Đồng chí Lê Đức Thọ với công tác ngoại giao

Ngày đăng: 09/11/2011 - 09:11

Phạm Bình Minh*

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ - tên thật là Phan Đình Khải (10-10-1911 – 10-10-2011), thế hệ ngoại giao hôm nay thành kính và biết ơn tưởng nhớ về một nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng "có tài năng về nhiều mặt", "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng, để lại cho đồng bào, đồng chí chúng ta những tình cảm vô cùng quý mến"[1].

LDT23b

Trong cuộc hòa đàm lịch sử kéo dài 5 năm ở Pari (1968 - 1973), đồng chí Lê Đức Thọ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhà ngoại giao chiến lược thời đại Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị cho việc mở mặt trận ngoại giao, vừa đánh vừa đàm theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa III) tháng 1-1967, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 22-4-1968, khi bàn về việc đàm phán với Mỹ, Bác Hồ đã dự định: "Việc tiếp xúc với Mỹ phải chuẩn bị kỹ, lấy anh Sáu (tức anh Lê Đức Thọ) tham gia đoàn, có thể làm cố vấn"[2]. Sau khi đã trao đổi thống nhất với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác Hồ đã trực tiếp viết thư gửi Bộ Chính trị yêu cầu đồng chí Lê Đức Thọ bàn giao cho đồng chí Phạm Hùng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, những công việc mà đồng chí được Bộ Chính trị phân công về cách mạng miền Nam để nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Lê Đức Thọ vừa được cử vào miền Nam tháng 2-1968 để cùng Trung ương Cục miền Nam tham gia lãnh đạo cách mạng miền Nam, lại được điều ra miền Bắc để đi Pari "nói chuyện" với Mỹ. Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công đồng chí cùng với đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách mặt trận ngoại giao, đồng chí Lê Đức Thọ đặc trách chỉ đạo đàm phán Pari với vai trò công khai là Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Bộ trưởng Xuân Thủy là Trưởng đoàn.

Khi chọn người làm "Cố vấn đặc biệt" cho đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với đoàn đàm phán Chính phủ Hoa Kỳ, Bác Hồ biết rằng: đàm phán với các chính khách chuyên nghiệp, lọc lõi và cơ mưu của Hoa Kỳ - siêu cường hùng mạnh, trong lịch sử cận đại chưa từng thua cuộc chiến tranh nào, có ưu thế tuyệt đối về phương diện chiến tranh so với Việt Nam, là một việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Đây là một cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go ở một trung tâm của phương Tây, xa Trung ương, nên lãnh đạo đàm phán trực tiếp không chỉ cần tinh thần cách mạng tiến công và ý thức kỷ luật mà còn phải có tầm tư duy chiến lược, bản lĩnh vững vàng và phương pháp sáng tạo, khôn khéo. Đồng chí Lê Đức Thọ là người thích hợp nhất khi đó vì ở đồng chí có sự hội tụ đủ các yêu cầu của một nhà đàm phán quốc tế về mọi vấn đề liên quan tới chiến tranh và hòa bình của Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền.

Là "một người năng nổ, xông xáo, kiên nghị, thường được cử đi những nơi quyết định vào những lúc quyết định"[3], nên khi được Bác Hồ và Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách đàm phán trực tiếp với Mỹ, đồng chí xác định đó là một nhiệm vụ cách mạng và ý thức sâu sắc được những thuận lợi và khó khăn cần phải khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này. Trước khi sang Pari, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Bác Hồ trực tiếp gặp và dặn dò, giao nhiệm vụ. Trong suốt quá trình chỉ đạo và thực hiện trực tiếp đàm phán với đại diện của Mỹ ở Pari, đồng chí đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng triệt để tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Từ đây có thể rút ra một số bài học quý báu cho thế hệ ngoại giao Việt Nam hôm nay và mai sau:

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác ngoại giao nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia.

Là Uỷ viên Bộ Chính trị, được đồng chí Lê Duẩn ủy quyền là "Tư lệnh chiến trường" có "toàn quyền" ở mặt trận đàm phán Pari, nhưng đồng chí Lê Đức Thọ đã luôn quán triệt sâu sắc và giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách, duy trì "mối liên hệ chặt chẽ với Hà Nội, trực tiếp báo cáo tình hình cuộc đàm phán, nêu lên các sáng kiến và tiếp nhận những chỉ thị của Bộ Chính trị để tiến hành đàm phán"[4].

Trong trường hợp chưa có sự thống nhất về một nhận định đánh giá hay về một kiến nghị cụ thể nào đó giữa "Pari" với "Hà Nội", đồng chí luôn chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Sau cuộc gặp riêng ngày 11-10-1968 tại nhà riêng của đoàn Mỹ ở phố Touraine (Tuaren), thị trấn Sceaux (Sô) giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy với Hariman và C. Vanxơ, trong khi một thỏa thuận chung về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và sau đó họp bốn bên có cả Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn đang tiến tới trong tầm tay thì chiều 13-10-1968, Cố vấn Lê Đức Thọ nhận được chỉ thị của Hà Nội, trong đó yêu cầu đòi "Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận và chính quyền Sài Gòn phải thay đổi chính sách. Như vậy mới có hội nghị bốn bên được"[5]. Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy cùng các thành viên trong đoàn suy nghĩ, trao đổi rất nhiều về việc làm sao có thể thi hành được một chỉ thị quá khó khăn này.

Ta cần đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng lúc đó vẫn còn trên nửa triệu quân Mỹ và quân Đồng minh cộng với 70 vạn quân ngụy và hệ thống chính quyền địch kiểm soát phần lớn miền Nam. Mỹ tuy bị áp lực bầu cử tổng thống sắp tới, song trên chiến trường, kế hoạch tấn công của ta đợt 2 (tháng 5), đợt 3 (tháng 8) sau Tết Mậu Thân đều không thực hiện được, lực lượng của ta cũng đã có tổn thất lớn. Như vậy, yêu cầu này là quá cao, không phản ánh đúng tương quan lực lượng trên chiến trường. Cả đêm đó và cả sáng hôm sau đoàn họp rất căng thẳng. Nếu thực hiện theo chỉ thị thì có nguy cơ bỏ lỡ thời cơ buộc Mỹ chấm dứt ném bom và họp bốn bên và còn có thể dồn đối phương vào đường cùng liều lĩnh. Thời gian thì không còn nhiều, thời cơ sẽ qua nhanh. Cần báo cáo hỏa tốc về Hà Nội, có thể Hà Nội chưa có đủ thông tin cần thiết, dùng điện thì không thể trao đổi hết được tình hình.

Sáng 14-10, đồng chí Lê Đức Thọ cấp tốc rời Pari, tới Bắc Kinh đã có một chuyên cơ chờ và ngày 16-10 đã về tới Hà Nội. Đây là chuyến đi nhanh nhất của Cố vấn Lê Đức Thọ từ Pari về Hà Nội trong suốt thời gian đàm phán ở Pari. Trong ba ngày 17, 18, 19-10-1968, Bộ Chính trị đã họp liên tục để nghe báo cáo và thảo luận về tình hình đàm phán ở Pari. Trong chỉ thị gửi cho đoàn ở Pari ngày 20-10-1968 có sự điều chỉnh: "Vấn đề đòi Mỹ nói chuyện với Mặt trận và đòi Sài Gòn thay đổi chính sách không phải là điều kiện bắt buộc Mỹ phải chấp nhận trước, sau này vào hội nghị bên ta sẽ tiếp tục đấu tranh"[6]. Thế là sự cố "trục trặc" đầu tiên giữa "Pari" với "Hà Nội" đã được hóa giải, cả Đoàn thở phào nhẹ nhõm và tranh thủ thời gian để kịp đi tới thỏa thuận về việc Mỹ quyết định chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện ngày 31-10-1968 và sau đó sẽ tiến hành họp bốn bên. Đây là thắng lợi ngoại giao quan trọng đầu tiên trong triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa III): "Trước mắt, chúng ta cần tập trung vào khẩu hiệu đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"[7].

Thắng lợi ngoại giao này đã phục vụ trực tiếp cho lợi ích đất nước. Từ đây, miền Bắc có điều kiện thuận lợi hơn để khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh phá hoại, xây dựng hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam, đồng thời họp bốn bên sẽ mở ra triển vọng mới cho đàm phán, tiến tới giải pháp. Ý thức sâu sắc về lợi ích dân tộc tối cao một cách tự nhiên đã thấm vào máu đồng chí Lê Đức Thọ ngay từ những năm tháng của hai đợt tù đày lao khổ 11 năm của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi (tháng 10-1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 10-1930 đã bị địch bắt lần đầu và bị kết án 10 năm tù khổ sai đi Côn Đảo). Chính vì vậy mà trong suốt quá trình đàm phán, đồng chí luôn nặng lòng với lợi ích thiết thân của đồng bào, đồng chí. Khi Mỹ muốn trì hoãn việc trao trả tù chính trị ở miền Nam Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đã công phẫn thực sự với đối phương: "Ông hãy tự đặt mình vào địa vị tôi. Tôi sẽ ăn nói thế nào với nhân dân tôi nếu tôi ký kết với ông mà anh em đồng chí tôi không ra khỏi nhà tù?"[8].

Hai là, nâng tầm tư duy chiến lược và tập trung trí tuệ tập thể vào công tác nghiên cứu chiến lược để xây dựng các luận cứ khoa học cho các sáng kiến, kiến nghị và giải pháp trong quá trình đàm phán.

Tư duy chiến lược của đồng chí Lê Đức Thọ đã được phát triển trong quá trình tham gia lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã được cử vào Thường vụ Trung ương tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào tháng 8-1945. Ý chí về thống nhất đất nước của đồng chí đã được thể hiện trong bài thơ Tình Nam Bắc viết kỷ niệm một năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1946). Tháng 12-1946, đồng chí dự Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định toàn quốc kháng chiến do Bác Hồ chủ trì. Về văn bản dự thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đồng chí Lê Đức Thọ có đề nghị thêm vào 5 chữ được hội nghị nhất trí hoàn toàn.

Từ hoạt động thực tiễn cách mạng đa dạng và sự cầu thị, kiên trì học hỏi, tư duy chiến lược của đồng chí Lê Đức Thọ ngày càng được hoàn thiện. Trong quá trình chỉ đạo đàm phán ở Pari, đồng chí luôn kết hợp phát huy tối đa trí tuệ tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân. Đồng chí tâm sự với anh em làm nghiên cứu: "Đánh Mỹ trên chiến trường đã khó, đấu với Mỹ trên bàn đàm phán chắc không phải dễ. Phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, học hỏi. Ở đây xa Trung ương nên phải tập thể bàn bạc cho kỹ và Trung ương ở xa nên ta phải chủ động nghiên cứu đề xuất"[9].

Thấm nhuần lời dặn của Bác: "Muốn thành công, phải biết trước mọi việc", đồng chí yêu cầu bộ phận nghiên cứu trước tiên phải: nắm chắc "tình hình nước Mỹ, nghiên cứu kỹ lưỡng các mặt chiến lược, sách lược, có nhiều phương án tấn công địch, từng bước thăm dò ý đồ đối phương"[10]. Do đã công tác nhiều năm ở chiến trường Nam Bộ (đã từng kiêm chức Chính ủy Phân khu miền Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp), rất nhớ địa danh và các địa phương, hiểu đặc điểm một số đơn vị, thậm chí tình hình các vị chỉ huy, nên để đánh giá tình hình chiến trường thật khách quan, đồng chí Lê Đức Thọ đề ra những yêu cầu rất cao về thu thập và xử lý thông tin. Tổ quân sự phải liên lạc thường xuyên với "nhà" để nắm tình hình mới nhất và Bộ Tổng Tham mưu đã phải huy động mọi khả năng có thể để đáp ứng yêu cầu của Đoàn đàm phán. Đối với một số đồng chí làm công tác báo chí, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm thấy sự lợi hại của làng báo Pari, nên đã chỉ thị: nhiệm vụ chính ở Pari là tiếp xúc các nhà báo quốc tế để thu thập, khai thác tin tức, tình hình.

Là người lãnh đạo cao nhất của ta trong đàm phán, lại là người có bản lĩnh vững vàng, có tính quyết đoán cao, nhưng đồng chí Lê Đức Thọ không bao giờ võ đoán. Làm việc gì, nhất là việc đưa ra những quyết định quan trọng, đồng chí đều bắt đầu từ sự phân tích tỉ mỉ tình hình, rút ra những kết luận cần thiết rồi xử lý một cách linh hoạt[11]. Ngay sau sự kiện Lonnon làm đảo chính lật đổ Xihanúc (18-3-1970), đồng chí đã phân tích sự kiện này liền một mạch gần hai tiếng đồng hồ không nghỉ trong phòng "đặc biệt" và dự đoán rồi đây Mỹ sẽ đưa quân đánh vào Campuchia. Nhận định của đồng chí Lê Đức Thọ gửi về Hà Nội đã được "nhà" chấp nhận và sự thật cũng đã diễn ra đúng như dự đoán: ngày 24-4-1970, Níchxơn đã cho quân Mỹ đánh vào Campuchia. Kết quả cụ thể của tư duy chiến lược phải là dự báo chính xác để định hướng đúng cho chuẩn bị các phương án và huy động lực lượng.

Đồng chí Lê Đức Thọ không chỉ nghe báo cáo, mà còn trực tiếp đọc kỹ các biên bản từng cuộc họp công khai và bí mật; nhận xét phát biểu của Mỹ và ý kiến của các thành viên trong đoàn; gợi ý cần tìm hiểu ý đồ, thăm dò thái độ, quan điểm của Mỹ và tự mình chuẩn bị nội dung phát biểu cho từng phiên họp[12]. Quán triệt sâu sắc tư tưởng chiến lược của Bác Hồ "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" và chỉ thị của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn là "Mỹ phải ra, còn quân ta ở lại", sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc không điều kiện, đồng chí Lê Đức Thọ đã chỉ đạo cho CP50 nghiên cứu công thức để trình Bộ Chính trị: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chiến đấu để bảo vệ nước Việt Nam là quyền thiêng liêng của mọi người Việt Nam từ Nam đến Bắc. Sau khi Mỹ rút hết quân và chấm dứt can thiệp vào miền Nam, vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam do các bên Việt Nam cùng giải quyết"[13]. Đây là một trong các nội dung cốt lõi được thể hiện trong Hiệp định được ký kết sau này. Đồng thời, đồng chí cũng đã giao cho tổ quân sự nhiệm vụ nghiên cứu rút kinh nghiệm các điều khoản quân sự của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, dự kiến các âm mưu, thủ đoạn của Mỹ trong cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh, đánh giá tương quan lực lượng ở chiến trường, chỗ mạnh, chỗ yếu của mỗi bên, cuối cùng là dự thảo các điều khoản quân sự về ngừng bắn, rút quân và kiểm soát[14].

Trong một phiên họp với phía Mỹ vào mùa hè năm 1972, đồng chí Lê Đức Thọ đã chỉ rõ những căn nguyên tại sao Mỹ lại lảng tránh đề nghị của ta về việc phải thay nhóm Nguyễn Văn Thiệu, Henri Kítxinhgiơ buộc phải thừa nhận rằng: "Sự phân tích của Lê Đức Thọ về chiến lược của Hoa Kỳ là đúng và khôn ngoan"[15]. Vào cuối tháng 11-1972, khi cuộc đàm phán mật vào hồi gay cấn nhất, đồng chí Lê Đức Thọ cùng đồng chí Xuân Thủy sang thăm đoàn miền Nam ở Vơrie lơ Buysông. Sau khi bàn xong kế hoạch đấu tranh công khai tại Hội nghị Clêbe, đồng chí Lê Đức Thọ đã nhắn nhủ đoàn bằng một câu Kiều:

"Dằn lòng chờ đợi ít lâu

Chầy ra thì cũng năm sau vội gì".

"Hai tháng sau, tháng 1-1973, Hiệp định Pari về Việt Nam đã được ký kết"2.

Ba là, khôn khéo giữ vững độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế.

Một trong những khó khăn lớn đối với đàm phán của ta ở Pari là sự khác biệt về quan điểm đối với đàm phán và mâu thuẫn Xô - Trung. Vào thời gian đó, trên thế giới có tâm lý ngại Mỹ và sợ Mỹ. Có lời khuyên không đàm phán, cứ đánh. Có ý kiến lại thúc giục đàm phán thật nhanh! Hai đồng minh chiến lược của ta là Liên Xô và Trung Quốc lại từ mâu thuẫn trong quan hệ về đường lối của Đảng đã dần chuyển thành mâu thuẫn đối kháng giữa hai Nhà nước, thậm chí đã xảy ra chiến tranh biên giới giữa hai nước năm 1969. Mỹ đã tận dụng tối đa mâu thuẫn này để ép ta. Vấn đề đặt ra là làm sao để vẫn vừa tranh thủ được sự ủng hộ của cả Liên Xô và Trung Quốc, vừa độc lập, chủ động được trong quyết sách, bảo vệ tốt nhất lợi ích của đất nước. Trong những chuyến đi về Hà Nội, khi qua Mátxcơva và Bắc Kinh, đồng chí Lê Đức Thọ đã khéo léo thông báo cho lãnh đạo từng nước về cuộc đấu tranh ngoại giao của ta, tranh thủ, thuyết phục hai nước anh em đồng tình với các chủ trương đối ngoại của ta. Năm 1972, khi đàm phán đang đi tới hồi kết thì ta cũng phải đối mặt với thách thức lớn: hòa hoãn Mỹ - Xô - Trung. Trước khi Tổng thống Níchxơn đến Bắc Kinh độ nửa tháng, bạn gợi ý ta là trong thời gian Níchxơn ở Trung Quốc, đồng chí Lê Đức Thọ có thể gặp gỡ "thảo luận nghiêm chỉnh" với Kítxinhgiơ ở đó. Sáu ngày trước khi Níchxơn chính thức thăm Liên Xô, bạn lại nêu vấn đề Kítxinhgiơ muốn gặp riêng ta tại Mátxcơva và sẵn sàng giúp đỡ ta tổ chức cuộc gặp đó. Ta đã nhã nhặn từ chối hai gợi ý đó và buộc Mỹ phải tiếp tục đàm phán trực tiếp với ta ở Pari. Đồng thời Cố vấn Lê Đức Thọ cũng nói thẳng và rất kiên quyết với Kítxinhgiơ: "Trong mấy năm qua, các ông đã chạy vạy chỗ này chỗ kia để tìm ra lối thoát nhưng không biết các ông có rút được kinh nghiệm không? Thực ra các ông chỉ uổng công vô ích, làm phức tạp thêm vấn đề cho các ông... Không có cách thần kỳ nào để giải quyết vấn đề Việt Nam ngoài cách đàm phán nghiêm chỉnh với chúng tôi ở Hội nghị Pari trên cơ sở những đề nghị của chúng tôi và những đề nghị của các ông. Trong một ván cờ, quyết định thắng bại phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi"[16].

Sau chuyến thăm của Tổng thống Níchxơn tới Bắc Kinh và Mátxcơva, Kítxinhgiơ thường tỏ thái độ khiêu khích trong đàm phán. Có lần mới vào họp, Kítxinhgiơ đã hỏi ngay Cố vấn Lê Đức Thọ: "Ngài Cố vấn qua Bắc Kinh, Mátxcơva, chắc đã được nghe bạn của ngài thông báo về ý kiến của chúng tôi trong đợt đàm phán này?". Cố vấn Lê Đức Thọ đã đáp trả ngay: "Chúng tôi chiến đấu chống quân đội các ông trên chiến trường, cũng chính chúng tôi đàm phán với các ông trên bàn hội nghị. Bạn chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi, nhưng không làm thay chúng tôi"[17]. Ý chí sắt đá và tinh thần độc lập, tự chủ của tổ tiên được kế thừa, hun đúc trong tư tưởng Hồ Chí Minh: "Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào"[18] luôn được đồng chí Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và tập thể đoàn đàm phán quán triệt và thực hiện một cách khôn khéo và triệt để trong suốt quá trình đàm phán ở Pari.

Tinh thần độc lập, tự chủ, chủ động tiến công của cả Đoàn đàm phán trên toàn mặt trận ngoại giao ở Pari đã góp phần tạo ra sức mạnh đoàn kết quốc tế to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và buộc đối phương không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đàm phán nghiêm chỉnh với ta ở Pari. Đồng thời, sự khôn khéo trong ứng xử cũng đã giúp ta vẫn tranh thủ được tối đa trong chừng mực có thể sự giúp đỡ của cả Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Bốn là, quán triệt sâu sắc phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong xác định mục tiêu cụ thể, biện pháp và hình thức đấu tranh ngoại giao.

