Một số vấn đề lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về công tác dân tộc qua 30 năm đổi mới

Ngày đăng: 03/05/2016 - 09:05

Trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam thì có 53 dân tộc thiểu số. Tuy chiếm tỷ lệ nhỏ và sống phân tán, song đồng bào các dân tộc thiểu số lại trấn giữ những vị trí xung yếu, chiến lược của đất nước về an ninh quốc phòng. Đảng ta, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong 30 năm đổi mới, luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Để tạo dựng, duy trì và phát huy sự "bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ"1 giữa các dân tộc, bộ máy quản lý nhà nước về dân tộc đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Cùng với đó, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, hướng vào việc phát triển kinh tế - xã hội đã được thực hiện, nhờ đó công tác dân tộc và quản lý nhà nước về công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, dù đã có nhiều thay đổi đáng kể, nhưng đến nay, so với sự phát triển chung của đất nước, vùng dân tộc và miền núi vẫn là khu vực có nhiều khó khăn với kinh tế chậm phát triển, nguồn nhân lực chất lượng thấp, trình độ phát triển không đồng đều, khoảng cách chênh lệch về nhiều mặt, đói nghèo, mặt bằng dân trí thấp,...

doan ket cac dan toc

Ảnh minh họa

Những bất cập trên, nếu chậm được khắc phục sẽ tạo ra lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc miền núi nói riêng và cả đất nước nói chung. Do vậy, việc đánh giá, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, tổng kết những thành tựu và hạn chế trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong điều kiện tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi hiện nay, là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, nhằm xác định quan điểm chỉ đạo trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc cũng như đưa ra các giải pháp thích hợp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong thời gian tới.

Với ý nghĩa và mục tiêu đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về công tác dân tộc qua 30 năm đổi mới của Ủy ban Dân tộc, do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (2007-2016) Giàng Seo Phử làm chủ biên. Trong hơn 250 trang sách được chia thành 3 chương, các tác giả giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cục, bao quát về quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề dân tộc và công tác dân tộc từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay; quá trình hình thành và phát triển hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ trước đổi mới, nhất là từ khi đổi mới đến nay; những thành tựu và hạn chế trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc qua 30 năm đổi mới; và quan điểm, giải pháp chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

mot so van de1237

Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình, Đảng ta luôn tái khẳng định và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, đồng thời có sự đầu tư thích đáng cho phát triển kinh tế, văn hóa ở vùng dân tộc miền núi. Từ khi vấn đề đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc được đặt ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, các kỳ đại hội Đảng sau này đều khẳng định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc, coi đây là vấn đề cơ bản, trọng yếu của sự nghiệp cách mạng, xuyên suốt toàn bộ quá trình cách mạng. Cùng với đó, Nhà nước ta cũng đã có những chính sách, chương trình ưu tiên tăng đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phát triển các vùng dân tộc, ưu tiên đầu tư vốn và giải quyết vấn đề bức xúc về mặt xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, triển khai nhiều chương trình phát triển văn hóa, ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, củng cố, tăng cường hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc thiểu số,...

Về công tác quản lý nhà nước, mô hình hoạt động và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước luôn luôn được củng cố và kiện toàn cho phù hợp với từng giai đoạn, do vậy tính chuyên nghiệp trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc từng bước được xác lập, ngày một hoàn thiện, và đã đạt được một số thành tựu nổi bật về: công tác tham mưu xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc; công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; tổ chức thực hiện công tác dân tộc; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước,... Tuy vậy, qua 30 năm đổi mới, quản lý nhà nước về công tác dân tộc vẫn còn một số hạn chế nhất định như: việc thể chế, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chồng chéo, thiếu đồng bộ; bộ máy quản lý nhà nước có thời kỳ còn thiếu ổn định, chậm được kiện toàn; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc chưa ngang tầm so với yêu cầu của công cuộc đổi mới; việc xây dựng hệ thống chính sách dân tộc thiếu nhất quán; đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học mỏng, thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Trong thời gian tới, quan điểm chỉ đạo trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc được Đảng và Nhà nước ta xác định như sau: tiếp tục đổi mới hoàn thiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đi đôi với hiện đại hóa quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ điện tử phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế; tiếp tục đổi mới cải cách hành chính, xây dựng bộ máy làm công tác dân tộc tinh gọn và hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo hướng phục vụ nhân dân; tăng cường công tác phân cấp, phân quyền cho các địa phương cơ sở, đi đôi với giám sát, kiểm tra gắn trách nhiệm với người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp nội lực của đồng bào nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng phát triển bền vững.

Từ thực trạng cũng như quan điểm chỉ đạo chung công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các tác giả cuốn sách đã đưa ra một số nhóm giải pháp chủ yếu cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Một là, nâng cao nhận thức quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới. Hai là, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác dân tộc. Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến cơ sở, thực hiện phân công, phân cấp có hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Bốn là, huy động, cơ cấu lại và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc. Năm là, đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra, tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trinh, dự án vùng dân tộc. Sáu là, đổi mới công tác tư tưởng, giáo dục, tuyên truyền về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Bảy là, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc. Tám là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dân tộc. Chín là, xây dựng chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc.  

Cuốn sách được biên soạn bởi những người có kinh nghiệm làm công tác dân tộc, sẽ cung cấp cho độc giả nguồn tư liệu đáng tin cậy về lĩnh vực này.

Giao Linh

1. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 244.

 

 

Bình luận