Đinh Thúc Dự - Bí thư Chi bộ đầu tiên, người cộng sản trung kiên của quê hương Xuân Thành

Ngày đăng: 25/03/2014 - 14:03

dinh thuc duĐồng chí Đinh Thúc Dự là một trong những người cộng sản đầu tiên của quê hương Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, ở một vùng quê nghèo khó thuộc đất Thành Nam, chứng kiến nỗi nhục của kiếp người nô lệ, của người dân mất nước, đồng chí đã sớm mang trong mình tinh thần yêu nước và giác ngộ cách mạng.

Năm 1927, khi 15 tuổi, được sự giác ngộ cách mạng của thầy giáo Mẫn và sau đó là đồng chí Phạm Quang Lịch, Đinh Thúc Dự đã cùng nhóm học trò họ Đinh Đông An vận động hội đồng kỳ mục bầu anh trai mình làm lý trưởng để tạo điều kiện cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đông An hoạt động và giác ngộ quần chúng ủng hộ phong trào cách mạng.

Cũng trong thời kỳ này, Đinh Thúc Dự đã cùng anh trai thành lập Hội nông dân tương tế, vận động hội viên góp ruộng để cày cấy, lấy thóc giúp những gia đình túng thiếu, chống nạn vay nợ lãi của bọn nhà giàu. Hội cũng vận động hội viên góp tiền tổ chức dệt vải tập thể, tiền lãi dùng để tổ chức lớp học xóa nạn mù chữ. Những hoạt động này lúc đó hiếm có địa phương nào làm được.

nam idnh

Lúc này, ở vùng nông thôn Xuân Trường, thực dân Pháp và quan lại cường hào, ác bá địa phương câu kết bóc lột nhân dân ngày càng tàn bạo, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ, yêu cầu phải có sự lãnh đạo của tổ chức cách mạng cao hơn. Ngày 3-3-1933, tại gác chuông chùa Một, làng Liêu Thượng, đồng chí Đinh Thúc Dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được chỉ định làm Bí thư Chi bộ Đông An - một trong hai chi bộ cộng sản độc lập đầu tiên của huyện Xuân Trường.

Ngay sau khi thành lập Chi bộ, với cương vị là Bí thư, đồng chí Đinh Thúc Dự đã lãnh đạo quần chúng khởi kiện chủ thầu Đặng Vũ Chẩn tới Tòa Khâm sứ, buộc tòa bắt chủ thầu Chẩn phải trả tiền đền bù hoa màu cho dân do bị phá ruộng vườn để đắp đê.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đinh Thúc Dự, Chi bộ Đông An ngày càng vững mạnh, phong trào cách mạng phát triển không những lan rộng, mà còn đi vào chiều sâu, gắn liền với nguyện vọng và quyền lợi của quần chúng như: Phong trào giúp người nghèo thoát nạn mù chữ, người nghèo đi học không mất tiền học và giấy bút, phong trào đảng viên đi thâm nhập thực tiễn lao động, v.v.. Năm 1939, bọn mật thám khủng bố tổ chức Đảng, Chi bộ phải ngừng hoạt động. Đồng chí Đinh Thúc Dự lên Hà Nội lái xe cho chủ mỏ Boneng - Lào, sau đó làm công cho hãng Avia. Tại đây ông đã tham gia phong trào công nhân để đòi quyền lợi cho anh em thợ thuyền. Khi tình hình địa phương thuận lợi, đồng chí Đinh Thúc Dự đã trở về quê tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng.  

Trong thời gian này, đồng chí Đinh Thúc Dự đã bí mật cài cắm đảng viên vào hệ thống tổ chức chính quyền địa phương nhằm nắm tình hình và che mắt địch. Vì vậy, đồng chí đã nắm chắc được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người dân, xây dựng cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng an toàn, vững chắc, được cấp trên tín nhiệm và giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Ngày 20-8-1945, đồng chí Đinh Thúc Dự đã cùng một số đồng chí cốt cán trong Chi bộ lãnh đạo Chi bộ Đảng xã Xuân Thành và quần chúng nhân dân trong huyện thực hiện thành công lệnh Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo tài tình và biết vận dụng đúng thời cơ của đồng chí Đinh Thúc Dự nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện lỵ Xuân Trường và Giao Thủy không mất một viên đạn và không đổ một giọt máu nào.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao phó các trọng trách: Trưởng Ty Liêm phóng huyện Xuân Trường, tháng 4-1946, Chủ tịch ủy ban bảo vệ xây dựng lực lượng vũ trang tập trung; tháng 12-1946, Chủ tịch ủy ban hành chính huyện; tháng 6-1947, Bí thư Phủ ủy kiêm Phủ đội trưởng huyện Xuân Trường; tháng 9-1949 giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Xuân Trường.

Năm 1949, giặc Pháp tái chiếm huyện Xuân Trường, chúng lập tề, bắt và khủng bố rất tàn khốc những gia đình có người tham gia kháng chiến; cơ sở đảng ở vùng địch hậu phải rút vào hoạt động bí mật, cơ quan huyện phải tản cư sang Nguyệt Giám - Thái Bình trong thời gian hai năm, bốn tháng, Xuân Trường nằm trong vùng địch hậu. Mặc dù vậy, đồng chí Đinh Thúc Dự vẫn kiên cường bám đất, bám cơ sở để trực tiếp chỉ đạo nhân dân chống Pháp. Đồng chí thường xuyên bí mật về xây dựng cơ sở cách mạng. Ban ngày phải nằm dưới hầm bí mật, ban đêm lên hoạt động. Địch nhiều lần vây bắt nhưng đồng chí được quần chúng bảo vệ nên thoát nạn.

Do yêu cầu công tác, cuối năm 1950 đồng chí được Tỉnh ủy Nam Định giao nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Nam Trực, sau đó đồng chí được đề bạt vào Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam, Nam Định, phụ trách công tác kiểm tra.

Năm 1951, đồng chí Đinh Thúc Dự vinh dự được bầu là đại biểu chính thức của tỉnh Nam Định đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Sau Đại hội, đồng chí được Trung ương điều động sang quân đội phụ trách hậu cần cho Chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là Chiến dịch Quang Trung) diễn ra từ ngày 28-5 đến ngày 20-6-1951. Để bảo đảm chiến dịch nổ súng đúng thời gian, đồng chí đã chỉ đạo anh em chuẩn bị hậu cần, bảo đảm vật chất cho gần 50.000 bộ đội và 45.000 dân công, 2.870 tấn gạo, 1.450 tấn thực phẩm, 190 tấn đạn, chuẩn bị cơ sở và phương tiện cứu chữa cho 2.000 - 2.500 thương binh với 5.100 giường bệnh... Sự chuẩn bị chu đáo này góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hà Nam Ninh, đã phá vỡ phòng tuyến sông Đáy của thực dân Pháp ở mặt trận Hà Nam Ninh, tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, tạo nên thắng lợi về chính trị trong chiến dịch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng.

Đây cũng là trận đánh cuối cùng của đồng chí Đinh Thúc Dự. Sau Chiến dịch Hà Nam Ninh, trong một chuyến công tác địch hậu, đồng chí bị thương nặng và sau đó hy sinh vào ngày 8-10-1951, khi ấy đồng chí mới 39 tuổi.

Gần 40 năm tuổi đời, 23 năm liên tục hoạt động cách mạng, cuộc đời của đồng chí Đinh Thúc Dự tuy ngắn ngủi nhưng sáng chói hào quang của tài năng và đức độ, của trí tuệ và lòng dũng cảm. Suốt đời đồng chí chỉ biết có đi đầu, xông pha và hy sinh thân mình cho quê hương và đất nước. Những đóng góp của đồng chí cho quê hương, tấm gương chiến đấu dũng cảm, phẩm chất tiết sạch giá trong của đồng chí đã được lịch sử xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường và tỉnh Nam Định ghi nhận. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đinh Thúc Dự gắn với những trang sử hào hùng của quê hương và của dân tộc ta.

Với những công lao đóng góp trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc, năm 1961, đồng chí Đinh Thúc Dự đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Chiến tranh đã đi qua, nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, càng thấy tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của Đảng, quân đội và nhân dân ta. Vì thế, chúng ta càng tự hào và trân trọng những con người đã góp sức mình vào chiến thắng chung của dân tộc, trong đó có đồng chí Đinh Thúc Dự.

Phạm Thị Thinh

Trích trong cuốn "Đinh Thúc Dự - Một tấm gương quả cảm vì quê hương",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 12-2013

Bình luận