"Mỹ phải ra, còn quân ta ở lại" là vấn đề hóc búa nhất trong quá trình đàm phán. Ta đã kiên trì và quyết tâm đấu tranh hàng năm để đạt được sự thỏa thuận đó. Đồng chí Lê Đức Thọ đứng mũi chịu sào về vấn đề này. Đây là một trách nhiệm rất lớn trước Đảng và nhân dân. Đối với bộ phận nghiên cứu giải pháp, đồng chí nhắc nhở: "Các cậu vẽ ra bao nhiêu phương án cũng được, càng nhiều phương án càng tốt, nhưng phải nhớ lời Bác "dĩ bất biến, ứng vạn biến", cái bất biến là Mỹ phải rút hết quân, còn quân miền Bắc thì vẫn tiếp tục ở lại miền Nam"[19]. Chính tài chèo lái của đồng chí Lê Đức Thọ tại bàn đàm phán đã đưa đến kết quả là Mỹ rút quân mà không nhắc đến sự có mặt của quân đội Bắc Việt Nam tại miền Nam Việt Nam và đòi hai bên cùng rút nữa. Ngoài lý lẽ đầy sức thuyết phục, đồng chí đã tỏ ra rất kiên nhẫn nghe đối phương, nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình[20].

Để khuất phục được Kítxinhgiơ - một chính khách lọc lõi và mưu mô, bản thân đồng chí Lê Đức Thọ đã lao tâm, khổ lực tìm hiểu con người Kítxinhgiơ, nghiên cứu thấu đáo tình hình, chuẩn bị ý tứ của từng câu chữ cho phát biểu trong từng phiên họp để sao cho đối phương thấy rõ quyết tâm của ta là dứt khoát không có chuyện rút quân về miền Bắc, hiểu được ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của cả một dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt mấy ngàn năm lịch sử đã đấu tranh kiên cường vì nền độc lập và tự do của Tổ quốc. Trong từng phiên họp với Kítxinhgiơ, đồng chí còn phải đấu trí quyết liệt, vạch ra những mưu mô ẩn náu đằng sau những tuyên bố của đối phương, buộc họ phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề.

Đối với chương trình 7 điểm do Kítxinhgiơ đã đưa ra trong cuộc họp ngày 31-5-1971 (tuy đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra một giải pháp toàn Đông Dương, Mỹ sẵn sàng định thời hạn rút hết quân Mỹ, còn việc rút quân của Việt Nam do người Đông Dương giải quyết với nhau, nhưng lại "lờ đi" vấn đề chính trị...), đồng chí Lê Đức Thọ đã phê phán: "Các ông có thật sự giải quyết hay còn giở nhiều thủ đoạn nữa. Đó là điều chúng tôi rất băn khoăn, nghi ngờ vì qua các đề nghị của ông chúng tôi thấy các ông chưa thật sự muốn giải quyết. Các ông đặt cách giải quyết vấn đề chưa đúng. Trước hết, các ông muốn tách vấn đề quân sự với vấn đề chính trị. Nhưng đó là một đề nghị không thực tế. Hồi đầu năm 1970, các ông đã đồng ý thảo luận vấn đề quân sự và vấn đề chính trị đi đôi. Không có cuộc chiến tranh nào mà lại không có mục đích chính trị. Quân sự chỉ là một thủ đoạn, một phương tiện để đạt được mục đích chính trị mà thôi... Nếu cuộc chiến đấu của chúng tôi không đạt được mục đích chính trị, tức là hòa bình, tự do, độc lập thực sự, thì cuộc chiến đấu đó còn tiếp tục. Các ông đề nghị giải quyết vấn đề quân sự rồi ngừng bắn ngay trong khi chưa giải quyết vấn đề chính trị là nhằm mục đích củng cố ngụy quyền tay sai... để tiếp tục Việt Nam hóa chiến tranh... Nếu các ông còn duy trì chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thì không giải quyết được vấn đề"[21].

