Kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn: Có một đường Trường Sơn trong lòng đất

Ngày đăng: 19/05/2014 - 09:05

Trong vòng bảy năm (1968 - 1975), những người lính Trường Sơn đã làm nên một "đường Trường Sơn xuyên lòng đất" dài hơn 1.400 km từ miền bắc XHCN vào tận đoạn cuối con đường ở Bình Phước. Rất nhiều người đã ngã xuống để đường ống xăng dầu thông suốt vào Nam...

7nam

Chiến sĩ vác đường ống xăng. Ảnh tư liệu

Tuyến đường ống huyền thoại

Tháng 3-1968, không quân Mỹ ném bom dữ dội nhằm chặt đứt tuyến huyết mạch chi viện vào miền Nam, trọng điểm đánh phá từ phà Bến Thủy đến Nam Ðàn vào Ngã Ba Ðồng Lộc. Ðại tá Ðinh Công Ty, nguyên Chính ủy Trung đoàn ô-tô vận tải 11, thuộc Ðoàn 559, kể: Thời điểm đó, chúng tôi không còn xăng để chạy xe. Có lúc, hàng nghìn xe vận tải thiếu xăng nằm chờ, lá ngụy trang trên xe héo bao nhiêu lượt mà vẫn thiếu nhiên liệu. Cũng do thiếu xăng, nên không thể đưa đạn dược, lương thực, quân nhu vào chiến trường. Tình hình rất gay go bởi thiếu gạo và muối, khẩu phần ăn của chiến sĩ chỉ còn 2 đến 4 lạng gạo/người/ngày.

Theo lịch sử Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Ðoàn 559), Binh trạm 12 lúc đó đóng tại Khe Ve (Quảng Bình) còn một khối lượng xăng lớn, song không thể tiếp ứng ra ngoài do bom đạn phá nát đường bộ, cộng thêm trời mưa làm cho tất cả vùng Khe Ve như một bãi lầy. Binh trạm phải bơm xăng vào phuy 200 lít rồi phân công bốn chiến sĩ khiêng qua bãi lầy. Tuy nhiên, nhẩm tính lại trong một ngày, ba tốp chiến sĩ (12 người) chỉ khiêng được 15 phuy và ròng rã trong hai ngày chỉ chuyển đủ xăng cho hai xe vận tải. Thế nhưng trong hai ngày chuyển xăng ấy, Binh trạm 12 có một chiến sĩ trượt chân rơi xuống vực, hai chiến sĩ trúng mìn hy sinh. Một sáng kiến gùi xăng vượt lầy được cả binh trạm thực hiện. Xăng được bọc trong túi ni-lông (20 lít/túi) rồi cho vào ba-lô để từng người cõng qua trọng điểm. Sau một ngày lội bùn cõng xăng, trên đầu thì hứng bom đạn, 500 chiến sĩ cũng chỉ vận chuyển được 10 mét khối xăng, đủ cho hai xe xì-tẹc, nhưng có 40 chiến sĩ bị bỏng, một số chiến sĩ hy sinh do ngộ độc chì. Chính vì thế, Binh trạm 12 nảy ý tưởng làm đường ống chuyển xăng qua đèo.

Ban đầu, đường ống được làm bằng tôn cuộn tròn nối với nhau bằng các chốt cao-su. Ðến khi hết tôn, Binh trạm 12 dùng ống lồ ô khoét rỗng thay thế. Máy bơm sẽ bơm xăng từ sườn đèo phía bắc theo đường ống lên bể chứa (phuy 200 lít) trên đỉnh đèo. Sau đó xăng sẽ tự chảy xuống sườn đèo phía nam. Sáng kiến trên đã làm bớt đi sự hy sinh của chiến sĩ nhưng lượngxăng thất thoát khá lớn.

Cũng thời điểm này, Binh trạm 14 cũng không thể đưa xăng ra ngoài do đường 20 Quyết Thắng hứng 30 đến 40 trận bom/ngày. Theo hồi ức của Ðại tá Hoàng Trá, nguyên Binh trạm Trưởng Binh trạm 14, bộ đội đã kết các phuy xăng thành bè, rồi thả trôi theo sông Nậy ra sông Son. Sau đó các chiến sĩ chống bè xăng ngược sông Son lên đường vận tải. "Thế nhưng hầu hết bè xăng đều trúng thủy lôi của địch, xăng và máu của chiến sĩ hòa nhau, nhiều người đã hy sinh", ông Trá kể. Sau đó, Binh trạm 14 lập từng tổ để kéo từng phuy xăng ngược suối Trà Ang vào ban đêm. Vậy nhưng địch vẫn do thám và ném bom na-pan, khiến lửa tràn ngập mặt suối. Ðêm đầu tiên kéo được 20 phuy xăng thì có 9 chiến sĩ hy sinh, đêm thứ hai kéo được 30 phuy xăng thì có thêm 29 chiến sĩ ngã xuống suối Trà Ang...

Theo lịch sử Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trước mất mát quá lớn và nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm nhiên liệu cho các phương tiện vận chuyển ra vào Trường Sơn, Quân ủy Trung ương đã thành lập và giao Cục Xăng dầu làm đường ống vượt núi rừng vào Nam.

Ðêm 12-6-1968, hơn 400 kỹ sư, công nhân của Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thủy lợi, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã bí mật rời Hà Nội vào Nam Ðàn (Nghệ An), cách trọng điểm bị đánh phá 500 m, thi công nối ống ngang sông Lam. Họ làm liên tục trong 10 đêm và hoàn thành 500 mét ống đầu tiên vào ngày 23-6-1968. Từ đây, ống tiếp tục được nối vượt sông La (Hà Tĩnh) vào Kho N1 của Cục Xăng dầu. Sau đó, ống lại được nối xuống Khe Ve, vượt đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) để sang Lào. Từ đó xăng dầu sẽ chuyển tiếp dọc Trường Sơn Tây xuống Ðường 9 (Quảng Trị) rồi trở lại Việt Nam (hoặc tiếp tục theo Trường Sơn Tây vào chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ), tránh được các trọng điểm bị đánh phá.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nhớ lại: Ngày 3-3-1969, tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn dài 350 km đã nối từ Vinh (Nghệ An) đến Kho Ka Vat bên Lào. Chỉ sáu ngày sau, hơn 5.000 xe của Ðoàn 559 lại tiếp tục vận tải vào Nam. Ðể ngụy trang, các tuyến đường ống và trạm bơm tăng áp đều được chôn ngầm dưới đất hoặc giấu trong hang đá. Mỗi khi qua sông, suối thì đường ống được cố định như cầu treo.

Hành trình về lịch sử

Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hy, chỉ trong vòng bảy năm (6-1968 - 6-1975), những người lính Trường Sơn đã làm nên một "đường Trường Sơn xuyên lòng đất" dài gần 5.000 km (nhiều ống xăng dầu chính và ống nhánh) từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào tận đoạn cuối con đường ở Bình Phước. Ðó là một huyền thoại ít ai biết bởi thi công đã bí mật, đường ống cũng bí mật (trong lòng đất) và sau ngày giải phóng miền Nam, tuyến ống gần như bỏ hoang, lặng lẽ như một huyền thoại giữa núi rừng! Nhưng giờ hệ thống đường ống xăng dầu đó ở đâu thì chẳng biết. May thay, ngay tại Ngã Ba Ðông Dương, Trung tá Nguyễn Văn Yên, Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã xác nhận: "Năm 1984, chúng tôi theo chân đồng bào tìm đến kho hàng B3 của Ðoàn 559 nằm trên địa phận thôn Sa Ðen, huyện Phu Vông, tỉnh A-tô-pư, Lào cách đây 17km thì thấy rất nhiều ống dẫn dầu. Sau đó, chúng tôi vác ống về cho đơn vị để làm cột, kèo, thanh chắn...".

Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hy, rất cần phục dựng lại những đoạn tiêu biểu nhất trên toàn tuyến ống dẫn xăng dầu (bao gồm cả đường ống, trạm bơm và kho xăng) để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế biết được kỳ tích "Trường Sơn trong lòng đất" và để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

DƯƠNG MINH ANH

Theo Nhân dân



Bình luận