Một số danh nhân lịch sử - văn hóa nổi tiếng tuổi Thân trong lịch sử Việt Nam
Danh nhân là người tài giỏi, là nhân vật kiệt xuất, là bậc hiền tài, vừa có tài, vừa có đức. Với lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất mẹ Việt Nam luôn kiêu hãnh, tự hào bởi đã nuôi dưỡng và phát triển rất nhiều bậc thánh nhân, hiền tài. Đó là những danh nhân lịch sử, quân sự, văn hóa,… với nhiều công lao hiển hách, để lại cho đời những danh phẩm nổi tiếng, làm rạng rỡ truyền thống dòng dõi con Lạc, cháu Hồng. Trước thềm xuân mới Bính Thân, xin giới thiệu một số danh nhân lịch sử - văn hóa tuổi Thân nổi tiếng.
Ảnh minh họa.
* Đồng Kim Cương (1284-1330)
Đồng Kim Cương là tên thật của Pháp Loa (1284-1330), vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử. Ông sinh năm Giáp Thân (1284), niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4, nhà Trần, tại thôn Đông Hòa, xã Cửu La, phủ Nam Sách (nay là xã Phù Vệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương); sớm đi tu và được Trần Nhân Tông nhận làm đồ đệ, cho tên là Thiện Lai, lấy pháp hiệu là Pháp Loa. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng mến mộ đức độ và tài năng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa đã dốc lòng tu Phật, lĩnh hội và tiếp nối tư tưởng của thầy, đưa Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử phát triển tới đỉnh cao. Ông trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử; là người tổ chức ấn hành Đại Tạng Kinh, một cuốn sách kinh quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Pháp Loa thiền sư còn để lại danh phẩm Đoạn sách lục và nhiều bài kệ có giá trị. Ông mất ngày 3-3-1330, hưởng thọ 42 tuổi.
* Nguyễn Trãi (1380-1442)
Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, sinh năm Canh Thân (1380), vốn người xã Chi Ngại, lộ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Hải Dương), sau dời về Nhị Khê, lộ Đông Đô (nay thuộc Hà Nội). Ông ngoại Nguyễn Trãi là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, một người thuộc tôn thất nhà Trần. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh, một nhà thơ nổi tiếng đương thời.
Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và có công lớn trong việc phò tá Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập nên triều Hậu Lê. Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà văn, nhà sử học, nhà địa lý học,… kiệt xuất của Việt Nam. Con người chính trị của ông thể hiện ở chính sách thân dân, thu phục nhân tâm để diệt bạo tàn, kết hợp vũ trang và dân vận, quân sự và ngoại giao. Con người văn hóa của ông biểu lộ ở chủ nghĩa nhân văn cao cả, lấy nhân nghĩa, thân dân làm gốc, lấy văn trị làm phương châm xây dựng đất nước, đề cao ý thức tự cường văn hóa, văn hiến, văn minh dân tộc. Con người văn chương của ông thể hiện qua các tác phẩm trứ danh như: Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Phú núi Chí Linh, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn vĩnh lăng, Dư địa chí, Quân trung từ mệnh tập, Luật thư,… Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi đã bị tru di tam tộc trong vụ án oan “Lệ Chi viên” nổi tiếng. Tháng 7-1464, vua Lê Thánh Tông sau khi lên ngôi đã xuống chiếu minh oan cho ông và truy tặng tước Tán Trù Bá.
Đánh giá những đóng góp xuất sắc, đa dạng của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và sự nghiệp phát triển giá trị văn hóa, nhân văn nhân loại, năm 1980, Ủy ban Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóa thế giới.
* Đào Duy Từ (1572-1634)
Đào Duy Từ sinh năm Nhâm Thân (1572), người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng do quan niệm xã hội đương thời cho ông thuộc dòng dõi “xướng ca vô loài”, không có quyền tham gia khoa bảng, nên Đào Duy Từ không có điều kiện thi thố tài năng, không được triều đình vua Lê - chúa Trịnh sử dụng.
