Đồng chí Lê Đức Thọ - những năm tháng ở Đồng Tháp Mười

Ngày đăng: 26/10/2011 - 17:10

Lê Vĩnh Tân*

Sáu mươi ba năm trước đây, sau chiến thắng vang dội của Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, Bác Hồ và Trung ương Đảng ta nhận định: Năm 1947, quân Pháp đã bị thất bại nặng cả trên hai lĩnh vực chính trị và quân sự. Về mặt chính trị, thất bại trong việc dựng lên chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân. Trong lĩnh vực quân sự, thất bại qua các cuộc hành quân càn quét tiêu diệt cơ quan lãnh đạo đầu não của ta ở chiến khu Việt Bắc và căn cứ địa Đồng Tháp Mười.

aLDT11

Đồng chí Lê Đức Thọ (người ngồi đầu thuyền) trên đường đi dự Hội nghị

toàn Xứ ủy lần thứ hai ở Đồng Tháp Mười, tháng 9-1949

Tuy nhiên với tư duy quân sự sắc bén, Trung ương nhận định thu đông năm 1948 quân viễn chinh Pháp sẽ ra sức thực hiện kế hoạch bình định nhằm triệt phá nguồn nhân lực, vật lực của ta ở vùng trung du Bắc Bộ và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, tạo điều kiện cho chúng tập trung quân lực để tác chiến trên chiến trường chính - chiến trường Bắc Bộ. Chính vì vậy, Trung ương yêu cầu: "Nam Bộ hãy đánh mạnh hơn nữa để chia sẻ gánh nặng cho chiến trường Bắc Bộ".

Đồng chí Lê Đức Thọ - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đảng vụ kiêm Trưởng Ban Dân vận Trung ương và Phái đoàn Chính phủ Trung ương đã lên đường vào Nam Bộ trong thời điểm lịch sử ấy. Cùng đi với đồng chí Lê Đức Thọ, có Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, với danh nghĩa đại diện Chính phủ và Thiếu tướng Lê Hiến Mai (Dương Quốc Chính), với danh nghĩa đại diện Bộ Tổng Tư lệnh. Số cán bộ tùy tùng khoảng 30 người.

Phái đoàn đã nằm sương gối đất, lội suối trèo đèo tiến hành một cuộc hành quân gian khổ, đi dọc theo chiều dài của sáu chiến khu, vượt qua những khu rừng đại ngàn trùng điệp nằm trên dãy Trường Sơn và đi xuyên qua một số vùng địch hậu gặp nhiều hiểm nguy bất trắc, với lộ trình ước tính khoảng 3.500 kilômét. Rời đại bản doanh Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Định Hóa - Thái Nguyên giữa mùa Thu năm 1948, Phái đoàn đã tới kênh Ba Tháp - Đồng Tháp Mười vào cuối mùa khô năm 1949 (khoảng hạ tuần tháng 4 dương lịch).

Ba mươi bảy năm sau chuyến đi không thể nào quên ấy, ngày 15-3-1985, trong khi trả lời phóng viên Sylvana Foa của hãng Thông tấn xã Mỹ (UPI), đồng chí Lê Đức Thọ đã hồi tưởng lại: "Từ Việt Bắc vào chiến khu Đồng Tháp Mười, trên đường đi không những phải vượt qua rừng núi hiểm trở, mà còn qua cả những vùng có địch, cho nên đoàn tôi đi có hai, ba người hy sinh. Bản thân tôi cũng suýt chết".

Ngay trong chặng đường đầu, khi đồng chí Lê Đức Thọ ghé qua Vân Đình - Hà Đông để làm việc với Khu ủy Khu 3, Phái đoàn ta đã bị địch phát hiện. Ngày 20-9-1948, chúng huy động 1.300 quân, bất ngờ cho lính dù nhảy xuống Vân Đình để thực hiện kế hoạch "đánh úp" chớp nhoáng. Tuy nhiên, cuộc tấn công đã bị thất bại hoàn toàn. Bảy tháng sau, khi đồng chí Lê Đức Thọ và Phái đoàn đặt chân lên căn cứ địa Xứ ủy Nam Bộ chỉ được khoảng hơn 5 tuần lễ, từ ngày 2 đến ngày 8-6-1949, địch đã mở cuộc càn quét lớn vào Đồng Tháp Mười với 4.000 quân, có xe lội nước, tàu chiến, máy bay và lính dù. Nhưng chúng đã bị Tiểu đoàn 404 bảo vệ căn cứ của Nam Bộ, Tiểu đoàn chủ lực 307 của Khu 8, Tiểu đoàn 309 của tỉnh Mỹ Tho phối hợp chặt chẽ với dân quân, du kích của xã căn cứ đánh trả quyết liệt. Bốn trăm tên địch và 6 xe lội nước đã bị tiêu diệt. Báo Thống Nhất tháng 6-1949 đã viết: "Trận tấn công vào Đồng Tháp Mười tháng 6-1949 là trận tấn công lớn nhất và cũng là thất bại đau đớn nhất của quân Pháp ở Nam Bộ... Mục tiêu của trận tấn công này là nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến, nhất là Phái đoàn Chính phủ Trung ương mới vào Nam Bộ".

Việc Phái đoàn Chính phủ Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu vào chiến khu Đồng Tháp Mười giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp trong toàn quốc bước sang năm thứ tư, là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trên chiến trường Nam Bộ. Nó đã thổi một luồng sinh khí mới và gây niềm tin tưởng mạnh mẽ trong quân và dân ta, nhất là trong đội ngũ cán bộ quân, dân, chính, đảng ở các địa phương, các ngành, các cấp.

Điều vui mừng nhất đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở căn cứ địa kháng chiến Đồng Tháp Mười nói riêng và trên chiến trường Nam Bộ nói chung, là đã được đồng chí Lê Đức Thọ trao tận tay bốn lá thư của Bác Hồ viết tại núi rừng chiến khu Việt Bắc ngày 15-9-1948.

Trong Thư vào Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nhân dịp phái đoàn của Chính phủ vào Nam, tôi gửi lời thân ái hỏi thăm toàn thể đồng bào...

Đã hơn 3 năm, đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ đã và đang anh dũng kháng chiến để giữ vững nền độc lập, thống nhất và dân chủ...

Trong mùa Thi đua ái quốc đang sôi nổi khắp cả nước, tôi mong rằng đồng bào Nam Bộ sẽ hăng hái tham gia, về quân sự cũng như về chính trị, kinh tế, văn hóa, v.v.." [1].

Trong Thư gửi các Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ, các tỉnh, quận và xã ở Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nhân dịp phái đoàn của Chính phủ vào Nam, tôi gửi lời thân ái chào toàn thể Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ, Uỷ ban kháng chiến hành chính các tỉnh, quận và xã...

Mặc dầu ở xa Chính phủ Trung ương, các Uỷ ban Nam Bộ trong hơn 3 năm nay đã đảm đương công việc hằng ngày với một tinh thần dũng cảm và thống nhất. Một số ủy viên các cấp tỉnh, quận và xã đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc, và đã nêu cao chí khí xung phong của dân tộc ta... Vì vậy, nhiệm vụ của các Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp là phải phát động phong trào Thi đua ái quốc, toàn diện và toàn dân, để đưa kháng chiến mau đến thắng lợi, thống nhất và độc lập mau đến thành công"[2].

Trong Thư gửi tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nhân dịp phái đoàn Chính phủ vào Nam, tôi gửi lời thân ái thăm các đồng chí...

Đã hơn 3 năm nay, bộ đội và dân quân Nam Bộ đã lập nhiều chiến công vẻ vang, và đã trưởng thành trong khói lửa. Các đồng chí đã thực hiện được kế hoạch cướp khí giới địch đánh lại địch, áp dụng triệt để chiến thuật vận động du kích, và phá hoại hậu phương địch...

