Kết hợp truyền thống dân tộc với các chuẩn mực hiện đại để xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới

Ngày đăng: 28/06/2016 - 08:06

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc cần có sự kết hợp truyền thống dân tộc với các chuẩn mực hiện đại.

gia-dinh-9f21b-1467066008161

Ảnh: dantri.com.vn

Yêu cầu của thời đại mới với việc xây dựng gia đình Việt Nam

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 xác định xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là vấn đề đặt ra cho không chỉ các nhà nghiên cứu mà còn cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động xã hội và tất cả mọi người, bởi lẽ gia đình liên quan đến tất cả mọi người, là cơ sở đầu tiên để tạo lập nên hạnh phúc của con người trong xã hội luôn biến đổi, phức tạp và đa dạng hiện nay.

Gia đình là cơ sở đầu tiên cho việc tái sản xuất ra con người và xã hội. Gia đình vừa là một đơn vị kinh tế vừa là cái nôi đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, duy trì, phát triển ở các thành viên những quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác; là nguồn cung cấp lực lượng lao động, của cải cho xã hội và tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ sản xuất, phân phối, đến trao đổi và tiêu dùng. Sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình mà còn kiến tạo một môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hòa và toàn diện. Chính gia đình đã góp phần xây dựng các chuẩn mực, giá trị đạo đức, phong tục, tập quán, lối sống văn hóa và giáo dục, là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, con người với làng xóm, cộng đồng, đất nước. Bởi vậy, việc củng cố gia đình, xây dựng các quan hệ gia đình lành mạnh bao giờ cũng là cơ sở đầu tiên cho việc củng cố xã hội, xây dựng các quan hệ xã hội tốt đẹp.

Ngày nay, trước tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đang có những biến chuyển lớn lao. Đó là sự thay đổi các hệ giá trị trong gia đình. Gia đình ở nước ta hiện nay, bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ, thuận lợi cũng đã có những dấu hiệu khủng hoảng, phải đối mặt với các thách thức lớn. Đó là sự bận rộn của các thành viên gia đình trong các hoạt động kinh tế cũng như các công tác xã hội, làm giảm sút thời gian của các thành viên dành cho tổ ẩm của chính mình. Vấn đề thiếu việc làm, thu nhập chưa ổn định và những rủi ro từ nền kinh tế thị trường, vấn đề di cư ồ ạt trong và ngoài nước của cư dân đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng gia đình ly tán, xáo trộn. Bên cạnh đó, sự gia tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn, ly thân và những người chung sống không đăng ký kết hôn, thực trạng “sống thử” diễn ra ở không ít thanh niên, những khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình đối với nhóm gia đình nghèo, nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trẻ em lao động sớm và bị lạm dụng; thiết chế gia đình lỏng lẻo cùng các tệ nạn xã hội đã có những tác động lớn đến sự bình yên, hạnh phúc của gia đình.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế không chỉ mang đến nhiều yếu tố tích cực mà còn đưa đến cả những yếu tố tiêu cực. Lối sống tự do của các xã hội công nghiệp phát triển đã xâm nhập nước ta thực sự chưa phù hợp với trình độ phát triển của xã hội ta nên có phần khiên cưỡng và xung đột với truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam. Mặt khác, những nếp nghĩ, thói quen lạc hậu, cổ hủ, phong kiến cũng đang có xu hướng phục hồi ở nơi này, nơi khác như, tư tưởng gia trưởng, quan niệm coi thường phụ nữ, nạn phá thai, lựa chọn giới tính khi sinh, nạn đa thê chui, nạn bạo hành trong gia đình… Ngoài ra, những tệ nạn xã hội như nạn buôn người, nạn ma túy, mại dâm hiện nay có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến đại dịch bệnh HIV/AIDS phát triển ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Một đặc điểm quan trọng của giai đoạn hiện nay là sự phân tầng xã hội đã ảnh hưởng đến gia đình và tạo ra sự phân tầng ngay trong gia đình. Sự khác biệt giữa gia đình đô thị và gia đình nông thôn, miền núi; các vấn đề liên quan đến các thế hệ như mâu thuẫn thế hệ trở nên sâu sắc hơn. Trước đây, trong chế độ phong kiến, các thế hệ sống cùng trong xã hội nông nghiệp, cùng chịu tác động của tư tưởng Nho giáo nên suy nghĩ và lối sống của các thế hệ không khác nhau nhiều. Ngày nay, xã hội đã chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, các thế hệ đã đại diện cho các nền sản xuất khác nhau và có lối sống rất khác nhau, do đó vấn đề mâu thuẫn thế hệ đã trở nên gay gắt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các “kháng thể” của gia đình Việt Nam hiện nay ngày càng yếu trước các loại “vi khuẩn” độc hại xâm nhập từ nhiều phía của xã hội. Có những “vi khuẩn” xuất hiện do yếu tố khách quan, như tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, các kiểu kinh doanh, tính toán của kinh tế hàng hóa đang dần xâm nhập thói quen, lối sống, ứng xử của rất nhiều người, coi mọi thứ đều trở thành hàng hóa và lợi nhuận, kể cả các mối quan hệ thiêng liêng như tình cảm bố mẹ với con cái, tình nghĩa vợ chồng, anh chị em, quan hệ thầy trò cho đến sự vinh danh những con người ưu tú hay đến cả việc chữa bệnh, bảo vệ tính mạng con người... Bên cạnh đó, cũng có những “vi khuẩn” xuất hiện trong chính mỗi con người, đó là lòng tham, sự ích kỷ, đố kỵ, ghen ghét, sự thiếu hiểu biết do không được giáo dục đầy đủ... Những “vi khuẩn” trên đã tấn công nhiều chuẩn mực xã hội tốt đẹp của chúng ta, tạo thành những hiện tượng lệch chuẩn, thậm chí gây nên các tệ nạn, tội ác trong gia đình và xã hội.

Làm thế nào để xây dựng gia đình Việt Nam trong thời đại mới

Chúng ta đều biết, nước có luật pháp, nhà có gia phong, gia quy, nhưng thời gian qua, chúng ta mới chỉ chú trọng xây dựng hệ thống luật pháp của đất nước mà chưa thực sự chú trọng đến xây dựng gia phong trong mỗi gia đình Việt Nam. Gần đây, nhiều người phàn nàn về việc các mối quan hệ gia đình bị khủng hoảng nghiêm trọng. Cha mẹ bỏ rơi con cái, đánh đập, hành hạ vì tức giận người bạn đời hoặc bế tắc về kinh tế, tinh thần. Ngược lại, con cái đánh đập, giết hại cha mẹ vì tiền, vì nghiện hút, cờ bạc hoặc không muốn báo hiếu. Bạo lực gia đình ở cả các dạng thân thể, tinh thần, lao động và tình dục đều đang ở mức báo động. Tội phạm vị thành niên đã và đang phát triển dưới nhiều hình thức. Cũng theo đó, chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những hiện tượng trên phản ánh sự thiếu hụt nền tảng văn hóa trong gia đình.

Thành quả to lớn của chủ nghĩa xã hội là tạo ra sự biến đổi lớn lao cho gia đình và xã hội theo hướng phát triển và văn minh, tạo điều kiện để các gia đình phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề bất công trong gia đình, như tư tưởng gia trưởng, sự bất bình đẳng giới và góp phần giải phóng con người. Việc đấu tranh nhằm xóa bỏ những tập quán lỗi thời, những hiện tượng phản nhân văn trong đời sống gia đình đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng ta lại chưa có thời gian và khả năng để xây dựng các chuẩn mực mới trong gia đình. Thực tế cho thấy, các chuẩn mực được Nho giáo đề ra trước đó rất gắn với văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam và được kết hợp với truyền thống của Việt Nam. Quan điểm về sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, sự nhân từ của cha mẹ đối với con cái, anh chị em yêu thương, giúp đỡ nhau (hiếu đễ), vợ chồng chung thủy, yêu thương tôn trọng nhau chính là nền tảng của văn hóa gia đình. Nó tạo ra một không khí ấm áp mà không nhóm xã hội nào đạt được. Những đứa trẻ được tắm mình trong sự yêu thương của gia đình và những người xung quanh sẽ phát triển tốt và ứng xử với những người xung quanh bằng sự yêu thương và ngược lại những đứa trẻ bị đối xử tệ bạc, bị hành hạ, đánh đập sẽ sống trong hận thù và đau đớn thậm chí trả thù người khác khi có điều kiện.

Về giáo dục các giá trị, nhân phẩm của con người, Nho giáo quy định rất cụ thể, khắt khe và mang đặc thù giới rất rõ nét. Đó là phải giáo dục “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” cho nam giới và “công, dung, ngôn, hạnh” cho phụ nữ. Theo chúng tôi, đây là những phẩm chất tốt đẹp được chắt lọc từ những kinh nghiệm lịch sử và cuộc sống và cần được phát huy theo hướng phù hợp với thời đại mới và cần thiết cho mỗi con người, không phân biệt nam hay nữ.

Về các chuẩn mực “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”:

“Nhân” là lòng nhân ái, nhân hậu, là đức tính không thể thiếu được của con người khi sống trong xã hội bởi nếu không có nó, con người chỉ là bầy đàn vô tri, vô lương tâm, cắn xé lẫn nhau vì quyền lợi của mình. Không có lòng nhân, con người sẽ phá vỡ chất keo kết dính con người lại với nhau thành xã hội, khi đó sự cô độc, thiếu tình thương sẽ giết chết cả loài người.

“Nghĩa” là điều được coi là hợp lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Nó biểu hiện tư duy cao cấp hay nói cách khác là trí tuệ. Con người cần làm những việc nhằm duy trì đạo lý, lẽ phải. Xã hội không thể chấp nhận những con người bất nghĩa, lấy oán trả ân, luôn có hành vi đê hèn, làm hại người khác.

“Lễ” là biểu hiện trình độ văn hóa của con người. Xã hội có những chuẩn mực và cao hơn là luật lệ, luật pháp dựa trên lợi ích của cộng đồng và mỗi người dân cần tuân thủ. Tuy nhiên nhiều người không được học từ trong gia đình và xã hội vì thế họ không biết ứng xử có “lễ”. Những hành vi phù hợp trong các tình huống khác nhau và phù hợp với chuẩn mực xã hội được các nhà xã hội học phương Tây thế kỷ XIX đề cập chính là thực hành “lễ”, còn những hành vi không phù hợp là sai lệch chuẩn mực xã hội. “Lễ” cũng biểu hiện sự lễ phép, cẩn thận, khiêm tốn của con người.

“Trí” là trí tuệ. Con người khác con vật ở trí tuệ và trong bất cứ thời đại nào, người ta cũng tôn trọng người có trí tuệ và ứng xử có văn hóa. Chúng ta đang bước vào đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nền kinh tế trí thức và cả nước ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, hình thành hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập. Vì vậy, trí tuệ là tiêu chuẩn không thể thiếu được của con người. Trí tuệ dùng để chinh phục thiên nhiên, xây dựng xã hội tốt đẹp và cuộc sống văn minh, gia đình hạnh phúc. Đây cũng chính là tiêu chuẩn phấn đấu của mỗi con người.

“Tín”: Trong những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến nhiều con người, Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp mọi thứ và chà đạp chữ “tín”, sẵn sàng sản xuất hàng giả, đưa thực phẩm bẩn ra thị trường. Họ không chỉ giết chết nhiều mạng người mà còn giết chết một chuẩn mực tốt đẹp của cuộc sống. Đi theo chúng là hiện tượng nói dối, lừa đảo, lật lọng trong nhiều lĩnh vực. Những người này đã không chỉ phá bỏ danh dự, uy tín của bản thân mà còn phá vỡ mọi mối quan hệ xã hội và danh dự của người khác. Hơn bao giờ hết, dạy chữ “tín” cho trẻ nhỏ từ trong gia đình nghĩa là dạy tính trung thực, tôn trọng danh dự, làm việc có trách nhiệm là một yếu tố sống còn để bảo đảm sự tồn tại, danh dự, nhân phẩm của trẻ khi lớn lên.

Về các chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh”:

Trước đây, Nho giáo quy định “công” là nữ công gia chánh của phụ nữ với những đòi hỏi khắt khe nhưng ngày nay chúng ta có thể làm nhẹ bớt các tiêu chuẩn về “công”. Người phụ nữ cần biết nấu nướng và quán xuyến việc nhà nhưng vì họ phải đảm đương cả trọng trách xã hội nên nam giới cũng cần phải chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Vì lẽ đó, chữ “công” sẽ dành cho cả nam giới.

Nho giáo đòi hỏi người phụ nữ phải biết trang điểm dung nhan đẹp đẽ cho chồng nhìn ngắm, thể hiện qua chữ “dung”. Ngày nay, “dung” cũng là một nhu cầu của xã hội. Mọi người đều phải đẹp (cả nam lẫn nữ). Vẻ đẹp này không chỉ ở sự trang điểm mà ở nền tảng văn hóa của con người. Theo đó, nét mặt, quần áo được chăm chút cùng với văn hóa ứng xử, lòng nhân hậu, bao dung sẽ khiến con người trở nên đẹp thực sự. Đây là sự hòa hợp của quan niệm “đẹp người, đẹp nết” của nhân dân ta.

Việc mọi người nói năng trao đổi với nhau bằng những lời lẽ lịch sự, tôn trọng là một mong muốn trong cách ửng xử hằng ngày. Nho giáo đặt chữ “ngôn” cho phụ nữ là muốn biến họ thành những người lệ thuộc hoàn toàn vào chồng và con trai, phụ nữ không được cãi lời đàn ông (bởi “chồng giận thì vợ bớt lời”, không bao giờ có khái niệm “vợ giận”). Người vợ phải lựa theo ý chồng, tuân thủ lời dạy của chồng trong mọi tình huống, thậm chí ngay cả khi “lời dạy” ấy là sai. Chuẩn mực này đã biến những người phụ nữ bề ngoài thì có vẻ dịu hiền nhưng thực chất đã giết dần bản thể cá nhân của họ, khiến họ trở thành một bóng mờ trong gia đình. Ngày nay, chúng ta đề cao chữ “ngôn” cho cả nam lẫn nữ. Vợ chồng có thể tranh luận nhưng không dùng những lời lẽ thô tục, xúc phạm, nhục mạ người khác.

Đức hạnh là nền tảng văn hóa của con người (bao gồm cả nam và nữ). Ngoài việc giữ gìn đạo đức của con người thì chữ “hạnh” xưa chỉ dành riêng cho phụ nữ với những đòi hỏi về lòng chung thủy, tiết hạnh dành cho người chồng duy nhất. Vì vậy, trong khi nam giới “năm thê bảy thiếp” thì với phụ nữ “gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Ngày nay, nam giới cũng phải răn mình chung thủy chứ không chỉ đòi hỏi điều đó ở vợ mình. Vì vậy, “hạnh” là chuẩn mực cần có trong gia đình để gìn giữ hạnh phúc lâu dài cho lứa đôi và sự ổn định cho gia đình.

Trong xã hội hiện đại, nhiều người chưa chú trọng giáo dục cho con em mình các chuẩn mực trên một cách có hệ thống và sâu sắc vì họ cho rằng, những chuẩn mực đó đã quá “cổ hủ”, “phong kiến”. Vì lẽ đó, trẻ em chỉ được học ngẫu nhiên hoặc không thường xuyên qua kinh nghiệm của cha mẹ và người thân. Đây là một sai lầm lớn cần được bổ khuyết sớm. Việc dạy dỗ trẻ em những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của loài người cần phải bắt đầu từ trong mỗi gia đình. Chúng ta có thể “gạn đục, khơi trong”, gạt bỏ những hạn chế của Nho giáo, kết hợp truyền thống nhân văn của dân tộc với tinh hoa của thời đại để giáo dục trẻ em. Chúng ta cũng cần tiếp thu quan điểm về quyền và trách nhiệm của các cá nhân trong gia đình. Điều này khác với chế độ gia trưởng trước đây khi mọi quyền hành nằm trong tay người chủ gia đình, các thành viên khác bị lệ thuộc hoàn toàn.

Bình đẳng giới cũng là một yếu tố mới trong gia đình Việt Nam. Sự tôn trọng phụ nữ với tư cách người mẹ, người vợ, người sản xuất, có công lao đóng góp to lớn trong gia đình và xã hội đã dần dần đặt phụ nữ vào vị thế xứng đáng. Nhiều phụ nữ đã phát huy được tài năng của mình trên mọi lĩnh vực không thua kém nam giới. Họ không cam chịu thân phận “tam tòng” như trước kia. Gia đình ngày nay đã có sự đóng góp và hưởng thụ của các thành viên công bằng hơn.

Giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc kết hợp với hiện đại không phải là việc dễ làm. Nó đòi hỏi các bậc cha mẹ phải học hỏi và đây là quá trình học tập suốt đời. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có các lớp học ngắn hoặc dài ngày cho các cặp đôi trước và sau khi cưới, vì vậy nhiều gia đình đã lúng túng trước những thử thách và tan vỡ chỉ bởi không có cách ứng xử đúng đắn và có văn hóa. Vì vậy, hậu quả là nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng, nhiều cặp đôi đã ly thân rồi ly hôn ngay sau khi cưới. Nhiều trẻ nhỏ, cha mẹ già bị bỏ rơi. Nhiều gia đình không phải là tổ ấm mà trở thành địa ngục hoặc nơi nguy hiểm cho con người bởi sự đe dọa của bạo lực gia đình.

Rõ ràng là những kinh nghiệm của cha ông là quý giá nhưng không đủ, đặc biệt trước sự biến động phức tạp của xã hội hiện nay. Việc xây dựng các chuẩn mực mới trong gia đình và giáo dục trẻ em trong gia đình là những yếu tố quyết định một gia đình lành mạnh, hạnh phúc. Việc này cần có sự hỗ trợ của luật pháp của Nhà nước cũng như các hương ước của làng, xã. Vai trò của Nhà nước và quản lý nhà nước về gia đình, vai trò của các đoàn thể và cộng đồng xã hội đối với việc hình thành và phát triển các giá trị văn hóa mới về gia đình là vô cùng quan trọng. Cả xã hội phải cùng chung tay xây đắp để dần đạt sự công bằng trong gia đình, phấn đấu vì mục tiêu gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội./.

GS. TS. Lê Thị Quý

(Theo Tạp chí Cộng sản)

 

Bình luận