Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Ngày đăng: 08/04/2012 - 15:04

Le-Duan1Cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 năm của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng Việt Nam từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Với tư duy năng động, sáng tạo, đồng chí đã có những cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa... Đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, đồng chí đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử, truyền thống văn hóa, con người Việt Nam và có nhiều quan điểm sáng tạo.

Từ thuở thiếu thời, Lê Văn Nhuận (tên thật của đồng chí Lê Duẩn) đã nổi tiếng là người ham học, ham hiểu biết và thông thái, thường được người dân trong vùng gọi là cậu Thông Nhuận. Lớn lên, chứng kiến cảnh “nước mất, nhà tan”, nhân dân sống cơ cực dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến, đồng chí đã nung nấu quyết tâm cứu nước, cứu nhà. Từ mảnh đất quê hương giàu truyền thống ấy, đồng chí ra đi làm cách mạng từ tuổi 20. Trên chặng đường gần 60 năm, hoạt động ở nhiều vùng, miền, vào Nam ra Bắc, đồng chí nắm rất vững đặc điểm truyền thống văn hóa dân tộc và con người Việt Nam.

Về đặc điểm truyền thống văn hóa dân tộc và con người Việt Nam, đồng chí nêu nhận xét: “Ở Việt Nam, dân tộc hình thành từ khi lập nước, chứ không phải khi chủ nghĩa tư bản nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Do đó, người Việt Nam có tình cảm dân tộc rất sâu sắc, có tinh thần dân tộc rất mạnh mẽ”1. Đồng chí còn giải thích rõ: “Tất cả những người Việt Nam là một dân tộc, đều đã cùng nhau sinh sống trên một dải đất, dưới một bầu trời, đều ôm ấp trong tâm hồn một di sản hàng ngàn năm của cha ông để lại, tình cảm dân tộc là nguồn sống hàng ngày của mỗi người Việt Nam, nguyện vọng chung của dân tộc cũng là nguyện vọng riêng của mỗi người Việt Nam. Đó là sự thật”2. Đây thật sự là những nhận xét tinh tế và sâu sắc, cho thấy đồng chí Lê Duẩn am hiểu đặc điểm  truyền thống văn hóa dân tộc, thấy rõ được sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Nắm vững đặc điểm truyền thống văn hóa dân tộc là cơ sở rất quan trọng trong việc kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp, hạn chế, loại trừ cái lạc hậu, cái lỗi thời của truyền thống dân tộc và con người Việt Nam; trong việc đề ra những chủ trương, quyết sách lớn nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

aTBT-Leduan-voi-cac-dai-bieu

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976)

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đồng chí Lê Duẩn hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử dân tộc, đặc biệt là truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông ta. Đồng chí đã khái quát một đặc điểm nổi bật của con người Việt Nam, đó là lòng yêu nước: “Lòng yêu nước hình thành từ lúc con người Việt Nam, xã hội Việt Nam hình thành. Chúng ta không bao giờ được quên điều đó... Lòng yêu nước làm cho người Việt Nam đoàn kết gắn bó với nhau. Khi có khó khăn thì càng dân chủ hơn, thương yêu nhau hơn, đoàn kết hơn. Đó là cơ sở đầu tiên để tạo nên sức mạnh của dân tộc ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược”3. Lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc là bệ đỡ vững chắc cho nhận thức và khẳng định của đồng chí về sức mạnh của lòng yêu nước, về sự đoàn kết của toàn dân. Từ thực tiễn lịch sử, đồng chí không chỉ rút ra những bài học thành công mà cả những bài học không thành công, nhằm vận dụng sáng tạo vào chỉ đạo hoạt động thực tiễn cách mạng. Tuy nhiên, đồng chí cũng nhắc nhở: “Chúng ta là người Việt Nam nhưng ta hiểu ta cũng không dễ. Muốn hiểu người Việt Nam thì phải hiểu lịch sử Việt Nam. Muốn biết ta là ai, ta là thế nào thì phải biết lúc trước ta là ai, ta như thế nào”4.

Nói về truyền thống văn hóa dân tộc và con người Việt Nam, trong đợt về thăm cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Linh năm 1973, đồng chí tâm sự: “Các đồng chí có hay đọc lịch sử Việt Nam không?... Tôi bây giờ đây tuy đã học lịch sử nhiều lần nhưng vẫn thường giở lịch sử Việt Nam ra đọc. Tôi đọc để biết nước Việt Nam ta như thế nào, cha ông ta là ai. Các đồng chí đọc lịch sử có hiểu chúng mình đây này, không phải tự nhiên mà có đâu. Lúc chúng ta sống những năm tháng chiến đấu đây, lúc giữa hai miền của nước nhà cọ xát với cái sống, cái chết thì những tinh thần kết tinh của hàng nghìn năm còn ở trong chúng ta đây, sống lại, bùng lên... Chúng ta không có xương đồng, da sắt vì da sắt, xương đồng cũng tan nát dưới bom đạn Mỹ. Mà vì chúng ta là con người, con người thật sự. Con người đó thật sự là con người Việt Nam nữa mới làm được. Con người đó, cả thế giới bây giờ nói là con người của thời đại, là con người tiêu biểu cho lương tâm của cả loài người... Hai chữ Việt Nam, cả thế giới nói đồng nghĩa với hai chữ anh hùng”5.

Trên đây là những quan điểm mấu chốt về truyền thống văn hóa dân tộc và con người Việt Nam, nó chi phối quan niệm, cách nhìn và phương pháp tiến hành cách mạng của đồng chí Lê Duẩn không chỉ trên lĩnh vực văn hóa mà trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến sự nghiệp cách mạng. Sự hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và con người Việt Nam đã củng cố niềm tin sắt đá của đồng chí Lê Duẩn vào sức mạnh của dân tộc ta và đồng chí đã truyền niềm tin ấy đến mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương về phong trào cách mạng miền Nam. Đồng chí có nhiều suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi, đã cùng tập thể Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và hoàn chỉnh đường lối, chiến lược và phương pháp cách mạng nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh cách mạng vào chiến trường miền Nam với những đặc thù của nó; đồng thời đã có những dự báo, đánh giá chính xác tình hình và đề xuất chủ trương mang tính quyết sách lớn đối với cách mạng miền Nam. Những quan điểm về phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, nhân sức mạnh của truyền thống dân tộc tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ được đồng chí khẳng định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, có tác dụng định hướng và động viên to lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân trong 21 năm chống Mỹ. Đồng chí đã tổng kết: “Chiến tranh nhân dân Việt Nam ngày nay đã kế thừa truyền thống chống ngoại xâm và tài thao lược của cha ông ta thuở trước. Có thời phải chiến đấu kiên trì ròng rã mười năm mới giành được toàn vẹn đất nước; có thời chỉ tiến công thần tốc trong mười ngày đã quét sạch giặc xâm lăng ra ngoài bờ cõi. Song thời nào cũng lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, dựa vào sức dân làm chủ để giữ yên đất nước. Truyền thống đó đang được phát triển và nâng lên một trình độ mới, gắn liền với những tư tưởng quân sự Mác - Lênin”6.

Từ rất sớm, đồng chí Lê Duẩn đã nhận thức được rằng, văn hóa là cái hồn, cái diện mạo, cái đặc trưng của dân tộc, nó chi phối ý thức con người. Thành bại của một cuộc đấu tranh, một cuộc cách mạng dù diễn ra trong hoàn cảnh nào, dưới hình thức nào đều có yếu tố của văn hóa, trong đó con người giữ vai trò chủ thể. Đồng chí cho rằng, con người ta không chỉ sống với miếng cơm, manh áo, mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với truyền thống dân tộc. Đồng chí đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về con người Việt Nam và rút ra một nhận định khái quát là: một trong những truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam là thương nước, thương nhà, thương người, thương mình. Theo đồng chí, lòng nhân ái sâu rộng này là cái gốc của đạo đức, của đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ lòng nhân ái, đại nghĩa của truyền thống dân tộc và đạo đức cộng sản, ngay từ năm 1972, trong thư Gửi Trung ương Cục miền Nam về những công tác cấp bách ở miền Nam trong thời gian sắp tới, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Theo tinh thần hòa hợp dân tộc, cách mạng chủ trương “đại xá” đối với những người đã tham gia các tổ chức chính trị hoặc vũ trang của địch. Tất cả những ai thấy được tội lỗi, đoạn tuyệt với quá khứ, quay về đường ngay lẽ phải, đều có chỗ đứng trong lòng dân tộc... Chính sách của chúng ta lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, tuyệt đối không báo oán, trả thù. Chúng ta phải huy động tất cả mọi người có thể huy động được vào các công tác kháng chiến và xây dựng, tùy theo nguyện vọng và năng lực của họ”7. Những chỉ dẫn của đồng chí Lê Duẩn trên đây hoàn toàn phù hợp với truyền thống hòa hiếu, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông ta, thấm đượm tư tưởng nhân văn, thể hiện nhãn quan văn hóa sâu sắc của đồng chí Lê Duẩn.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng đất nước, đồng chí luôn coi việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng yếu. Đồng chí rất chú ý phát huy yếu tố năng động chủ quan của con người. Đồng chí cho rằng, sự phát triển của lịch sử là kết quả của sự thống nhất biện chứng giữa nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan, rằng “con người là sản phẩm của lịch sử, của một xã hội nhất định, khi chuyển qua một xã hội khác thì phải căn cứ vào con người của xã hội cũ mà nói cho đúng, đưa cái cũ lên cái mới cho sát, nếu không làm như thế sẽ hỏng việc”8.

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn thường nói: “Con người sống phải lao động, sáng tạo, tình thương và lẽ phải”. Đó là đạo lý của cuộc sống. Hoài bão cháy bỏng của đồng chí là xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong đó con người sống với nhau giàu tình thương và lẽ phải. Đồng chí thường kể về nỗi đau mất nước, đồng bào sống cực khổ, lầm than; về tình cảm đẹp đẽ của quê hương. Đồng chí tâm tình: “Đối với tôi, quê hương biết bao tình sâu, nghĩa nặng”.

Là một nhà lãnh đạo có tư duy sáng tạo lớn, đồng chí Lê Duẩn bao giờ cũng xuất phát từ những tư tưởng lớn kết tinh được truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần nhân văn cộng sản để xem xét và giải quyết các vấn đề. Sau ngày thống nhất đất nước, dù bận trăm công ngàn việc của một người đứng đầu Đảng ta, đồng chí vẫn dành thời gian đi thăm nhiều trung tâm văn hóa, nhiều di tích lịch sử - văn hóa của đất nước. Đồng chí cho rằng, cần phải bảo tồn, khôi phục các di sản văn hóa bị chiến tranh tàn phá; phải hiểu rõ yêu cầu đối với con người Việt Nam trong xã hội mới để biết xây như thế nào, cái gì đích thực là văn hóa dân tộc thì phải tìm mọi cách để giữ gìn và phát huy, cái gì không thích hợp thì phải sửa đổi, bổ sung, nâng cao. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục. Mỗi lần đi công tác, đồng chí đều ghé thăm các trường học và thường nhắc nhở thầy trò dạy tốt, học tốt. Nhiều người còn nhớ lời huấn thị sâu sắc của đồng chí với các em học sinh: Các cháu phải học, học để có tri thức, để biết và tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam - một dân tộc rất anh hùng. Đặc biệt dân tộc ta mới có những phụ nữ anh hùng, chỉ có dân tộc ta mới có Bà Trưng, Bà Triệu...

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, trưởng thành từ trong hoạt động cách mạng thực tiễn, dày dạn kinh nghiệm đấu tranh, đồng chí Lê Duẩn rất coi trọng nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, lịch sử văn hóa dân tộc, lịch sử các nền văn hóa thế giới nhằm tìm ra những điều bổ ích cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, lối sống Việt Nam và phát triển nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chú thích:

1. Lê Duẩn: Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1980, tr. 169.

2, 8. Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983, t. IV, tr. 367.

3, 4. Lê Duẩn: Về chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, 1980, tr. 456, 323-324.

5. Tỉnh ủy Quảng Trị - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 438-439.

6, 7. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 380-381, 342.

PGS.TS. Lê Văn Yên

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả