Đồng chí Lê Đức Thọ và quê hương Nam Định

Ngày đăng: 13/10/2011 - 09:10

Phạm Hồng Hà*

I- QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH, VÀ THỜI TUỔI TRẺ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG SÔI NỔI TẠI QUÊ NHÀ

1. Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

ledT-5

Đồng chí Lê Đức Thọ vào thăm và làm việc với Bác Hồ sau khi

từ chiến trường miền Nam, chuẩn bị đi Pari

Nam Định là tỉnh nằm ở phía nam đồng bằng sông Hồng, trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, kể từ khởi nguồn văn minh lúa nước sông Hồng đến thời đại Hồ Chí Minh, thiên nhiên, hào khí quê hương và sức người bao thế hệ đã tích tụ, hun đúc nên một vùng đất "địa linh nhân kiệt", một truyền thống tự cường, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Đây cũng là nơi phát tích của Vương triều Trần tồn tại 175 năm với những chiến công, những dấu ấn huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Nam Định cũng là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, sớm tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, sớm hình thành những tổ chức cộng sản đầu tiên của Đảng. Kể từ khi có Đảng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã có những đóng góp rất quan trọng cho cách mạng, và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với bề dày lịch sử và văn hiến, vùng đất này đã sinh ra những vị vua anh minh, các anh hùng hào kiệt, nhiều nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, nghệ thuật... kiệt xuất, tiêu biểu của đất nước.

Xã Nam Vân có một vị trí quan trọng là cửa ngõ phía nam của thành phố Nam Định, nơi có các đường giao thông thuỷ, bộ lớn đi qua.

Từ đời Trần, đất Nam Vân đã được quy hoạch trong hành cung Thiên Trường mở rộng. Sông Vị được đào nối Thiên Trường - Tức Mặc với sông Đào, thông về sông Đáy và đã hình thành nên bến Đò Quan nổi tiếng. 

Nằm giữa bốn bề sông nước, nhân dân Nam Vân rất tích cực trong công việc trị thủy, đã cùng với nhân dân các vùng lân cận đắp đê sông Hồng (bấy giờ gọi là sông Đỉnh Nhĩ), đê sông Vị Hoàng, đê Hồng Đức (kéo dài từ Quảng Ninh, qua Nam Định đến Ninh Bình), để ngăn lũ, bảo vệ xóm làng.

Nam Vân là một làng quê văn hiến, hương ước của làng có từ rất sớm, quy định chặt chẽ từ tổ chức xã hội đến việc giữ gìn truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của làng, đồng thời khuyến khích sự học hành và tinh thần lao động. Với bề dày hơn một nghìn năm lịch sử, Nam Vân đã hình thành một vùng văn hóa phong phú, đa dạng và có bản sắc; với những di tích, đình chùa, đền miếu, những sự tích về các địa danh, con người như "Vấn Khẩu", chùa Bồ Đề, Cồn Cái, cánh đồng Quan Thượng, tướng quân Kiều Công Hãn, bà Hoàng Phi, vợ vua Lý Nhân Tông, Thái sư Dương Quế Công Lại Thế Vinh và nhiều lễ hội văn hóa dân gian, dân ca, hò vè đặc sắc.

Truyền thuyết dân gian kể rằng: Xưa đoàn thuyền chiến của Vua Hùng 18, xuôi sông Hồng qua cửa Tuần Vường, gặp sóng to, gió cả, nước xoáy, thuyền trôi dạt vào bãi Ngô Xá, dân làng ra sức trợ giúp. Nhờ đó, thuyền Vua Hùng 18 kịp đuổi theo giặc. Nhân dân trong làng được triều đình khen thưởng về tinh thần yêu nước, trung quân. Đặc biệt thế kỷ XIII, dưới triều Trần, nhân dân Nam Vân với hào khí Đông A sôi sục đã cùng nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu lập nên những chiến công hiển hách, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều thanh niên trai tráng của Nam Vân xung phong gia nhập đoàn quân Nam tiến của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị vào Nam đánh giặc. Nhân dân Nam Vân đã kề vai sát cánh cùng quân dân Thành Nam chiến đấu bảo vệ thành khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Nam Định, tham gia đội quân của Thượng biện - Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi đóng ở tả ngạn bến Đò Quan đánh tàu chiến của quân địch. Khi Thành Nam thất thủ, Thượng biện Vũ Hữu Lợi đưa quân về đóng ở chùa Ba Xá thôn Thượng Hữu - Nam Vân chống giặc và được nhân dân Nam Vân tận tình che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng. Nhiều con em Nam Vân đã bí mật tham gia vào các cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo.

Đầu thế kỷ XX, cùng với các địa phương trong tỉnh, nhân dân Nam Vân ủng hộ mạnh mẽ phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng và phong trào bất hợp tác với Pháp do Phan Chu Chinh phát động, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh sôi nổi của công nhân Thành Nam, các hoạt động cách mạng, các tổ chức cứu quốc, Việt Minh, trong các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945 và Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là địa bàn bị địch chiếm đóng, khủng bố dã man, Đảng bộ Nam Vân đã lãnh đạo nhân dân phát triển chiến tranh du kích, phá tề, trừ gian, chống địch càn quét, lập nên những chiến công vẻ vang, giải phóng quê hương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Vân với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt" đã tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua sôi nổi: "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang"... vừa sản xuất vừa chiến đấu, đóng góp nhiều sức người, sức của cho chiến trường.

Hai mươi lăm năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Vân đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, giành nhiều thành tích góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Đồng chí Lê Đức Thọ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho thanh bạch, gia giáo.

Ông nội của đồng chí Lê Đức Thọ là cụ Phan Đình Diễn, sinh năm 1852. Ngay từ nhỏ, cụ đã sớm được cha mình truyền thụ cho nếp thi thư, gia giáo và cần mẫn học tập. Sau khi thi hương không đậu, cụ mở trường dạy học và làm thuốc chữa bệnh. Cụ vốn tính nhân hậu, sống hoà thuận, hiếu nghĩa trong gia đình và làng xóm, tích cực làm việc thiện. Năm 1890 mất mùa, cụ bỏ ra một số tiền lớn để làm sổ đinh điền giúp dân, bán đi một mẫu ruộng để lấy tiền đắp đường. Có đường mới thuận tiện đi lại, nhân dân đã phấn khởi mừng cụ bức lụa đề ba chữ "Công ư dân", nghĩa là có công với dân.

Trong nghề làm thuốc, cụ luôn giữ đạo lý cứu người làm gốc, tận tình cứu chữa cho bệnh nhân, không câu nệ, nề hà, đặc biệt là đối với những người dân nghèo khó. Cụ là người cần kiệm, công tâm, cương trực và luôn bênh vực người lương thiện.

Cụ thường khuyên răn con cháu chăm lo làm những việc công ích cho đời. Đặc biệt cụ rất quan tâm đến việc học hành của con cháu. Các con cháu đến tuổi đi học đều được cụ khai tâm qua sách Tam thiên tự, mời các nhà giáo có tiếng dạy chữ cho con cháu. Được cụ rèn rũa, chăm lo, con cháu cụ ai cũng được học hành, nhiều người đã đậu cử nhân, tú tài, nhiều cháu con đã nuôi chí lớn hoạt động cách mạng giúp dân, giúp nước.

Cụ mất năm 1923, thọ 71 tuổi. Biết ơn cụ, nhân dân trong xã đã lập cụ làm Hậu thần và dựng bia ghi công đức tại đình làng. Hàng năm đến ngày giỗ cụ đều tổ chức tế lễ, tri ân.

Thân phụ của đồng chí Lê Đức Thọ là ông Phan Đình Quế, sinh ngày 2-8-1882, là người tính bộc trực, khẳng khái nhưng sống hoà thuận, gần gũi trong gia đình, họ hàng và làng xóm. Thuở nhỏ ông theo cha học chữ Nho, rồi làm môn sinh của cụ Tư Đặng người xã Đặng Xá. Năm 1909, ông được nhân dân bầu làm Hương trưởng, rồi sau được bầu làm Chánh hương hội ở xã. Tuy là một hào lý của làng nhưng ông rất trung thực, liêm khiết, luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực, bảo vệ dân.

Ông đã đóng góp nhiều công sức, tiền bạc chấn chỉnh các công việc hương chính, kiến thiết, xây dựng làng xã như tu bổ, mở mang đình chùa, cầu cống... Sau khi theo anh ruột là quan Tổng đốc Phan Đình Hòe đi quân thứ đánh giặc có công, ông đã được thưởng hàm cửu phẩm. Ông mất ngày 3-4-1928, thọ 46 tuổi.

Thân mẫu của đồng chí Lê Đức Thọ là bà Đinh Thị Hoàng, sinh ngày 8-10-1882, quê ở xã Đồng Lạc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Bà tính tình hiền hậu, tháo vát, đảm đang, hết lòng thương yêu chồng con, gắng sức cùng chồng xây dựng cơ nghiệp và nuôi dạy con cái... Bà sớm có tư tưởng tiến bộ, khi biết các con trai mình tham gia hoạt động cách mạng, bà đã âm thầm ủng hộ. Bản thân bà cũng tham gia cách mạng, nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ của Đảng, trong đó có các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng...

Do có nhiều đóng góp với cách mạng, đặc biệt là công lao nuôi dưỡng những người con cách mạng ưu tú, bà đã được tặng Bằng Có công với nước. Bà còn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lụa may áo.

Bà mất ngày 4-2-1956, hưởng thọ 74 tuổi.

Ông Phan Đình Quế và bà Đinh Thị Hoàng sinh được tám người con: năm người con trai và ba người con gái. Được sự quan tâm, chăm lo, dạy bảo của ông bà, cả tám người con đều chăm lao động, chịu khó học hành, hiếu lễ với cha mẹ, lễ phép với người trên. Đặc biệt trong số tám người con thì ba người: Phan Đình Khải (tức đồng chí Lê Đức Thọ), Phan Đình Dinh (tức đồng chí Đinh Đức Thiện), Phan Đình Đống (tức đồng chí Mai Chí Thọ) là Uỷ viên Trung ương Đảng, trong đó đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Mai Chí Thọ là Uỷ viên Bộ Chính trị và đều được phân công giữ những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước.

3. Thời thơ ấu cho tới năm 14 tuổi, đồng chí Lê Đức Thọ sống với gia đình tại quê nhà.

Năm 1925, đồng chí theo học tại Trường tiểu học Cửa Bắc, thành phố Nam Định, trọ tại nhà ông chú Phan Đình Ngô ở phố Hàng Cau - khu phố buôn bán sầm uất của thành phố lúc bấy giờ.

Ở tuổi học trò, đồng chí Lê Đức Thọ đã chứng kiến các phong trào đấu tranh liên tiếp, mạnh mẽ của công nhân thành phố Nam Định, điển hình là cuộc đấu tranh của 2.500 công nhân Nhà máy Sợi nổ ra ngày 30-4-1925 đòi tăng lương và phản đối việc sa thải thợ, đã gây tiếng vang lớn, khiến thực dân Pháp hết sức lo sợ. Phong trào phát triển trong công nhân và lan nhanh ra các tầng lớp nhân dân khác. Trong các trường học, học sinh bí mật chuyền tay nhau đọc các sách báo yêu nước, tiến bộ như báo Người cùng khổ (Le Paria), báo Thần Chung, L'An Nam, Việt Nam hồn và nhiều tác phẩm văn học yêu nước như Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc, Tiếng cuốc kêu của Việt Quyên, đã có ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức, tư tưởng của nhiều người, nhất là với lớp trí thức trẻ như đồng chí Lê Đức Thọ.

 Năm 1925, cụ Phan Bội Châu, một chí sĩ yêu nước lỗi lạc của Việt Nam bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc, đưa về nước chờ ngày xét xử. Cả nước dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ đòi ân xá cho cụ Phan. Đông đảo thanh niên, công nhân, học sinh Nam Định đã ký đơn gửi toàn quyền Pháp đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Tại phiên toà xét xử cụ Phan, tú tài Nguyễn Khách Doanh, người làng Dầm, xã Nam Bình, huyện Nam Trực đã tự nguyện xin được chịu án thay cụ Phan.

Năm 1925, cụ Phan Chu Trinh về nước sau hơn 10 năm bị lưu đày và qua đời vào tháng 3-1926, gây xúc động lớn trong nhân dân cả nước. Lễ truy điệu cụ Phan được tổ chức trọng thể ở khắp mọi nơi. Tại Nam Định, nhà cầm quyền Pháp đã ngăn cấm việc tổ chức lễ truy điệu cụ Phan, điều đó đã gây phẫn nộ trong nhân dân Nam Định, tất cả các trường học ở thành phố Nam Định nhất loạt bãi khoá, một số giáo sư Trường Thành Chung, một số nhà Nho tiến bộ có uy tín và đông đảo nhân dân lao động đã tích cực đấu tranh buộc nhà cầm quyền Pháp phải nhượng bộ, đồng ý cho tổ chức lễ truy điệu cụ Phan. Đồng chí Lê Đức Thọ đã hoà mình vào phong trào học sinh yêu nước Thành Nam, nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động bãi khóa, dự lễ truy điệu Phan Chu Trinh tại nghĩa trang Bắc Tế, thành phố Nam Định.

Đến giữa năm 1927, ở Nam Định đã hình thành một số chi hội của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó có chi hội học sinh Trường Thành Chung mà nòng cốt là Học sinh đoàn. Từ Trường Thành Chung, Học sinh đoàn lan nhanh sang các trường học khác. Năm 1928, được thầy giáo Nguyễn Văn Tiến dìu dắt, đồng chí Lê Đức Thọ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một nhân cốt tích cực của Trường tiểu học Cửa Bắc.

Những năm 1929 - 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Định, phong trào cách mạng có bước chuyển mạnh. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân liên tiếp nổ ra, tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Đèn, công nhân Nhà máy Sợi, toàn thể thợ nhuộm, nữ công nhân máy Lờ... Hoạt động của Học sinh đoàn càng sôi nổi, đồng chí Lê Đức Thọ cùng với các đoàn viên, thanh niên cảm tình cách mạng đã tổ chức rải truyền đơn ở nhiều đường phố, cổ vũ tinh thần đấu tranh của công nhân, vạch mặt kẻ thù đàn áp phong trào. Với tinh thần, nhiệt huyết cách mạng và những hoạt động rất sôi nổi, tích cực, tháng 10-1929, người thanh niên ưu tú Lê Đức Thọ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.

Từ một thanh niên yêu nước trở thành đảng viên cộng sản là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của đồng chí Lê Đức Thọ.

Được tổ chức phân công phụ trách công tác thanh niên, học sinh, đồng chí Lê Đức Thọ chuyển sang học ở Trường tư thục Avơnia (Avenir). Đồng chí dành nhiều thời gian hoạt động phát triển tổ chức Hội, tuyên truyền sách báo yêu nước và cách mạng như tờ báo Thanh niên, cuốn Đường Cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Thời gian này, đồng chí đã tuyên truyền giác ngộ và tổ chức được nhóm Học sinh Đoàn gồm: Phan Văn Tùng, Dương Khắc Niệm, Trần Đức Quý và nhiều người khác. Sau một thời gian tích cực hoạt động, tại Trường Avơnia đồng chí đã tổ chức được một chi bộ, lúc đầu có bốn đảng viên do đồng chí làm Bí thư.

Không chỉ tuyên truyền giác ngộ thanh niên, học sinh ở thành phố, mỗi dịp về nghỉ hè ở quê nhà, đồng chí Lê Đức Thọ rất chú ý tuyên truyền cách mạng cho lớp thanh niên, cho những người ruột thịt trong gia đình mình như Phan Đình Dinh (tức Đinh Đức Thiện), Phan Đình Tạc, Phan Đình Thiều và Ngô Văn Ngoạn - những người đã tổ chức và thành lập chi bộ Đảng ở Địch Lễ ngay từ năm 1930.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Đảng bộ Nam Định mở một đợt hoạt động mạnh tại thành phố; các chi bộ nhà máy, trường học, đường phố cùng đồng loạt hành động. Đêm ngày 6, sáng ngày 7-11-1930, đồng chí Lê Đức Thọ cùng các đảng viên trong chi bộ học sinh đi rải truyền đơn và treo cờ Đảng ở nhiều đường phố và cũng tối hôm đó, gần như cùng một lúc các đảng viên và quần chúng cách mạng đã gây nhiều tiếng nổ lớn. Năm giờ sáng 7-11 giữa lúc công nhân Nhà máy Sợi đang đổi ca thì pháo lại nổ vang, công nhân hò reo náo nhiệt. Sự kiện này làm náo động Thành Nam, bọn địch hoảng hốt lùng sục ráo riết khắp nơi, bắt 54 đảng viên và quần chúng cách mạng, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Khám nơi ở của đồng chí tại nhà ông chú Phan Đình Ngô ở phố Hàng Cau, mật thám thu được nhiều sách báo cách mạng như Tia đỏ, Tin tức, Tranh đấu, Người lao động, Cộng sản huấn luyện. Đồng chí bị địch giam tại Sở Mật thám, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn kiên cường chịu đựng, kiên quyết bảo vệ đồng chí và cơ sở cách mạng. Sau khi hỏi cung và tra tấn hơn 1 tháng, chúng đưa đồng chí giam riêng ở xà lim, còng 2 chân suốt 3-4 tháng ròng. Ngày 27-1-1931 chúng đưa đồng chí ra xử ở Toà án Nam Định và bị kết án tù khổ sai chung thân. Đồng chí làm đơn chống án, toà thượng thẩm tại Hà Nội đã giảm án xuống 10 năm khổ sai, đây là mức án cao nhất của vụ án này. Giữa năm 1931, đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và được sự ủng hộ tích cực của phong trào Bình dân Pháp, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải trả lại tự do cho một số lớn tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ .

Ra tù, trở về Nam Định, đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau khi bắt được liên lạc với các đồng chí hoạt động công khai ở Nam Định (đồng chí Mẫn Cò, đồng chí Phúc, đồng chí Trí và đồng chí Hoạt (tức Bảo, là Xứ uỷ viên phụ trách Nam Định) và được giao phụ trách công tác báo chí công khai của tỉnh Nam Định và tham gia xây dựng cơ sở bí mật của Đảng ở địa phương. Đồng chí đã mở đại lý phát hành sách báo cánh tả mang tên Phan Khải, sau đổi tên Tin tức, công khai tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giới thiệu đường lối, chủ trương của Đảng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh kết hợp hoạt động công khai và bí mật, vừa giác ngộ công nhân, học sinh, vừa tổ chức xây dựng cơ sở bí mật.

Ngày 31-7-1939, mật thám bất ngờ lục soát, khám xét nhà cửa và bắt 22 đảng viên và quần chúng cách mạng, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ đưa về giam giữ tại Sở Mật thám Nam Định, đến ngày 1-8 mới thả. Ngay sau khi được thả, đồng chí Lê Đức Thọ đã gửi bức điện cho Toàn quyền Đông Dương với nội dung "chúng tôi cực lực phản đối việc khám nhà và bắt người hàng loạt ngày 31-7-1939. Chúng tôi cho rằng đó là việc làm trái với tự do dân chủ".

Biết rõ đồng chí Lê Đức Thọ là người lãnh đạo phong trào cách mạng công khai ở Nam Định nên mặc dù phải trả lại tự do cho đồng chí, bọn mật thám vẫn ngày đêm theo dõi, bám riết mọi hoạt động của đồng chí và đại lý sách báo cánh tả. Ngày 9-9-1939, cùng một lúc chúng mở hàng loạt vụ khám xét, bắt đồng chí Lê Đức Thọ cùng hầu hết các đảng viên quần chúng cốt cán hoạt động công khai. Ngày xử án, đồng chí Lê Đức Thọ  cùng các chiến sĩ cách mạng đã dựa vào việc nghị định ngày 28-9-1939 của Toàn quyền Đông Dương "cấm lưu hành và tàng trữ sách báo cộng sản" chưa đủ hiệu lực để tự cãi cho mình ngay tại phiên toà và kháng án lên Toà Thượng thẩm. Trước lý lẽ sắc bén của đồng chí Lê Đức Thọ và những chiến sĩ cộng sản, toà án thực dân buộc phải tha bổng và chỉ xử án treo phần lớn những người bị bắt. Nhưng ngay sau đó, dựa vào nghị định ngày 21-1-1940 "tập trung các phần tử nguy hiểm cho an ninh", chúng bắt lại đồng chí Lê Đức Thọ, kết án 5 năm tù và đưa đi giam giữ ở Hà Nội, Sơn La và Hoà Bình.

Truyền thống văn hiến, yêu nước của quê hương, truyền thống của dòng họ, gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc tới tuổi thơ của đồng chí Lê Đức Thọ, đó chính là những mạch nguồn tươi mát nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, thương dân của đồng chí.

Những năm tháng tuổi học trò và tuổi trẻ hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú tại quê nhà đã góp phần tôi luyện ý chí cách mạng, tinh thần kiên trung, bất khuất, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân; bồi đắp trí tuệ và phẩm chất cách mạng để đồng chí bước tiếp trên con đường cách mạng vinh quang và trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

4. Sau này, trong phần lớn cuộc đời cách mạng của mình, do sự phân công của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ không hoạt động ở địa bàn Nam Định, nhưng đồng chí luôn dành cho quê hương những tình cảm mặn nồng, sâu đậm

"Trở về thăm lại quê hương,

Sáu mươi năm mấy đoạn trường đã qua.

Đường đi ngàn dặm dù xa,

Tình quê vẫn thắm lòng ta dạt dào"[1].

Có lẽ, trên những chặng đường cách mạng chông gai, gian khổ, dù ở trong lao tù của đế quốc, trên đường hành quân hay những chiến trường ác liệt, trong sâu thẳm lòng mình, đồng chí vẫn dạt dào nỗi nhớ quê hương vì ở đó có làng quê chôn rau cắt rốn, có người mẹ hiền yêu dấu luôn thương yêu, động viên, khích lệ đồng chí. Yêu con và yêu nước, mẹ đã trở thành người cùng chí hướng với con mình.

"Hiểu con mẹ lại càng thương,

Thương con, thương nước vấn vương trong lòng.

Thế rồi mẹ lại chờ mong,

Mừng con đi tiếp chặng đường con đi.

Sớm khuya đồng chí đi về,

Mẹ nuôi, mẹ giấu một bề thuỷ chung".

Ở đó còn có những người thầy thương kính, bạn cũ, trường xưa:

"Mái trường thuở ấy Thành Nam,

Câu thơ thầy giảng chứa chan nghĩa đời"[2].

Và bạn bè, đồng chí của một thời thanh niên sôi nổi:

"Nhớ ngày Đảng mới dựng lên,

Truyền đơn, cờ đỏ treo trên phố này.

Nhớ khi báo Đảng công khai,

Phong trào hoạt động trong ngoài hăng say"3.

Trong tình quê hương, đồng chí Lê Đức Thọ dành cho đồng chí Trường Chinh những tình cảm thân thương, kính mến:

"Nhớ người lãnh đạo tài năng,

Khởi nghĩa Tháng Tám thành công lẫy lừng.

Đời anh sóng gió đã từng,

Đường đi trọn vẹn một lòng thuỷ chung"[3].

Yêu quê hương tha thiết, đồng chí càng tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương mình:

"Quê ta truyền thống Bạch Đằng,

Biết bao liệt sĩ, anh hùng phơi thơi"2.

Và căm hận lũ giặc xâm lược, đàn áp dân mình:

"Quê hương mấy chục năm trời,

Bao phen bão táp dập vùi gian nan.

Quân thù tàn bạo dã man,

Hàng trăm đồng chí bắt giam cực hình"3.

Đồng chí vui mừng khôn xiết khi quê hương được giải phóng:

"Nước nhà giải phóng từ đây,

Non Côi sông Vị ngày nay vững bền"4.

Và ngày càng đổi thay tươi đẹp:

"Nhớ xưa đói rét lang thang,

Cánh đồng chiêm trũng nước tràn mênh mông.

Ngày nay lúa trổ đầy đồng,

Nhà ai mái đỏ, vườn trồng đầy cam"5.

Đồng chí mong mỏi quê hương mình đổi mới:

"Làm sao đồng lúa thêm xanh,

Vải thêm áo mới cho anh cho nàng.

Trẻ em thêm sách học, thêm trường,

Bệnh viện đủ thuốc, đủ giường khang trang"6.

Những lần trở về thăm quê hương của đồng chí luôn để lại cho Đảng bộ và nhân dân Nam Định ấn tượng khó phai về tình cảm thắm thiết, sâu sắc của một người con xa quê. Lần nào cũng vậy, đồng chí luôn dành thời gian lắng nghe, chú ý tìm hiểu thực tiễn đời sống nhân dân, năng lực lãnh đạo của cán bộ địa phương, nắm bắt tình hình phát triển của Nam Định và có ý kiến động viên, chỉ đạo. Năm 1963, đồng chí Lê Đức Thọ cùng với Bác Hồ và đồng chí Lê Văn Lương về dự Đại hội Đảng bộ Nam Định lần thứ V, đồng chí căn dặn: "Các đồng chí và nhân dân Nam Định đấu tranh cách mạng rất anh dũng. Chúng ta đã dành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải dũng cảm tiến lên để giành những thắng lợi cách mạng to lớn hơn nữa".

Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh năm 1976, đồng chí Lê Đức Thọ đã nhấn mạnh: "Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc một cách quyết định vào trình độ mọi mặt và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên". Những lời căn dặn, chỉ đạo, cổ vũ của đồng chí cho tới nay vẫn mang tính thời sự, vẫn là những yêu cầu cấp thiết và là tài sản tinh thần quý giá, là nguồn động viên to lớn khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.

II- HỌC TẬP VÀ PHÁT HUY TINH THẦN CÁCH MẠNG VÀ TẤM GƯƠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC THỌ, ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN NAM ĐỊNH QUYẾT TÂM PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NAM ĐỊNH GIÀU MẠNH, VĂN MINH

Là một tỉnh, một Đảng bộ giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, quê hương, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn vô cùng tự hào và vinh dự vì nơi đây đã có nhiều chiến sĩ cách mạng kiên cường đi theo tiếng gọi của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác-Lênin, của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu; anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc tế cao cả và vì quê hương Nam Định thân yêu. Trong những lớp người đó, có nhiều đồng chí đã trở thành những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, những nhà lãnh đạo tài năng, kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tiêu biểu là đồng chí Trường Chinh - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương của Đảng và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối khác.

Cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách cao đẹp của các đồng chí là tài sản vô giá, làm rạng danh cho quê hương, đất nước và là những tấm gương sáng để Đảng bộ và nhân dân Nam Định học tập và noi theo.

Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đang tích cực thực hiện kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 – 10-10-2011) nhằm tưởng nhớ, tôn vinh người con ưu tú của quê hương, phát động phong trào thi đua yêu nước, học tập và noi gương tinh thần cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ và các bậc lãnh đạo tiền bối, quyết tâm xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh, trong đó tập trung thực hiện tốt vào một số nội dung trọng tâm là:

1- Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo trung thành với sự nghiệp cách mạng, hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Đây là khâu then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII chỉ rõ: Tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh hơn trong công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, năng lực lãnh đạo và đội ngũ cán bộ. Trước hết cần nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính thực tiễn của công tác chính trị, tư tưởng; kiên định nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời vận dụng sáng tạo trong các điều kiện cụ thể của địa phương. Thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên; kịp thời uốn nắn những lệch lạc, kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động của các thế lực thù địch trong lĩnh vực tư tưởng. Tiếp tục xây dựng tổ chức đảng, trọng tâm là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt coi trọng vai trò tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên thể hiện ở phẩm chất trung thành, tận tụy với đất nước, nhân dân, có năng lực chuyên môn, tinh thần kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ, như lời căn dặn của đồng chí Lê Đức Thọ: "Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc một cách quyết định vào trình độ mọi mặt và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên lúc này cần có lý luận cách mạng, hiểu biết về chuyên môn, khoa học - kỹ thuật và văn hóa, đồng thời phải nâng cao trình độ tổ chức thực hiện đi kịp với nhiệm vụ chính trị của Đảng".

2- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nam Định giàu mạnh, văn minh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định: "Tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng phát huy nội lực văn hóa, giáo dục và lợi thế về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển để tạo bước phát triển mới, nhanh, mạnh và vững chắc về kinh tế - xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ".

Để thực hiện mục tiêu đó, những định hướng phát triển cơ bản của tỉnh là: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển toàn diện ngành nông nghiệp sản xuất hàng hoá; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật, quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Tập trung đầu tư, phát triển, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu thu ngân sách. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp động lực, công nghiệp công nghệ cao để có sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thu hút nhiều lao động để thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và giải quyết việc làm, nhất là ở khu vực nông thôn. Tiếp tục thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ phát triển, phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống theo hướng hiện đại, văn minh. Tập trung cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Coi trọng, phát huy thế mạnh về văn hóa, giáo dục, trong đó chú trọng kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và quê hương Nam Định; giữ vững thành tích, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học. Trước mắt, trong 5 năm tới tập trung: Xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương và điều kiện cụ thể của tỉnh. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển kinh tế biển, trong đó tập trung xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Ninh Cơ. Xây dựng thành phố Nam Định sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng. 

3- Thực hiện dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Bài học rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng cũng là điều đồng chí Lê Đức Thọ luôn quan tâm nhắc nhở là "phải hết sức gần gũi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng". Học tập tinh thần ấy của đồng chí, trong nhiều năm qua, Đảng bộ Nam Định luôn xác định phải nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn công tác dân vận với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, của cán bộ, đảng viên. Khắc phục tình trạng giản đơn, hình thức, hướng các hoạt động về cơ sở, thực hiện tốt phương châm "Gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin"; đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân; phản ánh, đề xuất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc cụ thể của địa phương, đơn vị. Cùng với thực hiện tốt dân chủ, các cấp uỷ, chính quyền đang bằng nhiều biện pháp quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; tập trung giải quyết việc làm; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội; quan tâm chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với nước, người nghèo và trẻ em; đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện và xây dựng cộng đồng.

4- Tăng cường, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đó chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân làm nền tảng cho chiến lược bảo vệ Tổ quốc; tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biển.. 

Chủ động, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm. Giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn, không để bị động, bất ngờ.

Tuy Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định những mục tiêu tổng quát, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2015, nhưng Đảng bộ nhận thức sâu sắc rằng, quá trình tổ chức triển khai, thực hiện để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, biến quyết tâm chính trị thành hiệu quả thực tiễn là một trong những khâu quyết định nhất. Ở đây, Đảng bộ Nam Định càng thấm thía những lời căn dặn và học tập tinh thần cách mạng và kinh nghiệm lãnh đạo của đồng chí Lê Đức Thọ, một con người, như đánh giá của nhiều bạn chiến đấu, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng là: "được Đảng điều đến những nơi, những lúc và ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng" mà cụ thể là phải lường trước được những khó khăn, thử thách:

"Xây chủ nghĩa xã hội

Còn lắm bước chông gai

Đường đi không thẳng tắp

Quanh co còn kéo dài".

Nhưng phải nắm vững quy luật phát triển và có tinh thần lạc quan, cách mạng:

"Qua đêm là ngày đến

Mưa tạnh đẹp bầu trời

Cỏ cây tràn nắng mới

Chuyền cành chim ca vui".

Có tinh thần quyết tâm cao:

"Khó khăn không chùn bước

Không chán nản chờ thời".

Có cách nhìn toàn diện:

"Quan điểm phải toàn diện

Không chỉ nhìn một nơi".

Hành động linh hoạt, quyết đoán, kịp thời và sáng tạo:

"Chủ động và sáng tạo

Chính xác và kịp thời

Quyết định thật dứt khoát

Đừng nể nang xong thôi

Chớ vội vàng do dự

Không "đánh trống bỏ dùi"".

Phải có kế hoạch cụ thể, kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình:

"Kế hoạch cho đồng bộ

Bước đi cụ thể rồi

Phải tập trung dứt điểm

Tổng kết rút kinh nghiệm

Phổ biến cho kịp thời".

Mọi hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc Đảng:

"Giữ tập trung dân chủ

Có cơ chế hợp thời

Chống gia trưởng độc đoán

Lắng nghe hết mọi nơi".

Phát huy vũ khí phê bình, tự phê bình:

"Tự phê bình không lơi

Có ưu thì có khuyết

Chớ ngại mắc điều sai

Dám nhìn thẳng sự thật.

...

Ngã xuống thì đứng dậy

Biết tiến thì biết lui".

Giữ vững tình đồng chí và sự đoàn kết trong Đảng:

"Đoàn kết là sức mạnh

Quyết tiến tới tương lai".

Đây là những tổng kết vô cùng sâu sắc của đồng chí Lê Đức Thọ trong bài thơ "Lẽ sống" của đồng chí, với Đảng bộ và nhân dân Nam Định không chỉ là lẽ sống mà còn là phương châm, quan điểm, hành động vì nó đúng trong bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm cách mạng nào. Thật là một bài học lớn từ đồng chí Lê Đức Thọ mà Đảng bộ Nam Định, cán bộ Nam Định cần học tập để vượt lên thách thức, khó khăn, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu mạnh, văn minh, như ý nguyện thiết tha của đồng chí Lê Đức Thọ kính mến.



* Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định.

[1]. Bài thơ Tình quê hương của đồng chí Lê Đức Thọ tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định.

[2],3. Bài thơ Tình quê hương; bài Nghĩa tình của đồng chí Lê Đức Thọ tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định.

[3],2,3,4,5,6. Bài thơ Tình quê hương của đồng chí Lê Đức Thọ tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả