Hiệp định Geneva trong cách nhìn của những người bạn Pháp

Ngày đăng: 21/07/2014 - 15:07

hiep dinh 21-7b

Đạo diễn Daniel Roussel và nhà sử học Alain Ruscio trả lời phỏng vấn TTXVN.

(Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Hội nghị Geneva là một thành công xét ở khía cạnh cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, nó đã chấm dứt trên thực tế cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam đồng thời buộc các bên tham gia công nhận quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Đây là nhận định chung của nhà sử học Alain Ruscio, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam đương đại, và đạo diễn người Pháp Daniel Roussel, người đã thực hiện nhiều bộ phim về đề tài lịch sử Việt Nam, trong các cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20-7-1954 - 20-7-2014).

Theo nhà sử học Alain Ruscio, Hội nghị Geneva diễn ra từ ngày 8-5-1954 đến ngày 21-7-1954 là một diễn đàn quốc tế đa phương bị các nước lớn chi phối, Hội nghị diễn ra hết sức phức tạp với các cuộc thương lượng vô cùng căng thẳng.

Giai đoạn đầu, chiến tranh Đông Dương chỉ là cuộc chiến giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng sau đó đã nhanh chóng trở thành một cuộc chiến tranh quốc tế vào thời điểm đế quốc Mỹ ủng hộ thực dân Pháp bằng cách cấp 3/4 ngân sách cho cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, trong khi đó Việt Nam cũng nhận được sự trợ giúp của Liên Xô và Trung Quốc. Chính vì vậy, ở một thời điểm nào đó, cuộc chiến này không còn chỉ giới hạn trong phạm vi Pháp - Việt, mà đã trở thành một cuộc chiến mang ý nghĩa quốc tế. 

Ông Ruscio cũng cho rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên ở Bắc Á và cục diện cuộc Chiến tranh Lạnh có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới mới là những lý do khiến các cường quốc lớn quyết định cùng tham dự Hội nghị Geneva bên cạnh các đại diện của Pháp.

Ông nhấn mạnh hai mục tiêu mà Việt Nam kiên định trong suốt quá trình đàm phán đó là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước: "Các đại diện Việt Nam luôn đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ của mình. Họ kiên quyết bảo vệ sự thống nhất của đất nước, bởi vì người Pháp luôn có ý đồ chia cắt Việt Nam thành nhiều mảnh. Sự thống nhất của Việt Nam có một ý nghĩa rất quan trọng."

Ông Ruscio cũng chỉ rõ là các phái đoàn khác đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề này: "Họ cho rằng trước hết cần chấm dứt chiến tranh Việt Nam, sau đó mới nghĩ đến tương lai. Đó là lý do giải thích tại sao thỏa hiệp Geneva muốn chia cắt Việt Nam làm hai. Đó là một thỏa hiệp có thể không tránh được trong những điều kiện lúc bấy giờ. Trên thực tế, nó đã gây tổn hại cho các lợi ích của Việt Nam, vì quân đội nhân dân Việt Nam đã kiểm soát một phần lớn lãnh thổ vượt xa vĩ tuyến 17, vươn tới vĩ tuyến 13. Tương quan lực lượng trên thực địa rất thuận lợi cho quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, các phái đoàn Pháp, Mỹ và Anh đã thao túng cuộc chơi của phương Tây, phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã không nhận được sự hậu thuẫn cần thiết."

hiep dinh 21-7a

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (ngồi bên phải), phái đoàn Việt Nam DCCH và tướng Pháp Henri Delteil, Quyền tổng Tư lệnh lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, phái đoàn Pháp ký Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Về thành công của hội nghị, nhà sử học Alain Ruscio nhấn mạnh việc Hội nghị Geneva đã chấm dứt trên thực tế một cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam, Pháp đã phải thừa nhận thất bại, đặc biệt sau chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Pháp và quân đội bù nhìn của Bảo Đại đã không thể đứng vững trên thực địa để tiếp tục cuộc chiến, vì vậy, việc cuộc chiến này phải chấm dứt trong một lợi ích chung. Các bên tham gia cũng đã cam kết tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 

"Hội nghị Geneva cũng đã vạch định việc phân chia Việt Nam ở vĩ tuyến 17 và tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước trong vòng hai năm sau khi Hiệp định được ký kết. Giới quan sát ai cũng biết rằng thời kỳ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo cực kỳ được lòng dân và trong điều kiện như vậy, nếu được tôn trọng thì Hiệp định Geneva sẽ dẫn tới sự tái thống nhất hòa bình của Việt Nam năm 1956. Tuy nhiên, Hiệp định đã không được tôn trọng trên thực tế".

Ông cũng lên án các nhà lãnh đạo Pháp lúc bấy giờ, đặc biệt là Thủ tướng Pierre Mendès France đã có những tính toán rất tội lỗi đối với Việt Nam khi triển khai chính sách tiếp sức cho chính sách xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Ông cũng cho rằng Hiệp định Geneva đã góp phần vào việc làm sụp đổ hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới. Qua theo dõi cuộc chiến tranh Việt Nam và Hội nghị Geneva, các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới tự nhủ rằng có thể khuất phục chủ nghĩa thực dân bằng các biện pháp chính trị - quân sự hoặc bằng các hình thức chính trị chứ không phải chỉ sử dụng các hình thức đấu tranh quân sự.

Về phần mình, đạo diễn Daniel Roussel đã tố cáo sự dàn xếp của các nước lớn. Ông cho rằng nước Mỹ lúc bấy giờ đang triển khai học thuyết nhằm ngăn cản sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, chính vì vậy, Mỹ muốn chiến tranh chấm dứt nhưng với những điều kiện do họ áp đặt. 

Họ muốn chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ít quyền lực nhất, trên vùng lãnh thổ có phạm vi hẹp nhất có thể. Vì lẽ đó, các cuộc thương thảo diễn ra hết sức căng thẳng, chủ yếu xoay quanh việc chọn vĩ tuyến chia cắt Việt Nam. Bên cạnh đó, các nước khác đến tham dự hội nghị đều có những tính toán riêng. Khi ấn định vĩ tuyến 17, các nước muốn dựng lên một rào cản không cho chủ nghĩa cộng sản phát triển vào phía Nam và lan rộng sang các nước Đông Nam Á khác.

Về những bài học kinh nghiệm từ Hội nghị Geneva, đạo diễn Daniel Roussel cho rằng Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quý báu về đàm phán ngoại giao, các bài học đó đã được áp dụng sáng tạo và hiệu quả trong các giai đoạn cách mạng sau này. 

"Hiệp định Geneva đã cho Việt Nam rất nhiều điều quý giá. Trước tiên, Pháp buộc phải rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Việt Nam cũng nhận thức rõ hơn tương quan lực lượng giữa cuộc chiến đấu trên chiến trường và các cuộc thương lượng bên bàn đàm phán. Sau này, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với phía Mỹ nhằm tránh việc bị các nước khác chi phối. Có thể kể ra đây các cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ và cố vấn của Tổng thống Mỹ Henry Kissinger".

Ngoài ra, Việt Nam cũng rút ra bài học về sự ứng xử quốc tế. Ông cho rằng điều này được thể hiện rõ trong giai đoạn hiện nay. Sự khéo léo của ngoại giao Việt Nam là Việt Nam biết thiết lập quan hệ với tất cả các nước, trong đó có cả những nước trước đây từng là kẻ thù của mình như Pháp và Mỹ. Việt Nam là một thành viên của cộng đồng quốc tế và là một đất nước được yêu mến trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam biết cách để cho cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ mình khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Có được điều đó là do Việt Nam biết rút ra những bài học từ Hội nghị Geneva.

Theo TTXVN


 
Bình luận