Giải pháp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp vĩ đại của dân tộc ta, là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt. Bảo vệ Tổ quốc cũng là một trong hai nhiệm vụ chiến lược; là quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, nước Việt Nam trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Từ đây, chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Kể từ sau thắng lợi vĩ đại này, việc bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc là một nhiệm vụ trọng yếu, luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đặt lên hàng đầu. Từ đó đến nay, đặc biệt là những năm gần đây, dù phải trải qua nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đã đạt được những thành tựu cơ bản: thường xuyên nắm chắc, đánh giá đúng tình hình các mặt, kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước xử trí có hiệu quả các tình huống về quốc phòng - an ninh; nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng vững chắc; tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đối ngoại quốc phòng được triển khai tích cực theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quốc phòng - an ninh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là dự báo chiến lược có lúc, có việc, có mặt còn chưa chính xác, thiếu chặt chẽ; nền quốc phòng toàn dân được tăng cường nhưng chưa toàn diện và có mặt còn chưa vững chắc; đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; dự trữ cơ sở vật chất cho quốc phòng - an ninh chưa mạnh; công nghiệp quốc phòng - an ninh phát triển chậm...
Ngày 25-10-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chỉ rõ: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết đề ra, đồng thời phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nhất là ở cấp chiến lược, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, thông tin truyền thông, nhất là các thông tin trên internet; kiên quyết ngăn ngừa, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, tác động xấu tới lòng tin của nhân dân.
Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ trong các lực lượng vũ trang. Tăng cường công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, với lực lượng vũ trang; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Hai là, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm vai trò chủ đạo thực sự của kinh tế nhà nước. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh về tài chính, tiền tệ, năng lượng, lương thực, thông tin...; không để xảy ra rối loạn về kinh tế. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong các dự án lớn, quy hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn chiến lược, các ngành quan trọng. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ bản tạo nền tảng cho công nghiệp quốc phòng - an ninh. Phát triển mạnh kinh tế biển và vùng ven biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Có chính sách hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng biên giới. Đa dạng hóa các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên các dự án phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược.
Quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm về quốc phòng - an ninh. Chủ động, tích cực ứng phó với các tác động tiêu cực từ bên ngoài; có biện pháp ngăn chặn những hoạt động lợi dụng hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư để gây phương hại đến an ninh quốc gia. Tăng cường khả năng dự trữ cơ sở vật chất từ nền kinh tế cho quốc phòng - an ninh; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế; giữ vững độc lập, tự chủ trong mở rộng kinh tế đối ngoại; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh từ nền kinh tế của đất nước.
Ba là, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền.
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, lao động sáng tạo. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, nhất là cho thế hệ trẻ. Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, kiên quyết ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa, xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; các khuynh hướng sáng tác trái với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và khuynh hướng thẩm mỹ lệch lạc. Phát triển và quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin, truyền thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước. Chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong hoạt động báo chí, thông tin, truyền thông; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Bốn là, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với việc củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; các chính sách về dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Quy chế dân chủ ở cơ sở trong mọi lĩnh vực, nhất là đối với lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân. Lãnh đạo chủ chốt các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, tiếp thu ý kiến của nhân dân; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, ức hiếp, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân và các hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường nguồn lực phát triển khoa học - công nghệ. Chuẩn bị chu đáo các phương án động viên nhân tài vật lực cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khi cần thiết, bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng và kế hoạch bảo đảm cho các hướng chiến lược sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục điều chỉnh thế bố trí chiến lược lực lượng quân đội đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước. Ưu tiên xây dựng các công trình phòng thủ biển đảo, thềm lục địa, phòng thủ biên giới, địa bàn chiến lược. Nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc toàn diện. Phát triển sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân. Chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Phát hiện kịp thời các âm mưu, hành động của các thế lực thù địch để chủ động có phương án ứng phó, ngăn chặn, đẩy lùi từ xa và tích cực chuẩn bị lực lượng bảo đảm giành thắng lợi khi tình huống xấu xảy ra, không để bị động bất ngờ.
Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án phòng, chống bạo loạn, gây rối, khủng bố; các đề án bảo đảm an ninh chính trị, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, nhất là an ninh mạng; khắc phục tình trạng lộ, lọt thông tin mật của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phát hiện, vô hiệu hóa cơ sở của các tổ chức phản động, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động gián điệp, tình báo của nước ngoài. Đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của số phần tử cơ hội chính trị.
Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc.
Sáu là, triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết, tăng cường hợp tác với các đối tác, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước ASEAN và khu vực. Chủ động tích cực tham gia đóng góp vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực, nhất là những lĩnh vực chúng ta có lợi thế, những vấn đề trực tiếp liên quan đến an ninh, phát triển, lợi ích chiến lược của Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ của các nước tại các diễn đàn đa phương, song phương về những vấn đề gắn với lợi ích của ta. Phối hợp chặt chẽ đối ngoại Nhà nước, đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhân dân.
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thân
Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng
(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực