Đổi mới và tăng cường hoạt động lập pháp của Quốc hội

Ngày đăng: 05/12/2014 - 08:12

Doi moi va tang cuong quoc hoi

Lập pháp là chức năng quan trọng hàng đầu của Quốc hội. Trong những năm qua, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, song vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đổi mới và tăng cường hoạt động lập pháp của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Đổi mới và tăng cường hoạt động lập pháp của Quốc hội là chủ trương lớn, một quá trình lâu dài, mang tính chiến lược. Trải qua gần 30 năm đổi mới (1986-2014), hoạt động lập pháp của Quốc hội đã đạt được những kết quả to lớn. Năng lực lập pháp của Quốc hội không ngừng được tăng cường. Quy trình lập pháp được cải tiến một bước, việc phân tích chính sách ngày càng được chú trọng. Chất lượng và số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày càng tăng lên. Tình trạng “luật ống”, luật khung ngày càng giảm.

Các luật được ban hành nhìn chung đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước. Tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động lập pháp được coi trọng, thể hiện rõ qua việc xây dựng, thảo luận, thông qua luật, pháp lệnh. Vai trò của nhân dân đối với hoạt động lập pháp ngày càng được đề cao, sự tham gia của nhân dân vào hoạt động lập pháp ngày càng nhiều. Việc tiếp thu các thành tựu lập pháp và giá trị tiến bộ của nhân loại trong quá trình lập pháp của Quốc hội được chú trọng. Hệ thống pháp luật không ngừng được xây dựng, hoàn thiện, ngày càng phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại, từng bước làm thay đổi trạng thái tâm lý và cách ứng xử cổ truyền, trọng tình hơn trọng lý trong đời sống xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Năng lực lập pháp của Quốc hội còn hạn chế. Quy trình lập pháp chưa thật sự khoa học. Tổ chức bộ máy phục vụ hoạt động lập pháp còn nhiều bất cập, chưa thu hút được đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật. Tiến độ xây dựng luật và pháp lệnh còn chậm, chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao. Cơ chế và điều kiện bảo đảm thực hiện quyền sáng kiến lập pháp còn bất cập. Luật, pháp lệnh đã được thông qua vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể (luật ống, luật khung), phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành, chậm đi vào cuộc sống. Nhiều đạo luật vừa được thông qua, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập phải sửa đổi, bổ sung, thậm chí phải soạn thảo lại. Tình trạng nội dung luật chồng chéo chưa được khắc phục có hiệu quả.

Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ hoạt động lập pháp của Quốc hội, xác định rõ chức năng chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp. Quốc hội phải có khả năng định ra pháp luật, chủ động trong hoạt động xây dựng pháp luật, phải giám sát, kiểm tra được quá trình xây dựng, ban hành luật. Cần đổi mới tư duy pháp lý trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật thể chế kinh tế dân sự, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người và quyền công dân, về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về giáo dục, khoa học - công nghệ, về nội luật hóa các điều ước quốc tế. Chú trọng tiếp thu các giá trị phổ quát, tiến bộ và thành tựu lập pháp của nhân loại. Khắc phục chủ nghĩa kinh nghiệm, giáo điều, tăng cường công tác dự báo khoa học, tổng kết thực tiễn để từ đó có cơ sở hoạch định chính sách lập pháp, chương trình lập pháp phù hợp. Chú trọng việc phân tích chính sách và phản biện xã hội, đổi mới mạnh mẽ và căn bản quy trình lập pháp. Chuyển mạnh hoạt động lập pháp từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng sửa đổi, bổ sung, nâng cao chất lượng các luật, bộ luật hiện có, đồng thời đi sâu xây dựng một số đạo luật mới, bảo đảm tất cả các lĩnh vực đều có luật điều chỉnh, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp. Nghiên cứu đổi mới cách thức lựa chọn, ưu tiên những vấn đề cần ban hành luật phù hợp yêu cầu điều hành, quản lý đời sống xã hội. Tập trung xây dựng các bộ luật khó và phức tạp, còn nhiều vướng mắc, như Luật trưng cầu ý dân, Luật về hội, Luật biểu tình,... tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới toàn diện đời sống xã hội theo xu thế phát triển của nhân loại. Tăng cường tính pháp chế trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, làm rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo dự án luật và Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống chính sách dự án luật và đánh giá tác động của các chính sách đó, cũng như trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính nhân dân, tính dân chủ trong hoạt động lập pháp. Nghị quyết của Đảng cần định hướng được những nội dung lớn thuộc về quan điểm, đường lối để Quốc hội, với chức năng lập hiến và lập pháp của mình, thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng. Hoạt động lập pháp của Quốc hội phải thể hiện rõ tính nhân dân, phải nắm bắt được ý chí của nhân dân. Nhân dân phải được tham gia vào quá trình xây dựng luật, “phải là người làm ra luật”1, “làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”2. Cần tạo cơ chế và động viên nhân dân tham gia tích cực, tự giác, rộng rãi vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, bảo đảm hoạt động lập pháp thực sự dân chủ, trên cơ sở vừa tăng cường dân chủ đại diện vừa nâng cao chất lượng dân chủ trực tiếp. Chú trọng việc thực hiện phản biện xã hội trong hoạt động lập pháp ngay từ khâu lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đến soạn thảo, thẩm tra, thảo luận và thông qua luật, pháp lệnh. Các văn bản pháp luật được ban hành phải thể hiện ý chí, lợi ích chung của nhân dân, bảo đảm kết hợp và cân bằng một cách hài hòa giữa lợi ích của các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển của cả cộng đồng và toàn xã hội. Các luật được ban hành phải cụ thể, xuất phát từ nhu cầu khách quan, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm các thuộc tính thống nhất, ổn định, cụ thể, nhất quán, dân chủ, khoa học, khách quan, khả thi, dễ thực hiện, không cần văn bản hướng dẫn thi hành. Ngôn ngữ của luật phải chính xác, phổ thông, dễ hiểu. Nội dung của luật không được trái với Hiến pháp. Việc ban hành dự luật mới không làm xáo trộn những quan hệ xã hội cũ đã ổn định. Đẩy mạnh hoạt động lập pháp phải đi đôi với nâng cao chất lượng xây dựng luật, hạn chế tình trạng “luật treo”, luật được ban hành nhưng không thực hiện được, chậm đi vào cuộc sống. Chú trọng nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Chuyển mạnh hoạt động lập pháp của Quốc hội từ số lượng sang chất lượng, bảo đảm tính khả thi và sự ổn định của hệ thống pháp luật.

Để thực hiện được những yêu cầu nêu trên, đòi hỏi phải có sự cố gắng, nỗ lực cao độ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, đồng thời phải có một quy trình xây dựng pháp luật hoàn chỉnh, khoa học ở tất cả các bước của hoạt động lập pháp. Cùng với việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, có những giải pháp mạnh mang tính cải cách như tổ chức lại việc thực hiện quyền lập pháp, phân công một cách khoa học, hợp lý hơn thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội theo hướng Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội phải có vai trò lớn hơn trong hoạt động lập pháp, bảo đảm thực sự là những cơ quan hoạt động thường xuyên, là những cơ quan tư vấn có hiệu quả cho Quốc hội. Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc cho ý kiến và chỉ đạo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân trong hoạt động lập pháp. Cơ cấu lại tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với điều kiện Quốc hội hoạt động không thường xuyên, bảo đảm thực hiện tốt các chức năng hiến định, đặc biệt là chức năng chỉ đạo, điều hòa hoạt động xây dựng luật. Nghiên cứu lập thêm một số ủy ban của Quốc hội trên cơ sở tách các ủy ban có quá nhiều chức năng để chuyên môn hóa hoạt động theo chiều sâu, nâng cấp một số cơ quan của Quốc hội từ trực thuộc Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Tăng cường bộ máy giúp việc và các nguồn lực phục vụ hoạt động lập pháp. Cần có cơ chế để có thể huy động được các nhà khoa học, các chuyên gia làm cộng tác viên của các cơ quan của Quốc hội trong việc xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lập pháp. Xây dựng chiến lược dài hạn để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên viên giúp việc của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Bộ máy giúp việc của Quốc hội phải được tăng cường những cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ cao, am hiểu sâu sắc thực tiễn, đủ sức để nghiên cứu, tham mưu đáp ứng kịp thời những yêu cầu mà Quốc hội đề ra, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin về kinh nghiệm lập pháp của quốc hội các nước, thông tin về những vấn đề thuộc nội dung các dự án luật và các vấn đề có liên quan phục vụ việc xây dựng, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, giúp đại biểu Quốc hội nghiên cứu và quyết định đối với từng dự án luật cụ thể. Tăng cường ngân sách cho hoạt động lập pháp của Quốc hội, kinh phí dành cho hoạt động lập pháp phải công khai, minh bạch, được sử dụng hiệu quả.

ThS. Võ Văn Bé

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật

(Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức)

 

1. JJ. Rútxô: Bàn về khế ước xã hội, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr.12.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.187.


 

 


Bình luận