Kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu (07-03-1944 – 07-03-2014): Tô Hiệu và những ngày tù ở Sơn La

Ngày đăng: 06/03/2014 - 09:03

Trong lễ kỷ niệm nhân ngày hy sinh của nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu do Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban liên lạc Nhà tù Sơn La. Mặc dù đã gần bước sang tuổi 100 nhưng ký ức về người bạn tù gần bảy thập kỷ trước vẫn còn nguyên vẹn và dạt dào cảm xúc trong ông...

ảnh2

Nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu

    Cuối tháng 12-1939, anh Tô Hiệu bị thực dân Pháp xử mức án 5 năm và đày đi nhà tù Sơn La. Gần 10 năm trước, anh đã có 4 năm trong nhà tù Côn Đảo. Chế độ hà khắc trong nhà tù của Pháp, cộng với những hoạt động quên mình trong phong trào cách mạng đã tàn phá sức khỏe của anh. Vượt lên bệnh tật, với cương vị là chi ủy viên, sau đó là Bí thư Chi bộ nhà tù, anh đã có những đóng góp rất lớn trong công tác xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ và cải thiện đời sống của tù nhân.

   Trước khi anh Hiệu vào nhà tù Sơn La, tình hình ở đây rất phức tạp. Gần 300 tù nhân nhưng nhiều thành phần khác nhau: Có cộng sản, có cả quốc dân đảng, một bộ phận lại thuộc nhóm phục quốc thân Nhật, lại có một số anh em giác ngộ từ nhà tù khác chuyển đến... Vì trong nội bộ không thống nhất nên tình hình đời sống và phong trào đấu tranh chống lại chế độ của nhà cầm quyền những năm đó không thành công. Do không cải thiện được đời sống và tổ chức bảo vệ được mình mà chỉ có mấy năm, gần 1/3 tù nhân đã bỏ mạng trong tù. Trước tình hình đó, anh Tô Hiệu bàn trong chi ủy và chủ trương đoàn kết các lực lượng tù nhân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Trong hoàn cảnh lao tù, chi bộ đã mở Đại hội đại biểu toàn nhà tù bao gồm đại biểu các trại. Đại hội đã thành lập cơ quan điều hành thực hiện nghị quyết của Đại hội là ủy ban nhà tù, thảo luận chủ trương đấu tranh với chánh sứ, giám binh, xếp ngục, binh lính... Thực hiện các chủ trương này, anh Hiệu đã tập trung chỉ đạo việc đấu tranh để cải thiện đời sống và bảo vệ quyền lợi cho tù nhân, đòi bọn cai ngục phải bỏ chế độ nhà thầu cung cấp ăn, để tù nhân tự tổ chức, đấu tranh buộc chúng phải cho tù nhân được trồng rau, nuôi lợn để cải thiện đời sống. Trước sức ép có tổ chức của tù nhân, tên công sứ buộc phải nhân nhượng và chấp nhận các yêu sách đó. Phong trào tăng gia, cải thiện bữa ăn phát triển rất sôi nổi. Có thời điểm, rau của tù nhân ăn không hết còn bán cả cho viên chức và nhân dân quanh vùng. Chúng tôi tập hợp các anh em khéo tay, làm cả thủ công, bán để lấy tiền gây quỹ. Đời sống được cải thiện, sức khỏe tù nhân được phục hồi, bệnh tật vì thế cũng bị đẩy lùi. Từ năm 1940 đến 1945, chỉ có 7 anh em mất trong tù, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đó.

dao chuan-to hieuCây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại nhà tù Sơn La.


     Song song với phong trào đấu tranh cải thiện đời sống, anh Tô Hiệu đã chủ trương mở các lớp học trong nhà tù. Ngoài các tài liệu của Việt Minh từ ngoài bí mật cung cấp vào trong tù, anh Tô Hiệu còn trực tiếp viết nhiều tài liệu quan trọng cho chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh. Đặc biệt, trong tù còn có cả lớp huấn luyện quân sự, một điều có lẽ chưa nhà tù nào làm được. Có lần, khi đi lao động khổ sai trong rừng, anh em còn thuyết phục cả lính áp tải cho mượn súng để... tập quân sự. Học văn hóa, ngoài tiếng Việt, còn có các lớp tiếng Pháp và tiếng Trung Hoa. Nhân dịp Tết Nguyên đán, anh em tù nhân còn tổ chức diễn kịch và mời cả công sứ, viên chức, binh lính vào xem. Từ môi trường đào tạo đặc biệt này, sau này nhiều chiến sĩ cộng sản là đảng viên Chi bộ nhà tù Sơn La đã trở thành những cán bộ của Đảng, Nhà nước, quân đội như: Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ...

   Anh Tô Hiệu còn đặt ra cho chúng tôi nhiệm vụ là tuyên truyền cách mạng trong quần chúng nhân dân. Anh cử một số người, trong đó có tôi, tranh thủ những lần lao động bên ngoài để học tiếng Thái, sau đó về dạy lại cho nhau. Chúng tôi còn đặt lời cho bài hát bằng tiếng Thái để vận động đồng bào dân tộc ở đây. Bài hát đó, có một đoạn mà tôi vẫn nhớ đến bây giờ: “Ngày nay chúng ta khổ lắm/ Cơm không có mà ăn phải vào rừng đào củ/ Vậy mà chúng ta còn phải đi phu, đi lính cho bọn quan lại địa phương/Lợn bò, lương thực phải đem nộp hết cả/... Anh em ơi! Cùng nhau hãy đứng lên, theo người Kinh để bắn giặc Tây/ Đuổi chúng đi rồi thì đời chúng ta sẽ sung sướng”... Khi công tác tuyên truyền cho lính Thái và người Thái đã hiệu quả, dưới sự chỉ đạo của anh Hiệu, chúng tôi còn tổ chức xây dựng chi bộ người Thái, sau này là nòng cốt lãnh đạo phong trào đấu tranh giành chính quyền ở các tỉnh Tây Bắc vào tháng 8-1945.

    Phong trào cách mạng trong nhà tù Sơn La và trong quần chúng nhân dân đang lên cao thì anh Tô Hiệu, linh hồn của phong trào đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7-3-1944. Trước khi đi xa, anh còn dặn lại các đồng chí của mình: “Ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”...

Lương Loan

Theo Sự kiện và Nhân chứng


(Ghi theo lời kể của ông Nguyên Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban liên lạc Nhà tù Sơn La).



 

Bình luận