Giữ mãi niềm tin theo Đảng

Ngày đăng: 22/01/2020 - 12:01

Giữa thế kỷ XIX, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đã thúc đẩy các nước tư bản phương Tây mở những cuộc chiến tranh giành thuộc địa. Các quốc gia phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh đó. Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ thời chúa Nguyễn Ánh và sự suy yếu của chế độ phong kiến Việt Nam, PhápTây Ban Nha đã viện cớ nhà Nguyễn cấm đạo Thiên Chúa và bắt bớ, giết hại nhiều giáo sĩ, giáo dân để tiến hành chiếm cứ nước ta. Ngày 31/8/1858, liên quân PhápTây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, mở màn cho cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp. Sau khi đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai (năm 1883), thực dân Pháp chuẩn bị bắt tay vào cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương lần thứ nhất (1885-1905). Như vậy, tính từ khi nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858, thực dân Pháp phải mất 1/4 thế kỷ mới có thể tạm gọi là “bình định” xong Việt Nam. Có thể thấy, mặc dù triều đình nhà Nguyễn hèn nhát và bất lực, song suốt 1/4 thế kỷ, thực dân Pháp đã vấp phải sức kháng cự vô cùng mãnh liệt của Nhân dân ta, một dân tộc có lòng nồng nàn yêu nước, quyết không chịu khuất phục ngoại bang, không chịu làm tay sai, nô lệ. 

Trước sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn đó như: phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh; khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo... các phong trào đấu tranh đó cuối cùng đều bị thất bại vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc. Trong bối cảnh đó, tháng 6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1920, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; đây không chỉ là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó, Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác, đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản. 

Tháng 3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, gồm có: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính. Ngày 01/5/1929, tại Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng (Trung Quốc), đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị đó không được chấp nhận.Trở về nước, ngày 17/6/1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25/7/1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9/1929 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: Thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. 

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2/1930 (ảnh minh họa)

Từ ngày 03 đến 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tham gia Hội nghị có các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng); Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm (đại biểu An Nam Cộng sản Đảng). Đại biểu Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến kịp. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 03/02/1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đó là một dấu mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. 

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh và khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không một thế lực nào ngăn cản nổi. Trong thế kỷ XX, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nên những kỳ tích vẻ vang, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Đảng ta lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm gian khổ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Tiếp theo, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiên chống Mỹ cứu nước, giành thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối (ngày 30/4/1975). Những năm tháng sau chiến tranh gian khổ, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc vừa xây dựng lại đất nước, vừa phải tiến hành các cuộc chiến tranh giữ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc. Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 (thế kỷ XX), với “bão táp phong ba” trên thế giới, đó là sự kiện sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu; Đảng ta vẫn đứng vững và kiên định với ngọn cờ “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, tiếp tục đường lối đổi mới toàn diện, vững chắc thông qua sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, hơn 1/3 thế kỷ trở lại đây (1986-2020), dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nên nhiều kỳ tích và những thắng lợi to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại v.v.. Nhờ đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả mà sức sản xuất và nhiều năng lượng tích cực trong xã hội Việt Nam được giải phóng, hàng hóa sản xuất ra ngày càng nhiều; đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã hội ngày càng được nâng cao. Trong những thập kỷ gần đây, qua các Nghị quyết của Đảng, Đảng ta đã xác định phương châm chủ đạo (như ba chân kiềng, ba trụ cột quan trọng để phát triển đất nước), đó là: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội”; Chính phủ ta đã triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình, hành động mang tầm quốc gia, mang lại những thành tựu to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao trên thế giới (từ 6,5 đến hơn 7%/năm); thu nhập bình quân đầu người từ 2.500 USD đến 2.700 USD/năm. An ninh, chính trị, quốc phòng được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao v.v..

Ảnh: Thủ đô Hà Nội của Việt Nam ngày nay (ảnh internet)

Tuy vậy, những năm gần đây, một số tổ chức, cá nhân không giữ được phẩm chất cách mạng của người đảng viên, tư cách của người cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, không ít cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí của công, lợi ích nhóm để trục lợi công quỹ, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân (có vụ, việc lên tới hàng chục triệu, hàng tỷ USD), trong đó, không ít người là những Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, lãnh đạo ở Trung ương và địa phương. Những năm qua, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã quyết tâm và đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong Đảng và hệ thống chính trị. “Lò chống tham nhũng của Đảng” đã thiêu trụi nhiều vụ việc tham nhũng có quy mô lớn. Điều đó cho thấy, Đảng ta luôn nghiêm khắc với những sai lầm, vi phạm, khuyết điểm của tổ chức, cá nhân đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân tộc để củng cố uy tín và lòng tin của Nhân dân trong bối cảnh, tình hình hiện nay.

Nhìn lại chặng đường 90 năm đấu tranh oanh liệt của Đảng ta, chúng ta càng tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Hiếm có một Đảng Cộng sản nào được gọi bằng hai từ vừa thiêng liêng, vừa gần gũi: “Đảng ta”, như Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ có một Đảng sinh ra từ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, phấn đấu không vì lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân, của dân tộc, được Nhân dân tin yêu mới có được vinh dự ấy.

Nguyễn Hữu Giới

                                                                Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

 

 

Bình luận