Hậu quả của chiến tranh hóa học ở Việt Nam - những điều đã biết và chưa biết

Ngày đăng: 09/08/2012 - 15:08

Một trong những thảm họa môi trường rộng lớn nhất mà con người gây ra trong lịch sử là chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam. Giữa năm 1961 và năm 1971[1], khoảng 19,5 triệu gallon[2] (xấp xỉ 73 triệu lít) chất độc hóa học, trong đó có hơn 12 triệu gallon chất da cam có chứa dioxin đã được rải xuống miền Nam Việt Nam và các nước láng giềng Lào, Campuchia. Mục đích của chiến dịch này (Ranch Hand - bàn tay trang trại), là làm trụi lá khu rừng rậm trong lục địa và rừng ngập mặn ven biển để dễ quan sát và ngăn cản sự phục kích của đối phương. Mục đích khác là để tàn phá mùa màng “bất lợi” và phát quang cây cối xung quanh các căn cứ quân sự, khu vực đóng quân, lều trại và các con đường mòn. Trong tổng số lít chất độc được sử dụng, có hơn 80% được rải xuống các cánh rừng và thực vật thân gỗ[3]. Trong nghiên cứu gần đây, Stellman và cộng sự ước tính rằng có hơn 3.000 trong số 20.000 ngôi làng của miền Nam Việt Nam đã bị phơi nhiễm trực tiếp bởi chất da cam và gần 5 triệu người, một con số cao hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, có thể đã bị nhiễm.

Chất da cam[4] được rải chủ yếu từ máy bay C123 và trực thăng, và còn do những người lính mặt đất phun từ thùng sau xe tải và từ bình phun đeo đằng sau lưng những người lính bộ. Lính hải quân cũng rải chất diệt cỏ dọc các bờ sông. Một số nguồn dữ liệu, trong đó có bản đồ, đã chỉ ra khu vực nào bị rải nhiều và thường xuyên. Tóm lại, những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Nam Việt Nam là:

1. Vùng phi quân sự hóa (Quảng Trị ngày nay) và các tỉnh phía Nam của vùng này: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định;

2. Dải đất phía Tây cao nguyên miền Trung dọc biên giới Lào và Campuchia (các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk);

3. Vùng đất rộng lớn ở phía Nam của cao nguyên miền Trung giáp biên giới Campuchia: ngày nay là Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai, nơi mà quân đội Mỹ tin rằng đó là “cửa ngõ” của đường mòn Hồ Chí Minh vào Việt Nam (từ Lào và Campuchia). Vùng đất này được gọi là Tam giác sắt, bao gồm Bời Lời (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), Bến Cát (Bình Phước) và Ho Bo (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh);

4. Vùng rừng Sác trước đây, thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay - một vùng rừng ngập mặn khoảng 80 km trải dài từ phía đông nam của thành phố tới biển; và phía đông bắc của vùng này: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận ngày nay.

5. Rừng ngập mặn ở phía Tây và Nam bờ biển Việt Nam: tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau ngày nay.

Tấn công bằng chất diệt cỏ trong đất liền và vùng rừng ven biển[5]

Theo như Westing (1984), mục tiêu chính của việc rải chất diệt cỏ là vùng rừng rậm nằm sâu trong lãnh thổ, được coi là “quan trọng bậc nhất về quân sự của các vùng đất miền Nam Việt Nam”. Theo cách diễn đạt khác, đó là vùng rừng bao phủ các căn cứ và các đường giao thông quân sự của Quân giải phóng. Khoảng 1,4 triệu hécta, hoặc là 14% trong tổng số rừng cây của Việt Nam bị rải ít nhất là 1 lần. Đất rừng rậm ở vùng 3 (xem ở trên) đặc biệt bị tổn hại nặng nhất. ở vùng đất rừng đã hơn 1 lần bị rải (xảy ra trên khoảng 34% vùng đất bị rải), mức độ chết của cây tăng lên với mỗi lần rải và dẫn đến trụi cả tán lá trên cùng và những tầng thấp hơn. Về khía cạnh kinh tế, việc rải chất hóa học này ở rừng rậm trong đất liền Việt Nam dẫn đến mất khoảng 20 triệu mét khối gỗ từ cây gỗ lâu năm có tính kinh tế. Hiển nhiên rằng chim chóc và động vật hoang dã cũng bị tấn công nghiêm trọng.

Rừng ngập mặn (ven biển) nhạy cảm hơn đối với việc rải chất diệt cỏ. “Hầu như không có gì còn sống sót thậm chí chỉ sau một lần tấn công”. Ước chừng khoảng 40% tổng số rừng ngập mặn ở miền Nam Việt Nam đã bị như vậy. Lưu ý rằng, rừng ngập mặn là nơi cư trú của rất nhiều thực vật thủy sinh làm trầm trọng thêm những tác động nguy hiểm của chất diệt cỏ. Theo Westing (1984), rừng ngập mặn là hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề nhất do chiến tranh.

Rải chất hóa học lên cây nông nghiệp

Ước tính sự phá hủy mùa màng bằng chất độc hóa học ảnh hưởng khoảng 236 ngàn hécta đất nông nghiệp ở miền Nam Việt Nam một hoặc nhiều lần (khoảng 8% tổng diện tích đất). Thêm vào đó, ít nhất có hơn 8 nghìn hécta đất canh tác bị rải ở Lào và Campuchia. Rải chất hóa học lên đất canh tác dẫn đến hủy hoại nguồn thực phẩm ngay lập tức. Cũng như thế, ước tính khoảng 30% trong số 13 nghìn hécta rừng cây cao su ở miền Nam Việt Nam đã bị tàn phá. Bàn về những tác động lâu dài lên động, thực vật, Westing (1984) trích dẫn từ các tác giả có đóng góp, ước tính cần phải mất từ 8 đến 10 thập kỷ nữa để đất đai ở các khu vực này có thể trở lại như trước khi lần rải đầu tiên diễn ra. Việc dân làng đốt để loại bỏ cỏ dại lặp đi lặp lại (gây ra do rải chất hóa học) cũng ngăn cản cây cối mọc trở lại. Những hậu quả lâu dài khác là làm mất chất dinh dưỡng và xói mòn đất. Các nghiên cứu cũng chỉ ra sự giảm đột ngột số lượng các loài động vật hoang dã. Ví dụ, khi so sánh với những vùng rừng không bị tàn phá, có đến 170 loài chim trong khi chỉ có 24 loài được tìm thấy ở vùng rừng bị hủy hoại mà giờ đây đã trở thành vùng đất chỉ còn cây bụi. Những con số tương tự cũng được ghi nhận ở động vật có vú (55 so với 5). Tầng thấp của rừng ngập mặn được xem là sẽ mọc lại sau một hoặc hai thập kỷ nữa. Nghề đánh cá (nước ngọt) cũng bị ảnh hưởng vì tảo và động vật không xương sống là nguồn cung cấp thức ăn cho cá đã bị giảm nghiêm trọng do việc rải chất hóa học.

Những ảnh hưởng trực tiếp của việc rải chất hóa học đối với con người[6]

Khi sự tấn công của chất diệt cỏ nhắm vào những loài thực vật khác nhau, thì không có một sự chú ý đặc biệt nào đối với những ảnh hưởng có thể có lên con người. Tuy vậy, trong chiến tranh, những vấn đề về y học đã được những người dừng chân và sống ở trong vùng bị rải chất hóa học[7] kể lại. Những báo cáo quan tâm chủ yếu đến những triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, ỉa chảy, ho, khó thở3.

Hậu quả khác của việc rải chất hóa học là con người di chuyển, góp phần làm lan rộng các dịch bệnh. Cũng như vậy, việc giảm nguồn thực phẩm vì sự phá hủy mùa màng dẫn đến những vấn đề sức khỏe cả cấp tính và mãn tính. Chiến dịch chất diệt cỏ cũng làm tăng các vấn đề bệnh tật khác vì nó tạo điều kiện cho sự cư trú của các sinh vật trung gian truyền bệnh khác nhau như muỗi hoặc chuột4.

Những ảnh hưởng lâu dài của việc rải chất hóa học đối với sức khỏe con người

Dioxin được mô tả như là một chất độc hại nhất mà con người tìm ra cho đến thời điểm này. Nó được lưu giữ trong tế bào của con người và môi trường. Nó đi vào cơ thể thông qua thức ăn hoặc nước uống, thông qua ô nhiễm khí thở và tiếp xúc trực tiếp trên da. Dioxin xâm nhập vào nước và đất ở vùng đất đó, đi vào chuỗi thức ăn và tích tụ trong tế bào cơ thể con người. Những mẫu vật cá, tôm và sữa mẹ thu được từ những người phụ nữ Việt Nam vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX đã cho thấy nồng độ dioxin rất cao, trong khi đến cuối những năm 70 và 80 đã được chứng minh là nồng độ giảm xuống.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy nồng độ cao của dioxin trong đất và mẫu máu người ở rất nhiều vùng khác nhau của Việt Nam. Chỗ có nồng độ cao nhất là gần căn cứ cũ của Mỹ với các thiết bị chứa chất da cam và các khu vực bốc dỡ hàng. Giữa năm 1966 và năm 1999, mức độ rất cao của TCDD đã được tìm thấy ở huyện A Lưới gần biên giới với Lào ở miền Trung Việt Nam và căn cứ quân sự của Mỹ ở Biên Hòa và Đà Nẵng phục vụ chiến dịch Ranch Hand. Từ Biên Hòa, một trong những căn cứ quân sự rộng nhất của Mỹ ở miền Nam Việt Nam trước đây, mẫu máu người đã cho thấy nồng độ dioxin cao lên đến 271 phần nghìn tỷ (ppt), so với nồng độ dioxin là 2 ppt trong mẫu máu ở Hà Nội, nơi mà chất da cam không được sử dụng. Các tác giả nói rằng, nồng độ dioxin cao trong mẫu máu người chủ yếu do cá, một loại thức ăn điển hình trong khẩu phần ăn của người Việt Nam, bị nhiễm độc. Do vậy, nhiều năm sau kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, sự ô nhiễm môi trường trầm trọng vẫn còn. Nghiên cứu gần đây đã được các nhà tư vấn Hatfield triển khai ở nhiều “điểm nóng” ở miền Nam Việt Nam chỉ ra rằng, những tác động lâu dài của dioxin nhiều khả năng trở nên nghiêm trọng hơn xung quanh các khu vực bảo vệ hoặc các “điểm nóng”, điều này cho thấy rằng những nhóm dân cư mới bên ngoài khu vực bị rải cũng bị ảnh hưởng. Các tác giả lưu ý rằng: “vì chỉ số dioxin cao không mong muốn được tìm thấy trong mẫu vật của người ở các vùng khác nhau, nên cần phải đặc biệt chú ý đến sự phơi nhiễm có thể của trẻ em trong thời kỳ bú mẹ”.

Dioxin tích tụ trong sữa mẹ. Trong thời kỳ nuôi dưỡng, nó được truyền từ mẹ sang con và trẻ có thể hấp thụ đến 95%  dioxin trong sữa mẹ. Đánh giá tác động của mức dioxin cao trong máu và sữa mẹ đã chỉ ra sự liên quan có hại nhất được tìm thấy là sự phơi nhiễm trong tử cung thông qua dây rốn bao gồm tác động về thần kinh, nhẹ cân và sự chậm phát triển trí tuệ trong tử cung (Báo cáo về dioxin của người Mỹ, 1999). Schecter đã so sánh mức độ dioxin trong mẫu sữa mẹ ở nhiều nước khác nhau. Cao nhất là thành phố Đà Nẵng
(34 ng/kg lipid) so với Thái Lan và Campuchia ở mức 3 ng/kg.

Nghiên cứu trên lính Mỹ trước đây đã bị phơi nhiễm chất da cam trong chiến tranh đã đưa ra những bằng chứng xác đáng về mối liên hệ giữa phơi nhiễm và bệnh bạch cầu mạch bạch huyết mãn tính, ung thư tổ chức phần mềm, u lympho ác tính, bệnh hodgkin và chứng xạm da; “Những bằng chứng có tính gợi mở” về sự liên hệ cũng được phát hiện liên quan đến ung thư đường hô hấp, ung thư tuyến tiền liệt, đa u tủy, bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh nhiễm porphirine da chậm, tiểu đường tuýp 2 và tật gai đôi ở thế hệ sau[8]. Những hậu quả tác động lên hệ sinh sản và khả năng sinh con khỏe mạnh là lâu dài, do đó rất khó để xác định. Một điều chưa biết đến là dioxin là một chất hóa học phá hủy tuyến nội tiết với tính chất độc cao ảnh hưởng lên hệ sinh sản. Thậm chí là ở một liều lượng nồng độ thấp nó cũng chỉ ra sự phá vỡ nghiêm trọng lên sự sinh sản bình thường của con người, ví dụ như khả năng sinh sản kém, tăng tử vong trước khi sinh và nguy cơ viêm màng tử cung. Mặc dù cơ chế hoạt động của dioxin chưa rõ ràng, nhưng nó can thiệp vào sự sản xuất và chức năng của rất nhiều hóc môn khác nhau, các yếu tố tăng trưởng và enzym. Những tác động và độc tính của nó kéo dài và nghiêm trọng hơn ở thời kỳ đầu phát triển con người hơn là khi trưởng thành. Erison ghi nhận tỷ lệ cao tật gai đôi, sứt môi, não úng thủy và ung thư ở trẻ em trong số những trẻ là con của các cựu binh Mỹ và Việt Nam so với đối chứng. Stellman chứng minh tỷ lệ cao sẩy thai trong số phụ nữ có chồng là cựu chiến binh so với đối chứng. Tuy nhiên, dữ liệu từ các cựu chiến binh Mỹ đang còn hạn chế vì thiếu thông tin về mức độ dioxin trong máu trong thời kỳ thụ thai. Tính thuyết phục của những nghiên cứu nhằm kiểm tra sự tăng cao tỷ lệ dị tật bẩm sinh cũng bị hạn chế vì nhóm bị phơi nhiễm là một con số tương đối nhỏ.

Những hạn chế tương tự về cỡ mẫu, thiếu các biện pháp đo lường sự phơi nhiễm và các chỉ tiêu chẩn đoán là đặc điểm được xác định trong nhiều nghiên cứu trên những người lính và dân thường Việt Nam về mối liên hệ giữa phơi nhiễm chất da cam và sức khỏe. Những báo cáo trường hợp và những nghiên cứu dịch tễ học hạn chế đã đưa ra một tỷ lệ cao hơn về sẩy thai và sinh non, dị tật bẩm sinh, nhẹ cân và ung thư ở trẻ em của thế hệ con cháu của những người phụ nữ hoặc là bản thân họ hoặc là chồng của họ đã bị phơi nhiễm chất da cam trong chiến tranh (Báo cáo Hội nghị chuyên đề quốc tế lần thứ 2 năm 1993). Harada lưu ý: “Không có một đặc điểm rõ ràng nào về dị tật bẩm sinh quan sát được ở Việt Nam; nếu có, thì đó là sự đa dạng”. Theo Lê Cao Đài (2000), rất nhiều rối loạn thần kinh quan sát được ở trẻ em có bố mẹ bị nhiễm dioxin bao gồm các bất thường ở cơ quan như là thai vô não, não ứng thủy, bất thường ở cột sống (bao gồm tật gai đôi), không có tròng mắt. Vấn đề về vận động quan sát bao gồm mất trí nhớ, chậm phát triển trí tuệ, đần độn, mù, câm và điếc. Khuyết tật khác như hở hàm ếch, các chi teo, khoèo cũng được báo cáo. Tác giả cũng lưu ý rằng, 30 cặp song sinh dính liền nhau đã ra đời ở 4 bệnh viện tại miền Nam Việt Nam từ năm 1980 đến năm 1985. Đây là điều kiện cực kỳ hiếm trên thế giới với 1/20 triệu ca sinh, một tỷ lệ mà trong điều kiện bình thường sẽ có một trường hợp sinh đôi dính liền nhau trong vòng 20 năm trên toàn Việt Nam.

Theo một ước tính mới về sự nhiễm dioxin, hàm lượng dioxin đang có ở miền Nam Việt Nam có thể lên đến khoảng 600 kg, ước tính lớn gấp vài lần so với số liệu vẫn được nói đến hàng chục năm qua là 170 kg TCDD. Sự ước lượng mới này chỉ ra rằng phạm vi nguy cơ tới sức khỏe của những người bị phơi nhiễm cao hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Nguy cơ rõ ràng là đáng ngại cho cư dân Việt Nam hơn là lính Mỹ, những người chỉ bị phơi nhiễm trong một giai đoạn tương đối ngắn ở Việt Nam. Lính và dân thường Việt Nam bị phơi nhiễm trước những nguy hiểm kéo dài trong suốt cả những năm rải chất da cam và, như đã chỉ ra ở trên, ở những “điểm nóng”, họ vẫn đang trong tình trạng nguy hiểm trong suốt 30 năm qua kể từ khi ngừng rải chất độc hóa học.

Trong khi những phát hiện mới về tổng số và sự phân bố của dioxin đã mang lại nhiều thông tin cực kỳ quý giá, thì nó vẫn không xác định được câu hỏi về khả năng liên hệ giữa phơi nhiễm và sự phát sinh theo sau của dị tật bẩm sinh và những vấn đề sức khỏe khác đối với những người Việt Nam bị phơi nhiễm. Những câu hỏi như thế này chỉ có thể được trả lời bằng những nghiên cứu dịch tễ học tiếp tục trên quy mô đủ lớn. Hình như có một sự thiếu nỗ lực hoàn toàn mang tính chính trị thuộc về phía những người chịu trách nhiệm đối với cuộc chiến tranh hóa học để xác định những bằng chứng về hậu quả của nhiễm dioxin lên sức khỏe của người dân Việt Nam. Điều này kiến cho chính quyền Mỹ có thể vin vào để nói về “sự thiếu bằng chứng khoa học” khi chủ đề về sự đền bù cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang trong lịch trình, mặc dù sự thật rằng hơn 20.000 cựu binh Mỹ đã nhận được tiền đền bù do nhiễm bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất da cam. Cũng như vậy, “thiếu các bằng chứng khoa học” từ người dân Việt Nam là một trong những lý do để thẩm phán Weinstein hủy bỏ vụ kiện chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất da cam cho quân đội Mỹ trong chiến tranh. Gần đây, sự hủy bỏ một dự án nghiên cứu Việt - Mỹ đã lên xong kế hoạch nhằm bổ sung một vài chỗ thiếu trong nghiên cứu những hậu quả lâu dài của chất da cam đã kéo dài một cách đáng buồn tình trạng này. Gánh nặng của bằng chứng vẫn tiếp tục đè lên vai những nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học này.

 



[1]. Theo Lê Cao Đài, chế độ Sài Gòn trước đây và đồng minh Mỹ tiếp tục sử dụng chất da cam cho đến khi kết thúc chiến tranh năm 1975.

[2]. Một nghiên cứu gần đây do Stellman và cộng sự thực hiện đã cho hay con số tăng lên gần 50% so với trước đây.

[3]. Westing (1976) và Westing và cộng sự (1984).

[4]. Là một cái tên tổng hợp chỉ nhiều loại chất diệt cỏ bao gồm chất da cam, trắng, tía, xanh, hồng và xanh lá cây. Những cái tên này là để chỉ màu sắc của một dải màu 4 inch trên cái thùng 55 gallon chứa chất hóa học (Lindsey Arison III, 1999 và Lê Cao Đài, 2000).

[5]. Phần này hoàn toàn dựa trên thông tin và dữ liệu từ Westing (1984) và là những đoạn trích.

[6], 3, 4. Phần này hoàn toàn dựa trên thông tin và dữ liệu từ Westing (1984) và là những đoạn trích.

[7]. Một số các tham khảo được liệt kê trong Westing (1984).

[8]. Bởi vì vẫn còn không chắc chắn về tác động sức khỏe lâu dài đối với cựu chiến binh Việt Nam, những người đã bị phơi nhiễm chất da cam trong chiến tranh, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật da cam năm 1991. Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ chịu trách nhiệm đánh giá những thông tin y học và khoa học, được xuất bản hai lần một năm, lần đầu tiên vào năm 1994 và kéo dài đến năm 2014.

Trích trong cuốn Nỗi đau da cam, Nhà xuất bản  Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012

 

Bình luận