Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2015): Tư duy đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới
Văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới gắn liền với thời điểm năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức phát động cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ đầu tiên của thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trương tôn trọng tự do sáng tạo, chấp nhận mọi tìm tòi đổi mới. Đây chính là hành lang tư tưởng thông thoáng, cởi mở cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới.
Từ sau năm 1975, thực trạng công tác quản lý của Đảng và Nhà nước đã bộc lộ những yếu kém, bất cập, gây khó khăn không những đối với kinh tế mà đối với cả văn học, nghệ thuật. Công tác quản lý văn học, nghệ thuật thời chiến ít nhiều hạn chế tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn học, nghệ thuật nước nhà thời kỳ trước đổi mới vẫn luẩn quẩn theo vết mòn của thời kỳ chiến tranh. Người nghệ sĩ thiếu nhạy cảm trước những vấn đề đổi thay của đất nước sau chiến tranh. Nhiều tác phẩm vẫn trượt theo con đường mòn của tư duy nghệ thuật cũ. Dấu ấn sáng tạo cá nhân của các nhà văn có tên tuổi hoặc chưa thể hiện rõ rệt hoặc bị chính nhà văn lên tiếng chối bỏ. Đổi mới tư duy về văn học, nghệ thuật không chỉ xuất phát từ bản thân văn học mà xuất phát từ sự đổi mới về tư tưởng, về cách nghĩ, cách làm trước một thực tế khác trước - thực tế đất nước hòa bình, đi lên chủ nghĩa xã hội của chính người nghệ sĩ.
Tinh thần của Đại hội VI đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân là phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”1. Đó là yêu cầu đối với toàn Đảng, với tất cả cán bộ, đảng viên trong việc xem xét, xử lý công việc. Với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã quan tâm, lắng nghe, tìm hiểu lực cản đối với phát triển văn học, nghệ thuật là gì? Cách nào có thể tháo gỡ rào cản để văn nghệ tiến lên? Tại cuộc gặp thân mật với một số văn nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hóa ngày 6 và 7-10-19872, khi đề cập tới yêu cầu của văn nghệ sĩ phải được “cởi trói” để tự do sáng tạo, đồng chí khuyên các văn nghệ sĩ: “Tôi nghĩ dù thế nào, các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình… Cần luôn ghi nhớ câu của Bác Hồ: “Nay ở trong thơ nên có thép”. Có thép, tôi hiểu là phải có tinh thần cách mạng”.
Ở đây, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu tác phẩm vừa phản ánh chân thực vừa phải có tính chiến đấu như Bác Hồ đã dạy. Chất thép chính là yêu cầu cao về tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn phải viết những tác phẩm phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của nhân dân. Đổi mới cách viết, đổi mới tư duy nghệ thuật là nhiệm vụ của bản thân nhà văn. Nhà văn theo trường phái nghệ thuật nào là do anh ta quyết định. Nhưng tác phẩm sáng tạo nghệ thuật do họ viết ra phải gắn liền với sự nghiệp của Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và vì con người. Đó cũng là lý tưởng, là mục tiêu cách mạng của Đảng. Bởi vì, Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục tiêu nào khác ngoài việc đưa đất nước ta trở thành một đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tư duy đổi mới tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhắc lại tại buổi làm việc của Ban Bí thư Trung ương Đảng với các nhà văn, nhà báo trong nước ngày 25-5-1988. Đồng chí đã nói rõ quan điểm của mình về hai loại ý kiến “tô hồng” và “bôi đen” hiện thực: “Báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng, chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp. Báo chí chống tiêu cực không phải bôi đen chế độ, mà đẩy lùi bóng tối, làm cho ánh sáng chói chang hơn. Như người trồng lúa, phải nhổ cỏ, bắt sâu thì lúa mới xanh lên được”. Và “Trong sự nghiệp đổi mới, chống tiêu cực mới là một mặt của vấn đề. Một phương hướng khác không thể xem nhẹ là nghiên cứu và biểu dương, cổ vũ nhân tố tích cực, những điển hình tốt, xấu xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước ta. Những điển hình này là sự thể hiện sinh động đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong thực tiễn”3.
Với tinh thần đổi mới, bằng hành động nêu gương của người cộng sản kiên trung, nhất là để cổ vũ đội ngũ nhà văn, nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết hàng loạt bài trên báo Nhân dân vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. “Những việc cần làm ngay” đã tạo luồng không khí mới về tính dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm trước hết là trên công luận, sau đó qua báo chí làm thay đổi nhận thức toàn xã hội, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Chúng tôi cho rằng, tư duy đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới được thể hiện ở ba nội dung cơ bản sau:
Trước hết, đó là sự đổi mới của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý, đánh giá đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Tinh thần của sự nghiệp đổi mới là nhìn thẳng vào sự thật. Đảng đòi hỏi văn nghệ sĩ phải tiếp cận sự phong phú của hiện thực đời sống xã hội để qua đó sáng tạo tác phẩm. Công cuộc đổi mới đòi hỏi các văn nghệ sĩ sáng tạo nhưng phải vững vàng trên lập trường tư tưởng nghệ thuật kiên định. Tác phẩm thiếu sự sáng tạo thì tác phẩm không thành công. Tuy nhiên, thực hiện được mục tiêu đổi mới và sáng tạo, người nghệ sĩ gặp không ít những khó khăn về nhận thức, tư tưởng, về điều kiện sáng tác. Văn nghệ sĩ ngoài bản lĩnh nghệ thuật, phải kiên định về lập trường tư tưởng, dũng cảm bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ nhân dân. Nếu không kiên định, dũng cảm thì ngòi bút sẽ xa rời mục tiêu, xa rời chân lý cách mạng. Văn nghệ sĩ phải thực sự có tài, có tâm, có tầm mới làm chủ cây bút, mới đứng vững trên lập trường tư tưởng nghệ thuật, quan điểm nhân sinh, mà sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc.
Thứ hai, tư duy đổi mới của Đảng đối với văn học, nghệ thuật là cần có định hướng sáng tác và yêu cầu cao về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đảng yêu cầu văn học, nghệ thuật phải gắn liền với đời sống xã hội, phản ánh trung thực giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Văn học, nghệ thuật tập trung phản ánh, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, chống thói hư tật xấu trong xã hội, xây dựng thành công nhiều hình tượng văn học, nghệ thuật có sức thuyết phục người lao động chân chính đang lao động quên mình vì Tổ quốc, để họ dũng cảm vượt qua những khó khăn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Đồng thời, văn học, nghệ thuật phải tạo nên một dư luận xã hội mạnh mẽ lên án cái xấu, cái lỗi thời.
Thứ ba, Đảng tiếp tục khẳng định tôn trọng quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, chấp nhận sự có mặt của các trường phái nghệ thuật khác nhau. Nghệ sĩ có quyền tự do chọn trường phái, trào lưu, chủ nghĩa trong sáng tạo nghệ thuật, chọn đề tài phản ánh, chọn hình thức biểu hiện, miễn là trường phái, chủ nghĩa, trào lưu sáng tác đó đồng hành cùng dân tộc, tất cả vì con người, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân. Đề tài và hình thức biểu hiện của tác phẩm mà nghệ sĩ lựa chọn phải mới mẻ, sáng tạo và được người Việt Nam chấp nhận, mang tính nhân dân, tính dân tộc, tính nghệ thuật sâu sắc.
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tư duy đổi mới của Đảng đã tạo luồng sinh khí mới cho nền văn học, nghệ thuật thời kỳ từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là trong 10 năm đầu thời kỳ đổi mới. Nền văn học, nghệ thuật sau đổi mới có những tiến bộ nhất định, phát triển đa dạng về đề tài, hình thức biểu hiện, giá trị nghệ thuật phong phú, dần dần hình thành những phong cách mới. Môi trường xã hội đổi mới, kinh tế phát triển, xã hội ổn định đã là nguồn đề tài phong phú để các văn nghệ sĩ sáng tác. Nếu như trước đây văn học, nghệ thuật đã làm tốt việc biểu dương những người con dũng cảm cầm súng vì Tổ quốc, thì nay, thời kỳ đổi mới văn học, nghệ thuật tiếp tục cổ vũ cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, làm cho con người buộc phải suy nghĩ lại chặng đường đã qua, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong quản lý, điều hành và lao động xây dựng đất nước. Sự tương tác ấy đã tạo nên một giai đoạn phát triển đầy ấn tượng của văn học, nghệ thuật nước nhà với nhiều tác phẩm, công trình mang dấu ấn của thời đại.
Nguyễn Hoàng
(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)
*****
1. Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, t.1, tr.14-27.
2, 3. Hà Đăng: “Nguyễn Văn Linh, một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định” trong Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 182-202.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực