Khai thác “mỏ vàng” du lịch Việt Nam
Hơn 25 năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã từng bước định hình trên bản đồ du lịch thế giới với tư cách là một điểm đến hấp dẫn và thân thiện. Thế nhưng tiềm năng du lịch của Việt Nam vẫn chưa được “khai quật” đầy đủ, chưa phát huy được tối đa thế mạnh về văn hóa và sinh thái với những giá trị độc đáo của đất nước, con người Việt Nam, nhằm định vị là điểm đến chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh.
Động Phong Nha – Kẻ Bàng
Sự phát triển ngoạn mục
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong suốt hơn hai thập kỷ qua, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình trên 12%/năm (ngoại trừ sự suy giảm cá biệt 8% do dịch SARS 2003 và 11% do suy thoái kinh tế thế giới năm 2009). Nếu lấy dấu mốc lần đầu phát động Năm Du lịch Việt Nam 1990 với 250 nghìn lượt khách quốc tế thì đến năm 2013 với 7,57 triệu lượt [1], số khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên khoảng trên 30 lần. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh và liên tục trong suốt thời gian vừa qua, từ 1 triệu lượt khách năm 1990 đã tăng lên đến 35 triệu lượt vào năm 2013[2]. Sự tăng trưởng không ngừng về lượng du khách đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của ngành du lịch trên mọi lĩnh vực. Thị phần du khách quốc tế đến Việt Nam so với khu vực và toàn thế giới không ngừng tăng lên. Từ chỗ chiếm 4,6% thị phần khu vực Đông Nam Á, 1,7% thị phần khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 0,2% thị phần toàn cầu vào năm 1993, đến năm 2013 du lịch Việt Nam đã chiếm 8,2% thị phần khu vực ASEAN, 2,4% khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 0,68% thị phần toàn cầu. Vị trí của du lịch Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trên bản đồ du lịch thế giới. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh khách du lịch.
Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng du lịch vào hạng bậc nhất với nhiều thắng cảnh được lọt vào danh sách kỳ quan thiên nhiên thế giới như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); di sản thiên nhiên thế giới như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội),… Ngoài ra, các điểm đến nổi tiếng khác cũng thu hút nhiều du khách như các di sản văn hóa ở Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, Mũi Né, Phú Quốc, Nha Trang,… Các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn đã trở thành những sản phẩm du lịch quan trọng như lễ hội Chùa Hương, lễ hội bà chúa Xứ, Festival Huế, Carnaval Hạ Long, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Festival hoa Đà Lạt,… Nhiều điểm du lịch được các tổ chức uy tín bình chọn là địa chỉ yêu thích của đông đảo du khách quốc tế, trong đó, điển hình như Vịnh Hạ Long đã được trang web BuzzFeed của Mỹ bình chọn là một trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất trên thế giới; Hà Nội được TripAdvisor - website du lịch lớn nhất thế giới - bình chọn là một trong 10 thành phố thu hút khách du lịch hàng đầu trên thế giới năm 2014; Việt Nam được tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ bình chọn là điểm đến ở vị trí thứ sáu trong số 20 điểm đến tốt nhất về mức độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch; Hang Sơn Đoòng được tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ bình chọn là một trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới và tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Nga bình chọn là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới của năm 2014…
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Ngành du lịch cũng được ví như một ngành công nghiệp không khói, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế nước nhà. Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy: Tổng thu trực tiếp từ khách du lịch năm 2013 đạt 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,7 tỷ USD) [3], chiếm khoảng 6% GDP. Tăng trưởng về tổng thu từ du lịch nhanh hơn tăng trưởng về số lượng khách với mức tăng trung bình hơn hai con số (đạt bình quân 18,7%/năm).
Xét về doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của ngành du lịch chiếm trên 50% trong tổng doanh thu xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng đầu về doanh thu ngoại tệ trong các hoạt động dịch vụ “xuất khẩu”, trên cả các ngành vận tải, bưu chính viễn thông và dịch vụ tài chính. So sánh với xuất khẩu hàng hóa, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đứng sau bốn ngành xuất khẩu hàng hóa là xuất khẩu dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản.
Kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng đã được cải thiện đáng kể, hệ thống giao thông đường không, thủy, bộ... liên tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp; hệ thống hạ tầng năng lượng, thông tin, viễn thông và hạ tầng kinh tế - xã hội khác đổi mới về căn bản, phục vụ đắc lực cho sự tăng trưởng của du lịch. Đến nay cả nước có tám cảng hàng không quốc tế, trong đó sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với công suất sử dụng cao; hệ thống cảng biển, nhà ga, bến xe đang từng bước được cải thiện, nâng cấp, đáp ứng tương đối tốt nhu cầu đi lại, du lịch. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật về du lịch hiện nay khá toàn diện với trên 14.200 cơ sở lưu trú, 320.000 buồng lưu trú, trong đó số buồng khách sạn 3-5 sao đạt 21%; trên 1.250 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành nội địa; các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, cơ sở giải trí văn hóa, thể thao, hội nghị, triển lãm và nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời, đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch ở hầu hết những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Đặc biệt, trong năm 2013 với sự ra đời của hàng loạt cơ sở lưu trú (khách sạn và tổ hợp resort) cao cấp 4-5 sao với quy mô lớn như: Grand Plaza Hà Nội, Novotel, Havana, Intercontinental, The Grand Hồ Tràm Strip, Mường Thanh, Mariott, Laguna,... đã góp phần làm cho diện mạo ngành du lịch Việt Nam thay đổi căn bản với những tín hiệu tích cực.
Sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các khu du lịch, tổ hợp dịch vụ đã góp phần hình thành và khẳng định quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ của ngành du lịch. Đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần và liên doanh đã tạo nên sức năng động của ngành Du lịch.
Còn khiêm tốn so với tiềm năng
Trong một hội nghị về kích cầu du lịch hồi tháng 4 năm nay, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch kể một câu chuyện hài hước: Lãnh đạo một Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rất phấn khởi khoe với tôi là địa phương có nhiều địa điểm được công nhận di sản thế giới, nhưng khi tôi hỏi, nếu được chọn một địa điểm giới thiệu với khách quốc tế, anh chọn địa điểm nào, vị đại diện này không thể trả lời.
Vịnh Hạ Long
Kể câu chuyện này, lãnh đạo Tổng cục Du lịch muốn nhấn mạnh đến sự dàn trải, thiếu đầu tư trọng điểm trong việc phát triển các khu du lịch, sản phẩm du lịch, dẫn đến hệ quả là nhiều địa điểm du lịch “na ná” như nhau, đến Sa Pa cũng thấy giống Tam Đảo…
So sánh với thế giới, dù tiềm năng nhiều, song lượng khách du lịch đến Việt Nam vẫn thua xa nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2014 Việt Nam “lập đỉnh” khi có tới 8 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam và phấn đấu năm 2015 đạt 8,5 triệu lượt. Song nhiều năm nay Thái Lan đã vượt mốc 20 triệu lượt khách du lịch; Malaixia năm 2014 cũng thu hút được tới hơn 27,43 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 6,7% so với mức 25,71 triệu lượt năm 2013. Xingapo - một quốc gia khác có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam - cũng đón tới 15 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Chưa kể, thời gian lưu trú của du khách tại Việt Nam tương đối ngắn và tỷ lệ quay lại của du khách còn thấp (khoảng 17%) bởi sự hạn chế trong dịch vụ giải trí, lựa chọn điểm tham quan tại các khu du lịch trọng điểm. Trong khi đó, tỷ lệ du khách nước ngoài quay lại Thái Lan rất cao (xấp xỉ 50%).
Thời gian tới, ngành Du lịch cần tăng cường hợp tác liên ngành trong việc xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường sá, bến bãi, cấp thoát nước, cấp điện, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc phục vụ cho nhu cầu của du khách đến Việt Nam. Phối hợp đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức của ngành văn hóa để họ tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch. Đồng thời, xúc tiến mạnh mẽ việc đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về nội dung giá trị của kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên cho đội ngũ cán bộ công chức của ngành du lịch, đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch, nhằm cung cấp nhiều thông tin giúp du khách hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa và con người Việt Nam.
Ngoài ra, cần tiếp tục chiến dịch quảng bá phối hợp ở trong nước và quốc tế để thay đổi các nhận thức tiêu cực về tiêu chuẩn dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Những chiến dịch như vậy cần tiếp tục triển khai và nhân rộng để làm nổi bật điểm hấp dẫn, lợi thế của du lịch Việt Nam về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, sự hiếu khách của người dân địa phương. Một sự đầu tư, thay đổi tích cực dù nhỏ cũng có thể tạo nên những khác biệt lớn trong nhận thức của du khách về đất nước và con người Việt Nam.
Còn theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch được Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm và đánh giá cao thông qua đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của toàn xã hội, thể hiện cụ thể ở việc gia tăng thu nhập và việc làm cho đông đảo tầng lớp dân cư, góp phần giảm nghèo, tăng cường giao lưu, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Trong quá trình phát triển, ngành Du lịch đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn và hạn chế của ngành chưa được khắc phục triệt để dẫn đến hiệu quả chưa cao, nguy cơ tiềm ẩn vẫn tồn tại, đặc biệt là chưa tạo ra được khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đứng trước bối cảnh và xu hướng phát triển toàn cầu và trong nước, phát triển du lịch chính là hướng đi đúng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế suy thoái và quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ. Thực trạng phát triển của du lịch Việt Nam, trước những xu hướng và yếu tố tác động như hiện nay đặt ra yêu cầu cần tập trung thực hiện có tiêu điểm những giải pháp về phát triển du lịch có tính then chốt và có sức huy động tổng thể hệ thống chính trị vào cuộc.
Du lịch phải được khẳng định và được tập trung đầu tư phát triển như một ngành kinh tế mũi nhọn bởi du lịch có khả năng phát triển nhanh và đóng góp tăng trưởng đều cho nền kinh tế, tạo nhiều có hội việc làm cho người lao động, mang đến nhiều tác động tích cực cho các ngành, tạo động lực cho các ngành cùng phát triển. Phát triển du lịch là một trong những biện pháp cho hiệu quả tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo và tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Điều này hoàn toàn phù hợp với tuyên bố của Tổng Bí thư tại Kỳ họp thứ sáu khóa XI về hướng tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
LƯƠNG BẰNG
*****
1, 2, 3. Theo kết quả Họp báo của Tổng cục Du lịch về tình hình du lịch 9 tháng đầu năm 2015, trong 9 tháng qua, lượng du khách quốc tế, du khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch của ngành Du lịch nước ta lần lượt đạt mức: xấp xỉ 5,7 triệu lượt khách; 48,8 triệu lượt khách và 270 nghìn tỷ đồng - BT.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực