chất và tinh thần.

Như vậy con người mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải vừa có "đức", vừa có "tài", vừa "hồng" vừa "chuyên". Có được những phẩm chất ấy con người mới có thể xây dựng được cuộc sống tốt đẹp cho mình, góp phần dựng xây đất nước. Và hơn cả, có những con người như vậy mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong việc phát triển con người mới, con người xã hội chủ nghĩa

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới. Người nói: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta"2. Người khẳng định: "Trong việc kiến thiết nước nhà về mọi mặt, ta thiếu rất nhiều cán bộ như kỹ sư, chuyên gia, thợ lành nghề, thầy dạy học, v.v.. Vì vậy ta phải phát triển mạnh đại học và chuyên nghiệp. Muốn phát triển đại học và chuyên nghiệp, phải chú trọng cấp 2, cấp 1 và cấp vỡ lòng"3. Để thực hiện được việc hoàn thiện hệ thống giáo dục từ cấp nhỏ nhất đến những bậc lớn ấy không phải là nhiệm vụ của ngành nào khác mà chính là nhiệm vụ của giáo dục. Người chỉ ra rằng: "Bây giờ nhiệm vụ của giáo dục khác trước. Các cô các chú có nhiệm vụ rất quan trọng: bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này. Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau. Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới"4.

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò vô cùng to lớn của giáo dục trong việc đào tạo thế hệ công dân mới, công dân tương lai, những con người xã hội chủ nghĩa. Giáo dục giữ vai trò chủ yếu và quyết định đối với việc hình thành con người mới trên mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa... Người nói: "Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế... Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển"5. Kinh tế quyết định văn hóa, giáo dục nhưng cũng cần phải có văn hóa, giáo dục của nhà trường và giáo dục của xã hội. Người cho rằng giáo dục có vai trò rất lớn trong việc xây dựng con người văn hóa, con người mới xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: "Văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng..."6.

Giáo dục là một hoạt động có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển con người mới, chủ nhân tương lai của đất nước. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mọi cấp đào tạo, mọi hình thức đào tạo. Người khẳng định vai trò của giáo dục đối với nhi đồng, thanh niên, cán bộ, trong đó có cả cán bộ quản lý. Người đặc biệt quan tâm tới những lớp bình dân học vụ, lớp bổ túc văn hóa, cán bộ phụ trách đội học sinh, sinh viên. Và ở bất cứ nơi đâu, Người đều nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục trong việc xây dựng con người mới.

Để phát huy hết vai trò của giáo dục trong việc phát triển con người mới, con người xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến mọi chủ thể của hệ thống giáo dục, từ người học, người dạy, người quản lý đến nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục. Theo Người, tất cả các yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến việc phát triển con người xã hội chủ nghĩa.

Về chương trình giáo dục, Người nhắc nhở: "Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho phù hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc"7. Chương trình học cần phải xây dựng để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, con người mới. Do đó, việc "... kiểm thảo kỹ công tác "cải cách" về chương trình, chủ trương và cách thi hành, để tìm thấy những khuyết điểm mà sửa đổi, những ưu điểm mà phát triển thêm..."8 là rất cần thiết.

Về phương pháp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lưu tâm tới việc "sửa đổi cách dạy cho phù hợp". Đây là công việc quan trọng của người thầy, người thầy phải lựa chọn "dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh"9. Theo Người, giáo dục phải biết kết hợp các phương pháp khác nhau sao cho hiệu quả giáo dục đạt cao nhất, có như vậy giáo dục mới hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Về nội dung giáo dục, Người nhấn mạnh: "Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động sản xuất"10.

Như vậy, nội dung giáo dục phải đa dạng, phong phú, gồm cả "tài" và "đức", cả tri thức và phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng... Đặc biệt nội dung giáo dục phải hướng vào phục vụ lao động sản xuất, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Về hình thức giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý tới việc kết hợp giáo dục nhà trường và gia đình: "... gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân"11. Ngoài ra, giáo dục còn phải tiến hành thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức khác nhau: chính quy, bổ túc văn hóa, bồi dưỡng... Việc kết hợp các hình thức đó sẽ góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho con người xã hội chủ nghĩa, chủ nhân tương lai của đất nước.

Về phía người học, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần xác định "Bây giờ phải học để:

- Yêu Tổ quốc: cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu nhân dân: việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu lao động: ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu khoa học: cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu đạo đức: chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động"12.

Muốn đạt được điều đó thì "học phải đi đôi với hành", luôn biết kết hợp giữa thực tế và lý luận, nhà trường và xã hội...

Về phía người dạy học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người thầy trong sự nghiệp giáo dục nói chung và trong việc phát triển con người mới, con người xã hội chủ nghĩa nói riêng. Do đó "... cán bộ giáo dục cần phải luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi"13. Người nhấn mạnh: cán bộ giáo dục "phải thật thà đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không nên "đứng núi này trông núi nọ", muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị14. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của người thầy trong giáo dục nhân cách con người: "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu"15. Người từng viết trong tác phẩm Nhật ký trong tù:

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Người dạy có vai trò quyết định như vậy cho nên phải có công tác cán bộ giáo dục cho tốt và đặc biệt chú ý cả tài, cả đức của người dạy học. Tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Người từng viết: "Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức"16.

Người giáo viên cũng phải tự rèn luyện để nêu gương cho người học. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa người dạy và người học là rất quan trọng: "Thầy và trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình) để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi"17.

Như vậy, muốn có một nền kinh tế bền vững, phát huy được hết vai trò trong việc xây dựng và phát triển con người mới, con người xã hội chủ nghĩa cần phải có các giải pháp đồng bộ, toàn diện từ nội dung, phương pháp, chương trình, người dạy, người học...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục đối với phát triển con người xã hội chủ nghĩa là một hệ thống quan điểm mang tính sâu sắc, toàn diện. Quan điểm này của người là nền tảng tư tưởng, là cơ sở lý luận cho việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam bền vững. Những quan điểm của Người vẫn như những vì sao sáng xuyên suốt công cuộc xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của chúng ta ngày nay.

3. Ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục với việc phát triển con người xã hội chủ nghĩa trong thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện nay

Nhận thức được vai trò vô cùng to lớn của giáo dục trong việc xây dựng phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, các văn bản chỉ đạo ngành giáo dục liên tiếp được ban hành: Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về giáo dục và đào tạo, Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15-6-2001 của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Quyết định số 09/2005-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Luật Giáo dục sửa đổi, ban hành và có hiệu lực từ ngày 01-01-2006 được coi là cơ sở để ngành giáo dục phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Vì thế, giáo dục của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Chúng ta đã có một đội ngũ trí thức đông đảo với hơn ba vạn thạc sĩ và tiến sĩ. Hoạt động xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các cá nhân vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Các loại hình giáo dục được mở rộng và phát triển. Chúng ta đã mở thêm được nhiều trường học ở các cấp, đặc biệt là các trường đại học và dạy nghề. Ngành nghề đào tạo cũng được mở rộng, đa dạng hoá nhằm đào tạo những con người đáp ứng được nhu cầu của thời đại...

Nhưng những vầng hào quang ấy lại không đủ sức che giấu những góc tối của nền giáo dục Việt Nam. Vì thế mà ngành giáo dục đã phát động phong trào "hai không": nói không với tiêu cực, bệnh thành tích và không ngồi nhầm lớp.

Trước những vấn đề bất cập của ngành giáo dục, cả xã hội vào cuộc với mong muốn có một nền giáo dục phát triển toàn diện, đáp ứng được nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải nhìn lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, trong đó có quan niệm về vai trò của giáo dục với việc phát triển con người xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, khắp nơi đều đang diễn ra cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy và học nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Vậy, chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục?

Chúng ta phải đổi mới đồng bộ, từ yếu tố người dạy, người học, chương trình sách giáo khoa, phương pháp, phương tiện và chương trình quản lý giáo dục. Đặc biệt là vấn đề sách giáo khoa. Chúng ta phải có quy chế, lộ trình xây dựng các bộ sách giáo khoa cho có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam trên các khía cạnh: nhu cầu phát triển đất nước, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xu thế vận động và phát triển của thế giới, trình độ của người dạy và người học...

Nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề người dạy - người giữ vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục. Người dạy ngày nay hơn bao giờ hết phải chú ý tới cả "đức" và "tài", luôn luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người dạy luôn phải tự trang bị cho mình một phông tri thức rộng, một kiến thức chuyên sâu về bộ môn giảng dạy.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong việc xây dựng và phát triển con người mới, con người xã hội chủ nghĩa là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc, quan niệm đó luôn là nền tảng tư tưởng để ngành giáo dục Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển. Chúng ta có thể tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn của giáo dục Việt Nam.

Trích trong “Phát triển văn hóa và con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia -Sự thật, 2010.

----------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 296.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 404.

3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 126, 183.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 137-138.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 190.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 462.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 266.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 138.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 190.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 81.

12, 13, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 389-399, 501, 562.

15, 16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 492.

17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 467.



 

Bình luận