Lòng tin của nhân dân là sức mạnh
PGS. TS. Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương |
Tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng lên ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới là đòi hỏi có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và nhân dân ta. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm và nhiệt tình đón nhận. Tạp chí Nhịp cầu tri thức đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an (Bộ Công an) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có ý nghĩa lịch sử, thu hút được sự quan tâm chú ý đặc biệt trong Đảng và trong dân, được dư luận xã hội đánh giá cao. Chưa bao giờ vấn đề xây dựng Đảng lại trở nên cấp thiết như lúc này. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thật ra, nói vấn đề xây dựng Đảng chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay chỉ đúng một phần thôi. Vấn đề xây dựng Đảng là vấn đề quan trọng bậc nhất đối với bất kỳ một đảng cầm quyền nào. Ngay từ năm 1945, Đảng ta đã coi trọng công tác xây dựng Đảng. Tại các bước chuyển của lịch sử Việt Nam, vấn đề xây dựng Đảng được đặt ra nhưng tính chất bức xúc, cấp thiết không như hiện nay. Ví dụ, vào giai đoạn tổng phản công trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1952, ở trong rừng Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã có một cuộc gần như là chỉnh Đảng để chuẩn bị cho bước ngoặt lịch sử tiến tới chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc. Trong thời kỳ này, vấn đề thoái hóa trong Đảng không có bao nhiêu. Những năm 1955-1956, khi về tiếp quản Thủ đô, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết mang tính chỉnh Đảng trong điều kiện mới; lúc này suy nghĩ, tình cảm, ứng xử của đảng viên cũng khác, trong Đảng cũng đặt ra những vấn đề nặng nề hơn. Trong thời kỳ chuẩn bị tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Đảng ta cũng rất tập trung vào công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết Đại hội IV của Đảng đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề xây dựng Đảng được đặt ra một cách đúng mức, nghiêm túc, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện nhất là Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986). Về mặt lý luận, Nghị quyết Đại hội VI thể hiện đầy đủ trí tuệ cao nhất của Đảng ta, thể hiện nhận thức về nhiệm vụ mới của cách mạng, nhận thức về những vấn đề đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng.
Vấn đề xây dựng Đảng trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) không có gì mới. Tuy nhiên, không khí, tinh thần chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng được thể hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Điều này còn được thể hiện trong Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” từ ngày 27 đến 29-2-2012, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, với sự tham dự của nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng… Phát biểu của Tổng Bí thư và nhiều đại biểu tại Hội nghị đã truyền đi thông điệp và quyết tâm của Đảng ta về tính cấp bách của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Đó chính là cái mới hết sức đáng lưu ý của công tác này.
PV: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Nói đến sức mạnh của Đảng, không thể không nhắc tới yếu tố lòng tin của nhân dân. Ông có bình luận gì về điều này?
PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Điều này hoàn toàn đúng. Đảng ta từ đâu mà ra? Đảng bao gồm những ai? Đảng gồm những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, trưởng thành từ phong trào cách mạng, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên hết, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, nhân dân mới tin, mới giao cho Đảng lãnh đạo. Đảng mà thoát ly nhân dân, thoát ly sự ủng hộ của nhân dân thì không còn là Đảng Cộng sản. Bản chất của Đảng là từ nhân dân mà ra, sống trong lòng nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc. Nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng và lòng tin của nhân dân là sức mạnh, là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Đó là nguyên lý bất di bất dịch!
PV: Theo ông, làm thế nào để phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh?
PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cái này xuất phát từ Điều lệ Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: Hoạt động của Đảng và Nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân. Sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân là cội nguồn sức mạnh, là cái gốc của thắng lợi, là tài sản quý báu của Đảng… Xây dựng Đảng, xây dựng các quy chế và biện pháp thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên - đó là nguyên tắc, là nguyên lý cơ bản chi phối hoạt động của Đảng. Tính từ năm 1945 đến nay, Đảng ta đã trải qua gần 70 năm cầm quyền, nhưng chưa có quy chế và biện pháp thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên. Nhân dân vẫn tin Đảng, vẫn muốn Đảng lãnh đạo, song Đảng cần phải tự sửa mình để khắc phục yếu kém, khuyết điểm, kể cả phải gột rửa những tha hóa, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nếu Đảng không khẩn trương làm việc này, không tạo điều kiện để nhân dân thật sự tham gia giám sát hoạt động của Đảng, thì Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) chắc sẽ không thu được kết quả như mong muốn. Cách làm là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương họp, công khai quy chế này trước toàn dân để mọi người cùng góp ý với Đảng nhằm xây dựng một quy chế đầy đủ, hoàn thiện nhất để người dân có quyền và có đủ điều kiện tham gia giám sát, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tôi nghĩ, người Việt ta thông minh lắm. Sẽ có rất nhiều ý kiến hay để xây dựng Đảng. Từ thực tiễn cuộc sống, tôi thấy cũng có rất nhiều mô hình, cách làm hay để dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Điều này cần được tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng ra cả nước để ngày càng có nhiều ý kiến hay, tâm huyết xây dựng Đảng. Phải từ thực tiễn cuộc sống để tìm ra giải pháp.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều biện pháp quan trọng khác để phát huy sức mạnh của quần chúng trong công tác xây dựng Đảng.
PV: Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần phải có quyết tâm và thậm chí phải thật sự quyết liệt trong công tác tổ chức thực hiện?
PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Bên cạnh việc phát huy tối đa, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia giám sát, xây dựng Đảng, chúng ta cũng cần phải phát huy tối đa vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí. Phải phát huy dân chủ hơn nữa. Phải thâm nhập cuộc sống hơn nữa để phản ánh cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thực tiễn đã và đang chứng minh, rất nhiều sai phạm, khuyết điểm, kể cả sự tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được cơ quan báo chí phát hiện. Tôi đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí và chính họ đã góp phần không nhỏ làm trong sạch tổ chức đảng. Gần đây nhất là vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Tôi tin ở các nhà báo, các phóng viên báo chí. Họ là những người có tinh thần xung kích và tinh thần xây dựng Đảng nghiêm túc.
Tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) còn đòi hỏi những giải pháp căn cơ, cụ thể từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương. Phải làm sao để người dân có quyền và có đủ điều kiện để tiến cử những cán bộ, đảng viên có đủ tài, đức vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Làm công khai, minh bạch, làm thực chất và có hiệu quả việc này sẽ là điểm mấu chốt trong xây dựng Đảng, qua đó loại bỏ khỏi tổ chức đảng và bộ máy chính quyền những đảng viên kém phẩm chất, không đủ tư cách và năng lực. Hơn ai hết, người dân sẽ biết và làm tốt việc này. Sức mạnh của Đảng chính là ở chỗ này. Đảng mạnh, Đảng của nhân dân thì phải làm như thế. Muốn Nghị quyết đi vào cuộc sống phải bằng những việc làm, biện pháp cụ thể, bằng cơ chế, chứ không chỉ nói… suông!
PV: Vậy, trong việc tổ chức thực hiện, đâu là khó khăn lớn nhất và cách khắc phục khó khăn đó là gì, thưa ông?
PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhận thức đã có. Quyết tâm cũng đã có. Vấn đề còn lại là phải hành động và tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả cao nhất. Tôi nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI: Trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, mỗi đảng viên ở cương vị nào đều phải là một công dân kiểu mẫu và lập lại kỷ cương trong Đảng, trong cơ quan lãnh đạo các cấp của Nhà nước. Trong tư tưởng cũng như trong hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm túc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa? Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống, người có chức vụ càng cao thì yêu cầu sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban phát cho mình cái đặc quyền, đặc lợi. Đây là con đường độc đạo, con đường duy nhất để Đảng vượt qua chính mình, để củng cố niềm tin của nhân dân. Nghị quyết của Đảng là rất đúng, hợp lòng dân, song quan trọng hơn, tinh thần của Nghị quyết phải được chuyển hóa thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành những việc làm, hành động cụ thể của quần chúng nhân dân và mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn của đất nước, nên không thể làm một sớm, một chiều, mà phải kiên trì bền bỉ, có quyết tâm và biện pháp cụ thể, thiết thực. Với tất cả tinh thần và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tôi tin tưởng công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) sẽ đạt kết quả cao nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
HỒNG THANH - NGUYỄN TÌNH (Thực hiện)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực
- Xuất bản ấn phẩm đặc sắc nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris