Nỗ lực để Biển Đông “lặng sóng”

Ngày đăng: 12/08/2014 - 12:08

Rạng sáng 10-8, Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47), đã được chính thức công bố. Bên cạnh những nội dung liên quan đến việc đẩy nhanh việc hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Thông cáo chung đã nêu rõ quan điểm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về vấn đề Biển Đông. Và Biển Đông cũng chính là vấn đề được các nước quan tâm và dành nhiều thời gian trao đổi trong ngày 10-8, ngày cuối cùng của AMM 47 và các hội nghị liên quan  tại Nây Pi Tô, Mi-an-ma.

Theo Thông cáo chung của AMM 47, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các Bộ trưởng khẳng định lại các cam kết đối với những nguyên tắc nêu trong Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông năm 2012 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Tuyên bố chung năm 2012 của Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 về Kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và Tuyên bố ngày 10-5-2014 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Thông cáo chung của AMM 47 thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

no luc bien dong

Quang cảnh phiên họp hẹp của ARF 21.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng về cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tin cậy lẫn nhau trong khu vực, và sự cần thiết tạo lập các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các Bộ trưởng nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Điều 4 của DOC, văn bản được ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002, nêu rõ các bên liên quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Trong khi đó, tại Điều 5 của DOC, các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống, xử lý các bất đồng một cách xây dựng.

Trong Thông cáo chung của AMM 47, các Bộ trưởng ghi nhận Báo cáo tiến độ về thực hiện DOC trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc và giao các quan chức làm việc với phía Trung Quốc hoàn tất về các mục tiêu và cấu trúc cũng như cụ thể hóa các thành phần của COC, bao gồm các thành tố cụ thể nhằm thúc đẩy tin cậy và lòng tin, ngăn chặn sự cố, quản lý sự cố khi xảy ra.

Thông cáo chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đà tham vấn và khẩn trương làm việc nhằm sớm đạt được COC, tiếp theo những kết quả mang tính xây dựng của Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - Trung Quốc lần thứ 7 về thực hiện DOC ngày 21-4-2014 tại Pát-tay-a, Thái Lan, và cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc lần thứ 10 và 11 về thực hiện DOC ngày 18-3-2014 tại Xin-ga-po và ngày 25-6-2014 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a. Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trông đợi nhiều thảo luận thực chất hơn nữa tại Hội nghị SOM về DOC lần thứ 8 và cuộc họp Nhóm công tác chung về DOC thứ 12 cùng được tổ chức vào tháng 10-2014 tại Băng Cốc, Thái Lan.

Với một Thông cáo chung có nội dung như vậy, không hề lạ khi Biển Đông tiếp tục là vấn đề “nóng” tại các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 4 (EAS 4) và  Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF 21). Bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng vừa qua ở Biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, các nước cho rằng cần phải nỗ lực bảo đảm không để tái diễn các sự việc tương tự. Khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của tất cả các nước, các nước nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các nước cũng nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong DOC, trước hết là quy định tại Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế, không được có hành động gây bất ổn định và làm phức tạp tình hình, yêu cầu cần đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được COC nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình và ổn định ở khu vực.

Tại EAS 4, Ngoại trưởng Nhật Bản Phu-mi-ô Ki-si-đa (Fumio Kishida) khẳng định lại các nguyên tắc mà Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shindo Abe) đã đề xuất tại Đối thoại Shangri-La ở Xin-ga-po vừa qua. Đó là: Các quốc gia  đưa ra và làm rõ các yêu sách chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế; các quốc gia không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức để thúc đẩy yêu sách chủ quyền; các quốc gia giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và các tranh chấp nhất thiết phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri  (John Kerry) nói rằng, ông quan ngại trước việc những yêu sách chủ quyền mập mờ ở Biển Đông đã tạo ra bất ổn. “Sự bất ổn này làm hạn chế triển vọng về một giải pháp mà các bên cùng chấp nhận được”, ông Ke-ri nói.

Phát biểu tại các hội nghị, tiếp tục chia sẻ quan ngại sâu sắc về các vụ việc căng thẳng gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, các nước cần cam kết và có các biện pháp không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, và các nguyên tắc của ASEAN như đã được nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10-5-2014. Phó Thủ tướng cho rằng, các bên cần triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là quy định tại Điều 5 về không được có các hành động làm phức tạp tình hình, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm đạt được COC.

Cuộc họp báo kết thúc AMM 47 và các hội nghị liên quan  diễn ra khá muộn vào tối 10-8, song Bộ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma, Un-na Ma-ung Uyn (U Wunna Maung Lwin), Chủ tịch Hội nghị, vẫn dành không ít thời gian để nói về vấn đề Biển Đông. Quả thực, vì lợi ích sống còn của khu vực và thế giới, đã có rất nhiều nỗ lực để Biển Đông “lặng sóng”.

Bài và ảnh: BẢO TRUNG (gửi từ Nây Pi Tô)

Theo báo Quân đội nhân dân



Bình luận