Một số giải pháp đổi mới công tác quản lý giáo dục cấp trung học cơ sở nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Bắc Ninh.

Ngày đăng: 29/09/2015 - 10:09

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, cấp trung học cơ sở (THCS) có vị trí đặc biệt quan trọng về phân luồng, hướng nghiệp học sinh, giáo dục các em trưởng thành có thể trở thành người lao động (đủ 15 tuổi), hoặc tiếp tục theo học cấp trung học phổ thông (cấp học cao nhất của phổ thông). Tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học này từ công tác quản lý, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình và phương pháp dạy học.

Gio hoc lich su

Ảnh minh họa

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 135 trường THCS, trong đó 94 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 69,6%. Năm học 2014-2015 có 64.278 học sinh (tăng 2.179 học sinh so với năm học 2013-2014); tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, vào lớp 6 đạt 99,83%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98,76%; tỷ lệ thanh, thiếu niên (15-18 tuổi) có bằng tốt nghiệp THCS đạt 93,51%; tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn 0,27%. Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có các mô hình giáo dục truyền thống, tiêu biểu như: trường THCS Tam Sơn, thị xã Từ Sơn - quê hương “nghìn việc tốt” đã triển khai nhiều phương pháp giáo dục tích cực cho học sinh ngoài giờ lên lớp. Nhà trường đã xây dựng được môi trường thân thiện, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động tập thể để phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong học tập, lao động. Các em học sinh biết yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ “nói lời hay, làm nghìn việc tốt”, biết học cách ứng xử, luôn chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ chung với tập thể lớp, nhà trường và biết phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, nhà trường.

Trường THCS Song Hồ, huyện Thuận Thành với nhiều gương điển hình, là đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới. Trường đã đóng góp nhiều bài học bổ ích về công tác quản lý giáo dục, xây dựng kỷ cương dạy và học, xây dựng cơ sở vật chất. Truyền thống của nhà trường được đúc kết bởi 10 chữ vàng dành cho cán bộ, giáo viên: “Trách nhiệm - Sáng tạo - Vững vàng - Đàng hoàng - Tự trọng”; 8 chữ vàng dành cho học sinh: “Nền nếp - Tự tin - Kiên trì - Sáng tạo”. Nhà trường là điểm sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh.

TrườngTHCS Suối Hoa, thị xã Bắc Ninh được tỉnh, thành phố quan tâm, đầu tư trang bị về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo. Nhà trường là ví dụ tiêu biểu cho mô hình giáo dục hiện đạị, phấn đấu đạt ngang tầm phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những mô hình, cách làm hiệu quả, thực tiễn công tác quản lý giáo dục ở cấp THCS cũng cho thấy còn những hạn chế nhất định. Cụ thể là:

Công tác quản lý hệ thống giáo dục chậm đổi mới; phân công, phân cấp chưa hợp lý, chưa thực sự coi trọng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính sáng tạo của các cơ sở giáo dục; ngành giáo dục chưa được chủ động quản lý nhân sự và tài chính để đáp ứng yêu cầu quản lý, thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn.

Đặc biệt là công tác quản lý giáo dục cấp THCS còn bộc lộ những bất cập như: Mặc dù chịu sự quản lý của hai cấp (Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo) nhưng THCS là cấp học chưa được đầu tư đúng mức để làm tốt vai trò hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Giáo dục cấp THCS chưa thực sự tạo nền tảng vững chắc để học sinh có thể chủ động sẵn sàng lựa chọn, định hướng nghề nghiệp, hòa nhập cộng đồng xã hội. Học sinh sau tốt nghiệp THCS hiện nay chưa được phân chia cân đối, tự giác trên cơ sở năng lực học tập, nguyện vọng của học sinh và nhu cầu xã hội để đi theo bốn luồng là giáo dục phổ thông; giáo dục thường xuyên; giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất. Đây là cấp học song trùng quản lý giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhưng vẫn còn những khoảng trống trong công tác quản lý đòi hỏi các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục nghiên cứu, làm rõ mô hình, phương pháp quản lý hiệu quả.

di-hoc

Ảnh minh họa

Hiện nay, trước yêu cầu cấp thiết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cấp THCS với những đặc thù riêng đang được ngành Giáo dục - Đào tạo đặt ra nhiệm vụ đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. Những giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục cấp THCS tỉnh Bắc Ninh đó là:

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo

Công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong các trường học được đặc biệt coi trọng.Ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục. Cấp THCS cũng giống như tất cả các cấp học khác đều cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát triển giáo dục và đào tạo. Từ đó, xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với tình hình của địa phương.

Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo

Ngành đã xác định rõ: Công tác quản lý nhà nước về giáo dục là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; công tác quản trị (điều hành) các hoạt động giáo dục, đào tạo là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp không làm thay những việc của cơ sở giáo dục hoặc của xã hội. Giải pháp đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo đang được tập trung vào nhiệm vụ sau:

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tại các đơn vị, trường học phải công khai, minh bạch các khoản thu, công khai chỉ tiêu tuyển sinh, tiết kiệm chi tiêu, giảm bớt hội họp; thực hiện quy chế dân chủ ở trường học.

Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định, đánh giá xếp loại đội ngũ giáo viên và học sinh, tạo động lực tích cực trong việc duy trì kỷ cương nề nếp trong dạy và học, trong thi cử tuyển sinh, trong bình xét phân loại và xếp loại thi đua, trong chấp hành và thực hiện thi đua. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với các cơ sở giáo dục trong việc tuân thủ pháp luật về giáo dục.

- Thực hiện phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở, gắn với việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ sở trường học.

Tại các đơn vị giáo dục, đổi mới quản trị là thực hiện tốt quy chế công khai dân chủ ở cơ sở, đồng thời với việc thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng quy định của Luật ngân sách, thực hiện các nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước ban hành; thực hiện cơ chế tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình, công khai, chịu sự giám sát của các chủ thể nhà trường, của Nhà nước và của xã hội, chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình trước các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý các cấp.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa bảo đảm tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương.

Theo thiết kế trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến để lấy ý kiến đóng góp, có tám lĩnh vực giáo dục xuyên suốt ba cấp học gồm ngôn ngữ và văn học, toán học, đạo đức - công dân, thể chất, nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ - tin học. Cấp THCS mỗi ngày học một buổi không quá năm tiết học. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Những đổi mới này nhằm thực hiện việc dạy và học theo một cách mới và hiệu quả: Dạy học theo định hướng năng lực, kích thích sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập của học sinh. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp học sinh phổ thông. Tăng cường dạy phương pháp học và hướng dẫn tự học cho học sinh, giảm kiến thức nặng nề, hàn lâm; tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã chủ động, sẵn sàng cho các phương án đổi mới chương trình, sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng. Hiện nay đang tập trung vào các giải pháp:

Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong nhà trường. Phương pháp dạy và học mới khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh THCS để tạo nguồn học sinh có chất lượng cho cấp học THPT trong toàn tỉnh; tạo nguồn lao động cho các khu công nghiệp, người lao động trong các làng nghề...

Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh còn triển khai một số giải pháp khác như sau:

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

+ Tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về chính trị, chuyên môn, kỹ năng quản lý, năng lực ngoại ngữ, tin học. Tổ chức mở lớp tập huấn bồi dưỡng đội ngũ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chấp hành nghiêm chỉnh quy chế chuyên môn trong dạy và học, thi cử, tuyển sinh, kiểm định đánh giá trong, đánh giá ngoài theo đúng quy định của Bộ.

+ Đổi mới công tác tuyển dụng, sàng lọc, sử dụng, đãi ngộ các nhà giáo, cán bộ quản lý. Xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nhà giáo tại tám trường trọng điểm, trường chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

- Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục,tăng cường cơ sở vật chất

+ Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội.

+ Quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách chi cho giáo dục. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục mũi nhọn, giáo dục phổ cập, những địa phương khó khăn, nguồn thu nhập thấp, các trường chuẩn quốc gia. Đề xuất mức thu học phí mới bao gồm những khoản thu trong các cơ sở trường học phù hợp với mức thu nhập của từng khu vực trong địa bàn tỉnh, để giảm bớt các khoản thu khác trong các cơ sở trường học.

+ Có cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong đầu tư phát triển đào tạo nhân lực, đặc biệt đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhân lực thuộc ngành nghề mũi nhọn. Quy định trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và gia đình trong việc đóng góp nguồn lực và tham gia các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập.

+ Tích cực tham mưu với các cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục như: xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài, các thành phần kinh tế, các tổ chức kinh tế - xã hộivà nhân dân đóng góp kinh phí đầu tư cho sự nghiệp giáo dục; có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, trường nghề.

Từ năm 2013 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đã phát huy trí tuệ của đông đảo các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, nhà giáo trong và ngoài ngành tích cực tham mưu xây cho sự phát triển chung của ngành. Ngày 26-6-2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030. Bước vào năm học 2015-2016, toàn ngành tiếp tục nỗ lực thực hiện Nghị quyết, đưa ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh giữ vững vị trí top 5 tỉnh có phong trào giáo dục mạnh trong toàn quốc. 

TS. Nguyễn Thị Kim Hoa

Phó Chánh Văn phòng

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh

 

Bình luận