Kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6-1925 - 6-2015): Vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Ngày đăng: 16/06/2015 - 10:06

Tháng 6-1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời. Hơn bốn năm tồn tại và phát triển, Hội đã làm thay đổi cục diện cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam, tạo nên những nhân tố mới và cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

duong cách menh1

1. Thống nhất ngọn cờ tư tưởng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

Cho đến đầu thế kỷ XX, "hệ ý thức phong kiến" và "hệ ý thức tư sản" đều thất bại trước các nhiệm vụ lịch sử. Tuy nhiên, nó vẫn "tản mác" ngưng đọng trong tư tưởng nhân dân. Chính do việc phân định kẻ thù và bạn đồng minh của dân tộc vẫn chưa dứt khoát nên tư tưởng "bài Pháp" của phong trào yêu nước bị chi phối, tạo ra những lực lượng riêng rẽ, những cấp độ, sắc thái đấu tranh đa dạng. Chỉ sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời giương cao ngọn cờ tư tưởng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới quy tụ được về cơ bản các lực lượng yêu nước.

Sự xuất hiện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã làm thay đổi "cục diện tư tưởng" của dân tộc Việt Nam. Hội đã đưa đến cho dân chúng những khái niệm mới, nội dung mới của cuộc đấu tranh giành độc lập và hướng đi tới tương lai của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, nhân dân ta hiểu rõ "ai là thù", "ai là bạn", hiểu rõ trên con đường cách mạng ấy, cần có Đảng, cần có chủ nghĩa, cần liên minh các lực lượng, các tầng lớp xã hội trong nước và quốc tế trong một mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai. Đồng thời mở rộng tầm nhìn ra thế giới, biết rõ giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức là những người bạn đồng minh tự nhiên trên mặt trận chống đế quốc và các thế lực phản động, xây dựng niềm tin ở bạn bè quốc tế vào chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định niềm tin tất yếu sẽ giải phóng được dân tộc, giải phóng được giai cấp, sẽ đổi được "kiếp người nô lệ" thành những chủ nhân của đất nước, được sống ấm no, tự do và hạnh phúc.

2. Chuẩn bị đường lối chính trị

Đường lối chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đúc kết trong tác phẩm Đường Kách mệnh do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927, đã trở thành sách "gối đầu giường" của các nhà cách mạng thời đó.

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thực hiện đúng phương châm: nắm vững đặc điểm, khó khăn và thuận lợi của xã hội Việt Nam "để giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu", hiểu phong trào cách mạng thế giới để "bày sách lược cho dân". Hơn bốn năm tồn tại trên cương vị là "quả trứng để nở ra con chim non cộng sản", Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thông qua mối quan hệ huyết thống, bạn bè, báo chí và phong trào đi " vô sản hóa" đã linh hoạt vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, đã hướng phong trào yêu nước đi theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Cụ thể là:

- Xác định mục tiêu của cuộc "dân tộc cách mạng" Việt Nam là đánh đổ thực dân Pháp kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh chống phong kiến giành lại độc lập cho dân tộc, nhà máy, hầm mỏ cho công nhân, ruộng đất cho nông dân và quyền sống, quyền tự do cho mọi người.

- Xác định lực lượng cách mạng; vai trò, vị trí và mối quan hệ của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội Việt Nam, với công - nông là gốc cách mạng; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn cách mạng của công nông.

- Xác định những điều kiện tiên quyết của cách mạng như: "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi"1, Đảng phải vững, phải lấy chủ nghĩa Lênin "làm cốt ", tuyệt đối tuân theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng đòi hỏi mọi đảng viên và quần chúng cách mạng phải có đạo đức trong sáng, phải "vị công vong tư", phải đứng trong các đoàn thể, hội giới, nghề nghiệp, hoặc các phường hội công khai hợp pháp hoặc bí mật bất hợp pháp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Do đặc điểm và mối quan hệ mật thiết giữa "dân tộc cách mạng" và "thế giới cách mạng", giữa giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người nên cách mạng Việt Nam và cách mạng Pháp "phải liên lạc với nhau"; phải xây dựng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, Việt Nam muốn cách mạng thành công thì tất phải nhờ Quốc tế Cộng sản giúp đỡ, v.v..

- Cũng như các cuộc cách mạng đã nổ ra trên thế giới, cách mạng Việt Nam phải trải qua nhiều thử thách gian nan, nên những người cách mạng phải kiên trì, bền gan phấn đấu mang lại hạnh phúc cho nhân dân, v.v..

 

3. Chuẩn bị nguồn lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Sau bốn năm với vai trò là "tổ chức tiền thân", từ những hạt nhân Việt Nam Thanh niên Cộng sản Đoàn, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có hàng nghìn hội viên hoạt động trên hầu khắp đất nước. Một "bộ máy" lãnh đạo thật sự đã hình thành với hệ thống tổ chức tương đối hoàn thiện từ Tổng bộ xuống Tỉnh bộ và đến các chi hội ở cơ sở; nhiều nơi đã có sự phân công chuyên trách những mảng công tác lớn như báo chí, tuyên truyền, tổ chức, tài chính, v.v..

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thật sự là nguồn lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhiều người đã chiến đấu liên tục qua các thời kỳ lịch sử: từ chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền để làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám; đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi và đập tan âm mưu, thủ đoạn của bọn đế quốc và phản động quốc tế, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

 

4. Đặt nền móng xây dựng hệ thống chính trị

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đi sâu vận động quần chúng, nhất là sau phong trào "vô sản hóa" đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân lao động chung quanh mình. Hội đã biết tận dụng các tổ chức công khai hợp pháp như hội đá bóng, hội hiếu hỷ, v.v. để tuyên truyền vận động đông đảo quần chúng và chuyển thành tổ chức chính trị quần chúng của mình. Cuối năm 1928, tại Bắc Kỳ, ở một số nhà máy, xí nghiệp đã có tổ chức công hội, ở nông thôn có tổ chức nông hội ra đời. Ở các tỉnh Nam Bộ, Hội đã tận dụng các hội thể thao, nhóm đọc báo, hội lợp nhà, tổ vần công, tương tế, ái hữu, tương trợ giáo chức, hội phụ nữ, v.v. chuyển hóa thành các tổ chức quần chúng của mình. Nhờ đó, báo chí tiến bộ như: Thanh niên, Việt Nam hồn, Hồi trống tự do, Đường cách mạng đã đến được với quần chúng nhân dân.

Xét về bản chất chính trị, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là "tổ chức tiền thân của Đảng; nhưng về hình thức, Hội là phôi thai của một mặt trận dân tộc thống nhất. Khi khẳng định "công nông là gốc cách mệnh", Hội luôn nhấn mạnh cách mạng là sự nghiệp của dân chúng. Hội không chỉ chủ trương đoàn kết thống nhất dân tộc mà còn mở rộng sự liên kết với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Ai làm cách mạng trên thế giới đều là bầu bạn của dân Việt Nam. Từ năm 1927, trên thực tế, những người lãnh đạo của Hội đã tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông và Hội đã đứng trong hàng ngũ đó.

5. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, rèn luyện và dìu dắt Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Trong cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã có một quyết định đúng đắn. Đó là việc đi ra nước ngoài, tìm đến các học thuyết cách mạng, đến trung tâm của các cuộc cách mạng, đi vào phong trào công nhân, vào những nơi "cùng khổ" của người lao động, lăn lộn với các dân tộc bị áp bức để tìm chân lý cho cuộc đấu tranh của dân tộc.

Khi đã nắm vững xu thế cách mạng và dự đoán tiến trình cuộc cách mạng sẽ diễn ra, Người đã chuẩn bị rất công phu, tranh thủ sự đồng thuận của Quốc tế Cộng sản, của các Đảng Cộng sản, nhanh chóng gây dựng phong trào cộng sản Việt Nam.

Trước tình trạng thiếu bình tĩnh và không cân nhắc kỹ, một số hội viên đầy nhiệt tình cách mạng của Kỳ bộ Bắc Kỳ đã làm "rạn nứt" tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hành động đó, tuy có tạo ra "tiền đề" tích cực, nhưng việc xuất hiện các tổ chức cộng sản vào nửa cuối năm 1929 đã đặt cách mạng Việt Nam trước một thách thức mới: phải vượt qua tình trạng phân liệt để đi tới sự thống nhất. Mặc dù những "người trong cuộc" như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Châu Văn Liêm, v.v. đã cố gắng để vận động... nhưng phải có sự chỉ đạo tích cực của Quốc tế Cộng sản, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, "vết nứt phong trào" mới được hàn gắn vững chắc. Sự kiện đó là một mốc son chói lọi - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - mở ra cho dân tộc Việt Nam một chân trời mới.

Ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh - sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào yêu nước và phong trào công nhân đã được nhiều thế hệ người Việt Nam đón nhận và tự nguyện chiến đấu đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thật sự góp phần vào sự nghiệp cách mạng của thế giới theo đúng giá trị nhân văn trong lịch sử nhân loại. Ngày nay, tên tuổi, tư tưởng và công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân tiến bộ trên thế giới tôn vinh như một giá trị vĩnh cửu.

Chín mươi năm đã trôi qua, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vẫn là viên ngọc quý tỏa sáng trong lịch sử dân tộc. Bởi nó là chất liệu nền tảng truyền đời cho sự tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cả ba phương diện tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đó cũng là những bài học lịch sử vô giá trong xây dựng hệ thống chính trị, trong vận động quần chúng nhân dân, trong việc tổ chức vận hành nền kinh tế thị trường theo đường lối đổi mới nhằm bảo vệ và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS. Đinh Trần Dương

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

 

*****

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289.



Bình luận