Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với các cam kết trong ASEAN

Ngày đăng: 25/12/2015 - 08:12

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến tới việc hình thành một cộng đồng thống nhất - Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Để bảo đảm cho việc gia nhập Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã chủ động rà soát về tính tương thích của pháp luật Việt Nam hiện nay với các điều ước quốc tế trong ASEAN.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp 

Vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế là một trong 6 định hướng lớn trong Nghị quyết 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Sau 10 năm triển khai thực hiện, pháp luật về hội nhập quốc tế được tăng cường, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Luật Tương trợ tư pháp, Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế được ban hành đã hình thành khung pháp luật thống nhất cho việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế và hoạt động tương trợ tư pháp, cũng như tạo cơ chế để bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam. 

Trong giai đoạn 10 năm từ 2005 đến 2015, Việt Nam đã ký kết trên 600 điều ước quốc tế về thương mại và công nghiệp, đồng thời là đối tác chiến lược, thành viên của nhiều diễn đàn, tổ chức kinh tế - quốc tế. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp đã được đẩy mạnh thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế song phương, từng bước tham gia các thiết chế đa phương, khu vực về tương trợ tư pháp, giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư. 

Cùng với việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cơ bản đã theo kịp và tương thích với hầu hết các nguyên tắc, tập quán quốc tế, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, tương trợ tư pháp, chống tội phạm, chống rửa tiền, chống tham nhũng. 

Phù hợp với các cam kết trong ASEAN 

Để bảo đảm tính tương thích của pháp luật Việt Nam hiện nay với việc gia nhập Cộng đồng ASEAN, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát pháp luật Việt Nam với điều ước quốc tế trong ASEAN. Theo đó, trong các năm 2010, 2011 và 2013, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành với các điều ước quốc tế về kinh tế, thương mại trong khuôn khổ ASEAN. 

Trong năm 2015, để phục vụ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tiến hành rà soát tổng thể thực trạng và mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam hiện hành với các điều ước quốc tế trong khuôn khổ ASEAN trên cả ba trụ cột: An ninh - Chính trị, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Trong hợp tác ASEAN, ngoài các điều ước quốc tế giữa các thành viên nội khối, còn có các điều ước quốc tế được ký giữa ASEAN và các nước thứ ba. Tuy nhiên, hoạt động rà soát của Bộ Tư pháp chỉ tập trung vào các điều ước quốc tế nội khối ASEAN, vì đây là những điều ước quốc tế trực tiếp phục vụ mục đích hình thành Cộng đồng ASEAN. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, qua tổng hợp kết quả rà soát pháp luật trong ASEAN cho thấy, đến ngày 15-7-2015, tổng số văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương được rà soát có liên quan đến cam kết của Việt Nam trong ASEAN là 506 văn bản, bao gồm 83 luật, 4 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 8 pháp lệnh, 162 nghị định của Chính phủ, 34 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 16 thông tư liên tịch, 199 thông tư/quyết định của các bộ, ngành. Số lượng các điều ước quốc tế của ASEAN được rà soát là 41 điều ước quốc tế. 

Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành với các điều ước quốc tế trong ba lĩnh vực an ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trong ASEAN cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong ASEAN và đáp ứng được việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, trừ một số ít vấn đề kỹ thuật có thể cần cụ thể hóa hơn. 

Với thực trạng hội nhập trong khuôn khổ ASEAN, tác động của việc gia nhập cộng đồng ASEAN đối với hệ thống pháp luật Việt Nam là không lớn. Kết quả rà soát cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam đã phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong ASEAN và đã đáp ứng được yêu cầu của việc tham gia xây dựng hình thành Cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, điều rút ra được từ rà soát pháp luật là hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn tiếp cận ở tình trạng “thụ động” tức là cố gắng không vi phạm cam kết quốc tế mà còn ít “chủ động” tức là khai thác các “cơ hội” hay “kẽ hở” của các điều ước quốc tế để chủ động, chiếm lĩnh thành công không chỉ tại Việt Nam mà cả các thị trường nước khác trong ASEAN. 

Thách thức trong việc hài hòa hóa hệ thống pháp luật 

Trong những năm qua, hướng đến mục tiêu trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, vững mạnh về kinh tế và đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia vào năm 2015, các nước ASEAN đã ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng, như Hiến chương ASEAN năm 2007, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN năm 2009, Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN năm 2009, Nghị định thư về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN năm 2010, Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân năm 2013... Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá, mặc dù ASEAN đã hội nhập trong thời gian dài và đang tiến tới hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015, nhưng hiện nay hợp tác trong ASEAN vẫn tập trung nhiều vào hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Trong tổng số 41 điều ước quốc tế được rà soát, có đến 28 điều ước quốc tế điều chỉnh lĩnh vực kinh tế, thương mại. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội thuộc Cộng đồng An ninh - Chính trị và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội chưa được quan tâm thúc đẩy. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, hiện hệ thống các điều ước quốc tế ASEAN rất phức tạp với một số lượng lớn các điều ước quốc tế giữa 10 nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước, tổ chức quốc tế ngoài ASEAN. Đó là còn chưa kể đến các điều ước mà một số nước ASEAN ký với các nước khác ngoài ASEAN. Hệ quả là rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong việc tiếp cận, hiểu đúng và quan trọng hơn là áp dụng các điều ước trên thực tế. Thêm vào đó, lời văn các điều ước quốc tế trong ASEAN chủ yếu thể hiện thiện chí hợp tác của các nước thành viên hơn là các cam kết pháp lý mạnh mẽ như mong muốn của các nước thành viên khi thông qua Hiến chương ASEAN 2007. Hầu hết các điều ước quốc tế trong khuôn khổ ASEAN có lời văn mang tính chất chung chung dẫn đến việc khó hiểu, khó thực hiện, tính ràng buộc về pháp lý không cao. Vì vậy, việc đánh giá tác động của các điều ước quốc tế này đối với hệ thống pháp luật Việt Nam khó có thể lượng hóa được. Hơn nữa, hệ thống pháp luật của các nước ASEAN là đa dạng, một số nước còn có cả pháp luật tôn giáo. Đồng thời, hệ thống tư pháp giữa các quốc gia thành viên hiện nay còn có sự khác biệt khá lớn ở các cấp độ phát triển khác nhau. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, việc hài hòa hóa hệ thống pháp luật chung của 10 nước ASEAN để phục vụ cho Cộng đồng ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo Thông tấn xã Việt Nam


Bình luận