Khai thác những lợi thế của mạng xã hội để làm báo chuyên nghiệp và hiệu quả hơn

Ngày đăng: 18/06/2015 - 10:06

Ngày 15-1-2015, trong cuộc họp của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ động đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội như Facebook, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và trước yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin của người dân hiện nay. Đối với những người làm báo, yêu cầu này có ý nghĩa như một thông điệp nhắc nhở và định hướng, như một sự gợi ý và mở đường. Từ góc độ báo chí, vấn đề cần được xem xét một cách khách quan ở đây là cách mà nhà báo ứng xử với mạng xã hội: Khai thác và phát huy những lợi thế nào của mạng xã hội vào hoạt động báo chí và khai thác như thế nào cho hiệu quả?

Mang xa hoi

Nhà báo tác nghiệp ngay khi sự kiện đang diễn ra

Sự ra đời của các trang mạng xã hội là xu hướng truyền thông xã hội, ảnh hưởng mạnh mẽ tới báo chí. Nếu thông tin của báo chí có biên tập, có chọn lọc, thì thông tin trên nhiều trang mạng xã hội chưa hẳn đã là thông tin báo chí, vì chưa được kiểm chứng, không chịu trách nhiệm xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà Quy tắc tác nghiệp phóng viên của tòa soạn báo New York Times (Mỹ) là không được lập blog nếu không được chủ bút đồng ý.

Tuy nhiên, trên thực tế, các trang mạng xã hội lại được sử dụng rộng rãi trong công chúng. Mạng xã hội (Social Networks) là ngôi nhà thứ hai, vừa là đối tác, trợ thủ đắc lực, vừa là đối thủ cạnh tranh của báo chí. Ít thấy nhà báo không sử dụng internet, không biết đến sự hiện diện của các mạng xã hội như: Yahoo, Google, Facebook, Twitter… Việc sử dụng Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của phần lớn cư dân (trừ những vùng, những người không có điều kiện) và dĩ nhiên với cả giới báo chí - những người sản xuất tin tức và nhu cầu tiếp nhận thông tin cũng cao hơn người dân.

Đối với các nhà báo, các mạng xã hội nói trên không chỉ để trao đổi thông tin thông thường mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tìm kiếm, kiểm chứng, chia sẻ thông tin phục vụ nghề nghiệp. Đi cùng với những ưu việt, là những mối đe dọa về vấn đề bảo mật thông tin, bản quyền thông tin, tính xác thực của nguồn tin... Trong một cuộc tìm hiểu cuối năm 2014 của chúng tôi tại một số tờ báo lớn của CHLB Đức, các phóng viên tòa soạn và cả những nhà báo tự do đều cho biết họ coi mạng xã hội là một nguồn tin đầu tiên trong tác nghiệp hằng ngày và còn là kênh thông tin để trao đổi, chia sẻ với các nguồn tin của họ. Tất nhiên, họ chỉ dùng mạng xã hội như là công cụ hỗ trợ, gợi ý, chứ không coi đó là tin tức báo chí. Mặt khác, đối với mỗi tòa soạn và cả với từng phóng viên, mạng xã hội cũng là đối thủ cạnh tranh gay gắt, bởi tính trực tiếp, tức thời và tự do đăng tải mà không bị kiểm soát thông tin.

Những lợi thế của mạng xã hội đối với báo chí

Có thể tiếp cận vấn đề này trên nhiều khía cạnh. Nhưng tựu trung, người làm báo cần khai thác những cơ hội và lợi thế dưới đây của mạng xã hội vào hoạt động tác nghiệp:

Mạng xã hội là nguồn tin phong phú, đầu tiên và đa chiều, là nơi chia sẻ thông tin rộng rãi. Điều này có được là do đặc điểm tham gia mạng xã hội gồm nhiều thành phần, trong đó có nhiều chuyên gia từ các ngành nghề, lĩnh vực, giới thạo tin và cán bộ quản lý thông tin, các nhà báo, phân bổ rộng khắp trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Dễ dàng để chứng minh nhiều bản tin, bài báo, phim phóng sự truyền hình, phát thanh... được bắt đầu từ những thông tin trên mạng xã hội. Đó chính là những dòng tin, những bức ảnh đầu tiên đầy tính thời sự, do dân cư mạng - mà giới nghiên cứu báo chí gọi là những “nhà báo công dân” - đưa lên mạng ngay tại nơi đang hoặc vừa xảy ra sự kiện, mà nhà báo chưa thể hoặc không có mặt. Những thông tin được chia sẻ một cách tự nguyện trên mạng internet, cũng là cơ hội để các nhà báo biết và tìm cách tiếp cận nhân vật, sự kiện...

Mạng xã hội là kênh thông tin rộng rãi giúp nhà báo nắm bắt nhu cầu thông tin thực sự của công chúng báo chí. Những thông tin của cư dân mạng được chia sẻ từng giờ, từng phút trên mạng xã hội, là cơ sở để nhà báo biết được công chúng đang thực sự quan tâm điều gì, quan tâm như thế nào, mức độ nào và muốn vấn đề được giải quyết, xử lý ra sao. Chính vì mạng xã hội là nơi tập trung tiếng nói của nhiều nhóm công chúng khác nhau, nên nhà báo có thể hiểu công chúng của mình hơn khi nhà báo tham gia và tương tác với cư dân mạng xã hội. Cư dân mạng có thể trở thành công chúng của một bài báo, một tờ báo, mà nếu không có mạng xã hội họ sẽ không biết hoặc không tiếp cận được sản phẩm báo chí đó.

Mạng xã hội phát hiện sai sót trên báo chí, cung cấp rộng rãi và nhanh chóng nhất những ý kiến của người dân, của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực giúp báo chí khắc phục, đính chính những sai sót, giúp cơ quan chức năng xem xét và xử lý khi cần thiết. Mặt khác, đây cũng là những thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, đề cao trách nhiệm cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền trước công dân.

Mạng xã hội là kênh để người dân góp ý kiến, phản biện các chủ trương, chính sách xã hội của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Mạng xã hội giúp nhà báo tìm hiểu và ghi nhận được nhiều thông tin sinh động cho bài viết.

Mạng xã hội giúp nhà báo nâng cao kỹ năng thể hiện tác phẩm báo chí. Những thông tin nhà báo chia sẻ trên môi trường này hoàn toàn có thể trở thành đối tượng để công chúng nhận xét, đánh giá, thậm chí tìm vạch ra những lỗi sai, những chi tiết chưa chính xác (về cả mặt thông tin lẫn ngôn từ, câu chữ...). Tuy không nặng nề như áp lực về độ chính xác mà một thông tin báo chí phải đảm bảo, thế nhưng, yêu cầu về sự chuẩn xác ở một mức độ nào đó của thông tin mạng xã hội, nhất là khi được “gắn mác” do một nhà báo cung cấp cũng không hề nhỏ. Điều này sẽ hối thúc nhà báo cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với những gì mà mình chia sẻ, cho dù không phải trên môi trường báo chí chính thống. Ngoài ra, việc tuân thủ quy định khi đăng thông tin trên trang mạng xã hội, ví dụ Twitter chỉ cho phép giới hạn thông tin trong 160 ký tự… sẽ giúp nhà báo cân đo, lựa chọn cẩn thận từ ngữ mà mình sẽ sử dụng. Đây cũng là cách giúp cải thiện đáng kể khả năng viết cũng như khả năng lựa chọn và tóm lược thông tin của mỗi nhà báo.

Mạng xã hội là kênh quảng bá nội dung và quảng bá, phát triển thương hiệu cho các cơ quan báo chí. Đây là một kênh thiết thực để giới thiệu và quảng bá các sản phẩm báo chí của nhà báo khi họ tham gia mạng xã hội. Việc chia sẻ đường link trên các mạng xã hội là cơ hội quảng bá nhanh nhất, dễ nhất, tiết kiệm chi phí và thời gian, công sức cho nhà báo và cơ quan báo chí. Đối với báo điện tử, đây là phương tiện giúp tăng lượng truy cập nhanh và hiệu quả.

Khai thác và sử dụng lợi thế của mạng xã hội vào tác nghiệp báo chí

- Sử dụng mạng xã hội trong quá trình thu thập thông tin

Trước hết, nhà báo có thể truy nhập mạng xã hội để xác định các vấn đề, sự kiện, con người đang được dư luận quan tâm, qua đó, khai thác và biến chúng thành những chủ đề cho tác phẩm báo chí của mình. Một số bài báo ra đời sau khi sự việc được mạng xã hội “phát giác” có thể kể đến như “Lật tẩy bản báo cáo đẹp: Tiền tỷ phơi mưa nắng” trên Báo điện tử Vietnamnet ngày 25-5-2013 hay “Rất muốn có thanh tra để làm rõ vụ lãng phí tiền tỷ” trên báo Dân Việt ngày 20-5-2013…

Thứ hai, nhà báo có thể sử dụng thông tin trên mạng xã hội để bổ sung thêm tin tức và những khía cạnh mới cho đề tài mà mình thực hiện.

Thứ ba, trong quá trình thu thập thông tin, nhà báo có thể tìm kiếm và đạt được những kết quả nhất định thông qua mạng xã hội.

Tuy nhiên, khi khai thác thông tin trên mạng xã hội, nhà báo cần tỉnh táo, sáng suốt, có kiểm định thông tin rõ ràng trước khi sử dụng chúng. Mạng xã hội là không gian mở, khả năng kết nối rộng rãi nhưng cũng đồng thời mang đậm tính chất cá nhân, ngoài khả năng thông tin có thể là suy diễn, một chiều, phiến diện, thậm chí “đùa cho vui”, nhà báo cũng cần cân nhắc khi khai thác các thông tin đời tư được đăng tải trên nền tảng này, không đi quá sâu vào những sự việc, những dòng tâm sự hết sức đời thường của các nhân vật nổi tiếng, tránh lối khai thác theo kiểu tọc mạch, tạo nên những bài báo lá cải về những sự kiện không đáng xuất hiện trên mặt báo.

- Sử dụng mạng xã hội trong quá trình xử lý thông tin và thực hiện tác phẩm báo chí

Nhà báo có thể sử dụng mạng xã hội để làm những cuộc điều tra nhỏ nhằm lấy thêm thông tin cho bài viết. Đặc biệt với những tác phẩm báo chí dài kỳ, những đóng góp của công chúng sẽ có ý nghĩa rất lớn để nhà báo kịp thời điểu chỉnh cách viết hoặc lên kế hoạch cho những phần, kỳ tiếp theo, thay đổi chiến lược đưa tin sao cho hợp lý và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công chúng.  

- Sử dụng mạng xã hội sau khi hoàn thiện tác phẩm báo chí

  Nhà báo có thể tận dụng mạng xã hội làm kênh quảng bá cho tác phẩm và tòa báo của mình, góp phần giúp tác phẩm báo chí đến gần hơn với đông đảo công chúng. Sau khi tác phẩm báo chí được đăng tải, nhà báo cũng có thể chia sẻ những hình ảnh và thông tin về quá trình tác nghiệp giúp công chúng cảm nhận được bài viết một cách chân thực hơn, tăng thêm độ tin cậy vào thông tin mà nhà báo đề cập.

Theo dõi những phản hồi của công chúng trên mạng xã hội khi tiếp cận tác phẩm báo chí cũng là cách để nhà báo có thể đánh giá được mức độ thành công của tác phẩm.

*

Lao động báo chí ngày nay đã khác xa với một thập kỷ trước đây. Đó là sự tổng hợp các yếu tố nghề nghiệp, các phương tiện kỹ thuật, các phương pháp làm việc khác nhau, các loại kiến thức khác nhau... Trong đó, việc khai thác và sử dụng những lợi thế của mạng xã hội là vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc, khoa học và có phương pháp, để việc tác nghiệp của nhà báo trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

TS. Trần Bá Dung

Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)



 

Bình luận