Hai đỉnh cao nghệ thuật của nhà văn Nam Bộ tài năng Nguyễn Quang Sáng
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhiều thế hệ độc giả sẽ nghĩ ngay đến truyện ngắn Chiếc lược ngà và ngược lại. Tuy nhiên, tên tuổi của Nguyễn Quang Sáng không chỉ dừng lại ở đó, đối với những người làm điện ảnh, ông còn nổi tiếng với kịch bản phim Cánh đồng hoang - tác phẩm đã góp phần tạo dựng nên một trong hai đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của nhà văn vùng sông nước An Giang này.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12-1-1932 tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trong một gia đình vốn làm nghề thợ bạc, không có ai theo nghiệp văn chương. Năm 14 tuổi (1946), ông tham gia hoạt động cách mạng ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục sự nghiệp viết văn. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra nóng bỏng, ông trở về miền Nam tham gia công cuộc kháng chiến và tiếp tục sáng tác. Trong suốt hơn 60 năm cầm bút, ông đã để lại cho hậu thế một gia tài đồ sộ. Ở thể loại văn xuôi: Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng, Người con đi xa, Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào, Tôi thích làm vua, 25 truyện ngắn, Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn, Con mèo của Foujita, Nhà văn về làng…; kịch bản phim điện ảnh - truyền hình: Cánh đồng hoang, Pho tượng, Cho đến bao giờ, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Câu nói dối đầu tiên, Thời thơ ấu, Giữa dòng, Như một huyền thoại, Con khỉ mồ côi, Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt… Có thể nói, Chiếc lược ngà của ông được xem là truyện ngắn mẫu mực của văn chương Việt Nam hiện đại. Và Cánh đồng hoang là một trong những kịch bản hay nhất của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, để ghi nhận những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà, Nhà nước đã trao tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II, năm 2000.
Nguyễn Quang Sáng vĩnh biệt thế giới của chúng ta vào một ngày đầu xuân năm Giáp Ngọ (13-2-2014), hưởng thọ 82 tuổi.
Cứu rỗi cuộc sống bằng tình yêu thương
Theo như lời Nguyễn Quang Sáng kể, ông khởi nghiệp viết văn ở miền Nam từ năm 1952 với tiểu thuyết Đất lửa nhưng phải đến khi tập kết ra Bắc (1954), ông mới in truyện ngắn đầu tay Con chim vàng trên báo Văn nghệ (1956). Ngay từ truyện ngắn đầu tay này đã hé lộ một phong cách văn chương đầy triển vọng. Đến truyện ngắn Tư Quắn, ông đã định hình một phong cách độc đáo đậm chất Nam Bộ. Những năm sau đó, ông lần lượt cho ra đời nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết xuất sắc viết về Nam Bộ nhưng nổi tiếng nhất là Chiếc lược ngà, Đất lửa... Cùng với các nhà văn Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng được xem là những cây bút xuất sắc của miền Nam trong dòng văn học kháng chiến cách mạng.
Đề cập đến gia tài văn xuôi của Nguyễn Quang Sáng, có nhiều người thích Dòng sông tuổi thơ bởi nó dung dị và sâu lắng thể hiện đậm nét “quê hương tuổi thơ” của nhà văn - cái ảnh hưởng và làm nên một Nguyễn Quang Sáng mộc mạc, dung dị nhưng cũng hết sức hào sảng. Có người thì thích Đất lửa bởi tác giả đã khéo léo dựng lên một bức tranh xã hội Nam Bộ trong những buổi đầu kháng chiến chống Pháp bằng việc khai thác những xung đột mang đầy tính kịch… Tuy nhiên, Chiếc lược ngà là tác phẩm kết tinh của bút pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng.
