Đổi mới nhận thức lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội -Tranh luận để tìm ra chân lý

Ngày đăng: 02/02/2015 - 08:02

Doimoinhanthuclyluan1

Công cuộc đổi mới gần 30 năm qua do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Có được những thành tựu đó là nhờ Đảng ta luôn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Tuy nhiên, vẫn còn đây đó những ý kiến trái chiều, những luận điểm sai trái phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin,  phủ nhận con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá, phản bác có cơ sở khoa học đối với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ quan trọng, vừa cần thiết cấp bách, vừa mang tính chiến lược của Đảng ta hiện nay. Và một trong những phương thức thuyết phục nhất, đó là tranh luận - tranh luận để làm sáng tỏ bản chất vấn đề, để tìm ra chân lý.

Doimoinhanthuclyluan2

Vì sao cần tranh luận?

Cuối năm 2013, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành cuốn sách Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội do một số cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tập hợp, biên soạn, gồm gần 30 bài tranh luận của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội (CNXH). Cuốn sách đã tạo nên tiếng vang trong giới lãnh đạo, đặc biệt là các nhà khoa học. Tôi cho rằng, cuốn sách có tác dụng rất lớn khuấy động tư duy lý luận của chúng ta.

Đối với Việt Nam hiện nay, quá trình đổi mới nhận thức lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNXH và về con đường đi lên CNXH mặc dù đã đạt nhiều thành tựu “to lớn có ý nghĩa lịch sử” nhưng cũng đang đặt ra hàng loạt vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ. Việc tham khảo các ý kiến, quan điểm của các đảng, các học giả ở nhiều nước, việc tổng kết thực tiễn Việt Nam sau 30 năm đổi mới là vô cùng cấp thiết để hoàn thiện, phát triển nhận thức, lý luận về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, đồng thời phê phán một cách có căn cứ khoa học - thực tiễn những quan điểm sai trái, thù địch hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và định hướng XHCN ở Việt Nam.

Cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề gay cấn, đồng thời đụng chạm đến cốt lõi của nhận thức lý luận về CNXH nói chung, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta nói riêng với “những tranh luận mới” của các học giả với các chiều phải - trái khác nhau. Ngay trong những ý kiến trái cũng có khía cạnh đúng hoặc gần đúng; trong những ý kiến theo chiều phải cũng có những khía cạnh, quan điểm chưa thật sáng tỏ. Theo tôi đây là một tài liệu tham khảo quý, hết sức cần đọc và không thể không đọc!

Trước hết, cần điểm qua những vấn đề lớn được đề cập trong cuốn sách:

Thứ nhất, những quan niệm, đánh giá khác nhau về chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH khoa học trong điều kiện hiện nay.

Thứ hai, những khuyết tật, nguyên nhân sụp đổ CNXH Xôviết. Về đặc điểm giai đoạn hiện nay và về cách thức, con đường đi tới CNXH ở nước Nga.

Thứ ba, các quan điểm đa chiều về các kiểu loại CNXH hiện nay: “CNXH mới”, “CNXH dân chủ”, “CNXH vô sản”, “CNXH thế kỷ XXI”, CNXH ở ba nước châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên) và một số nước ở Mỹ - Latinh (Cuba).

Thứ tư, những nhận định đánh giá về kinh tế - xã hội Mỹ, các nước Bắc Âu, Phương Tây nói chung.

Thứ năm, dự báo triển vọng CNXH thế giới.

Điều tôi quan tâm nhất là nội dung các tranh luận về “những nguyên lý cơ bản của CNXH mới”. Rõ ràng, trong các “tranh luận mới” của các học giả Nga đã lấp lóe một số khía cạnh nhận thức mới về CNXH, nhưng một số luận điểm về “CNXH mới” thì đã bộc lộ sự mơ hồ, lấp lửng giữa cái mới đi liền với phủ nhận nguyên lý của CNXH khoa học, dung hợp các quan điểm phi giai cấp, phi tư tưởng, đạo đức trong lý luận chính trị của họ. Những điều này cũng cho thấy hiện trạng lúng túng, thể hiện bế tắc trong tư tưởng lý luận ở nước Nga hiện nay.

Như đã nêu, cuốn sách có giá trị tham khảo, đối sánh liên hệ là chủ yếu, đặc biệt đối với Việt Nam trong quá trình đổi mới nhận thức lý luận về CNXH và về con đường đi lên CNXH. Cùng với những thành tựu bước đầu mà dư luận trong nước và thế giới ghi nhận, vẫn còn đây đó một số quan điểm trái chiều phủ nhận… rất cần phải tranh luận, làm sáng tỏ.

Những vấn đề cốt lõi cần tranh luận ở Việt Nam hiện nay

Một là, vấn đề xây dựng CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Dưới ánh sáng của đổi mới toàn diện mở ra từ Đại hội VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trước hết là đổi mới tư duy, từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn xây dựng CNXH (cả bài học thành công và bài học không thành công), năm 1991 trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tại diễn đàn Đại hội VII, Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…”1. Cũng trong Cương lĩnh vừa nêu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra một trong những bài học kinh nghiệm, đó là: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đồng thời chỉ rõ: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết những vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”2.

Đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với vận dụng sáng tạo, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm nhất quán của Đảng ta, là nhân tố quyết định cho định hướng XHCN ở Việt Nam.

Tuy nhiên, gần đây vẫn có người cho rằng: thế giới đã chuyển từ xã hội công nghiệp sang xã hội hậu công nghiệp, xã hội tri thức, vai trò lãnh đạo cách mạng đã chuyển từ giai cấp công nhân sang giai tầng những người lao động trí thức hay “giai cấp trí thức”(!) mà Việt Nam vẫn khẳng định giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, vẫn chưa từ bỏ lý luận đấu tranh giai cấp(!). Họ cho rằng: Chúng ta đang nói đến tiếp tục đổi mới  - chỉ có thể thật sự tiếp tục đổi mới khi có tư duy mới do một nhận thức mới về thời đại và một lực lượng xã hội mới, một sự liên kết các lực lượng mới để tạo nên một cơ sở xã hội mới cho sự phát triển(!). Họ còn đặt vấn đề: liệu Đảng có dám “vượt qua chính mình” để hoạch định một chính sách đổi mới “mới”, vượt qua tất cả các giáo điều đang cản trở đất nước phát triển, vì mục tiêu tối thượng của dân tộc, chứ không phải của học thuyết(!).

Những ý kiến trên, chỉ thuộc về số ít người nhưng không phải không có sức lây lan nhất định, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi CNXH thế giới đang khủng hoảng, nhiều khó khăn đang cản trở phong trào cộng sản và công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào dân chủ, trước cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bá quyền…

Đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch hiện nay ở Việt Nam, phải từ tranh luận làm sáng tỏ: bản chất thời đại ngày nay? Trong nền kinh tế tri thức, phải chăng vai trò lãnh đạo cách mạng đã chuyển sang tầng lớp trí thức hoặc “giai cấp trí thức”, còn giai cấp công nhân thì sẽ triệt tiêu và triệt tiêu luôn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản?

Tôi vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo xã hội thuộc về giai cấp công nhân, trong đó rất coi trọng “công nhân trí thức” và tầng lớp trí thức nói chung gắn liền với nền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại.

Hai là, con đường đi lên CNXH, con đường phát triển của Việt Nam.

Đổi mới đất nước theo định hướng XHCN là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam, thể hiện nội dung cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Ngay từ Đại hội VIII (1996), sau 10 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra bài học quan trọng: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”3.

Bài học này thể hiện Đảng ta có quan điểm nhất quán: Xác định rõ đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là quan niệm đúng hơn về CNXH và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp.

Gần 30 năm thực hiện đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu “to lớn có ý nghĩa lịch sử”, Đảng ta đã có những bước tiến trong nhận thức lý luận về CNXH và về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Mô hình xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH ở nước ta đã “ngày càng sáng tỏ hơn”. Trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin: kết hợp “cái phổ biến” với “cái đặc thù”, Đảng ta đã từng bước vận dụng linh hoạt, góp phần phát triển sáng tạo quan điểm Mác - Lênin về CNXH và xây dựng CNXH ở nước ta.

Có thể nói rằng, quá trình đổi mới ở Việt Nam cũng là quá trình mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã quán triệt đầy đủ, thiết thực quan điểm có giá trị chỉ đạo lớn của V.I. Lênin về tính tất yếu, phương thức tiến lên CNXH: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên CNXH, đó là điều không thể tránh khỏi nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới CNXH không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo XHCN đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”4.

Liên quan đến luận điểm này, trong cuốn sách, một vài học giả Nga cũng đã có đề cập khi đánh giá, nhìn nhận về chân giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những vấn đề đang đặt ra về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, phải tranh luận rốt ráo về lý luận, kết hợp với tổng kết thực tiễn để có câu trả lời thuyết phục nhất. Đó là các vấn đề về quá độ lên CNXH ở Việt Nam có thể là quá độ bỏ qua chế độ tư bản được không? đổi mới phải tuân thủ nguyên tắc để không đổi màu; hội nhập quốc tế nhưng làm sao để không hòa tan, bị cuốn theo hướng khác? mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa hiện thực hóa dân chủ XHCN với kế thừa có chọn lọc những giá trị của dân chủ tư sản, kể cả những giá trị tam quyền phân lập, v.v..

Hơn lúc nào hết, khi Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, đòi hỏi toàn Đảng ta phải tiếp tục tăng cường công tác tư tưởng lý luận góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, khắc phục đi đến loại trừ tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất” hoặc phai nhạt lý tưởng, niềm tin vào CNXH và con đường đi lên CNXH.

*

Xin nhắc lại di huấn của V.I. Lênin: “Những mâu thuẫn nhỏ và những bất đồng nhỏ thường gây ra những mâu thuẫn và bất đồng lớn, khi mà người ta cứ khư khư giữ cái sai lầm nhỏ và cứ ra sức không chịu sửa chữa nó, hoặc khi những người phạm sai lầm lớn, cứ chĩa mũi nhọn vào sai lầm nhỏ của một người hoặc của một số người khác”5 và “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta... Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”6. Cho nên, khi có quan điểm khác nhau và trái chiều, không thể không tranh luận để tìm ra chân lý. Điều quan trọng là phải trung thực trong nhận thức chân lý. Và để có thể tìm ra chân lý, cần tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, tranh luận những vấn đề như đã vừa nêu, hoặc mở các cuộc hội thảo với các chủ đề như: Thời đại ngày nay và con đường phát triển Việt Nam; Tiếp tục đổi mới nhận thức lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; Về các mô hình CNXH trên thế giới hiện nay, v.v.. Cần lôi cuốn, phát huy vai trò của các trung tâm tư tưởng lý luận như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một số viện, trường đại học… Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước cần tập trung tổ chức biên tập, xuất bản các sách chính trị, lý luận và pháp luật có nội dung mới, mang tính tham khảo đặt biệt dành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược và sách lý luận chính trị phổ thông nâng cao kiến thức của nhân dân về chính trị, lý luận và pháp luật, phục vụ sự nghiệp đổi mới và hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu cho ra một tờ nội san, có thể đặt tên là Tranh luận để đăng tải những bài có quan điểm khác nhau làm tài liệu tham khảo đặc biệt dành cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và chuyên gia thuộc cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng.

GS.NGND. NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,

nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức)

1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 329, 312, 457.

4. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t. 30, tr. 160.

5, 6. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 42, tr. 289, 311.





Bình luận