Nêu cao tự phê bình và phê bình theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 25/09/2015 - 10:09

Một trong những tư tưởng quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng. Từ các bài giảng đầu tiên cho cán bộ cốt cán chuẩn bị cho Đảng ra đời (1925-1927), đến Di chúc thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người luôn căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”1.

hqdefault

Tự phê bình và phê bình là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình là tự đánh giá những điểm mạnh, yếu của bản thân, làm cơ sở cho người khác đóng góp, tham gia ý kiến giúp mình sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Phê bình là việc tham gia góp ý kiến với người khác, vạch rõ ưu điểm, khuyết điểm và cách thức sửa chữa để tiến bộ mãi. Người chỉ rõ: Trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn ai cũng có ưu, khuyết điểm, có cái hay, cái dở, cái tiên tiến, cái lạc hậu… ở mức độ khác nhau. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích làm cho phần tốt phát huy nảy nở, còn những thói hư tật xấu không có đất sinh sôi mà mất dần đi. Muốn vậy, phải thường xuyên sử dụng tự phê bình và phê bình phải coi đó như việc “rửa mặt” hằng ngày.

Bản chất của tự phê bình và phê bình là xây dựng, nhân đạo và tiến bộ. Mục đích tự phê bình và phê bình nhằm làm cho con người tốt hơn, việc tốt hơn và tổ chức mạnh lên. Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ trong sáng là giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức. Vì vậy, trong tự phê bình và phê bình phải chống tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ, lợi dụng phê bình để hạ uy tín, đả kích lẫn nhau, gây chia rẽ mất đoàn kết, làm tổn hại, suy yếu tổ chức đảng. Để thực hiện đúng mục đích trong sáng của phê bình, Người căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phải luôn nhận rõ đối tượng của tự phê bình và phê bình là việc chứ không phải là người. Trong tự phê bình và phê bình, Người yêu cầu phải thực hiện tốt việc nêu gương; phải lấy tự phê bình là chính, thực hiện tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; trong cấp uỷ phải làm gương cho ngoài cấp ủy, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ phê bình trước, chiến sĩ phê bình sau, “phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”2 và “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ… cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”3.

Tự phê bình và phê bình phải được coi là vũ khí trong công tác xây dựng đảng, là cách tốt nhất để “giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất của Đảng”4, là quy luật phát triển của Đảng. Thực tiễn công tác xây dựng đảng 85 năm qua đã cho thấy rõ điều này. Tự phê bình và phê bình đã góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng với vai trò đội tiền phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Đội ngũ đảng viên của Đảng không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững ý thức kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần đoàn kết “thương yêu lẫn nhau”. Thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Luôn xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên chưa nhận thức rõ vai trò, tác dụng to lớn của tự phê bình và phê bình; chưa phát huy tác dụng của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình còn có biểu hiện hình thức, qua loa chiếu lệ, một chiều; còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” trong đấu tranh phê bình hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ” lẫn nhau gây chia rẽ bè phái, mất đoàn kết… như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”5.

Thực tiễn, yêu cầu của nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy và tổ chức đảng trong toàn Đảng phải nêu cao hơn nữa vũ khí tự phê bình và phê bình, thông qua sinh hoạt tự phê bình và phê bình để góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Phải nêu cao dân chủ, tính tự giác, tinh thần xây dựng để phát huy vai trò, tác dụng của tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng đảng hiện nay. Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng đòi hỏi phải làm tốt các nội dung sau:

Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò tác dụng to lớn của tự phê bình và phê bình, hiểu rõ mục đích, nội dung, phương pháp và những yêu cầu cơ bản trong tự phê bình và phê bình, nhằm phát huy cao nhất vai trò tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng. Coi trọng việc xây dựng động cơ đúng đắn cho cán bộ, đảng viên trong thực hành tự phê bình và phê bình. Thực hiện tốt việc nêu gương, phát huy tính tự giác, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Cán bộ ở cương vị càng cao, càng đòi hỏi nêu cao tính tự giác, gương mẫu, dũng cảm trong tự phê bình và tiếp thu phê bình. Kiểm điểm, phê bình phải trên tinh thần xây dựng, yêu thương, giúp đỡ đồng chí mình tiến bộ. Việc tự phê bình và phê bình phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì, bởi nếu không làm thường xuyên thì khuyết điểm ngày càng tăng, tích tụ ngày càng nhiều, ưu điểm cũng không được phát huy.

Hai là, tự phê bình và phê bình phải gắn “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả” 6. Lấy chất lượng, hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình làm tiêu chí đánh giá kết quả các nội dung của công tác xây dựng đảng. Sinh hoạt tự phê bình và phê bình phải thể hiện rõ mục tiêu “xây và chống”, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vững mạnh về chính trị; kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm, biểu hiện sai trái trong nhận thức chính trị, tư tưởng, chống lợi dụng tự phê bình và phê bình để gây chia rẽ nội bộ, làm suy yếu tổ chức đảng và suy giảm chất lượng cán bộ, đảng viên…

Ba là, thực hiện tự phê bình và phê bình phải đúng theo nguyên tắc, quy định trong Điều lệ Đảng, coi kết quả tự phê bình và phê bình là kết quả phấn đấu, rèn luyện của người đảng viên, của đơn vị và tổ chức đảng. Trong đấu tranh tự phê bình và phê bình phải chỉ rõ những vấn đề làm được, chưa làm được, nguyên nhân và phương hướng khắc phục. Đảng viên khi thực hiện tự phê bình và phê bình phải có động cơ trong sáng; phải đặt tự phê bình và phê bình với vấn đề đạo đức cách mạng trong một mối quan hệ biện chứng. Tự phê bình và phê bình không phải là đặc quyền của riêng một cá nhân nào, mà là quyền lợi, nghĩa vụ của người cách mạng chân chính. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc khi quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), đã nhấn mạnh: Tự phê bình và phê bình có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, qua đó góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Do vậy, mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá thật khách quan. Tập trung kiểm điểm trách nhiệm đối với công việc, đối với đơn vị; phẩm chất cá nhân của mình về các mặt nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng... để thấy rõ ưu điểm mà phát huy, nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.

Tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều diễn biến phức tạp, thuận lợi - thách thức, thời cơ - nguy cơ đan xen nhau... đang đặt ra cho Đảng ta và toàn bộ hệ thống chính trị nhiệm vụ ngày càng nặng nề. Chính vì vậy, nêu cao tự phê bình và phê bình vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên. Vũ khí sắc bén này phải thường xuyên được sử dụng và mài dũa để có đủ khả năng ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay, đóng góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thiếu tá Đặng Công Thành

Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị

(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng)

 

---------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 611.

2, 3. Hồ Chí Minh: Sdd, t. 5, tr. 307, tr. 272.

4. Hồ Chí Minh: Sdd, t. 14, tr. 242.

5, 6. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22; tr. 35-36.

 

 

Bình luận