Chiếc lược ngà xoay quanh tình huống gặp mặt của bé Thu và ông Sáu - người cha. Ông Sáu tham gia kháng chiến chống Pháp khi bé Thu gần một tuổi. Lúc ông có dịp trở về thăm nhà thì con gái đã lên 8. Song bé Thu lại không chịu nhận cha vì vết thẹo trên má làm ông Sáu trông không giống như bức ảnh chụp chung với má. Trong ba ngày ở nhà, ông Sáu dùng mọi cách để gần gũi nhưng con bé vẫn không chịu gọi một tiếng “Ba”. Đến khi bé Thu nhận ra cha mình thì cũng là khi ông Sáu phải ra đi. Ông hứa sẽ mang về tặng con một chiếc lược ngà. Những ngày chiến đấu ác liệt trong rừng, ông cặm cụi làm chiếc lược cho con gái. Chiếc lược làm xong chưa kịp trao cho con gái thì ông đã hy sinh và chỉ kịp nhờ người bạn chuyển chiếc lược lại cho con mình. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng được tình huống truyện đặc sắc để làm nổi bật lên tính cách và tình cảm của người cha đối với đứa con gái và ngược lại. Thông qua tình huống cho dù thế nào bé Thu cũng nhất quyết không chịu “khuất phục” gọi ông Sáu là ba, người đọc lại thấy được tính cách kiên cường, quyết đoán của cô bé mới chỉ 8 tuổi ấy. Đấy cũng là tính cách chung của người Nam Bộ: giản dị, gần gũi, dịu dàng nhưng cũng rất kiên cường, anh dũng như nhân vật chị Võ Thị Sáu, chị Phan Thị Ràng (nguyên mẫu của chị Sứ trong Hòn Đất của Anh Đức)… Trở lại với tác phẩm, cuối cùng, không phải bằng cách ép buộc “bạo lực” mà chỉ có tình yêu thương chân thành của ông Sáu mới khiến cho cô bé gọi ông bằng “Ba”. Và việc người cha cặm cụi làm chiếc lược ngà để tặng đứa con bé bỏng của mình như là một sự tất yếu chứng minh cho tình cảm cha con thiêng liêng đó. PGS.TS. Trần Hữu Tá đã rất đúng khi nhật xét: “Nguyễn Quang Sáng có một phong cách viết truyện ngắn độc đáo. Truyện thường lắm tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên nhưng tự nhiên; giàu chi tiết sống động và kỳ diệu nhưng hợp lý; tính kịch rất nổi nhưng cũng đậm chất trữ tình đôi khi pha chất hài hước rất có duyên” (Từ điển Văn học (Bộ mới), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004). Điều này ta bắt gặp rất nhiều trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng mà Chiếc lược ngà là một đỉnh cao của ông. Cách thức xây dựng tình huống truyện đầy tính bất ngờ, ngẫu nhiên của nhà văn có lẽ được kế thừa từ truyện kể dân gian và của các nhà văn Nam Bộ tiền bối như Hồ Biểu Chánh, Trần Quang Nghiệp…
Bằng tình yêu thương chân thành, hồn hậu đối với những người dân Nam Bộ quê hương mình, trong Chiếc lược ngà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng được hình tượng nhân vật đặc sắc với các chi tiết sinh động, chân thật thông qua một giọng điệu gần gũi, cảm động. Có thể nói, chính chất nhân văn thấm đẫm trong tác phẩm đã làm say mê không chỉ thế hệ hôm nay mà còn mai sau.
