Lịch sử ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc từ khởi thủy đến cuối thế kỷ XVIII

Ngày đăng: 31/03/2018 - 08:03

lich su ngoai giao2018Thực tiễn lịch sử cho thấy, hoạt động ngoại giao đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời củng cố hòa bình và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới. Trong đó, mối bang giao Việt Nam - Trung Quốc có lịch sử lâu đời và có vị trí quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Nhằm cung cấp thêm nguồn tài liệu vào công tác nghiên cứu lịch sử ngoại giao Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Lịch sử ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (Từ khởi thủy đến cuối thế kỷ XVIII) của cố Giáo sư Văn Tân. Đây là cuốn sách đầu tiên nói về công tác ngoại giao của Việt Nam có hệ thống từ thời đại các vua Hùng đến cuối thế kỷ XVIII.

Từ nhiều thập kỷ gần đây, lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều nhà sử học trong nước và trên thế giới với những hướng tiếp cận và nhận thức khác nhau. Có thể nói, vị trí đặc biệt của Việt Nam ở ngay sát với nước Trung Quốc rộng lớn đã quy định đường lối ngoại giao của dân tộc ta đối với họ. Để có thể tồn tại độc lập và phát triển, trong tất cả các thời kỳ lịch sử, chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung Quốc là hữu nghị và thân thiện.

Thông qua việc khảo cứu các tài liệu cổ sử của Việt Nam, Trung Quốc và công trình của các nhà sử học Việt Nam cũng như phương Tây, với trí tuệ uyên bác và tư duy sắc sảo, Giáo sư Văn Tân đã phác thảo tương đối đầy đủ, khách quan diện mạo của mối quan hệ bang giao giữa hai nước từ thời kỳ Hùng Vương đến triều đại Tây Sơn. Với bố cục gồm bảy chương được kết cấu theo trình tự thời gian, cuốn sách tóm tắt lịch sử ngoại giao giữa hai nước trong mấy nghìn năm, từ thời kỳ các vua Hùng dựng nước Văn Lang đến cuối thế kỷ XVIII. Đây là một thành tựu mới trên con đường tiếp tục khám phá quá trình bang giao đầy “khuất khúc, quanh co” và không kém phần thách thức trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ.

Đề cập tới mục đích của cuốn sách, tác giả nhấn mạnh:“Lịch sử ngoại giao Việt Nam là một kho tàng về kinh nghiệm xử thế vô cùng quý báu cho những người làm công tác ngoại giao, cũng như công tác quân sự. Trong kho tàng kinh nghiệm này, ông cha chúng ta tỏ ra mưu trí, biết mình biết người đến cao độ, biết dồn kẻ đối thoại của mình đến chỗ phải chấp nhận các đề nghị của mình và trong mọi hoạt động đã luôn luôn bám sát mục tiêu chủ yếu của mình: Độc lập và chủ quyền của dân tộc”.

Xuyên suốt nội dung cuốn sách, người đọc có thể nhận thấy, nền ngoại giao được hình thành và phát triển trong những thăng trầm, biến cố của lịch sử dân tộc, tạo được bản sắc riêng, độc đáo, đầy hào khí với tinh thần nhân văn, hòa hiếu. Về bản chất, ngoại giao Việt Nam là ngoại giao giữ nước và cứu nước, kiên trì đấu tranh cho các mục tiêu cơ bản của dân tộc, được ông cha ta tổng kết trong Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi,… Độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân luôn được coi là nguyên tắc bất di bất dịch, nhất quán của ông cha ta. Tuy nhiên, ngoại giao của Việt Nam cũng thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo, uyển chuyển để duy trì nền hòa bình, tránh nguy cơ chiến tranh. Để giữ thể diện cho nước lớn, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam đã thi hành chính sách “Nội đế, ngoại vương”, nộp cống cho “Thiên triều” phương Bắc. Nhưng nếu kẻ thù không từ bỏ dã tâm xâm lược, thì toàn thể dân tộc Việt Nam trên dưới đồng lòng, kiên quyết đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Tác giả nhận định:“Người Việt Nam từ các thời kỳ lịch sử khác nhau không ai bảo ai đã vạch ra một đường lối ngoại giao: Cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về ngôn từ và biện pháp.Cứng để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, mềm dẻo để đối phương có thể chấp nhận”.

Với những nội dung được trình bày, cuốn sách Lịch sử ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (Từ khởi thủy đến thế kỷ XVIII) không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn là tài liệu quý để bạn đọc, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách đối ngoại, nhà ngoại giao tìm hiểu, từ đó kế thừa và phát huy bản sắc tinh hoa truyền thống ngoại giao của ông cha ta nhằm thực hiện tốt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Bình luận