Một số điểm mới trong tư tưởng về quyền con người tại Việt Nam

Ngày đăng: 09/09/2016 - 08:09
Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sau đây gọi tắt là Hiến pháp năm 2013) được ban hành, Việt Nam đã thực sự có những đổi mới trong tư tưởng về quyền con người, góp phần bảo đảm và phát huy dân chủ. Bài viết phân tích một số điểm mới trong tư tưởng về quyền con người tại Việt Nam hiện nay.
Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11

1. Hiến pháp năm 2013mang lại nhiều đổi mới về vấn đề quyền con người

Hiến pháp năm 2013 có những đổi mới về cách thức ghi nhận quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện ở những điểm sau: 1) Quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đặt trang trọng ngay tại Chương II (Chương I quy định về Chế độ chính trị); 2) Có sự đổi mới về cách thức ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp sửa đổi đã ghi nhận các quyền theo cách: Con người có quyền, công dân có quyền. Điều này có nghĩa là bản thân con người, công dân có các quyền này chứ không phải là sự ban phát, trao quyền của công quyền. Trong một số điều, sau khi ghi nhận quyền của con người, quyền của công dân, có viết: Việc thực hiện quyền... theo quy định của luật/theo quy định của pháp luật (quy định của Hiến pháp năm 1992 là: Công dân có quyền theo quy định của pháp luật). Bởi lẽ, các quyền là của con người, của công dân. Hiến pháp công nhận, ghi nhận các quyền này. Để con người, công dân thực hiện tốt các quyền thì Nhà nước ban hành luật/pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, con người thực hiện các quyền, chứ không phải ban hành luật/pháp luật là để cản trở, tước đoạt quyền con người, quyền công dân; 3) Các quyền và các nghĩa vụ là của tất cả mọi người (trong đó, đương nhiên là có công dân), chỉ có một số quyền và nghĩa vụ là của riêng công dân Việt Nam. Vì vậy, Hiến pháp năm 2013 đã viết theo cách: Mọi người có quyền..., mọi người có nghĩa vụ... Một số quyền chỉ là quyền của công dân thì ghi: Công dân có quyền...; nghĩa vụ nào chỉ là của công dân thì ghi: Công dân có nghĩa vụ...; 4) Bỏ cách quy định: Quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân như trong Điều 50 của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), vì quyền con người có nội hàm rộng hơn quyền công dân, không nên đồng nhất quyền con người với quyền công dân.

Một điểm nhấn quan trọng trong chế định quyền con người của Hiến pháp năm 2013 là đã ghi nhận vấn đề hạn chế quyền con người. Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Việc quy định về hạn chế quyền con người là phù hợp với quy định của các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về hạn chế quyền con người có thể hiểu là đương nhiên, nó nằm trong bản chất của quyền con người. Nghĩa là quyền của người này bị hạn chế trong mối quan hệ với quyền của người khác và lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Trong một xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền thì một số quyền con người có thể và cần bị hạn chế. Chẳng hạn, quyền tự do hội họp bị hạn chế trong khuôn khổ của “hội họp hòa bình”; quyền tự do ngôn luận bị hạn chế để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người khác, bảo vệ đạo đức xã hội; quyền tiếp cận thông tin bị hạn chế đối với các bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh… Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã xác lập một nguyên tắc chung về hạn chế quyền con người. Nguyên tắc này cần được quán triệt, tuân thủ trong hoạt động xây dựng luật pháp và tổ chức thực hiện pháp luật. Trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, con người, công dân đều có quyền và nghĩa vụ; họ có quyền, được hưởng quyền thì cũng phải gánh vác nghĩa vụ trước nhà nước, trước xã hội và trước người khác.

Quyền con người, quyền công dân là những quyền mà con người, công dân có toàn quyền định đoạt. Đây là những quyền không thể bị tước đoạt. Chúng chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật (không phải văn bản dưới luật) trong những trường hợp đặc biệt như quy định tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Việc hạn chế thực hiện quyền con người chính là điều kiện để bảo đảm tính hiện thực của các quyền con người, quyền công dân. Nó bảo đảm sự cân bằng giữa các lợi ích trong mối quan hệ nhà nước - con người, công dân, cá nhân; bảo đảm sự minh bạch và lành mạnh của các mối quan hệ này. Nhà nước, với tư cách là tổ chức quyền lực công, có trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

2. Các văn bản pháp luật ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền con người, tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế

Có thể lấy Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để minh họa cho nhận định này. Luật này đã thể hiện sự tiến bộ trong việc quy định cụ thể về các thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Theo quy định trước đây, các biện pháp xử lý hành chính bao gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính. Những biện pháp này được áp dụng với những đối tượng vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực chất, quy định này đã hạn chế quyền tự do của đối tượng vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do của cá nhân được Hiến pháp quy định và bảo vệ. Việc xem xét áp dụng các biện pháp này lại do cơ quan quản lý hành chính thực hiện nên chưa đảm bảo nguyên tắc được xét xử công bằng, khách quan. Vì thế, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định đối với hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã (tức cơ quan hành chính) quyết định. Còn những biện pháp khác đều phải chuyển hồ sơ cho tòa án xem xét để ra hình thức áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Việc giao tòa án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nêu trên sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa được tham dự để bảo vệ quyền lợi của đương sự, bảo đảm dân chủ, khách quan; phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Một nội dung quan trọng mang tính cải cách lớn của Luật là cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho người bị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ để những người này đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết (khoản 4, Điều 97; khoản 3, Điều 99; khoản 3, Điều 101 và khoản 3, Điều 103). Trên cơ sở xem xét các tài liệu trong hồ sơ, người bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có thể chuẩn bị ý kiến để tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình trước cuộc họp tư vấn trong trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và trước tòa án trong trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng có những quy định nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên vi phạm hành chính. Điều 134 của Luật đưa ra các nguyên tắc xử lý mới, đặc thù để áp dụng đối với vi phạm hành chính do người chưa thành niên, cụ thể là: Việc xử lý chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên được áp dụng trong quá trình xử lý người chưa thành niên; Nguyên tắc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được thực hiện khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn; Việc áp dụng hình thức, quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính; Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người chưa thành niên; Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Trên cơ sở các nguyên tắc về xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên, khoản 1, Điều 135 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định ba hình thức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên là: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, (trong khi có năm hình thức xử phạt áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức thực hiện quy định tại Điều 21 của Luật). Trên cơ sở cân nhắc về độ tuổi, mức độ trưởng thành và năng lực trách nhiệm hành chính của người chưa thành niên khi tham gia các quan hệ pháp luật, khoản 2, Điều 135 của Luật đã quy định chỉ áp dụng 4 trong số 9 biện pháp khắc phục hậu quả đã được quy định tại Điều 28 của Luật. Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nâng cao trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, khoản 3, Điều 134 của Luật quy định: “Trường hợp người chưa thành niên không có khả năng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.

3. Pháp luật về quyền con người ngày càng bảo đảm tính nhân văn và giá trị xã hội

Nghiên cứu hệ thống pháp luật thời gian qua cho thấy, tính nhân văn và giá trị xã hội ngày càng được bảo đảm. Ví dụ như quy định trong lĩnh vực quyền của nhóm đối tượng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) đã thể hiện rõ điều này.

- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bỏ quy định cấm kết hôn cùng giới, thay vào đó là “không thừa nhận”. Mặc dù bản chất không khác nhau nhưng cách quy định này cũng có tác động về mặt ý thức trong xã hội, góp phần giảm sự kỳ thị đối với cộng đồng người LGBT. Trong quá trình xây dựng Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vấn đề quyền kết hôn của cặp đôi cùng giới đã được đưa ra bàn luận, xem xét rất nghiêm túc, kỹ lưỡng, nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ và bình luận từ các nhóm đối tượngkhácnhau. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh chung thì việc ghi nhận quyền này ở Việt Nam hiện được đánh giá là chưa thực sự phù hợp. Do vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa ghi nhận quyền này.

- Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận vấn đề chuyển giới trong phần Quyền nhân thân (Điều 37). Đây là một bước tiến lớn trong tư duy lập pháp, một điểm sáng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XIII về quyền con người, quyền công dân. Điều này cho thấy luật đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn bức xúc của đời sống xã hội. Việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam phần nào khắc phục được những khó khăn, rủi ro đối với người chuyển giới, như các trường hợp: công dân Việt Nam đã ra nước ngoài phẫu thuật và quay về Việt Nam sống, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; một số trường hợp bị xâm hại tình dục mà không được bảo vệ thích đáng; không được thay đổi giấy tờ nên khó khăn trong một số công việc hằng ngày; nhiều trường hợp phẫu thuật “chui” nên gặp rủi ro về y tế, tính mạng,…

- Bộ luật hình sự năm 2015 có những sửa đổi rất tích cực, ví dụ như quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm” (khoản 1, Điều 141 về Tội hiếp dâm). Việc bổ sung thành tố “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” cũng đồng thời được đưa vào các điều khác như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội cưỡng dâm (Điều 143), Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146). Thành tố “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” có thể được hiểu bao gồm hành vi quan hệ qua đường miệng, đường hậu môn hoặc thậm chí là quan hệ với người đã chuyển giới... Từ những quy định mới này, Bộ luật hình sự năm 2015 đã khắc phục được một số hạn chế từ trước đến nay liên quan đến các vấn đề “hiếp dâm, dâm ô” đồng giới (đặc biệt nhiều nạn nhân là trẻ em trai, bị chấn động tâm lý rất lớn), hiếp dâm người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính...

- Điểm a, khoản 4, Điều 18 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định người đồng tính, người chuyển giới nếu bị tạm giữ, tạm giam thì có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.

Ngoài ra, nếu người LGBT đáp ứng một số điều kiện nhất định (người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em không nơi nương tựa, nạn nhân bạo lực gia đình...) thì có thể được trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước1. Quy định này phù hợp với tinh thần của một số văn kiện quốc tế hoặc khuyến cáo quốc tế. Hơn nữa, ngày 20-12-2012, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thừa nhận 14 nguyên tắc cơ bản2, trong đó nguyên tắc quan trọng quy định trợ giúp pháp lý như một thành tố cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung. Như vậy, quyền được tiếp cận trợ giúp pháp lý là quyền rất quan trọng mà Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã khuyến cáo. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý cũng cần được coi là quyền cơ bản của công dân, bảo đảm mọi người dân, không phân biệt giàu hay nghèo, đều có quyền có luật sư bảo vệ trong phiên tòa hình sự, được trợ giúp pháp lý với những điều kiện nhất định để được hưởng sự xét xử công bằng.

NCS. Trương Hồng Quang

Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

*****

Chú thích:

1. Theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 và các văn bản pháp luật có liên quan. Xem thêm nội dung vấn đề này tại: Trương Hồng Quang (2016): “Về quyền tiếp cận pháp luật và được trợ giúp pháp lý của người đồng tính, song tính và chuyển giới”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội (Học viện Khoa học xã hội), số 2-2016.

2. Gồm: quyền được trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của Nhà nước; trợ giúp pháp lý cho những người bị tình nghi hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự; trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của tội phạm; trợ giúp pháp lý cho nhân chứng; không phân biệt đối xử; trợ giúp pháp lý phù hợp và có hiệu quả; quyền được thông báo; các biện pháp thay thế và bảo vệ; công bằng khi tiếp cận trợ giúp pháp lý; trợ giúp pháp lý trong quyền lợi tốt nhất của đứa trẻ; sự độc lập và bảo vệ của người thực hiện trợ giúp pháp lý; thẩm quyền và trách nhiệm giải trình của những người thực hiện trợ giúp pháp lý; quan hệ đối tác.

Bình luận