Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Ngày đăng: 04/11/2019 - 08:11

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám, khóa XIV nhằm khắc phục một số vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Sửa luật để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 29/10/2019, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.

Sau hơn ba năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, về cơ bản, nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Mục đích của việc sửa đổi Luật lần này chủ yếu là nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhưng trong những chủ trương này, có nội dung có thể quy định ngay trong Luật, nhưng cũng có những nội dung nên được xác định, cụ thể hóa thông qua các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trong đề án cụ thể gắn với từng nhiệm kỳ Quốc hội.

Hơn nữa, ngay cả những vấn đề đã đưa vào dự thảo nhưng trong quá trình thảo luận, cho ý kiến còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc chưa đánh giá hết được tác động khi thực thi thì cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để sửa đổi, bổ sung Luật vào thời gian thích hợp.

Với tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Sửa đổi, bổ sung các quy định về đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Dự thảo luật xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là ngày 01/6/2021, để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm thuận tiện cho công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy và thực hiện ngân sách.

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội như thể hiện trong dự thảo luật về đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Đoàn đại biểu Quốc hội và vai trò của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương trong Luật Tổ chức Quốc hội. Đồng thời, cần quan tâm, động viên và có chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ công chức làm việc tại các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội để sớm ổn định tư tưởng, yên tâm công tác khi tiến hành hợp nhất với các văn phòng khác.

Bên cạnh đó, về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo luật thì vai trò, vị thế của đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ bị ảnh hưởng, khó khách quan, độc lập trong thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội tại địa phương. Do vậy, ý kiến này đề nghị quy định theo hướng ngân sách Trung ương có trách nhiệm bảo đảm lương, chế độ, chính sách đối với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội, còn địa phương sẽ bảo đảm kinh phí cho hoạt động và trả lương cho đội ngũ công chức của bộ phận tham mưu giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội.

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội phải từ ngân sách Trung ương “rót về” mới bảo đảm điều kiện hoạt động như nhau của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Vì nếu kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội phải phụ thuộc vào ngân sách địa phương, thì trong trường hợp địa phương có điều kiện khác nhau sẽ dẫn tới hiệu quả hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội khác nhau. Do đó, cần phải tính toán thật kỹ để bảo đảm hiệu quả hoạt động của đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vào chiều 12/11, trước khi biểu quyết thông qua vào chiều 22/11/2019.

Theo Báo Nhân dân điện tử

Bình luận