Trong phong trào Thi đua ái quốc, luyện quân lập công ngày nay, tôi mong các đồng chí cố gắng phát triển các ưu điểm, sửa chữa các khuyết điểm, để làm cho bộ đội ta thật xứng đáng là bộ đội của một nước Dân chủ Cộng hòa, xứng đáng với nhiệm vụ vẻ vang là giải phóng Tổ quốc và bảo vệ nhân dân"2.

Trong Thư gửi nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ, Bác Hồ viết: "Nhân dịp phái đoàn Chính phủ vào Nam, Bác gửi lời thân ái thăm các cháu...

Trong phong trào Thi đua ái quốc này, Bác mong các cháu sẽ cùng với thanh niên và nhi đồng toàn quốc, hăng hái xung phong. Các cháu phải dũng cảm tiến lên, làm cho xứng đáng là con cháu của Phù Đổng Vương, của Trần Quốc Toản. Cho xứng đáng là thanh niên và nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất và độc lập"[3].

Nhằm biểu thị niềm tin mãnh liệt và lòng tôn kính sâu xa của các tầng lớp nhân dân Nam Bộ, của quân và dân chiến khu Đồng Tháp Mười đối với Trung ương, một cuộc míttinh trọng thể của Xứ ủy và Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ đã được tổ chức gần chợ Cái Bèo (nay thuộc xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh) để chào mừng đồng chí Lê Đức Thọ và Phái đoàn Chính phủ.

Từ khi đặt chân lên kênh Ba Tháp đến lúc di chuyển xuống căn cứ địa U Minh ở miền Tây Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đã đảm nhận trọng trách đại diện Thường vụ Trung ương Đảng bên cạnh Xứ ủy Nam Bộ. Đồng chí đã tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực hoạt động và để lại những ấn tượng đẹp trong các cơ quan quân, dân, chính, đảng. Tác phong công tác và phong cách lãnh đạo của đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện đậm nét tư tưởng "Sửa đổi lối làm việc" của Bác Hồ. Sinh hoạt giản dị, gần gũi quần chúng nhân dân, sâu sát đảng viên, cán bộ, coi trọng việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức, kiên định với lập trường quan điểm, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ vững ý thức tổ chức và kỷ luật... Đó là những giá trị tinh hoa về đạo đức của đồng chí Lê Đức Thọ đã được phát sáng ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Với cương vị phụ trách công tác tổ chức, huấn luyện và đào tạo, đồng chí Lê Đức Thọ là người có công trong việc phổ cập và giáo dục tư tưởng "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư" của Bác Hồ cho đảng viên, cán bộ trên chiến trường Nam Bộ.

Cùng với đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Lê Đức Thọ đã nêu gương sáng trong việc xây dựng hạt nhân đoàn kết vững chắc trong cơ quan lãnh đạo đầu não cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ, biến Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam thành một khối thống nhất ý chí và hành động. Năm tháng đi qua, cho đến ngày nay, nhân dân Nam Bộ và quân dân tỉnh Đồng Tháp nhìn về quá khứ vẻ vang, rất tự hào về hai nhà lãnh đạo lỗi lạc của thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ - Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Lê Duẩn là một kiến trúc sư trưởng tài ba vạch ra những ý tưởng chiến lược đúng đắn để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Lê Đức Thọ, là người lãnh đạo kiên cường giàu kinh nghiệm, nhà tổ chức đầy bản lĩnh và tài năng. Cống hiến của đồng chí Lê Đức Thọ tại chiến khu Đồng Tháp Mười thể hiện nổi bật trong công tác tổ chức - cán bộ và trong lĩnh vực hoạt động quân sự.

Trong công tác tổ chức cán bộ, cùng với Ban Thường vụ Xứ ủy, ngay sau khi đến chiến khu Đồng Tháp Mười, đồng chí Lê Đức Thọ đã tiến hành rà soát để củng cố bộ máy tổ chức của các đơn vị trực thuộc Xứ ủy và Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ được thực sự vững mạnh cả về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức theo phương châm "tinh binh tinh cán" của Bác Hồ. Đi đôi với việc củng cố, đồng chí Lê Đức Thọ đã xúc tiến việc thành lập một số đơn vị mới nhằm đáp ứng việc thực hiện những nhiệm vụ cấp bách - như thành lập Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra Xứ ủy, trường Đảng mang tên Trường Chinh để bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các địa phương và các ngành quân, dân, chính, đảng, v.v.. Điều quan tâm đặc biệt của đồng chí Lê Đức Thọ là dốc sức vào việc củng cố sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trong các lực lượng vũ trang, đối với ba thứ quân trên chiến trường.

Trong lĩnh vực quân sự, khi đồng chí Lê Đức Thọ và Phái đoàn Chính phủ vào đến chiến khu Đồng Tháp Mười, quân Pháp trên chiến trường Nam Bộ đang ra sức thực hiện kế hoạch bình định lấn chiếm mới nhằm thực hiện bốn mục tiêu: Xây dựng một hệ thống tháp canh dày đặc mang tên tướng Đờ la Tua (De la Tour) trên các trục lộ giao thông; sử dụng lực lượng quân địa phương kết hợp với lính tháp canh tại chỗ thường xuyên càn quét nhằm khống chế quần chúng và đánh bật cán bộ, đảng viên ta ra khỏi địa bàn; dùng xe lội nước kết hợp với thủy, lục, không quân tổ chức các cuộc hành quân càn quét lớn tấn công các cơ quan lãnh đạo đầu não kháng chiến tại chiến khu Đồng Tháp Mười; phá hoại kinh tế, ngăn chặn các đường giao thông tiếp tế lương thực, thực phẩm cho kháng chiến.

Việc thay đổi chiến thuật của địch có kết quả đáng kể. Hệ thống tháp canh đặc biệt gây cho ta nhiều khó khăn. Trong báo cáo về tình hình Nam Bộ gửi ra Trung ương, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam Bộ nhận xét: "Trải qua những trận càn quét của giặc, nhân dân nói chung, trong khoảng năm 1949 phần đông có phần mệt mỏi". Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ và đồng chí Lê Đức Thọ - đặc phái viên của Trung ương xác định nhiệm vụ quân sự cấp bách phải kiên quyết đánh bại kế hoạch bình định mới của địch. Nhằm phá vỡ hệ thống tháp canh De la Tour, trong bài chuyên luận về quân sự đăng trên báo Thống nhất số 15 và 16 năm 1950, đứng trên quan điểm thực tiễn và biện chứng, đồng chí Lê Đức Thọ đã phân tích thấu đáo những nhược điểm cơ bản trong hệ thống tháp canh này. Đồng chí viết: "Quân địch ở Nam Bộ đã tự hào rằng cái hệ thống phòng ngự bằng đồn bốt và tháp canh dọc theo các đường giao thông là bất khả xâm phạm, nhưng chúng có biết đâu rằng chính cái hệ thống phòng ngự đó mang sẵn trong nó bao nhiêu nhược điểm. Nhược điểm thứ nhất, là tinh thần quân đội của chúng bạc nhược và do lực lượng của chúng phân tán mỏng manh lại càng thêm bạc nhược hơn nữa. Nhược điểm thứ hai, là lực lượng của chúng bị phân tán. Quân của chúng trước đây tập trung từng tiểu đoàn, trung đoàn đến đại đoàn, nay phải phân tán ra từng trung đội, tiểu đội đến từng tổ 5 - 6 tên để bảo vệ những nơi chúng tạm chiếm. Trong lúc đó chúng ta biết tập trung lực lượng trên chiến trường để đánh lực lượng địch phân tán. Hệ thống phòng ngự của địch sẽ bị bộ đội ta chặt ra từng khúc để bao vây, cô lập và tiêu diệt. Nhược điểm thứ ba, vì phân tán lực lượng để chiếm đóng sâu vào nội địa ta, sự tiếp viện của địch gặp nhiều trở ngại về phương tiện chuyên chở và giao thông. Nhược điểm thứ tư, trong mấy năm chiến tranh, quân số của địch vừa chết vừa bị thương hàng vạn, số quân tham gia phản chiến ngày một tăng, lại gặp khó khăn về tài chính nên địch không thể bổ sung thêm quân số. Tuy quân chính quy của ta ít hơn địch, nhưng chúng ta biết tập trung lực lượng của các thứ quân nên chiếm ưu thế trên chiến trường để tiêu diệt địch".

Nhờ dựa trên cơ sở của sự phân tích chính xác đó, quân và dân ta đã phát huy cao độ nhân tố về chính trị và tinh thần trong các chiến dịch quân sự liên tiếp nổ ra giữa thu đông năm 1949 và xuân hè năm 1950. Chiến thuật đặc công đánh tháp canh nổi tiếng cũng đã được ra đời trên cơ sở của tư duy quân sự đó. Ngay trong chiến dịch Cầu Kè diễn ra 40 ngày trên địa bàn của ba huyện Cầu Kè, Tiểu Cần và Cầu Ngang (tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh) từ ngày 7-12-1949 đến 16-1-1950 nhằm mục tiêu làm đến tan rã hệ thống đồn bốt tháp canh, phá thế kìm kẹp, quân ta đã diệt và bức rút 56 tháp canh của địch. Thực tiễn trên đây cho thấy rõ, chẳng những trong hoạt động chính trị mà cả trên lĩnh vưc quân sự, tư duy lý luận và công tác chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Lê Đức Thọ rất sắc sảo, nhạy bén.

*

*        *

Lê Đức Thọ là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, là học trò xuất sắc của Bác Hồ, là người có công trong việc tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến toàn quốc tháng 12-1946. Đồng chí đã được Bác Hồ phái vào Nam để tăng cường cho chiến trường Nam Bộ trong những tháng năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Viết đầy đủ về đồng chí ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng đại diện cho Trung ương bên cạnh Xứ ủy Nam Bộ từ năm 1949 đến năm 1951 và là Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ năm 1952 đến năm 1954, là việc rất khó, cho dù chỉ đóng khung trong phạm vi của chiến khu Đồng Tháp Mười. Một điều ai cũng có thể cảm nhận được là đồng chí Lê Đức Thọ đã tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực hoạt động và để lại những ấn tượng không thể phai mờ trên chiến trường Nam Bộ, trong ký ức và tình cảm của đồng chí và đồng bào trên mảnh đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc.

Năm năm sau ngày đất nước thống nhất, khi đó đồng chí Lê Đức Thọ sắp 70 tuổi. Nhớ chiến khu xưa, đồng chí đã về lại mảnh đất Gò Tháp và dòng kênh Ba lịch sử ở tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười hiện nay để thăm căn cứ địa kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ ngày trước, thăm đồng chí và đồng bào đã cùng mình một thời nằm sương gối đất, dãi nắng dầm mưa. Bâng khuâng nhìn cảnh cũ, xúc động nhớ tới những kỷ niệm xưa, đồng chí Lê Đức Thọ đã cảm tác viết một bài thơ nhan đề là Đồng Tháp:

Tôi từ Việt Bắc vào Đồng Tháp,

Căn cứ năm nào để đánh Tây.

Má Chín, kinh Ba - ôi nhớ mãi,

Đâu còn mong gặp má hôm nay.

 

Ba lăm năm ấy nhiều thay đổi,

Đánh Pháp thua rồi, đánh Mỹ thua.

Đồng Tháp xuân về, trang sử mới,

Nghĩa tình trọn vẹn vẫn như xưa.

Cảm động biết bao, tình cảm của đồng chí Lê Đức Thọ đối với quân và dân chiến khu Đồng Tháp Mười trước đây cũng như đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp ngày nay, là "nghĩa tình trọn vẹn", son sắt thủy chung. Tình cảm của quân và dân chiến khu Đồng Tháp Mười trước đây cũng như tình cảm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp ngày nay đối với đồng chí Lê Đức Thọ, mãi mãi là "nghĩa tình trọn vẹn vẫn như xưa". Tôi xin mượn câu thơ đẹp ấy của đồng chí Lê Đức Thọ để kết thúc bài viết này.



* Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 495 - 496.

[2],2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 497 - 498, 499 - 500.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 501.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận