Kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng năm 2014

Ngày đăng: 30/01/2014 - 08:01

Năm 2013 trôi qua trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 chưa chấm dứt thì khủng hoảng nợ công tại châu Âu lại đang lan rộng. Trước những khó khăn đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ động và kịp thời đưa ra các chính sách và biện pháp nhằm tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Nhờ đó chúng ta đã thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, với 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu gần đạt kế hoạch và 2 chỉ tiêu không đạt. Với những thành công trong năm 2013, hy vọng rằng năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn.

2106

Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2013

Nền kinh tế Việt Nam năm 2013 trải qua nhiều gian nan nhưng đã gặt hái được nhiều thành công, mặc dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Có thể phác họa bức tranh kinh tế năm 2013 trên một số mặt chủ yếu sau:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, và cao hơn cả mức chung của thế giới nhưng vẫn dưới mức tiềm năng và chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nền kinh tế Việt Nam sau nhiều năm tụt dốc liên tục do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đến nay đã bắt đầu ổn định trở lại, báo hiệu một thời kỳ phát triển mới với nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt 5,42%, cao hơn 0,17% so với mức tăng năm trước. Điều quan trọng là trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau luôn cao hơn quý trước (quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%), phản ánh xu hướng đi lên của nền kinh tế. So với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới là 2,9%, của các nước ASEAN là 5,1% (theo IMF) thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như vậy là khá cao.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đó vẫn còn rất thấp so với những năm trước khủng hoảng (năm 2007: 8,46%; năm 2006: 8,23%; năm 2005: 8,44%...) và chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (là 5,5%). Nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là vấn đề nợ xấu, chất lượng tăng trưởng thấp, thâm hụt ngân sách cao, doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải vật lộn để tồn tại và phát triển...

Thứ hai, ngành dịch vụ đã lấy lại đà tăng trưởng một cách chậm chạp, còn ngành công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp thì vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Khu vực dịch vụ, với mức tăng 6,56%, cao hơn 0,66% so với năm 2012, đã đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Điểm đặc biệt là năm nay tốc độ tăng trưởng diễn ra khá đồng đều ở tất cả các ngành dịch vụ, trong đó ngành tăng trưởng thấp nhất (hoạt động kinh doanh bất động sản) cũng đạt mức 2,17%; còn ngành có tốc độ tăng cao nhất (dịch vụ lưu trú và ăn uống) đạt 9,91%. Tuy vậy, nếu so với mức tăng của các năm trước thì có thể thấy, đó là biểu hiện của sự phục hồi chậm chạp, và không dễ để đạt trở lại mức tăng của các năm gần đây (năm 2011: 6,69%; năm 2010: 7,52%; năm 2009: 6,63%; năm 2008: 7,37%).

Thu hoach lua. anh hong

Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2013 đạt 5,43% (công nghiệp tăng 5,35%; xây dựng tăng 5,83%), trong đó ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5 điểm phần trăm (với mức tăng 7,44%), ngành sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm (tăng 8,5%), ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm (tăng 9,1%). Riêng ngành khai thác đã làm giảm 0,1 điểm phần trăm của tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Tuy công nghiệp đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1991 đến nay, thấp hơn cả mức tăng của năm được coi là đáy của khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2009) 0,1%. Đến nay, mới chỉ có một số ngành công nghiệp hồi phục và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao so với năm trước, như: dệt tăng 21,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 14,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,6%; sản xuất trang phục tăng 10,4%; còn lại thì chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hoặc giảm, như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 0,5%; khai thác than cứng và than non giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 2,6%; khai khoáng khác giảm 5,3%. Điều đó cho thấy, cho đến nay công nghiệp mới chỉ phục hồi một cách yếu ớt.

Năm 2013, khu vực nông nghiệp đã giảm được 1,28% về tỷ trọng giá trị trong GDP (từ 19,67% xuống còn 18,39%) và 0,6% về tỷ trọng lao động trong tổng số lao động xã hội (từ 47,5% xuống còn 46,9%). Mức tăng sản xuất toàn ngành năm 2013 đạt 2,67%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mức tăng này thấp hơn 0,02% so với năm 2012, và cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Nói chung, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở Việt Nam vẫn còn bấp bênh, bị chi phối mạnh bởi điều kiện thời tiết, khí hậu và thị trường thế giới.

Thứ ba, duy trì được cán cân thương mại cân bằng nhưng thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn.

Mặc dù thị trường thế giới năm 2013 có nhiều biến động gây bất lợi cho quan hệ thương mại quốc tế, nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn giữ được cân bằng cán cân thương mại. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm đạt 131,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012; còn kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4%. Như vậy, trong năm 2013, cả nước nhập siêu 0,1 tỷ USD, gần bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội giao là 8%. Những kết quả đó đã đạt được trong điều kiện khá chật vật do sản xuất của doanh nghiệp chưa hết khó khăn, số lượng doanh nghiệp đóng cửa và ngừng hoạt động tăng mạnh so với năm trước, nhiều hợp đồng xuất khẩu bị hủy... Thực tế, đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực bị giảm mạnh về kim ngạch so với năm 2012, trong đó dầu thô đạt 7,2 tỷ USD, giảm 11,9%; gạo đạt 3 tỷ USD, giảm 18,7%; cao su đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11,7%; xăng dầu đạt 1,2 tỷ USD, giảm 32,8%; cà phê đạt 2,7 tỷ USD, giảm 26,6%...

vinamilk

Thứ tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt mục tiêu đề ra nhưng còn tiềm ẩn những lo ngại.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 15-12-2013, cả nước có 1.275 dự án được cấp phép, với tổng số vốn đăng ký đạt 14,3 tỷ USD. Như vậy, so với năm 2012, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 0,7% về số dự án và 70,5% về vốn đăng ký. Nếu cộng thêm cả 7,3 tỷ USD vốn bổ sung của 472 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước, thì tổng vốn đăng ký tính đến thời điểm này đạt hơn 21,6 tỷ USD, tăng 54,5%, vượt xa mục tiêu 13-14 tỷ USD đề ra từ đầu năm. Như vậy, sau 5 năm (2008-2012) vốn FDI giảm liên tục thì năm 2013 đã có bước đột phá, trở thành điểm sáng của bức tranh kinh tế năm nay. Trong tổng vốn đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn (với gần 16,6 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điều hòa không khí... đứng thứ hai (với 2 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn); 16 ngành còn lại đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm 13,7%. Tỷ lệ vốn thực hiện cả năm đạt 53,24% (với 11,5 tỷ USD), tăng 9,9% so với năm 2012. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã có niềm tin trở lại đối với kinh tế Việt Nam.

Mặc dù nguồn vốn đầu tư nước ngoài thu hút trong năm nay cao hơn so với kế hoạch, nhưng đằng sau đó vẫn là mối lo của nhiều ngành, nhiều cấp bởi những yếu kém của nó, mà nếu không khắc phục kịp thời ắt sẽ gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Đó là tình trạng các địa phương cạnh tranh nhau nên đã thu hút đầu tư bằng mọi giá, dẫn đến 80% doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chỉ sử dụng công nghệ trung bình của thế giới; 14% ở mức thấp và lạc hậu, hao tổn năng lượng và ô nhiễm môi trường cao; chỉ có khoảng 6% sử dụng công nghệ cao... Do đó, hầu hết các dự án đầu tư tại Việt Nam có giá trị gia tăng nội địa thấp; 70% dự án có vốn đầu tư FDI từ 1 tỷ USD trở lên đến nay chưa được triển khai hoặc đã bị rút giấy phép; 70,29% dự án sân golf không nằm trong quy hoạch vẫn được phê duyệt; và 80% khu công nghiệp đã triển khai gây ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, trong đó nhiều doanh nghiệp đã xả thẳng chất thải ra môi trường.

Thứ năm, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhưng vẫn còn nhiều áp lực.

Trong năm 2013, sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới và Việt Nam phức tạp và khó lường đã có tác động lớn đến giá cả hàng hóa, nhưng chúng ta đã kiềm chế được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây, và thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (là 8%). Cụ thể, CPI của các tháng năm 2013 lần lượt là: 1,25%; 1,32%; -0,19%; 0,02%; -0,06%; 0,05%; 0,27%; 0,83%; 1,06%; 0,49%; 0,34%; và 0,51%. Tính ra, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm nay tăng 6,6%, thấp hơn mức 9,21% của năm 2012.

Về nguyên tắc thì kiềm chế được lạm phát ở mức thấp là một thành công trong phát triển kinh tế, nhưng với tỷ lệ lạm phát của năm nay lại không hoàn toàn như vậy. Đó là vì, sự giảm giá hàng hóa trong năm không phải do năng suất lao động tăng lên, hàng hóa sản xuất ra rẻ hơn, mà chủ yếu là do sức mua yếu vì không có khả năng thanh toán. Việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cá nhân và  doanh nghiệp không muốn đầu tư sản xuất vì tín dụng bị thắt chặt... đã làm cho tổng cầu giảm, dẫn đến giá hàng hóa giảm. Thực tế là, giá cả giảm nhưng hàng hóa vẫn ứ đọng, không có người mua. Điều đó cho thấy lạm phát thấp như hiện nay không hẳn là tốt, vì đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trong thời gian tiếp theo.

Thứ sáu, tỷ lệ nghèo đói giảm xuống nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao.

Năm nay là năm tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo hai năm 2012-2013 của Chính phủ. Đến cuối năm 2013, cả nước còn khoảng 426,7 nghìn lượt hộ, với 1.794 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 5,2% về số hộ và 6,2% về số nhân khẩu so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 ước tính chỉ còn khoảng 9,9%, giảm được 1,2 điểm phần trăm so với năm 2012. Điều quan trọng là thu nhập bình quân hộ nghèo đã tăng 1,8 lần so với năm 2010, do đó mức sống và chất lượng sống của họ đã được cải thiện đáng kể.

kinh tế VN 1

Tuy vậy, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, những thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam vẫn chưa thật bền vững. Nói cách khác, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ tái nghèo cao do bộ phận hộ cận nghèo còn khá lớn (bằng khoảng 70% số hộ nghèo) và phần lớn hộ nghèo lại sống ở vùng nông thôn, miền núi, bị hạn chế về trình độ học vấn và sức khỏe, rất khó tiếp cận với các điều kiện giảm nghèo chung. Thực tế là, nhóm người thuộc dân tộc thiểu số tuy chỉ chiếm 15% tổng dân số nhưng lại chiếm tới 47% tổng số người nghèo trên cả nước. 

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014

Xung quanh vấn đề phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2014 đã có nhiều nhận định, dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước. Những con số và lập luận đưa ra có sự khác nhau nhất định, song tất cả đều có điểm chung là nhìn nhận sự phát triển của năm tới theo hướng lạc quan hơn. Đó là:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013, nhưng không nhiều.

Hầu hết các phân tích đều dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013, nhưng cũng chỉ xoay quanh mức 5,5-6%. Cụ thể, dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,65%; của Ngân hàng ADB là 5,5%; của Ngân hàng BIDV là 5,5-5,6%, của Ngân hàng Thế giới (WB) là chỉ tăng thêm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2013; trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,8%. Nhiều người e ngại về tính khả thi của chỉ tiêu này, vì kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, khủng hoảng nợ công ở châu Âu còn dai dẳng và những khó khăn nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì năm 2014 cũng sẽ có nhiều cơ hội cho chúng ta biến mục tiêu này thành hiện thực. Đó là, môi trường quốc tế mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới, trong đó quan trọng là Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại và hợp tác với các nước và khu vực, như Cộng đồng Kinh tế chung Đông Nam Á (AEC), với châu Âu, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (có thể sẽ ký kết vào năm 2014). Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam được coi là thoát đáy; đồng thời nhiều cơ chế, chính sách được ban hành trong những năm trước, đặc biệt là năm 2013 đã đến lúc phát huy tác dụng mạnh trong năm 2014; và đặc biệt là chúng ta có tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong năm 2014 là những thành tựu phát triển của năm 2013.

Thứ hai, việc kiềm chế lạm phát vẫn còn nhiều khó khăn.

Nếu nhiều người lo ngại về khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng khá cao trong năm 2014 do Quốc hội đặt ra, thì với mức lạm phát 7% cũng ít nhận được sự đồng thuận hơn từ phía các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, bởi họ cho rằng mức đó sẽ là áp lực đối với thực lực của nền kinh tế hiện nay. Mặc dù, kinh tế vĩ mô 2013 đã được duy trì ổn định, tổng cầu có xu hướng giảm, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới được dự báo không có biến động lớn, thậm chí giảm trong hai năm tới (theo WB)... là những yếu tố có tác động làm giảm chỉ số CPI. Nhưng, các yếu tố tác động tiêu cực đến lạm phát lại còn nhiều hơn và nặng nề hơn. Đó là, việc thực thi chính sách tăng đầu tư công, điều chỉnh giá điện, than và dịch vụ công, việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, hay điều chỉnh tăng tỷ lệ bội chi ngân sách lên 5,3% GDP... nhằm theo đuổi tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2013, sẽ gây áp lực lên giá cả và nhu cầu nhập khẩu, dẫn đến làm tăng chỉ số lạm phát. Thêm vào đó, việc phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2014 cũng sẽ là tác nhân làm tăng giá trong năm sau. Đặc biệt, chỉ số lạm phát thấp giả tạo (không do tăng năng suất lao động) trong năm 2013 đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Đó là những lý do để nhiều người đưa ra con số dự báo khác biệt, lớn hơn nhiều so với mức Quốc hội đề ra, như: mức 8,3% của Ngân hàng HSBC; 7,5%-8% của Ngân hàng ANZ; 8,2% của Ngân hàng ADB...

tr2a

Thứ ba, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng.

Đó là nhận định chung của hầu hết các tổ chức và cá nhân nghiên cứu về vấn đề này. Nguyên nhân cơ bản của nhận định đó được nhiều người chỉ ra: một là, do kinh tế thế giới đã phục hồi trong năm 2013 và sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm tới; hai là, do kinh tế vĩ mô tại Việt Nam đang khá ổn định; ba là, do có sự thay đổi của Chính phủ về một loạt các quy định liên quan đến tăng cường thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn FDI; bốn là, do các nhà đầu tư ngoại muốn đón đầu những lợi ích do các hiệp định thương mại như TPP, AEC mang lại.

Với những thuận lợi trên, niềm tin của nhà đầu tư sẽ tăng trở lại, theo đó dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, với con số tăng thêm tới 18 tỷ USD (theo dự báo của BIDV). Nhiều nhà dự báo đều thống nhất rằng, cơ cấu đầu tư sẽ không có xáo trộn gì lớn trong năm 2014, tức là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đứng ở hàng đầu; đồng thời các nhà đầu tư lớn nhất vẫn sẽ tiếp tục duy trì vị thế của họ tại Việt Nam.

Thứ tư, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 10% là trong tầm tay, và duy trì cân bằng cán cân thương mại dù khó khăn nhưng sẽ trở thành hiện thực.

Xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2014 được giới chuyên môn dự báo khả quan hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra (là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 10%, tỷ lệ nhập siêu chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu). Theo đó, có khả năng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ đạt mức 145 tỷ USD, tăng 10,52% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu sẽ trong khoảng 150-153 tỷ USD, tăng 14,2-16,5%, và cán cân thương mại sẽ chỉ thâm hụt khoảng 5-8 tỷ USD, chiếm gần 3,81-5,52% tổng kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn mục tiêu đề ra là 6%).

Những dự báo trên là hoàn toàn có cơ sở, vì một mặt, thương mại thế giới trong năm 2014 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh với mức tăng trưởng 4,5% so với mức 2,5% của năm 2013 (theo WTO); mặt khác, ở trong nước, các chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ đang được đẩy mạnh và phát huy tác dụng. Hơn nữa, trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay thì phần lớn là hàng tiêu dùng thiết yếu, ít bị người tiêu dùng tại các thị trường chủ chốt như Mỹ và EU cắt giảm chi tiêu nên tương đối ổn định; trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế lại đang có tiềm năng phát triển. Đồng thời, Việt Nam lại đang hội nhập ngày càng sâu rộng và có hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới do đã đàm phán và ký kết được 8 hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) và hiệp định có nội dung tương tự, mà nếu triển khai và tận dụng tốt những lợi thế do những hiệp định này mang lại sẽ tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong năm tới, nhờ đó sẽ duy trì được cán cân thương mại cân bằng.

 PGS. TS. Mai Thị Thanh Xuân

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Bình luận