Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam

Ngày đăng: 26/02/2016 - 15:02

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khẳng định tầm quan trọng, vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục - đào tạo. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; giáo dục đào tạo có sứ mệnh lớn lao đối với sự phát triển của đất nước. Công tác giáo dục đòi hỏi sự tham gia tích cực, đồng lòng của toàn dân; cần không ngừng đổi mới và phát triển, thay đổi để tiến bộ. Đổi mới giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với xu thế của thế giới, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

doi moi252

Thế kỉ XXI đang chứng kiến những phát triển vượt bậc về cả kinh tế, văn hóa và xã hội; xu hướng toàn cầu hóa tác động tới tất cả các nước, trên tất cả các lĩnh vực. Sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với người lao động, do đó cũng đặt ra những yêu cầu mới cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam. Trước thực trạng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã xác định “đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược”. Việc tìm hiểu, nghiên cứu những định hướng chiến lược, giải pháp đổi mới giáo dục - đào tạo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là điều tất yếu. Xuất phát từ nhu cầu đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn sách Định hướng chiến lược, giải pháp đột phá nhằm Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam do PGS. TS. Phạm Văn Linh làm chủ biên.

Cuốn sách Định hướng chiến lược, giải pháp đột phá nhằm Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam chia làm 3 phần, trình bày cụ thể: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Thực trạng giáo dục Việt Nam trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện; Định hướng chiến lược và giải pháp phát triển giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.

Những vấn đề lý luận về đổi mới giáo dục

Trong cuốn sách, các tác giả đã chỉ rõ những vấn đề lý luận, yêu cầu tất yếu phải đổi mới giáo dục hiện nay, trong đó có chủ trương “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”. Thực chất, chủ trương này đã được đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng thời được bổ sung và phát triển trong bối cảnh mới của đất nước. Điều đó đòi hỏi cần phải chuyển từ một nền giáo dục với những quy định chung nhất về các mục tiêu, điều kiện và quy trình bảo đảm chất lượng sang một nền giáo dục với những quy định cụ thể, chi tiết, thậm chí có thể đo lường được về những mục tiêu, điều kiện và quy trình đảm bảo chất lượng. Tức là, phải xây dựng hệ thống chuẩn quốc gia về giáo dục và triển khai công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng.

Nhờ định hướng, chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nước ta đã có những bước tiến ngoạn mục, ra khỏi danh sách các nước thu nhập thấp, đây cũng là một thách thức lớn khi mà chính bản thân ngành giáo dục cũng phải tìm ra con đường đi tắt, đón đầu để không tụt hậu so với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Vì thế, yêu cầu hiện đại hóa càng trở nên cấp thiết và cần được xem xét trên nhiều phương diện. Trước hết là hiện đại hóa về thể chế để tạo hành lang pháp lý phù hợp cho sự phát triển đích thực của hệ thống giáo dục mở và học suốt đời; tiếp nữa là hiện đại hóa về cơ chế đánh giá và bảo đảm chất lượng để tạo sự liên thông trong toàn hệ thống, đặc biệt quan trọng là hiện đại hóa về vận dụng ICT để mở rộng không gian giáo dục, tạo điều kiện cho mọi người được học mọi lúc, mọi nơi.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam

Các tác giả cuốn sách Định hướng chiến lược, giải pháp đột phá nhằm Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam cũng đã chỉ rõ bản chất của của tiến trình đổi mới giáo dục trong suốt những năm qua là chuyển từ nền giáo dục phục vụ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền giáo dục vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một tiến trình hoàn toàn mới, chưa hề có trong lịch sử, vì vậy, phải tư duy lại những vấn đề của giáo dục xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường.

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam thực chất là một cuộc cải cách sâu rộng, gắn liền với đổi mới tư duy của Đảng về giáo dục, từ tư duy đổi mới từng phần, sang tư duy đổi mới tổng thể, đồng bộ, nhất quán, hướng tới một mô hình mới về phát triển giáo dục với những đặc trưng cơ bản sau đây:

  • Chuyển phát triển giáo dục từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng;
  • Chuyển trọng tâm giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học;
  • Chuyển hệ thống giáo dục từ khép kín sang mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập;
  • Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường đi đôi với việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục.

Cải cách chương trình giáo dục được nhận định trong cuốn sách là tâm điểm và cũng là xuất phát điểm của cải cách giáo dục. Trong suốt tiến trình đổi mới giáo dục, mở rộng quy mô là một yêu cầu mà ngành giáo dục không thể thoái thác, đặc biệt là trong 10 năm đầu đổi mới. Tuy nhiên, cũng như tình hình chung ở tất cả các nước đang phát triển, sự thành công trong phát triển quy mô thường đi đôi với những tổn thất trong chất lượng và hiệu quả.

Định hướng chiến lược và giải pháp đột phá

Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, khắc phục những nhược điểm của giáo dục Việt Nam hiện nay, cuốn sách đã đưa ra những phân tích sâu dựa trên Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15-4-2009 của Bộ Chính trị và các văn kiện, tài liệu quan trọng khác.

Theo đó, những hạn chế, khuyết điểm như trên là do quán triệt không đầy đủ, thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương. Các cơ quan chức năng chậm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước; tư duy giáo dục còn chậm đổi mới; giáo dục Việt Nam chịu nhiều tác động của mặt trái cơ chế thị trường; tâm lý khoa cử còn nặng nề; chính sức giáo dục chưa thực sự khuyến khích tối đa các nguồn lực trong nhân dân...

dinh huong252Không chỉ trình bày thực trạng đổi mới giáo dục hiện nay, các tác giả còn đi sâu tìm hiểu, đề xuất các giải pháp mang tính chất đột phá trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đột phá về thể chế là khâu quan trọng đầu tiên. Một mô hình giáo dục mới cần phải có thể chế mới. Tất nhiên, sự phát triển của giáo dục và đào tạo của một quốc gia là một quá trình liên tục, không cắt đoạn. Do đó, thể chế mới cũng cần được hoàn thiện từ môi trường nhận thức xã hội, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, lành mạnh.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là các luật lệ phù hợp với chủ trương mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, coi giáo dục là hàng hóa dịch vụ công, đổi mới cơ chế hoạt động giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Thực hiện tự chủ và nghĩa vụ giải trình của các cơ sở giáo dục. Tái cấu trúc giáo dục sau trung học, trong đó chú ý tái cấu trúc về trình độ, ngành nghề, năng lực, gắn kết với thị trường và xã hội.

Cuốn sách nhận định: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng ta, một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chủ trương này, cần một kịch bản tổng thể, trong đó không dàn đều, có nhiệm vụ cần giải quyết ngay, có giải pháp cho lâu dài.

T.H

 

Bình luận