Là người nghị lực, thức thời, lại mến mộ tài năng và đức độ của chúa Nguyễn Hoàng, nên Đào Duy Từ đã “một mình vào Nam”, quyết tâm đổi mới vị thế xã hội của mình, mong góp phần đổi mới xã hội Việt Nam. Trải qua 33 năm miệt mài phấn đấu, mãi đến năm 1625, khi đã 53 tuổi, Đào Duy Từ mới được chúa Nguyễn Hoàng trọng dụng. Nhưng chỉ 8 năm sau đó, ông đã trở thành một nhân vật có vai trò quan trọng bậc nhất với Đàng Trong: giữ vững cơ nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chặn được quân Trịnh ở Đàng Ngoài; mở mang đất phương Nam, làm cho Đàng Trong trở nên phồn thịnh; xây dựng một định chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho sự trị vì của 9 chúa Nguyễn, sau này là 13 đời vua Nguyễn.
Ông còn là một nhà văn hóa lỗi lạc, để lại cho hậu thế nhiều tuyệt tác và di sản văn hóa đặc sắc như: Hổ trướng khu cơ; Nhã nhạc cung đình Huế; Vũ khúc Tuồng Sơn Hậu,...
* Nguyễn Tri Phương (1800-1873)
Nguyễn Tri Phương (còn có tên là Nguyễn Văn Chương), tự là Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên, sinh năm Canh Thân (1800), người làng Đường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Xuất thân trong một gia đình làm ruộng và thợ mộc. Thời trẻ, ông làm thư lại ở huyện Phong Điền, sau được cất nhắc lên làm thư lại ở Bộ Hộ, được vua Minh Mạng, tiếp sau là Thiệu Trị, Tự Đức rất trọng dụng, tin tưởng, liên tục được cất nhắc lên chức vụ cao hơn, phụ trách những công việc trọng yếu liên quan đến quốc phòng, an ninh. Ông là vị tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống lại quân đội Pháp khi chúng xâm lược nước ta, lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (năm 1858), Gia Định (năm 1861), Hà Nội (năm 1873). Khi bị thương nặng và rơi vào tay giặc Pháp, ông khiến kẻ thù khiếp sợ trước lời từ chối khảng khái: “Bây giờ nếu ta chỉ lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”. Sau gần một tháng tuyệt thực trong nhà lao của giặc xâm lược Pháp, ông đã mất ngày 20-12-1873, thọ 73 tuổi.
* Mai Xuân Thưởng (1860-1887)
Mai Xuân Thưởng sinh năm Canh Thân (1860), người thôn Phú Lạc, quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Ông đỗ cử nhân năm 1884 tại trường thi Bình Định. Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng đứng ra chiêu mộ nghĩa quân và được tôn làm nguyên soái, lãnh đạo nghĩa binh Cần Vương bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận chống quân xâm lược Pháp, thanh thế lẫy lừng. Dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng, nghĩa quân mưu trí, dũng cảm của ông đã lập nhiều chiến công lẫy lừng, gây cho giặc nhiều tổn thất. Lòng dũng cảm, đức hy sinh của nghĩa quân Cần Vương khiến quân địch phải nể phục. Nhưng trước sự chi viện ồ ạt của giặc Pháp, nghĩa quân không địch nổi, đại bại, bản thân Mai Xuân Thưởng phải mai danh ẩn tích. Thực dân Pháp hèn hạ bắt giam mẹ ông và thảm sát lương dân hòng dụ ông quy hàng. Vì muốn tròn chữ hiếu và lo sợ nhân dân thêm nặng thương vong, Mai Xuân Thưởng đã tự đem nộp mình cho giặc. Khi được yêu cầu tuyên bố đầu hàng, ông khảng khái đáp: “Chỉ có đoạn đầu tướng quân, chứ không có hàng đầu tướng quân”. Ngày 15-4-1887, ông thản nhiên bước lên đoạn đầu đài khi mới 27 tuổi.
* Phan Chu Trinh (1872-1926)
Phan Chu Trinh, tự là Tử Cán, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã, sinh năm Nhâm Thân (1872) tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi, nhưng nhiều lần lều chõng, ông đều không trúng bởi “lạc đề”. Mãi đến năm 1900, khi đã 29 tuổi, ông mới đỗ cử nhân, 30 tuổi đỗ Phó bảng. Năm 1903, ông được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ. Sau một năm làm quan, nhận thấy giới quan trường và triều đình nhà Nguyễn thối nát, ông từ chức. Và cũng từ đó, ông thật sự dấn thân vào cuộc đời hoạt động cách mạng, công khai chống bọn quan lại tay sai Nam triều và chính quyền thực dân. Năm 1904, ông cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp phát động phong trào Duy Tân. Ông bôn ba khắp nước tổ chức các buổi diễn thuyết dân chủ, nâng cao dân trí với mong muốn thay đổi suy nghĩ, thay đổi tình trạng đất nước. Ông cùng các thân sĩ yêu nước ở miền Bắc lập Trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội. Để ngăn chặn đà phát triển của phong trào Duy Tân, tháng 4-1908, Pháp đã bắt và giải Phan Chu Trinh về Huế. Sau bốn năm biệt giam, chính quyền bù nhìn và thực dân Pháp lại tiến hành giam lỏng ông. Ông đấu tranh đòi được trả về Côn Lôn (nơi biệt giam ông) hoặc để ông tự do sang Pháp. Được chấp thuận, ông xuất ngoại sang Pháp. Trong thời gian 14 năm ở Pháp, Phan Chu Trinh vẫn tích cực hoạt động cho công cuộc duy tân đất nước. Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã có cơ hội tiếp xúc và gần gũi với Bác Hồ khi đó đang hoạt động cách mạng với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.
Do chính sách của chính phủ Pháp có một số thay đổi, tháng 6-1925, Phan Chu Trinh được chính phủ Pháp chấp thuận cho về nước. Ngay sau khi về đến Sài Gòn, ông tiếp tục hoạt động cùng các Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu,… Tiếc thay, đại cục chưa thành thì ông lâm bệnh nặng. Đến ngày 24-3-1926, nhà cách mạng ái quốc Phan Chu Trinh đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 55 tuổi.
Ảnh minh họa.
* Hoàng Ngọc Phách (1896-1973)
Hoàng Ngọc Phách, hiệu là Song An, sinh năm Bính Thân (1896), người làng Đông Thái, xã Yên Đường, tổng Việt Yên (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm ở Hà Nội, ông về dạy học ở Lạng Sơn, Bắc Ninh, Nam Định, từng giữ chức Giám đốc học khu Bắc Ninh cho đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ngoài dạy học, Hoàng Ngọc Phách là người hoạt động xã hội năng nổ, có trách nhiệm, siêng năng, tích cực hết dạ, hết lòng bảo vệ văn hóa dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông làm trong ngành giáo dục. Hòa bình lập lại, ông công tác ở Ban Tu thư của Bộ Giáo dục, sau đó chuyển sang Viện Văn học, tham gia sưu tầm, biên soạn các công trình về văn học cổ điển, cận đại Việt Nam.
Hoàng Ngọc Phách cũng là tác giả của Tố Tâm, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Với Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã tạo nên một cuộc cách tân lớn trong nghệ thuật. Ông không chỉ là một nhà văn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền văn học và sự trưởng thành của khoa học xã hội nước nhà, mà còn là một người thầy giáo thanh bạch có nhiều đóng góp trong việc khai sinh và phát triển nền giáo dục cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
* Hồ Tùng Mậu (1896-1951)
Hồ Tùng Mậu, tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh năm Bính Thân (1896), người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình ông có truyền thống yêu nước, Hồ Tùng Mậu sớm tiếp thu truyền thống quật cường chống giặc giữ nước của dân tộc, trở thành chiến sĩ yêu nước hoạt động cách mạng nhiệt thành.
Trong 25 năm xa quê hương, Tổ quốc từ năm 1920 đến tháng 3 năm 1945, dưới sự dìu dắt của các nhà cách mạng xứ Nghệ là Phan Bội Châu, Hồ Học Lãm,… ông cùng Lê Hồng Sơn lập ra tổ chức Tâm Tâm xã, tập hợp thanh niên hăng hái, cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc. Năm 1926, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm việc tại Chiêu Đại sở, là nơi liên lạc của những người cộng sản các nước đang hoạt động tại Quảng Châu. Tháng 6-1931, Hồ Tùng Mậu bị bắt ở Trung Quốc và bị giải về Việt Nam theo yêu cầu của mật thám Pháp. Trải qua nhiều nhà tù từ Bắc đến Nam, chịu bao đọa đày cực khổ, nhưng Hồ Tùng Mậu vẫn giữ vững khí tiết, tinh thần lạc quan cách mạng. Ngày Nhật đảo chính Pháp, Hồ Tùng Mậu cùng các bạn tù chính trị chớp thời cơ, chủ động tìm cách thoát khỏi căng An Trí, tìm đường về quê hương sau 25 năm cách biệt.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hồ Tùng Mậu được cử làm Giám đốc kiêm Chính ủy Trường Quân chính Trung Bộ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, rồi Trưởng Ban Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2-1951, ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ở bất cứ cương vị nào, Hồ Tùng Mậu đều hăng hái, nhiệt tình, được cán bộ và nhân dân nhiệt thành ủng hộ. Ngày 23-7-1951, ông đã hy sinh khi đang trên đường vào Liên khu IV công tác.
* Phạm Hồng Thái (1896-1924)
Phạm Hồng Thái tên thật là Phạm Thành Tích, sinh năm Bính Thân (1896), quê Nghệ An. Là một người yêu nước, sớm hoạt động trong các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, năm 1918, ông cùng với một nhóm thanh niên yêu nước vượt biên qua Xiêm (Thái Lan), rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia hoạt động phong trào Đông Du. Tháng 4-1924, ông gia nhập tổ chức Tâm Tâm xã do Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn thành lập. Chiều tối ngày 19-6-1924, ông nhận nhiệm vụ đặt bom ám sát Toàn quyền Đông Dương Meclanh. Vụ việc thành công, bom nổ nhưng Meclanh chỉ bị thương, thoát chết. Bị cảnh sát truy đuổi ráo riết, Phạm Hồng Thái phải nhảy xuống sông Châu Giang, định bơi sang bên kia bờ. Nhưng dòng nước xoáy đã làm cho ông không đến được điểm hẹn, anh dũng hy sinh. Sự kiện này đã được báo chí Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đưa tin nhiều ngày liền với tên gọi “Tiếng bom Sa Điện”. Nhân dân Quảng Châu cho đó là hành vi nghĩa liệt, tìm vớt thi thể ông và an táng tại chân đồi Bạch Vân. Sau này, mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái được chuyển về Nghĩa trang Trung ương Hoàng Hoa Cương, bên cạnh mộ phần các liệt sĩ Trung Quốc, trên mộ chí ghi dòng chữ: “Việt Nam Phạm Hồng Thái liệt sĩ chi mộ”.
* Ngô Gia Tự (1908-1935)
Ngô Gia Tự, sinh năm Mậu Thân (1908), người làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ trẻ, Ngô Gia Tự đã tham gia hoạt động cách mạng, trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930, Ngô Gia Tự được phân công làm Bí thư Chấp hành ủy lâm thời Nam Kỳ. Tháng 6-1930, ông bị giặc bắt tại Sài Gòn. Tháng 5-1933, ông bị tòa đại hình ở Sài Gòn kết án khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Đầu năm 1935, ông vượt ngục Côn Đảo để về đất liền, nhưng thuyền bị đắm trên biển. Ngô Gia Tự và các đồng chí thực hiện chuyến đi này đều đã hy sinh.
* Nguyễn Đức Cảnh (1908-1931)
Nguyễn Đức Cảnh sinh năm Mậu Thân (1908), người làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Ông là một chiến sĩ, một nhà hoạt động cách mạng kiên trung của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là một trong những đại biểu tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì ở Hồng Công, Trung Quốc. Tháng 5-1930, sau khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh được bầu là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi được bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ từ tháng 10-1930. Cuối năm 1930, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Nhằm tăng cường đội ngũ lãnh đạo cho phong trào miền Trung, Nguyễn Đức Cảnh được điều vào Trung Kỳ chỉ đạo phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh. Tháng 4-1931, trên đường đi công tác Nguyễn Đức Cảnh không may sa vào tay giặc. Mọi đòn roi, cực hình tra tấn trong tù ngục đều không khuất phục được ý chí kiên cường, lòng trung thành của người chiến sĩ cộng sản, ngày 17-11-1931, kẻ thù buộc phải xử tử ông tại Hải Phòng.
Châu Giang
Tạp chí Văn hiến Việt Nam
(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực