Mô hình “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, còn nhiều việc phải làm

Ngày đăng: 28/05/2012 - 10:05


 

 

 

“Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là phong trào thi đua lớn do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ năm học 2008-2009. Bộ vừa cho biết, từ ngày 8 đến ngày 31-3-2012, sẽ cử đoàn đến các địa phương để kiểm tra việc thực hiện phong trào nói trên. Dù chưa có kết quả đánh giá chính thức mới nhất của Bộ, song thực tế hơn ba năm đi vào hoạt động cho thấy, còn nhiều việc phải làm để mô hình “trường học thân thiện…” thật sự là bước đột phá trong xã hội hóa giáo dục.

 

Chuyển biến về chất và lượng trong giáo dục

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển, mô hình “trường học thân thiện, học sinh tích cực” do UNICEF đưa ra năm 2004. Mô hình này đã được nhiều nước thực hiện. Đây là mô hình có cơ sở khoa học, lý luận vững chắc và đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Ở nước ta, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai từ năm 2008 với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành khác như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam... Sau hơn ba năm thực hiện phong trào, thời điểm này là lúc Ban Tổ chức và các địa phương nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, tìm ra hướng đi mới, sáng tạo trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đánh giá sơ bộ của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, phong trào đã đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đến nay đã có hơn 94% số trường học trên cả nước đăng ký tham gia. Những chuyển biến cả về lượng và chất trong nhà trường và cộng đồng đã chứng tỏ, phong trào không chỉ có sức mạnh lan tỏa một cách hình thức, mà đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, bởi phong trào đã đáp ứng được yêu cầu của một nền giáo dục dân tộc trong hội nhập và phát triển.

Triển khai mô hình “trường học thân thiện…”, chất lượng giáo dục đã được nâng lên thông qua các hoạt động thiết thực như: xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục; nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên; thành lập các câu lạc bộ trong trường học như: câu lạc bộ toán học, câu lạc bộ văn học, câu lạc bộ phóng viên nhỏ...; huy động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư cho ngành GD&ĐT…

Ở một số địa phương đã có tới 100% số trường học tham gia phong trào này. Tiêu biểu như Điện Biên, một tỉnh miền núi phía bắc còn khó khăn, song ngành giáo dục tỉnh đã phát động 465/465 trường học trong tỉnh tham gia thi đua. Qua đó, đa số các đơn vị giáo dục trong tỉnh có khuôn viên bảo đảm mỹ quan, vệ sinh sạch sẽ, trường, lớp thoáng mát, an toàn, giúp học sinh thân thiện hơn với môi trường. Học sinh được bảo đảm đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở để học tập, qua đó đã thu hút phần lớn trẻ em trong độ tuổi đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học xuống còn 0,76%. Số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đã chiếm tỷ lệ 96,4%. Các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư cho ngành GD&ĐT trên 189 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến 11.000 m2 đất để xây dựng trường học… Kết quả kiểm tra, đánh giá phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của tỉnh Điện Biên đến năm học 2010-2011 cho thấy, trong tổng số 465 trường, đã có 285 trường thực hiện khá và tốt, 60 trường đạt xuất sắc, số trường cần cố gắng giảm còn 5,6%.

Tại Hà Tĩnh, việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều trường học thông qua việc phát động các phong trào huy động học sinh trồng cây lưu niệm trước khi ra trường; nâng cấp cơ sở hạ tầng các trường học, nối mạng internet; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh…

Tuy nhiên, dù đã đạt những thành công đáng kể như trên, song thực tế cho thấy để hoàn thiện mô hình này, ngành GD&ĐT cũng như chính quyền các địa phương và các ngành liên quan vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tại Hội thảo “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực: Từ lý luận đến thực tiễn” mới đây, các chuyên gia giáo dục Việt Nam đã chỉ ra một loạt vấn đề cần chú trọng để nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình này.

Những vấn đề đặt ra về lý luận, thực tiễn

Trước hết, về mặt lý luận, nhiều ý kiến cho rằng, việc hiện thực hóa mô hình này không phải chỉ đơn giản là thực hiện các nội dung của phong trào thi đua theo những tiêu chí nhất định như hiện nay, mà còn đòi hỏi phải có những nghiên cứu lý luận và thực tiễn chuyên sâu, cụ thể để làm sáng tỏ tất cả những bình diện cơ bản của mô hình, những mối liên hệ tinh tế, phức tạp giữa các bình diện đó, cũng như các vấn đề khác có liên quan… Để hoàn thiện mô hình này, không thể chỉ có quyết tâm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, mà đó phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu, kết hợp lý luận và thực tiễn giáo dục trong nước với việc tiếp nhận có chọn lọc những kinh nghiệm giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Thứ hai, mô hình này hiện vẫn chưa giúp xây dựng được môi trường giáo dục tích cực đúng với nội hàm, yêu cầu của nó. Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Tế, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, một môi trường giáo dục đúng nghĩa theo mô hình này phải là môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ, tạo được hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em cảm nhận được sự thoải mái khi việc học tập của mình vừa gắn với kiến thức cơ bản của chương trình, vừa thông qua sự thâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tập thể vui mà học. Trong khi đó, ở nước ta, thời gian qua, dư luận xã hội vẫn phản ánh khá nhiều những vấn đề bức xúc về sự xuống cấp của cơ sở vật chất ở nhiều trường học, vấn nạn bạo lực học đường, quan hệ căng thẳng giữa giáo viên và học sinh, tình trạng học sinh chán học, bỏ học, phương pháp dạy học một chiều, thụ động…

Thứ ba, việc xây dựng mô hình cần sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các cấp, các ngành. Công việc này không nên “khoán trắng” cho riêng ngành giáo dục, càng không phải chuyện riêng của một trường học mà là vấn đề của cả xã hội. Vì vậy, mọi hay-dở, tốt-xấu, thành-bại của giáo dục cần được xã hội nhìn nhận công bằng để cùng chia sẻ, quan tâm và tháo gỡ khó khăn… Có như vậy,  việc triển khai mô hình trên toàn quốc mới trở thành một bước đột phá để thực hiện công cuộc xã hội hóa giáo dục nói chung, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Bốn là, một trong những vấn đề cốt lõi của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hiện nay là đổi mới phương pháp dạy học. Song công tác này chưa có những chuyển biến rõ nét. Nhiều ý kiến cho rằng,  việc đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều trường hiện nay mới chỉ dừng ở mức chuyển từ “đọc chép” sang “nhìn chép”, khi các thầy cô giáo ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Vì vậy, thời gian tới, ngành giáo dục cần quyết liệt đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh, làm cho việc học tập của học sinh trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả… Vấn đề này cần phải được đặt ra như một yêu cầu sinh tử, quyết định sự thành bại của cả mô hình “trường học thân thiện…”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có rất nhiều khía cạnh khác nhau. Trên cơ sở những thành công bước đầu đã đạt được, phong trào này sẽ được chú trọng phát triển đến năm 2013, để sau đó, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trở thành một điều hiển nhiên, đương nhiên trong suy nghĩ và hành động của mọi người.

Từ ngày 8 đến ngày 31-3-2012, Bộ GD&ĐT đã cử đoàn đến các địa phương kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Đoàn đã kiểm tra thực tế triển khai của các địa phương về những hoạt động trọng tâm của phong trào như: xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn; phòng chống các hành vi mang tính bạo lực trong nhà trường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động giữ gìn, phát huy văn hóa dân gian; việc bình chọn giáo viên tiêu biểu… Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện chương trình "3 đủ" (giúp học sinh đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở để học tập), việc xây dựng điển hình và nhân rộng điển hình ở các tỉnh, thành phố.

TS. NGUYỄN KIM LƯƠNG

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả