Đi theo phái đoàn đầu tiên của Trung ương Đảng và Chính phủ vào Nam Bộ kháng chiến

Ngày đăng: 18/10/2011 - 13:10

Lê Toàn Thư*

Đó là vào khoảng giữa tháng 9-1948, phái đoàn xuất phát từ căn cứ địa của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Việt Bắc, và đến khu căn cứ địa của Xứ uỷ Nam Bộ và Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ vào đầu năm 1949. Khi đi cũng như khi đến, đều không có thông tin trên báo chí và đài phát thanh. Thế mà địch vẫn biết có một phái đoàn quan trọng của Trung ương vào công tác tại Nam Bộ. Chúng luôn theo dõi, rình rập, đánh phá hòng chặn đường và "tóm bắt" phái đoàn.

LDT7

Đồng chí Lê Đức Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ

Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Phan Trọng Tuệ, năm 1950

Vào đầu tháng 9-1948, chỉ cách ngày phái đoàn lên đường độ 10 ngày, tôi được điều động từ Văn phòng Tổng bộ Việt Minh sang Ban Tổ chức Trung ương Đảng làm Thư ký riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ, lúc đó là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác tổ chức và dân vận của Trung ương. Đồng chí Lê Đức Thọ cho tôi biết: "Trung ương cử một phái đoàn vào công tác tại Nam Bộ. Cậu sẽ đi, làm thư ký cho tôi. Mọi việc chuẩn bị tôi đã giao cho Văn phòng Trung ương Đảng, các ban, ngành lo liệu và đã xong xuôi... Chỉ một việc quan trọng là chờ anh Trường Chinh chỉnh lý xong dự thảo Đề cương "Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam", do anh soạn thảo là chúng ta lên đường. Chúng ta mang theo văn kiện này vào cho các đồng chí Nam Bộ".

Tôi biết lúc đó đồng chí Trường Chinh và các đồng chí giúp việc, đặc biệt là Trần Quang Huy, làm việc ngày đêm rất khẩn trương để hoàn chỉnh và in ấn xong tài liệu này để phái đoàn Trung ương đem vào Nam Bộ.

Phần tôi, chẳng phải chuẩn bị gì cả! Đồng chí Lê Đức Thọ giao cho tôi ba cái gói riêng biệt, đã bao bọc, niêm phong kỹ lưỡng và cho biết: một là tài liệu chỉ thị, nghị quyết, văn kiện của Trung ương, khi tới Nam Bộ mới lấy ra làm việc; hai là một số bạc Đông Dương, khi có lệnh của tôi mới được chi dùng; ba là một số vàng cho Xứ uỷ Nam Bộ. Đây là những vật bất ly thân, tôi phải bảo vệ chúng như bảo vệ tính mạng của mình.

Trong những ngày chờ lên đường, đồng chí Lê Đức Thọ toàn hỏi về cán bộ, số cán bộ ở tù Côn Đảo chung với tôi đang công tác ở Nam Bộ.

Tài liệu lịch sử Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam đã xong.

Vào một tối, trong sân Văn phòng Trung ương Đảng diễn ra lễ tiễn chúng tôi vào Nam. Dự lễ tiễn, có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, v.v.. Tại tiệc trà này, chưa có hai anh Phạm Ngọc Thạch và Dương Quốc Chính. Mãi tới khi tới bờ sông Lô, đoàn anh Thạch và đoàn anh Chính mới nhập vào.

Toàn đoàn đã xuôi dòng sông Lô trong xanh, hai bên bờ rừng rậm, núi cao hùng vĩ, rồi xuôi tiếp theo dòng sông Hồng, sông Đáy, về tới tận Vân Đình, lúc đó sầm uất, thuộc tỉnh Hà Đông, đến căn cứ của Khu uỷ Khu 3, lấy thêm cán bộ giúp việc và nghỉ ngơi độ mươi ngày, cho cán bộ nào cần về thăm nhà thì về...

Tại căn cứ Khu uỷ Khu 3, tôi mới biết rõ phái đoàn gồm:

- Đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng phái đoàn về mặt Đảng.

- Đồng chí Phạm Ngọc Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, làm Trưởng phái đoàn về mặt Chính phủ.

- Đồng chí Dương Quốc Chính (tức Thiếu tướng Lê Hiến Mai) đại diện Bộ Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cán bộ cùng đi giúp việc tổng cộng 30 người, gồm thư ký, y sĩ, bảo vệ, cần vụ... Nhiều nhất là cán bộ quân sự. Có những đồng chí vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn, đi với đồng chí Dương Quốc Chính.

Đây là lần đầu tiên tôi được đi chung một chặng đường dài từ Việt Bắc vào Nam Bộ với đồng chí Phạm Ngọc Thạch mà tôi vô cùng thân thương, quý mến và kính phục.

Sắp tròn 50 năm rồi, tôi còn nhớ hình ảnh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tươi vui, mặc quân phục, chân đi giày săngđá - giày của lính Tây, đế có đinh để bám đất (nhưng đi trên suối đá lởm chởm thì trơn trượt), vai quàng cây súng các bin báng xếp, ba lô trên vai, luôn luôn đầu trần, cùng chúng tôi trèo đèo, lội suối, băng rừng, chịu đựng gian khổ hơn ai hết... Thật là một đồng chí tuyệt vời!

Đoàn chúng tôi tới Vân Đình (Hà Đông) vào sáng sớm tinh mơ. Khoảng 9 giờ hôm ấy, địch thả quân nhảy dù xuống càn quét, lùng sục bắn phá.

Tại căn cứ Khu uỷ Khu 3, có cuộc họp toàn đoàn. Tôi được chỉ định làm Bí thư Chi bộ và là Trưởng đoàn cán bộ đi đường. Thế là, cùng với nhiệm vụ bảo vệ các vật bất ly thân trong ba lô, tôi còn thêm hai nhiệm vụ nữa cũng nặng nề không kém. Rất mừng là tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tất nhiên với sự cộng tác, giúp đỡ, thương yêu của tất cả đồng chí trong đoàn.

Dọc đường từ Việt Bắc xuôi các dòng sông êm ả lớn nhỏ, rồi nào là ôtô, xe goòng, thuyền độc mộc, bè đổ suối, đi ngày đêm, vượt không biết bao dốc đứng, đèo cao, biển rộng mới tới được Đồng Tháp Mười, căn cứ địa thần thánh của Xứ uỷ và Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ. Biết bao chuyện vui, buồn, mà vui là chính, buồn chỉ chút chút thôi, không sao kể xiết. Nhưng nếu không kể gì, e thiếu sót, chỉ xin kể vài câu chuyện lớn thôi...

Đoàn thường phải lên đường vào sâm sẩm tối, đề phòng máy bay địch bắn phá. Khi tới thị xã Thanh Hóa, đoàn từ giã đường sông, đi đường bộ về căn cứ Khu uỷ Khu 4. Tại đây chúng tôi dừng chân vài ngày để thực hiện một công việc quan trọng do Bác Hồ và Chính phủ giao cho phái đoàn Chính phủ - đó là lễ trao quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Nguyễn Sơn, lúc đó là Tư lệnh Quân khu 4. Đông đảo nhân dân, bộ đội, các bộ, các ban, ngành, đoàn thể Khu 4 và tỉnh Thanh Hóa tham dự.

Tôi ở trong hậu trường, dự cuộc hội ý ngắn trước khi phái đoàn Trung ương và tướng Nguyễn Sơn ra mắt công chúng. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy bộ quân phục cấp tướng. Sao mà nó đẹp thế, lấp la lấp lánh, "chói lọi ánh hào quang", trên người một vị tướng cao to, oai phong lẫm liệt, mà rất mực bình dị, với gương mặt rạng rỡ niềm vui với đôi mắt sáng quắc. Trong hậu trường, tôi mới thấy được tính tươi trẻ, hồn nhiên, bình dị, tình cảm chan hòa thân ái, bình đẳng giữa các cán bộ cao cấp gánh vác trọng trách của Đảng. Tôi không thể nào quên được niềm vui hôm đó của tướng Nguyễn Sơn. Đồng chí đứng trước gương, sửa sang quần áo, mũ mão cho chỉnh tề rồi trịnh trọng bước tới trước mặt Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, vòng hai tay trước ngực nói: "Muôn tâu "Bệ hạ", như tôi đây Thừa tướng, xin báo cáo "Bệ hạ". Mọi việc đã sẵn sàng. Xin chờ lệnh "Bệ hạ"". Rồi đồng chí làm bộ vuốt râu dài, đá chân lên quay một vòng 180o, đứng nghiêm giơ tay chào Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đúng theo kiểu nhà binh, mời phái đoàn ra lễ đài dự cuộc míttinh... Mọi người cười rộ, thật vui vẻ.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất phái đoàn Chính phủ do Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Trưởng đoàn hoạt động công khai trước công chúng. Từ sau đó, phái đoàn Trung ương Đảng cũng như Chính phủ chỉ làm việc nội bộ với các đồng chí khu uỷ, tỉnh uỷ và phụ trách chính quyền, quân đội dọc đường đi.

Từ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trở vào (trừ vùng tự do của Liên khu 5 gồm một phần phía nam của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, bắc Phú Yên) là vùng bị địch tạm chiếm. Đoàn phải leo núi, băng rừng, lội suối, phần nhiều là đi qua những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Tới bắc Khánh Hòa, một bộ phận nhỏ gồm ba đồng chí trong phái đoàn Trung ương với vài cán bộ giúp việc (trong đó có tôi) đi đường biển, xuất phát từ Hòn Hèo (bắc Khánh Hòa) qua nhiều chặng suốt dọc ven biển miền Trung, vào tận Xuyên Mộc (Bà Rịa), lại đi bộ, đi xuồng trên các kinh rạch, tới Đồng Tháp Mười. Bộ phận còn lại, đông hơn, tiếp tục đi và hai bộ phận đã gặp nhau đông đủ, không thiếu một ai, tại căn cứ của Xứ uỷ Nam Bộ ở Đồng Tháp Mười, trên kinh Ba và các kinh rạch lân cận.

Thế là cuộc hành trình đã tới đích!

Nhưng công việc của phái đoàn mới thực sự bắt đầu từ đây.

Anh Thọ và anh Ba Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, cùng các đồng chí Thường vụ Xứ uỷ gặp nhau ở đâu, bàn luận, quyết định những gì tôi không biết được. Nhưng qua thực tế tình hình, tôi thấy sự việc diễn ra như sau:

Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ đã tổ chức một cuộc họp rộng rãi, trọng thể, thân mật để đón tiếp, hoan nghênh phái đoàn Trung ương để thông báo tình hình cho nhau và nghe Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trình bày chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ.

Sau đó, tôi không được gặp lại Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nữa. Đồng chí ở lại bên Uỷ ban, tiếp tục làm việc một thời gian ngắn. Rồi theo yêu cầu tha thiết của đồng chí, được sự đồng ý của anh Lê Đức Thọ và anh Ba, đồng chí chuyển về công tác ở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và miền Đông Nam Bộ. Đồng chí Phạm Ngọc Thạch ở luôn trên đó cho tới khi trở ra Trung ương lúc nào tôi không được biết. Đồng chí Dương Quốc Chính và các cán bộ cùng đi thì về ở bên Bộ Tư lệnh Quân khu 8, làm việc tại đó.

Anh Lê Đức Thọ được bố trí ở gần anh Ba để thường xuyên trao đổi, bàn luận công việc.

Còn tôi được về ăn, ở, làm việc tại Văn phòng Xứ uỷ với đồng chí Thượng Vũ (tức Nguyễn Văn Kỉnh) lúc đó là Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Xứ uỷ cùng vài ba anh em ở văn phòng và cấp dưỡng.

Lần đầu tiên tôi gặp anh Tư Thượng Vũ - một đồng chí lãnh đạo hiền từ, giản dị, nói năng mạch lạc, đôi khi vừa nói vừa cười hồn nhiên, có khi cười to rất sảng khoái. Da anh trắng, mắt sáng, dáng cao, mảnh khảnh, rất dễ gần, rất dễ thương...

Anh hỏi thăm tôi về quá trình công tác, về tình hình miền Bắc, về tình hình sức khỏe Bác Hồ, các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và tình hình đường đi của chúng tôi. Anh khuyên tôi yên tâm công tác, dần dần sẽ hiểu tình hình Nam Bộ và quen biết anh chị em cán bộ chung quanh Xứ uỷ. Rồi anh cho biết: công việc sẽ nhiều đấy. Anh nói ít, đọc nhiều, viết nhiều, trả lời công văn, thư từ các nơi gửi tới (tự anh viết, ngắn gọn, trên những mẩu giấy nhỏ, nét chữ rất rõ ràng đều đặn, sáng sủa, dưới ký tên Thượng Vũ...). Từ đó, tôi thường xuyên làm việc dưới sự chỉ đạo của anh, anh Thọ và anh Ba, cho tới khi anh tập kết ra Bắc năm 1955...

Có thể nói, phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ trên thực tế đã chia ra thành ba bộ phận riêng:

Đồng chí Trưởng phái đoàn Chính phủ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đi công tác Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và miền Đông.

Đồng chí Dương Quốc Chính gắn chặt với Bộ Tư lệnh Nam Bộ và Quân khu 8.

Đồng chí Lê Đức Thọ gắn chặt với Xứ uỷ Nam Bộ.

Về phần tôi, ba nhiệm vụ nặng nề gánh vác dọc đường đi, nay đã được hoàn tất. Không còn là chi bộ đi đường nữa, phái đoàn và cán bộ tuỳ tùng đã phân tán làm ba. Tài liệu "Đường lối cách mạng văn hóa Việt Nam", các văn kiện mật của Trung ương Đảng đã được trao cho Văn phòng Xứ uỷ, Ban Tuyên huấn và các đoàn thể (lúc này Xứ uỷ chưa có Ban Tổ chức, Ban Dân vận...).

Tôi được giữ lại các tài liệu về xây dựng Đảng, về công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, tôn giáo vận... Nhiều lắm!

Tiền Đông Dương, vàng được trao lại anh Thọ để anh trao cho Xứ uỷ.

Theo lệnh của anh Thọ, tôi vẫn còn làm thư ký của anh. Tôi về Văn phòng Xứ uỷ, một văn phòng rất gọn nhẹ, đơn sơ, đóng trong nhà đồng bào trên kinh Ba Tháp Mười. Tôi ăn cơm chung với các đồng chí Thượng Vũ, Long, Tín, Lễ...; cơm, canh do đồng chí Chi chăm lo (đồng chí Chi sau Hiệp định Giơnevơ tập kết ra Bắc tiếp tục làm cấp dưỡng ở Bộ Ngoại giao). Các bữa ăn rất thịnh soạn so với hồi tôi ở Việt Bắc. Ngày nào cũng có cá, lươn, mắm, rau bông súng, rau muống... Tôi đặc biệt nhớ món canh chua me, lươn nấu với rau muống.

Một đêm tại Văn phòng Xứ uỷ, lần đầu tiên tôi gặp lại đồng chí Lê Duẩn, sau nhiều năm xa cách. Tôi ôm chầm lấy anh, muốn khóc! Anh gầy quá, tươi cười vỗ vỗ vào lưng tôi. Đêm đó tôi được ngủ chung trên một bộ ván với anh Ba. Anh hỏi tôi nhiều, biết tới đâu, tôi trả lời tới đó...

Anh hỏi tôi, đại ý: Anh có biết Trung ương đánh giá công tác của chúng tôi trong này thế nào, mà cử phái đoàn vào công tác không? Chúng tôi phấn đấu hết mình để không phụ lòng tin cậy của Bác, của Trung ương.

Tôi trả lời: Thưa anh, trước khi lên đường, tôi chỉ được anh Thọ cho biết: "Trung ương ít hiểu tình hình Nam Bộ quá. Bên Bộ Tổng Tư lệnh thì có biết nhiều tình hình hơn, vì có liên lạc thường xuyên vào, ra, nắm tình hình và lấy báo cáo. Bên Đảng thì ít quá. Anh Ba là trụ cột trong đó, không thể đi được. Anh Phạm Hùng, anh Hà Huy Giáp đang trên đường ra Trung ương. Trung ương cử tôi (Lê Đức Thọ) đi chuyến này, chắc ở lại lâu".

Anh Ba nói: Chúng tôi trong này, đúng là xa Trung ương lắm, mặc dù có điện đài liên lạc thường xuyên, nhưng làm sao nói hết được. Có nhiều việc, nhiều vấn đề xảy ra cấp bách, phải căn cứ vào đường lối chung của Trung ương mà giải quyết cho kịp thời, không thể chờ chỉ thị của Trung ương. Chiến trường Nam Bộ rộng lớn lắm, rất gay go, phức tạp. Có những vấn đề lớn phải có chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời, nếu không, có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc kháng chiến cho toàn quốc.

Chúng tôi suy nghĩ mãi, làm sao thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết của Bác và Trung ương. Làm sao đoàn kết với Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Bình Xuyên, người Hoa, người Khơme, nhân sĩ, trí thức (trong này đông lắm, quan trọng lắm!). Phần lớn có tinh thần dân tộc, yêu nước thương dân, kính trọng Bác Hồ, nhưng nhiều người chưa hiểu chủ nghĩa cộng sản, thậm chí chống cộng sản nữa. Chúng ta còn phải làm việc rất nhiều để tranh thủ thêm họ, trung lập hóa những người lưng chừng, cô lập phần tử xấu.

Đối với anh em trong Đảng Dân chủ ở Nam Bộ, chúng ta cũng còn làm việc nhiều. Anh chị em rất tốt, rất yêu nước, nhưng có những người chưa hiểu Đảng ta, chưa hiểu chủ nghĩa cộng sản, muốn tranh giành, chia quyền lãnh đạo cách mạng với Đảng ta...

Công, nông thì gắn bó với Đảng ta, đi theo Đảng. Ta phải tiếp tục nâng cao giác ngộ cách mạng của họ, phải tìm mọi cách đem lại lợi ích thiết thân cho họ.

Quân đội thì vừa xây dựng vừa đánh giặc, ta đã có dân quân, du kích, bộ đội địa phương ở khắp các chiến trường. Nhưng còn phải lo nâng cao chất lượng, đào tạo cán bộ... Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ gồm nhiều vị có uy tín lớn, có năng lực, quán xuyến công việc chính quyền rất tốt, rất sáng tạo, rất tin tưởng vào Bác Hồ... Chúng ta rất tin cậy họ. Xứ uỷ có anh Ung Văn Khiêm và anh Phạm Hùng làm việc bên đó.

Đảng bộ đã có hệ thống đến tỉnh, huyện, xã, ở nội thành Sài Gòn ta cũng có cơ sở. Tuy nhiên đảng viên còn yếu và ít. Phải chăm lo xây dựng, củng cố và phát triển Đảng, các cấp uỷ và chi bộ.

Các đoàn thể quần chúng cũng đã có, nhưng hoạt động chưa thiết thực, cần tìm tòi nội dung, hình thức hoạt động thiết thực của các đoàn thể quần chúng. Rồi anh Ba nói tiếp: "Anh Thọ và các anh vào trong này là lực lượng cán bộ tăng cường cho Nam Bộ. Tôi sẽ xin Trung ương cho các anh ở luôn trong này làm việc". Và anh hỏi tôi: "Đã có vợ con gì chưa?". Tôi báo cáo: "Chưa ạ!". Anh Ba khen: "Thế là tốt! Sẽ lấy vợ Nam Bộ nhé!".

Kỷ niệm một đêm ngủ chung với anh Ba yêu quý, học một bài cơ bản sâu sắc, nhớ đời về tình hình và công tác cách mạng ở Nam Bộ. Thật là bổ ích và vô cùng sung sướng.

Hai anh em nằm bên nhau, trằn trọc, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng. Tuy nhắm mắt nhưng dường như không ngủ... Sáng sớm tinh mơ, chúng tôi thức dậy tập thể dục, rồi anh Ba lại xuống xuồng cà rèm, đến một cơ quan nào đó của Xứ uỷ...

Sau đó ít ngày, một đêm nọ, đồng chí Thượng Vũ và các đồng chí Văn phòng Xứ uỷ kéo nhau đi dự lễ thành hôn của đồng chí Phạm Ngọc Thảo với đồng chí Phạm Thị Nhiệm, suốt đêm không về. Tôi và đồng chí Chi (cấp dưỡng) ở lại thủ trại...

Sáng tinh mơ, tôi thả bộ ra cầu mống (gần kinh Ba) chơi, xem đồng bào đi chợ, làm vườn và để tìm hiểu địa hình, địa vật phòng khi có giặc ruồng bố biết đường mà chạy. Bỗng nghe đồng bào kêu: "Địch nhảy dù hướng Cái Bèo (xã Mỹ Quý)! Chắc sẽ càn lớn".

Tôi nhìn lên trời, cách không xa tôi lắm, hàng trăm chiếc dù từ từ rơi xuống, và nghe tiếng súng nổ ran. Tôi vội chạy về Văn phòng, cùng đi với đồng chí Chi đưa tài liệu, giấy tờ, đồ dùng cần thiết xuống xuồng, đợi lệnh sơ tán. Một lúc sau thì anh Ba, anh Thọ, anh Thượng Vũ, các đồng chí Văn phòng cũng về tới, tạm thời sơ tán qua kinh Bùi, lau sậy vô cùng rậm rạp... Các đồng chí bên quân sự cho biết địch càn quét lớn, bao gồm thủy, lục, không quân, đánh phá Đồng Tháp Mười, các cơ quan đầu não của Nam Bộ..., Xứ uỷ nên ra khỏi vùng Đồng Tháp Mười. Thế là một cuộc hành quân lội bưng suốt đêm, lên tới Long Châu Tiền an toàn dưới sự hướng dẫn của đồng chí Cao Đăng Chiếm, lúc đó là Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc Nam Bộ, cùng với một tiểu đội chiến sĩ võ trang.

Địch hoàn toàn thất bại, không đạt được mục đích. Xứ uỷ và Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ lại trở về căn cứ Đồng Tháp Mười làm việc, nhưng nhận định rằng: Không thể yên ổn làm việc lâu dài ở căn cứ Đồng Tháp Mười được, sẽ bị địch thường xuyên uy hiếp. Vì vậy, Xứ uỷ quyết định dời toàn bộ cơ quan đầu não của Nam Bộ về miền Tây, xây dựng căn cứ địa lâu dài và vững chắc, nơi có vùng tự do rộng lớn, dân cư đông đúc và có truyền thống cách mạng.

Tôi được đi theo anh Thọ, anh Duẩn, anh Thượng Vũ, cùng nhiều đồng chí khác, bọc qua Campuchia về miền Tây Nam Bộ, nơi có điều kiện tương đối ổn định để triển khai mọi mặt công tác.

Về miền Tây Nam Bộ, tôi không còn ở Văn phòng Xứ uỷ nữa, mà ở chung với anh Thọ, là thư ký của anh và giúp anh trong công tác Đảng, tổ chức cán bộ và dân vận. Anh Thọ bắt đầu rà soát lại cán bộ các khu uỷ, tỉnh uỷ, Đặc khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh Thọ bàn với anh Ba, Thường vụ Xứ uỷ kế hoạch chấn chỉnh, củng cố, tăng cường chất lượng các cấp uỷ, xây dựng lề lối làm việc, nền nếp báo cáo thỉnh thị, quan hệ làm việc giữa Xứ uỷ với cấp dưới trực tiếp và các ban, ngành, đoàn thể trực thuộc.

Văn phòng Xứ uỷ được tăng cường. Một số ban chuyên môn giúp việc Xứ uỷ được thành lập như Ban Đảng vụ (sau đổi thành Ban Tổ chức - Kiểm tra), Ban Dân vận, lúc đầu cùng chung với Ban Tổ chức - Kiểm tra, sau tách ra thành một ban riêng. Các Ban Công vận, Nông vận, Phụ vận, Thanh vận, Tôn giáo vận, Hoa vận, Khơme vận, v.v. được tăng cường hoặc được thành lập mới.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ uỷ đối với các mặt công tác được tăng cường chặt chẽ, sát sao hơn. Phong trào kháng chiến có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn!

Xứ uỷ tính đến việc mở lớp huấn luyện bồi dưỡng, nâng cao trình độ và đào tạo cán bộ, giao cho Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức - Kiểm tra, cùng Văn phòng Xứ uỷ chuẩn bị chương trình huấn luyện, tuyển chọn cán bộ đi học, chuẩn bị địa điểm, lo vật chất cho lớp học... Năm 1950, Trường Huấn luyện cán bộ mang tên đồng chí Trường Chinh, khóa 1 được mở. Hàng trăm học viên của các tỉnh, thành từ Bình Thuận trở vào tận mũi Cà Mau đã lần lượt đến học (Trường Trường Chinh tiếp tục mở lớp cho tới khóa 3).

Tôi xin trở lại nói về phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ. Từ khi Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lên Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và miền Đông hoạt động và sau khi Thường vụ Xứ uỷ, Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ chuyển về miền Tây, thì theo tôi trên thực tế không còn phái đoàn nữa. Đồng chí Lê Đức Thọ hoạt động với tư cách là Đặc phái viên của Thường vụ Trung ương Đảng, gắn chặt với Xứ uỷ do đồng chí Lê Duẩn là Bí thư. Đồng chí Thọ không tham gia Xứ uỷ nhưng tham gia mọi sinh hoạt của Xứ uỷ.

Đồng chí Dương Quốc Chính cũng hoạt động như một Đặc phái viên của Bộ Tổng chỉ huy, nhưng dưới sự chỉ đạo, phân công trực tiếp của đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Lê Duẩn và cùng với Xứ uỷ xuống công tác ở miền Tây cho tới ngày tập kết ra Bắc.

Phái đoàn tuy không có tuyên bố giải thể, nhưng trên thực tế mỗi người nhận công tác khác nhau, theo sự bố trí của Trung ương và Xứ uỷ.

Về miền Tây một thời gian ngắn, vào cuối năm 1949, tôi được bổ sung làm Uỷ viên dự khuyết Xứ uỷ Nam Bộ.

Anh Thọ cho tôi ra "ở riêng", làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đảng vụ, rồi Ban Tổ chức - Kiểm tra - Dân vận của Xứ uỷ do anh Thọ làm Trưởng ban. Về sau, tôi còn làm việc ở nhiều ban khác nữa, không tập kết ra Bắc mà tiếp tục ở lại Nam Bộ giúp việc anh Lê Duẩn.

Vinh dự lớn của tôi là đã góp phần cống hiến nhất định đối với phái đoàn Trung ương Đảng và Chính phủ vào công tác Nam Bộ năm 1948, đã trở thành một cán bộ của Nam Bộ thành đồng, của dân tộc và của Đảng, dưới sự dạy dỗ, dìu dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.



* Nguyên:  - Xứ uỷ viên dự khuyết,

- Phó trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra - Dân vận Xứ uỷ Nam Bộ.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả