Lê Đức Thọ - Nhà lãnh đạo cách mạng kiên định mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Ngày đăng: 10/10/2011 - 16:10

Đại tướng Lê Đức Anh*

Đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà cách mạng tài năng, đức độ, được Bác Hồ và Đảng tin cậy, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ rất phong phú trên nhiều lĩnh vực; mặc dù chưa biết hết, nhưng tôi thấy rõ công lao to lớn của đồng chí trước hết là ở lĩnh vực xây dựng Đảng.

Trách nhiệm của đồng chí Lê Đức Thọ là phát hiện, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chỉ đạo việc xây dựng Điều lệ Đảng và các văn kiện về xây dựng Đảng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Cho đến nay, qua các kỳ đại hội, Điều lệ Đảng đã có những sửa đổi, bổ sung, nhưng những quan điểm cơ bản về xây dựng đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Đức Thọ chỉ đạo xây dựng lúc sinh thời vẫn được giữ vững.

Đảng mạnh và không nghiêng ngả là do thực hiện đúng Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, chính vì vậy mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã tổng kết: xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Le-Duc-Tho12


Đồng chí Lê Đức Thọ luôn gắn công tác xây dựng Đảng với việc thực hiện mục tiêu chiến lược của cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử. Tháng 9-1948, đồng chí được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương cử vào Nam Bộ phổ biến đường lối kháng chiến cho Xứ uỷ Nam Bộ, khi đó đồng chí Lê Duẩn là Bí thư Xứ uỷ. Khoảng tháng 5-1949, đồng chí vào đến Đồng Tháp Mười. Trước khi phổ biến đường lối kháng chiến của Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ đã nghiên cứu kỹ tình hình ở một số địa phương để nắm vững những mặt mạnh, mặt yếu của phong trào. Khi đó tôi được dự Hội nghị do Xứ uỷ tổ chức, đã chứng kiến sự thẳng thắn của đồng chí Lê Đức Thọ. Bên cạnh việc biểu dương những việc làm tốt của Xứ uỷ Nam Bộ, đồng chí còn thẳng thắn phê bình những mặt còn thiếu sót hoặc chưa làm được của Xứ uỷ, trong đó có vấn đề còn xem nhẹ phong trào dân quân, xem nhẹ hoặc chưa chú ý đúng mức đến phong trào đô thị... Đồng chí Lê Duẩn cùng một số đồng chí lãnh đạo khác của Xứ uỷ đã thừa nhận, tiếp thu ý kiến phê bình chân thành của đồng chí Lê Đức Thọ và quyết tâm sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm. Sau hội nghị này, đồng chí Bí thư Xứ uỷ Lê Duẩn kiêm luôn chức vụ Trưởng phòng Dân quân Nam Bộ; đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) phụ trách thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, chỉ đạo xây dựng cơ sở, tăng cường đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, diệt ác ôn ngay trong nội thành...

Lúc đầu khi mới vào Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ là cấp trên (Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng), nhưng sau khi được đồng chí Lê Duẩn đề nghị và được Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương đồng ý, đồng chí Lê Đức Thọ ở lại Nam Bộ công tác. Đồng chí đã nhanh chóng hòa mình, gắn kết với các đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng bộ Nam Bộ bị tổn thất khá nặng nề, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp bị địch giết hoặc bắt bớ tù đày. Một tháng sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ và nhân dân Nam Bộ lại phải "đi trước", phải ngay lập tức lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ. Cán bộ thiếu, lực lượng thiếu, vũ khí thiếu, mọi thứ gần như đều phải tổ chức, xây dựng lại từ đầu. Sau khi bị thất bại thảm hại tại Việt Bắc Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp đã điều chỉnh chiến lược, tăng cường lực lượng quân sự ở miền Nam nhằm xây dựng miền Nam thành căn cứ vững chắc để làm bàn đạp xâm chiếm cả Việt Nam và Đông Dương. Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức đoàn thể, mặt trận đã trở thành một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh..., đồng chí Lê Đức Thọ chăm lo tất cả các công việc của Xứ uỷ (đồng chí đã kiêm cả chức Chính uỷ Phân khu miền Tây), nhưng trọng tâm vẫn là công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng. Theo tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Thọ luôn gắn chặt công tác xây dựng Đảng với xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng, tích cực vận động công nhân, nông dân, nhân sĩ, trí thức, tiểu tư sản, các chức sắc tôn giáo... tham gia kháng chiến, kiến quốc. Chính vì vậy mà phong trào kháng chiến ở Nam Bộ đã thu hút được nhiều nhà trí thức ở trong thành ra và nhiều chức sắc trong các tôn giáo đã có những hành động ủng hộ cách mạng. Nhờ vậy mà mặt trận kháng chiến Nam Bộ ngày càng lớn mạnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của hai lực lượng: lực lượng chính trị và lực lượng quân sự đã được phát huy, tạo nên sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, làm cho phong trào cách mạng phát triển đều khắp toàn miền Nam.

Những thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của quân dân Nam Bộ đã góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, còn miền Nam tuy "đi trước" nhưng phải "về sau".

Hiệp định Giơnevơ quy định ta phải tập kết quân ra miền Bắc. Lúc đầu không ai muốn tập kết vì tình cảm sâu đậm, lưu luyến với quê hương, với đồng bào, đồng chí trong cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Nhưng khi Bác Hồ gửi thư cho đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, trong thư, Bác đã phân tích rõ tình hình, giải thích rõ tại sao ta ký Hiệp định Giơnevơ và nhắc nhở vì lợi ích lâu dài của dân tộc, thì mọi người mới thông suốt vấn đề tập kết. Nhưng ai đi, ai ở? Đồng chí Lê Đức Thọ được giao nhiệm vụ gánh vác trọng trách này. Đồng chí vừa phải làm công tác tư tưởng quán triệt cho cán bộ thông suốt về tính chất lâu dài của cách mạng miền Nam, vừa xây dựng kế hoạch bố trí cho cán bộ tập kết ra miền Bắc theo phương châm: một bộ phận cán bộ nòng cốt ở lại để tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh của cách mạng miền Nam; còn đa số cán bộ tập kết ra miền Bắc để tiếp tục học tập, bồi dưỡng; bộ đội ra Bắc huấn luyện cho giỏi để sau này sẽ trở về tiếp tục phục vụ cho cách mạng miền Nam. Một bộ phận lớn vũ khí tốt và công binh xưởng được để lại, cất giấu để sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ sau này.

Cùng với số cán bộ nòng cốt được Bác Hồ và Trung ương bố trí ở lại lãnh đạo cách mạng miền Nam, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt..., đồng chí Lê Đức Thọ đã đề xuất kế hoạch đưa hàng vạn con em cán bộ miền Nam ra miền Bắc học tập để sau này trở lại miền Nam phục vụ cho cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đồng ý.

Sau khi tập kết ra miền Bắc, đồng chí Lê Đức Thọ đã nghiên cứu kỹ tình hình cả nước cùng những vấn đề của Đảng trong bối cảnh mới. Vào năm 1957, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương điều đồng chí Lê Duẩn ra Bắc để cùng với Bác và Trung ương lo cho nhiệm vụ chung của cả nước; vì trong số các đồng chí lãnh đạo đương thời thì đồng chí Lê Duẩn là một trong những cán bộ gắn bó với cách mạng miền Nam và am hiểu tình hình cách mạng miền Nam, mà mục tiêu chiến lược của Đảng ta lúc ấy là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng là để phục vụ cho mục tiêu chiến lược này.

Khi ra Bắc, đồng chí Lê Duẩn đã mang theo bản dự thảo Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam, để báo cáo với Bác. Từ thực tiễn cách mạng ở miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã viết bản dự thảo Đề cương này và đưa ra cho nhiều cán bộ lãnh đạo thảo luận, đóng góp ý kiến để đồng chí Lê Duẩn tiếp tục bổ sung và hoàn thiện. Sau khi được nghe đồng chí Lê Duẩn trình bày bản dự thảo Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam, các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh... vốn là những người đã nhiều năm gắn bó với cách mạng miền Nam và nắm rất rõ thực trạng tình hình miền Nam vô cùng phấn khởi. Bản dự thảo Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam là sự tổng kết thực tiễn bằng cả máu và nước mắt của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Nam và cũng chính là cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp bàn, ra được Nghị quyết 15.

Nghị quyết 15 đã đáp ứng được nỗi khát vọng, sự trông chờ của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Đó là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Đó là tư tưởng về ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn và đô thị liên kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. Đó là tư tưởng về thế trận của ba mũi giáp công: đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và công tác binh vận...

Ý Đảng gặp lòng dân, nên khi Nghị quyết 15 được quán triệt và triển khai thì phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, vùng giải phóng ngày càng rộng lớn và vùng tranh chấp (vùng lõm) ở Sài Gòn mới được mở ra. Thế và lực của cách mạng ngày càng được phát triển.

Việc lãnh đạo xây dựng miền Bắc và đấu tranh ở miền Nam đều nhằm vào mục tiêu chiến lược là giải phóng ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Có một vấn đề cần chú ý là chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ này trong một bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp. Bên cạnh những thuận lợi, cũng có rất nhiều khó khăn. Đế quốc Mỹ là một siêu cường, trong lịch sử chưa từng bị thua ai.

Các nước bạn bè trong phe xã hội chủ nghĩa tuy vẫn ủng hộ ta cả về tinh thần lẫn vật chất để kháng chiến, nhưng lo cho ta, không tin là ta có thể đánh thắng được đế quốc Mỹ xâm lược. Có người đã khuyên ta nên tập trung củng cố, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nếu ta quyết tâm đánh Mỹ thì "một đốm lửa nhỏ có thể lan rộng thành đám cháy lớn...". Hoặc có người khuyên ta, nếu đánh chỉ đánh kiềm chế với quy mô cấp tiểu đội và dùng các loại vũ khí như súng trường sản xuất từ thời kỳ Nga hoàng.

Trong tình hình như vậy, để khẳng định được ý chí của toàn Đảng và Bác Hồ là quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc bằng con đường bạo lực cách mạng như thực tế lịch sử đã diễn ra, là vô cùng khó khăn.

Công việc chỉ đạo cụ thể thời kỳ đó lại càng khó khăn hơn. Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác và Trung ương cử vào tăng cường cho lực lượng lãnh đạo cách mạng miền Nam. Qua những kết quả thắng lợi bước đầu của quân và dân miền Nam trên chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn và phương châm là: "Bám lấy thắt lưng địch mà đánh". Lời thơ kêu gọi của Bác: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" là tư tưởng chiến lược rất sát với tương quan lực lượng ở miền Nam, đồng thời cũng thể hiện chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cao cả. Ta quyết đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào chứ không tiêu diệt ngụy quân, ngụy quyền vì họ vốn cũng là người Việt Nam, nhưng bị ép buộc, bị lầm đường, lạc lối.

Đồng chí Lê Đức Thọ được Bác Hồ rất tin cậy giao cho nhiều trọng trách, cả về công tác tổ chức, quân sự và ngoại giao để thực hiện tư tưởng chủ đạo của Bác là "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Tháng 5-1968, Bác Hồ đã cử đồng chí Lê Đức Thọ trực tiếp sang chỉ đạo cuộc đấu tranh ngoại giao với Mỹ ở cuộc Hội đàm Pari. Với những kết quả thắng lợi của quân, dân ta trên chiến trường và sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, năm năm đấu trí kiên cường trên bàn đàm phán ở Pari, đồng chí đã góp phần vào việc ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ta đã buộc "Mỹ cút", còn bộ đội từ miền Bắc vào vẫn ở lại miền Nam cùng toàn dân đấu tranh. Đây là tiền đề quyết định để thực hiện bước tiếp theo là "đánh cho ngụy nhào" nhằm mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Theo Hiệp định Pari, tù binh Mỹ đã được trao trả vô điều kiện cho phía Mỹ. Khi trở về Mỹ, họ không phàn nàn gì vì trong thời gian bị giam, họ cũng đã được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ Việt Nam, được hưởng tiêu chuẩn sinh hoạt khá cao trong khi đời sống của nhân dân và bộ đội ta còn vô cùng khó khăn, gian khổ. Ngụy quân, ngụy quyền bị bắt cũng được đối xử nhân đạo, được trả tự do. Tư tưởng nhân đạo cộng sản của Đảng thấm sâu trong toàn dân, toàn quân ta và cũng tác động mạnh mẽ tới hàng ngũ địch. Phong trào chống chiến tranh xuất hiện ở miền Nam và lan rộng tới cả Mỹ. Tình trạng đào ngũ trong lính ngụy ngày càng tăng và phong trào chống chiến tranh ở Mỹ lan rộng, làm cho hàng ngũ địch thêm rệu rã.

Sau chiến dịch mùa khô năm 1974, ta đã giải phóng được nhiều vùng quan trọng ở đồng bằng, vùng ven, vùng rừng núi, trong đó có tỉnh Phước Long. Trên cơ sở này, Bộ Chính trị đánh giá tình hình rõ hơn: Mỹ khó có khả năng can thiệp và ta giải phóng một tỉnh là khả năng hiện thực. Trên cơ sở này, đồng chí Lê Đức Thọ tán thành và nhất trí cao với phương án mà đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đề xuất: "Giải phóng miền Nam sớm hơn" (so với dự kiến ban đầu là hai năm).

Những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trong những ngày đầu Xuân 1975 càng củng cố thêm quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975. Một lần nữa, đồng chí Lê Đức Thọ lại được cử vào miền Nam cùng với các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng... thay mặt Bộ Chính trị và Bí thư thứ nhất trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam trước ngày sinh của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ là người xây dựng và đấu tranh về quan điểm tư tưởng rất mạnh mẽ và thẳng thắn. Từ năm 1948 đến mãi sau này ở miền Nam, đồng chí đã được anh em gọi bằng một cái tên thân mật là anh "Sáu Búa", đó là biểu thị một sự kính trọng đối với một chiến sĩ cộng sản thẳng thắn, kiên cường, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng Đảng, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Là một đồng chí lãnh đạo có tài năng về nhiều mặt, đồng chí Lê Đức Thọ còn có công lao lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã đóng góp xứng đáng trong việc giúp Mặt trận đoàn kết cứu nguy dân tộc Campuchia, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà lãnh đạo có công lao to lớn đối với dân tộc, nhưng đồng chí ít nói về thành tích của mình, đó là một phẩm chất quý giá. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí Lê Đức Thọ rất tán đồng với đồng chí Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ Lê Duẩn mỗi khi đồng chí Lê Duẩn phê phán kịch liệt chủ nghĩa cá nhân, đồng chí thường căn dặn cán bộ: "Những người không tập trung lo việc chung, chỉ lo tạo danh vị và thu vén cá nhân thì suốt đời làm nô lệ cho bản thân mình". Các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh... có nét đặc biệt là tuy cá tính khác nhau nhưng đều thống nhất một mục tiêu là quyết tâm thực hiện bằng được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc với phương châm "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", nên đã luôn đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau lo cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Tôi không hiểu tường tận những trọng trách mà đồng chí Lê Đức Thọ đã làm, nhưng với những gì tôi được biết, được chứng kiến và với tư cách là một chứng nhân của lịch sử, tôi có thể khẳng định được rằng, trong những lúc đất nước có khó khăn, thì Bác Hồ và Trung ương lại giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Thọ; với tinh thần trách nhiệm cao, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nên đồng chí đã hoàn thành xuất sắc, trong đó nổi bật là nhiệm vụ xây dựng Đảng và công tác cán bộ.

Nhân dịp sắp đến ngày kỷ niệm 12 năm[1] ngày mất đồng chí Lê Đức Thọ, tôi viết những dòng này, cho dù là còn ngắn ngủi, để nhớ về đồng chí Lê Đức Thọ - một đồng chí lãnh đạo trung kiên của Đảng, luôn kiên định mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.



* Nguyên:  - Uỷ viên Bộ Chính trị,

- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[1]. Năm 2002 (B.T).

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả