Đổi mới phương pháp giáo dục, bồi dưỡng năng lực công dân cho học sinh trung học phổ thông

Ngày đăng: 13/12/2013 - 15:12

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, trung học phổ thông là cấp học có vị trí đặc biệt quan trọng. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đã kết thúc một giai đoạn được giáo dục ở trình độ phổ thông, chuẩn bị cho mình hành trang trở thành những công dân thực thụ, tham gia vào quá trình đào tạo, tự đào đạo ở những trình độ cao hơn, trực tiếp lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới phương pháp giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao năng lực công dân cho học sinh phổ thông, đào tạo cho xã hội những công dân có đủ sức khỏe, đạo đức, trình độ, năng lực và kỹ năng lao động có ý nghĩa rất quan trọng.

dsc 0013

Đổi mới phương pháp định hướng giá trị nhân cách cho học sinh

Năng lực công dân được hiểu là những khả năng tiềm tàng của mỗi công dân có thể sống, làm việc tốt theo Hiến pháp, pháp luật. Để có năng lực công dân, mỗi học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường cần phải được học tập, tu dưỡng để có được những phẩm chất đạo đức tốt, có sự hiểu biết nhất định về pháp luật và nắm được những kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật ở trình độ phổ thông.

Ở trường trung học phổ thông, giáo dục công dân là một bộ môn trực tiếp trang bị cho học sinh thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn, giúp các em nhận thức được về giá trị sống, giá trị nhân cách. Trên cơ sở đó, học sinh tự xây dựng thái độ, tình cảm, niềm tin đúng đắn, hình thành ý thức trách nhiệm của công dân, rèn luyện thói quen tự giác thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn của công dân Việt Nam. Giáo dục trong nhà trường trung học phổ thông mà trực tiếp nhất là bộ môn giáo dục công dân phải chú ý nhiều hơn đến nguyện vọng, tâm lý lứa tuổi của học sinh. Cần hướng dẫn học sinh biết tự khám phá năng lực, sở thích của mình để định hướng, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Nhà trường phải tạo cho học sinh có thói quen nhận biết được những giá trị mình đang thực hiện hằng ngày và những giá trị sẽ phấn đấu để đạt được trong tương lai. Nhà giáo phải dạy học sinh biết sống có ước mơ, hoài bão; có ý thức cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có sức khỏe và không ngừng rèn luyện hoàn thiện bản thân; biết sống làm người công dân lương thiện, có trách nhiệm với xã hội, có tư duy độc lập, sáng tạo; có tinh thần tương thân tương ái, biết hợp tác, luôn chân thành trong quan hệ với người khác; có lòng say mê, sáng tạo, ham tìm kiếm tri thức mới để áp dụng vào đời sống. Đồng thời giáo dục học sinh biết đấu tranh với chính bản thân mình, chống lại những cám dỗ, chống thói ích kỷ, ghen ghét; phải biết xấu hổ với các hành động không tốt, không đẹp; biết chống lại cái ác, cái bất công. Nhà trường phải kiên quyết loại bỏ tình trạng bạo lực học đường, ngăn chặn kịp thời việc học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng hành động côn đồ.

Để giáo dục những phẩm chất, năng lực công dân cho mỗi học sinh, người thầy phải là những nhà giáo có nhân cách mẫu mực để làm gương cho học sinh noi theo. Giáo viên phải được trang bị kiến thức tổng quát và phải được đào tạo chính quy, có chuyên sâu; thường xuyên được bồi dưỡng tri thức mới. Hơn ai hết, người thầy phải thường xuyên rèn luyện nhân cách, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nhà giáo phải là những nhà sư phạm - người gần gũi, hiểu biết nhất về học trò của mình, giúp các em định hướng đúng về giá trị cuộc sống.

Đổi mới phương pháp giáo dục, hình thành năng lực công dân thông qua các giờ học chính khóa

Hiện nay, nhiều nền giáo dục của các quốc gia khác nhau đều hướng đến phương châm giáo dục học sinh có các kỹ năng: Học để biết (kỹ năng nhận thức); học để làm (kỹ năng thực hành); học để cùng chung sống (kỹ năng xã hội); học để tự khẳng định mình (kỹ năng xác định giá trị).

Từ năm 2001 đến nay, chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam đã có sự điều chỉnh ngày càng sát với yêu cầu học tập của học sinh. Việc giáo dục kỹ năng sống đã được đưa vào các nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế, nội dung còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao, chưa thật sự phù hợp với các em học sinh.

Để giúp cho các em tiếp thu tốt nội dung chương trình, cần đổi mới toàn diện phương pháp giáo dục. Tất cả những phương pháp giáo dục tích cực (cả phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại) cần được người thầy áp dụng triệt để, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng môn học, giúp cho học sinh dễ tiếp cận và nắm bắt tri thức. Thông qua việc tiếp thu tri thức mới, các em tự bồi dưỡng cho mình phẩm chất của người công dân, đặc biệt là những phẩm chất học sinh còn thiếu như: Biết tự chịu trách nhiệm về mình; biết tận dụng mọi thời gian để làm việc có ích. Mỗi môn học cần được phát huy lợi thế riêng để đóng góp nhiều hơn vào việc giáo dục nhân cách học sinh. Người giáo viên ở tất cả các môn học trong nhà trường đều có thể tham gia giáo dục cho học sinh về giá trị sống, kỹ năng sống. Riêng môn giáo dục công dân, với đặc thù của môn học, người giáo viên cần làm tốt các nội dung giáo dục chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi, luyện tập cho học sinh thói quen biết sử dụng quyền và gánh vác nghĩa vụ cơ bản của công dân; đẩy mạnh giáo dục văn hóa pháp luật, nhất là văn hóa khi tham gia giao thông. Giáo viên cần có phương pháp tổ chức dạy học giúp cho học sinh biết chắt lọc cái hay, loại bỏ cái dở. Từ đó, giúp cho các em dần dần định hình được vị trí, chuẩn mực của người công dân mà mình hướng đến.

Đổi mới phương pháp bồi dưỡng, hình thành năng lực công dân thông qua các hoạt động ngoại khóa

Cùng với giáo dục chính khóa, giờ học ngoại khóa (hoạt động ngoài giờ lên lớp) góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng, hình thành năng lực công dân cho học sinh. Những hoạt động đó sẽ tạo nhiều sân chơi, giúp học sinh có điều kiện được thể hiện chính kiến, quan điểm, sở thích, năng khiếu của mình trong nhà trường. Thông qua các chương trình hoạt động mang tính tập thể, cộng đồng do đoàn thanh niên phát động, các em sẽ bước đầu làm quen và tập dượt khả năng tổ chức, khả năng phối hợp hoạt động nhóm...

Để làm tăng tính hiệu quả của hoạt động ngoại khóa, tác động tích cực đến học sinh, giáo viên, cán bộ đoàn thanh niên cần áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học gắn với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ trong các phong trào thi đua của trường như:

- Đổi mới phương pháp thuyết trình trong các chương trình diễn đàn thanh niên, giúp học sinh có dịp thể hiện khả năng diễn thuyết.

- Đổi mới hoạt động giáo dục kỹ năng sống qua việc tổ chức các trò chơi như: Học sinh của mỗi lớp sẽ được tổ chức thành nhóm, có thầy giáo, cô giáo hướng dẫn và tư vấn cách giải quyết, tạo điều kiện, gợi mở để các em chủ động thảo luận, phân tích, tranh luận với nhau tìm ra phương án giải quyết vấn đề.

- Đổi mới mô hình quản lý học tập của học sinh; khuyến khích học sinh tự học, tự rèn luyện; biết tu dưỡng đạo đức, sống lành mạnh, hướng thiện; biết ứng xử trong các tình huống pháp luật; kết hợp được cả những yếu tố pháp luật và đạo đức trong từng hoạt động, thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi học trò.

- Đổi mới phương pháp kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường: Tạo điều kiện để hội cha mẹ học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, giáo dục về chính sách ở địa phương trong nhà trường. Phụ huynh đóng vai trò là đầu mối, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động dã ngoại tìm hiểu thực tế, hướng về cội nguồn, bảo vệ, giữ gìn các di tích lịch sử... Qua đó giáo dục cho học sinh truyền thống yêu quê hương, biết sống có trách nhiệm với địa phương, nơi mình đã được sinh ra, được nuôi dạy để trưởng thành.

Đổi mới phương pháp giáo dục, bồi dưỡng năng lực công dân cho học sinh trung học phổ thông là một nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông, cần phải được triển khai toàn diện và đồng bộ, giúp cho các em trở thành những công dân tốt, chủ nhân thật sự của đất nước trong tương lai.

TS. NGUYỄN THỊ KIM HOA

Phó Chánh Văn phòng

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh

Bình luận