Nâng cao giá trị sản phẩm của làng nghề Việt
Với gần 1.350 làng nghề, trong đó có 270 làng nghề truyền thống, Hà Nội luôn được ví như cái nôi chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều làng nghề đang dần mai một theo thời gian, sự tồn - vong như đang “ngàn cân treo sợi tóc”.
Làng nghề đang dần mai một
Nói đến làng nghề Hà Nội, chắc hẳn ai cũng biết đến những cái tên như cốm làng Vòng, lụa Vạn Phúc, dát vàng Kiêu Kỵ, mây tre Phú Vinh, gốm sứ Bát Tràng, giấy sắc Nghĩa Đô,… nhưng trong những năm qua, có thể thấy rõ sự mai một của nhiều làng nghề nổi tiếng xưa kia. Khi đến với làng cốm Vòng, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi nơi đây, hình dáng của một làng nghề truyền thống đã không còn nữa mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng với nhiều nét hiện đại và hơn hết, nghề làm cốm ở đây gần như đã thất truyền. Người làng Vòng cho biết, họ bỏ nghề làm cốm do sản phẩm khó tiêu thụ, thu nhập thấp, không đủ để trang trải cuộc sống.
Cách đó không xa, làng the La Khê (Hà Đông) vốn nổi tiếng là nơi dệt những loại vải quý, được dùng để may trang phục cung đình xưa cũng đã phải dừng sản xuất. Nguyên nhân là do các sản phẩm của the La Khê có giá thành cao hơn so với các loại vải, lụa của nhiều làng nghề khác, đặc biệt là sản phẩm ngoại nhập. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thị trường gặp nhiều khó khăn khiến sản phẩm sản xuất ra không có nơi tiêu thụ nên người dân đã chuyển đổi sang kinh doanh những mặt hàng khác, thay thế cho sản phẩm truyền thống. Ngoài hai làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền kể trên, Hà Nội còn rất nhiều các nghề, làng nghề truyền thống đang mai một như nghề đúc đồng Ngũ Xã, mây tre Phú Vinh,…
Nghề mây tre đan truyền thống
Nguyên nhân chính dẫn tới sự mai một và biến mất của các nghề và làng nghề hiện nay là do nền kinh tế đang chuyển dần sang cơ chế thị trường, thêm vào đó là quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế đã khiến sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh. Khi đầu ra của sản phẩm không nhiều, sức tiêu thụ kém sẽ tác động trực tiếp đến thu nhập và cuộc sống người làm nghề. Bên cạnh đó, tính chất khép kín trong việc sản xuất hàng hóa cũng kìm hãm sự phát triển của làng nghề trong thời đại công nghệ và hội nhập như hiện nay. Người làm nghề truyền thống đã dần chuyển đổi nghề nghiệp để bảo đảm cho cuộc sống của mình và gia đình. Một nguyên nhân khác nữa là do thế hệ kế tục chưa hiểu hết được những giá trị lịch sử, nhân văn, tinh thần của sản phẩm và nghề truyền thống và không còn mấy “mặn mà” với nó nên nhiều nghệ nhân cao tuổi không tìm được người tiếp bước công việc của mình. Thêm vào đó, vấn đề năng lực đầu tư có hạn, khả năng cải tiến mẫu mã kém, mức độ nhạy cảm với thị hiếu tiêu dùng không cao dẫn đến việc duy trì, phát triển nghề truyền thống rất khó khăn, chật vật cũng góp phần đẩy làng nghề vào tình cảnh điêu đứng như hiện nay.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, các làng nghề truyền thống hiện nay đang dần mất đi năm nét văn hóa đặc trưng, được coi là yếu tố quyết định tới sự tồn vong của một làng nghề, đó là nét văn hóa trong sản xuất, xã hội, sinh hoạt cộng đồng, tâm linh và văn hóa nghệ thuật.
Nghệ nhân điêu khắc trên gỗ
Áp dụng tư duy hiện đại vào sản phẩm truyền thống
Để có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn, điều quan trọng là các làng nghề truyền thống phải xây dựng được kế hoạch chiến lược phát triển bền vững cho mình. Một trong số những làng nghề vẫn phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường điển hình hiện nay có thể kể tới là làng gốm Bát Tràng. Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bát Tràng đã chủ động trong việc tìm ra những giải pháp ổn định kinh tế và phương hướng phát triển cho riêng mình, từ đó trở thành một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.
Để cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại khác, đặc biệt là với gốm sứ Trung Quốc có hình thức đẹp, giá thành rẻ và tạo được dấu ấn trên thị trường, Bát Tràng đã chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tính an toàn của sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm gốm Bát Tràng đều được nung ở nhiệt độ trên 1.2000C, đồng thời sử dụng những loại men đặc biệt, do đó, gốm Bát Tràng tiếp tục chinh phục được khách hàng bằng chất lượng cũng như giá trị nghệ thuật. Bên cạnh đó, để tăng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm gốm Bát Tràng ngày càng cố gắng để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, có mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài những sản phẩm truyền thống, tại chợ gốm cổ Bát Tràng còn bày bán rất nhiều đồ gốm gia dụng và gốm trang trí với nhiều màu sắc bắt mắt và đủ các chủng loại sản phẩm như: sơn mài trên gốm, tranh gốm, chuông gió, các hình con vật, đồ chơi bằng gốm… Đặc biệt, người Bát Tràng còn làm ra những sản phẩm gốm mang tính chất nghệ thuật có giá trị gia tăng cao như: lư gốm, đỉnh, bình gốm. Do nhanh nhạy nắm bắt phản ứng của thị trường, sản phẩm gốm của Bát Tràng không chỉ đa dạng về mẫu mã, màu sắc, mà giá thành cũng vô cùng linh hoạt, thấp nhất từ vài chục nghìn đồng đến các sản phẩm có giá trị cao, giá có thể lên tới cả chục triệu đồng. Ngoài ra, người dân Bát Tràng còn biết kết hợp giữa sản xuất và du lịch, đã triển khai thành công mô hình du lịch làng nghề, qua đó giúp du khách có thể tìm hiểu được văn hóa trong gốm Bát Tràng, đồng thời giới thiệu được sản phẩm và quảng bá được thương hiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.
Một ví dụ điển hình khác là làng nghề truyền thống Phú Xuyên đã mạnh dạn triển khai những hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu. Thời gian qua, Phú Xuyên đã tổ chức Lễ hội trưng bày - triển lãm tinh hoa làng nghề truyền thống xưa và nay với khoảng 210 gian hàng làng nghề được thể hiện dưới dạng nghệ thuật sắp đặt từ các xã nghề truyền thống trong huyện Phú Xuyên. Lễ hội không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm truyền thống, mà còn là sự kết nối chặt chẽ giữa du lịch và làng nghề, để sản phẩm thủ công truyền thống có thêm cơ hội đến với du khách, văn hóa làng nghề được quảng bá rộng rãi và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nghề chế tác đồ gốm
Sức sống từ nội lực
Mặc dù Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng trong chính sách phát triển thương hiệu, mẫu mã, bao bì, nhưng nhìn chung, mẫu mã của sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, cóp nhặt và tính thẩm mỹ chưa cao, ít tính sáng tạo. Do vậy, muốn đứng vững và phát triển trên thị trường, làng nghề phải luôn luôn đổi mới, sản phẩm phải tinh túy, vừa mang nét văn hóa dân tộc vừa bắt mắt, đúng thị hiếu khách du lịch.
Những năm gần đây, phát triển du lịch làng nghề truyền thống bắt đầu được nhìn nhận tương xứng với tiềm năng của nó, tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chỉ dừng lại ở tính tự phát. Sự tự phát ở đây biểu hiện ở chỗ các hộ kinh doanh, sản xuất vẫn chưa nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng của phát triển du lịch. Nhiều hộ chỉ chú trọng bán sản phẩm chứ chưa đặt lợi ích chung của cộng đồng lên trên. Mặt khác, trong năm qua, chúng ta cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện, hội thảo, hội chợ với kinh phí tốn kém nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Để các làng nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn, điều quan trọng là phải xây dựng được kế hoạch chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề. liên kết các làng nghề với ngành du lịch, với mục đích là để biến các làng nghề thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn nằm trong lộ trình của các tuyến du lịch. Với ý tưởng này phần nào sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch, đồng thời sẽ tạo thị trường, nguồn tiêu thụ rộng rãi cho các sản phẩm thủ công truyền thống. Tiềm năng của làng nghề Hà Nội là rất lớn, cả về nghề, văn hóa, du lịch và đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tuy nhiên, để tồn tại và phát triển được trong xã hội hiện nay, bản thân làng nghề, nghệ nhân phải tự cứu lấy mình bằng việc đổi mới tư duy và cách làm. Có như vậy làng nghề mới phát triển bền vững và đáp ứng tốt những yêu cầu mới của xã hội.
TRUNG NGUYỄN
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực