Hiệp định Giơnevơ 1954 - Một thắng lợi trên con đường cứu nước

Ngày đăng: 20/07/2014 - 14:07

Cách đây 60 năm, ngày 21-7-1954 Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Đây là bản Hiệp định thứ hai giữa ta và Pháp kể từ sau Hiệp định sơ bộ năm 1946. Trong khoảng thời gian 9 năm giữa hai hiệp định đã diễn ra bao sự đổi thay. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã giành được nhiều chiến thắng vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong thời gian này, Chính phủ Pháp đã thay đổi tới 20 nội các, cử 13 chính khách và danh tướng sang Đông Dương cùng hàng vạn quân lính. Lại thêm sự can thiệp của Mỹ, cung cấp cho Pháp tới 73% chi phí chiến tranh bằng tiền bạc, bom đạn, máy bay và các loại vũ khí tối tân nhưng vẫn không cứu vãn nổi tình hình.

gionever5

Tướng Pháp Đenthây (bên trái) và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu

ký Hiệp định Giơnevơ tháng 7-1954. Ảnh tư liệu

Cuối cùng, sau hai tháng rưỡi đàm phán, Hội nghị đã kết thúc thành công, nhân dân ta đã giành được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 1946, trong Hiệp định sơ bộ, đại biểu Pháp cố tránh né từ “độc lập” mà chỉ công nhận Việt Nam là một “quốc gia tự do” với nội hàm khá mơ hồ thì sau 9 năm kháng chiến, tại Giơnevơ, “Hội nghị tuyên bố đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” và “Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Campuchia, Lào và Việt Nam”. Cũng năm 1946, ta phải nhân nhượng, chấp nhận cho 15 nghìn quân Pháp vào miền Bắc vĩ tuyến 16 để thay thế 20 vạn quân Tưởng rút về nước thì Hiệp định Giơnevơ quy định quân Pháp phải tập kết ở phía nam vĩ tuyến 17 để sau đó rút khỏi Đông Dương: “Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp nói rằng sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi Campuchia, Lào và Việt Nam”.

Như vậy, Chính phủ Pháp đã chính thức tuyên bố với sự chứng nhận quốc tế về 2 điều cơ bản là công nhận nền độc lập của Việt Nam và sẽ rút quân khỏi Việt Nam, điều mà trong Hiệp định sơ bộ ta chưa đạt được. Đó chính là kết quả của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, của những chiến thắng vang dội trên chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Trong Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có viết: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đoàn kết, nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng”.

Tuy vậy, cũng còn có những vấn đề chưa được giải quyết: Đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, hai miền Nam-Bắc tạm thời bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17 với thời hạn 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử. Trong tương quan lực lượng ta - địch và trong bối cảnh quốc tế lúc đó, khi mà các nước lớn có xu hướng hòa hoãn thì đây là một điểm dừng cần thiết, một quyết định sáng suốt. Ngay sau đó, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã phá hoại việc thi hành Hiệp định, cuộc tổng tuyển cử đã không diễn ra, nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ.

gionever4

Sau 60 năm nhìn lại, vẫn nguyên giá trị những ý nghĩa lịch sử của bản Hiệp định Giơnevơ. Hiệp định đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp mà quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được các nước, kể cả nước Pháp, cam kết tôn trọng. Đó chính là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh tiếp theo chống đế quốc Mỹ xâm lược nước ta. Đó cũng là kết quả của một đường lối đúng đắn - đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời đó là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận: mặt trận chính trị, mặt trận quân sự, mặt trận ngoại giao trong cuộc đấu tranh chống thực dân, là minh chứng hùng hồn của chính sách đoàn kết-đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế. Trong lịch sử thế giới, hiếm có một cuộc đấu tranh nào như cuộc kháng chiến của chúng ta giành được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân Pháp, các nhân sĩ và những người yêu chuộng hòa bình thế giới. Với những quyết định của Hội nghị Giơnevơ, miền Bắc được giải phóng, nhân dân ta xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng. Thắng lợi của Việt Nam được coi như một đóng góp tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Thắng lợi vẻ vang đó, một lần nữa được lặp lại trên một tầm cao hơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những chiến công to lớn của quân, dân ta trên chiến trường, đặc biệt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã buộc đế quốc Mỹ phải đàm phán với ta trong suốt thời gian dài 5 năm đầy trắc trở, để cuối cùng đi đến việc ký kết Hiệp định Pari vào tháng 1-1973. Theo đó, Mỹ phải công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam “như Hiệp định Giơnevơ đã công nhận”. Quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam trong vòng 60 ngày, điều mà 19 năm trước, Mỹ tự cho mình cái quyền xâm lược Việt Nam với sự thành lập SEATO. Mỹ phải công nhận ở miền Nam có hai vùng kiểm soát, hai chính phủ, hai quân đội và ba lực lượng chính trị. Có nghĩa là Mỹ phải công nhận địa vị hợp pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, điều mà khi mới bước vào đàm phán, Mỹ cố tình lẩn tránh.

Sau đó 2 năm, bằng chiến thắng vang dội tháng 4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà, non sông liền một dải. Hiệp định sơ bộ 1946, Hiệp định Giơnevơ 1954, Hiệp định Pari 1973 có thể coi như 3 nấc thang trên cuộc hành trình ba mươi năm, đã đưa toàn dân tộc Việt Nam lên đỉnh vinh quang năm 1975 - Độc lập, Tự do và Thống nhất Tổ quốc.

GS. NGND VŨ DƯƠNG NINH

(Theo QĐND)

Bình luận