Những trải nghiệm khốc liệt
Độc giả không chỉ biết đến Nguyễn Quang Sáng với tư cách là một nhà văn Nam Bộ hào sảng, tự nhiên, phóng khoáng với chất nhân văn của con người miền sông nước Cửu Long trọng nghĩa tình, biết xả thân vì nghĩa lớn, nhưng cũng biết đau xót trước những mất mát, những nghịch cảnh éo le của cá nhân mà ông còn nổi tiếng là nhà viết kịch bản phim xuất sắc của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, kịch bản phim Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến) được xem là tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay. Phim được tặng Bông sen Vàng cho kịch bản, nam diễn viên chính, giải quay phim và Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam 1980, Giải đặc biệt của Liên đoàn báo chí quốc tế 1980, Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva 1981…
Kịch bản phim Cánh đồng hoang được ấp ủ từ năm 1966 khi ông đi thực tế về chiến trường Đồng Tháp Mười và ghi nhận được một số hình ảnh về chiến tranh Đồng Tháp Mười rất độc đáo... mãi cho đến ngày 18-12-1978 ông mới bắt đầu viết. Bối cảnh chỉ vỏn vẹn trên một cánh đồng hoang ở vùng Đồng Tháp Mười trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kịch bản xoay quanh cuộc sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước của vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ. Họ được bộ đội ta giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc giữa các đơn vị với nhau. Nguyễn Quang Sáng đã tập trung khai thác nhiều vào sự đối lập một bên là cuộc sống thường nhật của vợ chồng Ba Đô như việc trồng lúa, nuôi con, bắt trăn, bắt cá với một bên là những cảnh trực thăng của Mỹ quần thảo gần như suốt ngày đêm ở trên cánh đồng này nhằm săn lùng các đơn vị bộ đội du kích của ta. Khi Ba Đô hy sinh vì bị trực thăng Mỹ bắn trúng, vợ Ba Đô đã bắn cháy chiếc trực thăng để trả thù cho chồng.
Cánh đồng hoang cho thấy sự đa dạng nhưng cũng nhất quán trong phong cách nghệ thuật và bút pháp của Nguyễn Quang Sáng. Ở kịch bản này, nhà văn đã xây dựng nên một tình huống kịch độc đáo: một bên là sự khốc liệt của chiến tranh đối lập với một bên là sự hồn nhiên, yêu đời của người dân vùng Đồng Tháp Mười. Tính cách kiên cường, bất khuất mà vô cùng hồn hậu của các nhân vật trong Cánh đồng hoang cũng tiêu biểu cho tính cách không chỉ của người dân Nam Bộ mà còn là phẩm chất chung của người dân Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào cũng không chịu khuất phục trước bom đạn kẻ thù.
Về sau, Nguyễn Quang Sáng còn sáng tác nhiều kịch bản phim điện ảnh và truyền hình hay như Mùa gió chướng (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên), Pho tượng, Mùa nước nổi, Thời thơ ấu... và mới nhất là 30 tập phim truyền hình Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt. Cùng với các tác phẩm văn xuôi, những kịch bản phim của ông đã góp phần vẽ nên bức tranh đa dạng về cuộc sống và con người Nam Bộ sinh động và đặc sắc.
*
Có nhà nghiên cứu đã từng nói: Cuộc đời của mỗi nhà văn nếu tạo nên được một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác đã là vĩ đại rồi. Còn bản thân Nguyễn Quang Sáng cho rằng: “Nghệ thuật không có cái đỉnh cuối cùng. Có những cái đỉnh càng leo càng gần, nhưng cái đỉnh của nghệ thuật, của văn học càng leo càng thấy xa. Với tôi, văn học là con đường càng đi càng xa, đi mãi không dừng...”. Nhà văn Nam Bộ tài năng ấy đã tạo nên hai đỉnh cao trong suốt hơn 60 năm cầm bút của mình: Một ở thể loại văn xuôi với truyện ngắn Chiếc lược ngà; và một ở thể loại kịch với kịch bản phim Cánh đồng hoang. Đó là điều mà bất cứ người cầm bút nào cũng đều mơ ước.
Trung Nhân
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
"Nghệ thuật không có cái đỉnh cuối cùng. Có những cái đỉnh càng leo càng gần, nhưng cái đỉnh của nghệ thuật, của văn học càng leo càng thấy xa. Với tôi, văn học là con đường càng đi càng xa, đi mãi không dừng...". Nguyễn Quang Sáng
|
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực