Đại Từ - Mảnh đất nghĩa tình, nơi ra đời ngày thương binh liệt sỹ

Ngày đăng: 26/07/2012 - 14:07

Kể từ ngày Bác Hồ kính yêu gửi thư cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, định hướng cho cơ quan có chức năng lấy ngày 27/7/1947 là ngày Kỷ niệm thương binh, liệt sỹ, đến nay đã tròn 65 năm. Trên mảnh đất Đại Từ, cội nguồn nơi ra đời ngày kỷ niệm thiêng liêng ấy ôm trọn bao tình người, tình đồng bào, đồng chí. Nhân kỷ niệm 65 ngày Thương binh liệt sỹ, chúng ta cùng đồng bào nhân dân cả nước ôn lại những năm tháng đáng nhớ đó.

DSC 1355

(Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thái Nguyên tại Khu di tích 27/7 nơi ra đời ngày Thương binh, liệt sỹ - tại huyện Đại Từ)

Sau khi nắm chắc được âm mưu của thực dân Pháp sẽ quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, các cơ quan của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà còn non trẻ đã rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc trong đó có ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.Đi theo quốc lộ 37 Thái Nguyên – Tuyên Quang, chúng tôi về huyện Đại Từ - một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 25 km, phía bắc giáp huyện Định Hoá, phía nam giáp huyện Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên, phía đông giáp huyện Phú Lương, phía tây và đông giáp tỉnh Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Là một huyện thuộc vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong những cơ quan chuyển lên huyện Đại Từ có Phòng Thương binh thuộc Cục Chính trị - Bộ Quốc phòng đóng trụ sở ở nhà bà Bá Huy, xã Lục Ba. Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ, nhân dân huyện Đại Từ cũng như nhân dân cả nước đồng lòng ủng hộ kháng chiến. Trong huyện Đại Từ, cán bộ và nhân dân nơi nơi đều dấy lên phòng trào giúp đỡ bộ đội là thương binh. Một loạt các Trại An dưỡng đường được ra đời ở huyện Đại Từ như: Trại An dưỡng đường ở xã An Khánh, Trại An dưỡng đường số I, Trại An dưỡng đường số II ở xã Lục Ba, An dưỡng đường số III ở xã Mỹ Yên. Các đồng chí là bộ đội bị thương ở các chiến trường đều được đưa về các Trại An dưỡng đường để cứu chữa, điều trị. Nhiều câu chuyện cảm động đã diễn ra trên mảnh đất này về tình cảm của nhân dân với bộ đội như “cá với nước” mà không thể giấy bút nào tả xiết. Chuyện kể rằng: ở Trại An dưỡng đường số II ở xã Lục Ba, cuối năm 1947, không ai biết chính xác con số thương binh được đưa về trại là bao nhiêu nhưng số nhà anh em ở đóng tại đây con số ấy lên đến cả trăm. Tất cả bà con ở đây có nhà rộng rãi đều nhường chỗ để anh em thương binh nghỉ, làm chỗ ăn, chổ ở, có nơi làm nhà văn hoá để anh em vui chơi, giải trí. Nhưng có nơi nhường nhà mình cho người lành lặn cùng ở cũng là đã phức tạp rồi, nhưng lại có người nhường nhà cho người bị thương, cụt cả tay, cụt chân, hỏng mắt, chấn thương sọ não … cùng ở thì khó khăn lại tăng lên bội phần. Thế nhưng lúc ấy bằng tình thương đồng loại, bà con nhân dân huyện Đại Từ đã sẵn sàng hy sinh, cho đó là một niềm vinh dự và trách nhiệm lớn của mình. Trong trí nhớ của nhân dân xã Lục Ba vẫn còn in đậm hình ảnh anh thương binh tên là Xiêm, bị cụt cả hai chân, hai tay, do vậy tất cả mọi thứ sinh hoạt đều do người khác giúp đỡ. Chị Nghê một cán bộ của trại đem lòng thương yêu anh Xiêm và lấy làm chồng. Chị chăm sóc anh rất tận tình, chu đáo. Nhưng do mất nhiều máu quá nên làm anh sinh ra cáu bẳn, suốt ngày gắt gỏng vợ. Có lúc bực tức quá anh còn nhờ bạn đánh vợ! Người bạn của anh Xiêm cũng phải cầm nạng vụt vào chị Nghê để anh yên. Có bà hàng xóm thấy vậy liền can ngăn nhưng anh ta cười hiền lành và nói: Cả chị Nghê cũng nhờ tôi làm như vậy để cho anh yên lòng. Sau này, trại an dưỡng đường chuyển đi, không biết đôi vợ chồng yêu nhau vì nước, thương nòi ấy ra sao? Cũng trong thời gian ấy, ở xã Lục Ba có nhiều chị em tình nguyện lấy chồng là thương binh như: chị Trần Thị Lệ lấy anh thương binh Đỗ Công Chức, chị Nguyễn Thị Tình lấy anh thương binh Phí Văn Thuyên, chị Cậy 25 tuổi rất xinh, lấy anh thương binh tên là Vụ … các cặp này xây dựng gia đình với nhau, sau đó đều định cư ở xã Lục Ba, từ đó đến nay, người còn, người mất, nhưng con cái họ đều phương trưởng cả. Hưởng ứng phong trào phụ nữ lấy chồng là thương binh như ở xã Lục Ba, nhiều chị em phụ nữ ở xã Mỹ Yên cũng lấy chồng là thương binh.

Cũng ở xã Lục Ba, có bà Nguyễn Thị Đích, nhân dân thường gọi là bà Bá Huy, vốn là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó quê ở thôn Thái Lai, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, phải bỏ quê ra đi, vì không chịu lấy tên Chánh tổng. Bà theo thợ cấy lên huyện Đại Từ đi cấy thuê, bà gặp ông Trần Đình Tích cũng là người đi cày thuê, cùng cảnh nên duyên chồng vợ. Do chịu khó làm lụng nên có vốn liếng dần dần khá giả. Ông bà có nhiều ruộng trở nên là người giàu có trong vùng. Cuối năm 1947, Phòng Thương binh - Cục Chính trị - Bộ Quốc phòng về đóng trụ sở ở nhà bà Bá Huy, quân số lên đến gần 100 người, chỗ ăn, chỗ ở, chỗ chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhận được sự khuyến khích, động viên rất lớn của ông Lê Thành Ân - lúc đó là quyền Trưởng Phòng Thương binh - Bộ Quốc phòng, bà Bá Huy đã giúp thương binh 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, vận động nhân dân trong xóm, trong làng làm 10 gian nhà tre và các nguyên vật liệu khác để lập Trại An dưỡng đường, gọi là Trại An dưỡng đường số I để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh. Được nghe báo cáo về những việc làm đầy tình nghĩa đó của bà Bá Huy ở huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang ở và làm việc tại ATK - Định Hoá (Thái Nguyên) thấy vậy rất lấy làm cảm kích, Người liền gửi thư khen ngợi đúng vào ngày 27/7/1947. Thư Bác viết:

“Thưa bà,

Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một trại an dưỡng đường cho thương binh.

Tôi rất lấy làm vui lòng.

Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc gìn giữ Tổ quốc.

Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu:

“Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức,

Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”

Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà và khen ngợi bà.

Đồng thời, tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường “Bà Bá Huy”.

Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh”.

Một trong những người có công cũng giúp đỡ thương binh xây dựng trại An dưỡng đường số II là cụ Đặng Văn Ẩm (còn gọi là Tổng Ẩm), ông Ẩm là người rất cần cù lao động nên gia đình cũng khá giả. Ngoài dinh cơ ở trong làng. Gia đình ông còn khai phá khu đầm Tàu Voi để chăn nuôi trâu bò và thả cá. Khi cụ Vũ Năng Tĩnh là cán bộ lên đặt vấn đề xin giúp đỡ xây dựng trại an dưỡng đường ông đã nhường toàn bộ khu trang trại này cho anh em thương binh. Tất cả gồm 8 gian nhà, 5 mẫu ruộng, 4 con bò và nhiều thóc gạo. Bà con noi theo gương ông cũng hết lòng đem công sức và của cải giúp đỡ anh em.

Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.127 đồng để tặng thương binh. Báo Vệ quốc dân số 11, ra ngày 27-7-1947 đã đăng thư này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Nói sao hết những tấm lòng cưu mang da diết của bà con nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ với các cơ quan, đoàn Đảng đã về ở và làm việc tại các xóm làng ở các xã ven chân Tam Đảo huyện Đại Từ. Xuất phát từ tấm lòng cảm động ấy, giữa bao bộn bề công việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo thuộc Bộ Nội vụ đã họp để lấy một ngày gọi là ngày để tỏ lòng yêu mến các thương binh, tử sỹ. Từ ATK Bác Hồ viết thư gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”. Đầu thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Xuất phát từ những điều kiện lịch sử, những đóng góp to lớn của các chiến sỹ bộ đội, đồng bào tất cả vì thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1947), chính tại mảnh đất ATK Đại Từ đã diễn ra lễ công bố lấy ngày 27/7/1947 là ngày Kỷ niệm Thương binh, liệt sỹ. Đó là địa điểm cây đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (Đại Từ) nằm ngay trong lòng của huyện lỵ là những nhân chứng ghi lại sự kiện lịch sử ấy. Trước nhà tưởng niệm hiện có tấm bia đá có ý nghĩa là "ngọn lửa" được khắc chìm sự kiện: "Nơi đây ngày 27 tháng 7 năm 1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện tầng lớp nhân dân địa phương có mặt nghe công bố bức thư Bác Hồ ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh, liệt sỹ ở nước ta".  Năm 1997, địa điểm đã được Bộ Văn hóa Thông tin Quyết định xếp hạng là di tích lịch sử; Bộ Lao động Thương binh xã hội; UBND huyện Đại Từ  đầu tư xây dựng tôn tạo thành công trình văn hóa - lịch sử oai nghiêm, gồm có Nhà tưởng niệm, kiến trúc như một ngôi đền cổ kính, nội thất được bài trí đẹp, tôn ty, có bàn thờ Bác Hồ, bia ghi công các Anh hùng liệt sỹ. Điều tâm đắc nhất của khu di tích là kể từ sau khi công trình được hoàn thành, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh bạn đều có đến tham quan, tưởng niệm, ghi cảm tưởng về khu di tích. Đến với di tích, du khách cũng được thưởng ngoạn quang cảnh thôn dã, thanh bình với cảnh quan hồ sen thơm ngát, cây đa cổ thụ, có đền Ông và đền Bà – nơi thờ Đồng Doãn Giai, một Tiến sỹ đỗ năm 1736 thời Lê người Đại Từ và công chúa Mai Hoa người vợ yêu quý của danh nhân cũng được thờ trong quần thể di tích. Nhưng nói đi, nói lại thì ai đi, ai đến đừng quên lời ca:                                                                                                             

 “Dù ai đi đông về tây

Hai bảy tháng,  bảy nhớ ngày thương binh”

Huyện Đại Từ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đồng thời là nơi chứa đựng những tình cảm sâu nặng của con người với con người khi đất nước có chiến tranh, nhân dân địa phương đã dấy lên phong trào ủng hộ thương binh rất rầm rộ. Có rất nhiều tấm gương sáng như vừa nêu, đã thực sự tham gia vào công cuộc gìn giữ Tổ quốc, đó là những việc làm đầy tình nghĩa, nó đã nêu cao tinh thần yêu nước, thương nòi, tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 

                                                                        Bài và ảnh: Nguyễn Đình Hưng

(Sở Văn hoá,Thể thao và Du lịch Thái Nguyên)


Bình luận