Học thuyết an ninh Châu Á của Trung Quốc bị bóc trần tại đối thoại Shangri-la 2014

Ngày đăng: 13/06/2014 - 14:06

Năm nay, Trung Quốc cử một đoàn đại biểu “hùng hậu” tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, được tổ chức tại Xingapo từ ngày 30-5 đến 1-6-2014. Với ý định sử dụng “sức mạnh mềm” để thể hiện sự “trỗi dậy hòa bình” của mình ở diễn đàn quan trọng này, nhưng đoàn Trung Quốc đã hoàn toàn bị thất thủ do hành động thực tế của Trung Quốc luôn đi ngược lại những tuyên bố “hòa bình” đề ra trong học thuyết của họ.

trtuong

Trung tướng Vương Quán Trung (phải), Phó tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Shangri-La - Ảnh Reuters

Tham dự Đối thoại Shangri-La năm 2014 có khoảng 400 chuyên gia và quan chức quốc phòng đến từ 27 nước, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Anh, Malaixia, Inđônêxia, Ôxtrâylia, Việt Nam, Xingapo, Pháp, Niu Dilân. Phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay do bà Phó Oánh (Fu Ying), cựu Thứ trưởng Ngoại giao, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, dẫn đầu. Ngoài ra, tham gia Đoàn Trung Quốc còn có Phó Tổng Tham mưu trưởng Vương Quán Trung và 11 chuyên gia cao cấp.

Đặc điểm của Đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La 2014

Đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2014 có hai điểm rất đáng chú ý.

Một là, do một phụ nữ làm trưởng đoàn. Theo giới phân tích, đây là một thủ thuật ngoại giao của Trung Quốc. Với việc cử bà Phó Oánh làm Trưởng đoàn, Trung Quốc có ý định sử dụng hình ảnh mềm mại của phụ nữ để làm dịu bớt tính thô bạo và ngang ngược của họ trong việc sử dụng cả tàu chiến và máy bay hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như đạo lý của quan hệ Trung - Việt được xây dựng trên cơ sở “16 chữ vàng” và “4 tốt”.

Hai là, rất đông các chuyên gia cao cấp đi cùng, trong đó có Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, để có thể tham gia nhiều cuộc hội thảo bàn tròn và gặp gỡ giới báo chí nhằm thực hiện chiến dịch tuyên truyền về chính sách “trỗi dậy hòa bình” và Học thuyết an ninh châu Á sẽ được bà Phó Oánh và ông Vương Quán Trung “trình làng”  tại Hội nghị. Đây là chiến thuật “cả vú lấp miệng em” xưa nay Trung Quốc vẫn áp dụng trong chiến lược đối ngoại của họ với các nước.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), Trung Quốc cử đoàn đại biểu “hùng hậu” tham dự Đối thoại Shangri-La 2014 với mục đích biện minh cho các hành động phi pháp của họ tại Biển Đông và sẵn sàng “khẩu chiến” đáp trả sự chỉ trích từ các phía. Sự xuất hiện của ông Vương Quán Trung, người được đánh giá là “một trong những nhà chiến lược chiến tranh tuyên truyền xuất sắc nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chứng tỏ ý đồ của Trung Quốc là duy trì chủ quyền thực tế trên biển bằng chiến tranh chính trị”.

Học thuyết an ninh châu Á của Trung Quốc

Nội dung Học thuyết an ninh châu Á do Trung Quốc đề xuất đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày tại Hội nghị hợp tác và củng cố lòng tin ở châu Á tổ chức ở Thượng Hải ngày 21-5-2014. Tại Đối thoại Shangri-La 2014, bà Phó Oánh và ông Vương Quán Trung cũng giới thiệu nội dung học thuyết này.

Nội dung cốt lõi của học thuyết này là an ninh của châu Á phải do các nước ở châu lục này tự giải quyết. Diễn giải về Học thuyết an ninh châu Á tại Đối thoại Shangri-La 2014, ông Vương Quán Trung nói: “Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng sức mạnh quân sự đe dọa các nước khác, không bao giờ tự mình gây hấn và Trung Quốc tuyệt đối không chấp nhận hành động khiêu khích từ các nước khác”.

Ý đồ thâm sâu ẩn chứa trong Học thuyết an ninh châu Á do Trung Quốc đề xuất là muốn loại bỏ vai trò của Mỹ và các nước khác trong việc bảo đảm an ninh cho châu lục này, cũng có nghĩa là thách thức chiến lược “xoay trục” của Mỹ. Hơn ai hết, Bắc Kinh nhận thấy Mỹ có vai trò không thể thiếu trong việc tái cân bằng cán cân chiến lược để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và cũng là vật cản đối với tham vọng bá chủ châu Á và độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Học thuyết an ninh châu Á bị bóc trần

Ẩn ý trong Học thuyết an ninh châu Á đã bị bóc trần trong các cuộc thảo luận và chất vấn đoàn Trung Quốc ngay tại Đối thoại Shangri-La 2014 do hành động thực tế của Trung Quốc đã hoàn toàn đi ngược lại những tuyên bố “hòa bình” đề ra trong học thuyết này.

Chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2014 được nhiều diễn giả, học giả tham dự diễn đàn quan tâm nhất là hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại về hành động này của Trung Quốc. Trong bài phát biểu tham luận đề dẫn tại Đối thoại Shangri-La lần này, cũng như trả lời phỏng vấn các nhà báo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bóc trần tính chất nguy hiểm trong chính sách ngang ngược và cường quyền của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Abe đề xuất 3 nguyên tắc giải quyết tranh chấp phù hợp với quan điểm của ViệtNam: (1) dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; (2) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; (3) thông qua đối thoại. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philíppin kêu gọi giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông dựa trên 3 nguyên tắc trên và ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại an ninh Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cáo buộc Trung Quốc ngăn cản Philíppin tiếp cận bãi cạn Scarborough; tuyên bố rằng Mỹ kiên quyết phản đối việc bất cứ quốc gia nào hăm dọa, ép buộc hoặc đe dọa bằng vũ lực để đòi hỏi chủ quyền. Ông Chuck Hagel nhấn mạnh rằng Mỹ cam kết thực hiện tái cân bằng địa - chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương, sẽ không làm ngơ nếu các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức và Mỹ vẫn sẽ duy trì sự hiện diện quân sự của mình ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2014 đã tận dụng cơ hội để lớn tiếng chỉ trích vô căn cứ đối với Mỹ và Nhật Bản. Nhận xét về phản ứng của các đại biểu Đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2014, nhà nghiên cứu Richard Fisher tại Trung tâm Đánh giá chiến lược quốc tế nhận xét: “Sứ mệnh của ông Vương Quán Trung tại Đối thoại Shangri-La 2014 là hăm dọa cả Mỹ, Nhật Bản. Ông Vương đã ra sức bào chữa cho những lỗi lầm của Trung Quốc trong việc gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Cách phản ứng ngoa ngôn của ông Vương đã nhanh chóng lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, được đem ra bình luận, mổ xẻ trên mạng xã hội khắp thế giới, bóc trần bản chất và tham vọng bá quyền trong thông điệp của Trung Quốc”.

Theo một báo cáo trong Dự án 2049, sản phẩm của một nhóm nghiên cứu an ninh ở Virginia (Mỹ), Trung Quốc đặc biệt chú trọng chiến tranh tuyên truyền để dẫn dắt tiến trình quốc tế, gây ảnh hưởng đến các nước bạn bè hay kẻ thù. Đối với Trung Quốc, chiến tranh thông tin chính trị còn là công cụ quan trọng để hủy hoại lý lẽ của kẻ thù, tạo lập sự ủng hộ trong nước và quốc tế. Ông Richard Fisher cho rằng, tại Đối thoại Shangri-La 2014, Trung Quốc đang thực hiện chiến tranh thông tin chính trị không phải là để giành phần thắng trong cuộc chiến tranh pháp lý, mà là sử dụng ngôn từ thù địch để hù dọa Tokyo và Washington. Richard Fisher cho rằng, dụng ý của Bắc Kinh là để cho giới hoạch định chính sách ở châu Á nhận thấy là “Trung Quốc đủ điên rồ để tấn công nước khác”, từ đó buộc các nước phải lùi bước cho Trung Quốc kiểm soát Biển Đông như là “ao nhà” của họ. Ông Richard Fisher cho rằng, hành động của Trung Quốc đã gây ra tác dụng ngược, khiến Mỹ, Nhật Bản và các nước khác phối hợp hành động chung để đối phó với hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Sau khi tướng Vương Quán Trung của Trung Quốc đọc xong bản tham luận tại Đối thoại Shangri-La 2014, nhiều chuyên gia đã chất vấn ông nhiều vấn đề. Thí dụ, ông William Chong, một chuyên gia nghiên cứu của Xingapo, đưa ra những câu hỏi: “Tại sao Trung Quốc không giải thích rõ “đường 9 đoạn” ở Biển Đông theo các nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển? Tại sao Trung Quốc không cùng với ASEAN sớm kết thúc Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, có thể vào cuối năm nay?”. Còn ông Singh, một chuyên gia nghiên cứu Ấn Độ, thì chất vấn: “Tôi không hiểu nổi tại sao sau khi thông qua Công ước LHQ về Luật biển, việc nước ông vẽ ra “đường 9 đoạn” trên biển là thế nào?”. Ông Dmitri Sevatopol đến từ báo Financial Times (Anh) đặt câu hỏi: “Về “đường 9 đoạn”, ông có thể đơn giản cho tôi biết, nó là gì để mọi người hiểu rõ hơn. Và thứ hai, Trung Quốc nói rằng chỉ đáp lại những hành động khiêu khích, vậy Việt Nam đã có hành động khiêu khích gì tại Hoàng Sa để các ông đưa giàn khoan ra khu vực đó?”.

Với lý do là hạn chế thời gian, tướng Vương Quán Trung né tránh nhiều câu hỏi chất vấn, mà chỉ dành thời gian để trả lời về “đường 9 đoạn” với những cái gọi là “bằng chứng” mà chính ông cũng không thể đề cập cụ thể. Về vai trò của Công ước LHQ về Luật biển, tướng Vương Quán Trung lập luận rằng, văn kiện này có hiệu lực năm 1994, nhưng Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán với các đảo ở Biển Đông được hình thành trên 2.000 năm nay. Vì thế, theo Trung Quốc, Công ước không thể áp dụng được với họ. Phản đối lập luận này của tướng Vương Quán Trung, ông Fredy Gsteiger, Phó Tổng biên tập Đài phát thanh SRF của Thụy Sĩ, nhận xét rằng, đó là sự giải thích đáng lo ngại. Ông Fredy Gsteiger phân tích: “Thế giới đã thiết lập Công ước LHQ về Luật biển là để tìm ra giải pháp cho những xung đột như ở Biển Đông, còn Trung Quốc lại nói rằng họ không muốn chấp nhận giải quyết thông qua tòa án. Vậy thì công ước này ra đời để làm gì? Đó là điều khó hiểu”. Còn Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Ôxtrâylia) nhận xét: “Trung Quốc đơn phương giải thích luật quốc tế theo cách của họ: Trung Quốc luôn nói là có luật lệ quốc tế khác. Tôi vẫn luôn hỏi Trung Quốc là “luật khác” đó là luật gì? Thế rồi họ vận dụng chứng cứ lịch sử, nhưng đó lại là lịch sử được nhào nặn”.

Với những gì vừa diễn ra tại Đối thoại Shangri-La 2014, cái gọi là “Học thuyết an ninh châu Á” do Đoàn Trung Quốc diễn giải tại hội nghị này đã bị đặt một dấu hỏi lớn, nếu không muốn nói là phá sản. Trên thực tế, cái gọi là “học thuyết” đó chỉ là nhằm che đậy “tham vọng bá quyền của Trung Quốc” ở châu Á, trước hết là tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Ngô Quyền


Bình luận