Trong các cuộc đấu trí quyết liệt với các nhà thương lượng Mỹ, Cố vấn Lê Đức Thọ rất giữ vững nguyên tắc, kiên nhẫn bảo vệ quan điểm của mình, không lùi bước trước sức ép nào, không nao núng trước sự đe dọa nào. Ông thường đưa ra những lập luận sắc sảo và dồn đối phương vào thế bị động đối phó. Trong cuộc gặp bí mật ngày 24-11-1972, Tiến sĩ Henri Kítxinhgiơ cố tình đọc cho Cố vấn Lê Đức Thọ nghe hai bức điện với lời lẽ đe dọa mạnh mẽ của Tổng thống R. Níchxơn, Cố vấn đã bình tĩnh nghe hết hai bức điện rồi cất lên tiếng cười và chậm rãi nói bằng một giọng đanh thép: Chúng tôi biết giờ phút này là quyết định lắm. Chúng tôi có trách nhiệm với nhân dân, với Tổ quốc chúng tôi. Chúng tôi biết nếu chiến tranh tiếp tục nữa thì tổn thất rất lớn, nhưng nhân dân chúng tôi không thể chấp nhận một hiệp ước đầu hàng trá hình. Nếu không giải quyết được thì tất nhiên chúng tôi phải chiến đấu, dù muốn hay không muốn.

Đối với những vấn đề không thuộc về nguyên tắc, đồng chí Lê Đức Thọ luôn linh hoạt, ứng biến uyển chuyển theo lời dạy của Bác Hồ: "dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức"[22]. Chẳng hạn, về tương lai của miền Nam, trong khi đối thoại với Kítxinhgiơ, đồng chí nói: "Miền Nam Việt Nam không thể trở thành thuộc địa kiểu thực dân mới, nhưng cũng không phải xã hội chủ nghĩa mà phải thực sự độc lập và trung lập, phải có một chính phủ hòa hợp dân tộc gồm các bên"[23]. Hay về tên gọi của hiệp định, đồng chí Lê Đức Thọ cũng nhắc CP50 "đưa công thức để phía Mỹ có thể chấp nhận được, tránh từ xâm lược... với tên gọi: "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình" vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân ta, phù hợp với mong muốn của dư luận quốc tế, vừa tạo điều kiện cho Mỹ rút lui trong danh dự"[24].

Trong ứng xử với đối phương, đồng chí Lê Đức Thọ luôn chủ động với phong thái ung dung, tự tại, uyển chuyển, khiêm nhường của người đại diện cho một dân tộc chính nghĩa và văn hiến. Khắc sâu lời dặn của Bác: Làm ngoại giao thì phải nhanh trí, biết đối đáp có lý lẽ, buộc đối phương phải chịu, mới gìn giữ được quốc thể, đồng chí luôn ứng đối linh hoạt với những luận điểm sắc bén. Có lần khi đồng chí phê phán đề nghị rút quân mà Kítxinhgiơ đưa ra là một bước lùi so với những thoả thuận mà hai bên đã đạt được từ trước, Kítxinhgiơ đáp lại: "Lênin nói: một bước tiến, hai bước lùi. Tôi học tập Lênin đấy". Đồng chí đập lại ngay: "Chủ nghĩa Lênin phải được vận dụng linh hoạt. Còn ông thì máy móc". Một lần khác, đồng chí đã khôn khéo nói với đại diện Mỹ rằng, tôi thấy đề nghị của các ông cũng được, nhưng trong đoàn chúng tôi có luật gia Lưu Văn Lợi, theo ông ấy thì về mặt pháp lý không thể chấp nhận được. Tiến sĩ Kítxinhgiơ vừa phải nể người đối thoại, vừa ngại các cố vấn trong đoàn.

Trong hồi ký Ở Nhà Trắng, Henri Kítxinhgiơ đã viết về đối thủ của mình: "Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán xám hoặc marông, đôi mắt to và sáng, ít khi để lộ sự cuồng tín đã thúc đẩy ông hồi mười sáu tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp. Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo. Lê Đức Thọ tiếp tôi với một sự lễ phép có khoảng cách của con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một kiểu lễ phép gần như sự hạ cố".

"Một hai lần" mà Kítxinhgiơ ám chỉ ở trên có cuộc gặp đầu tiên sau trận ném bom B.52 của Mỹ ở Hà Nội. Trên đường tới cuộc gặp, ngày 8-1-1973, tại địa điểm của ta ở Gifsur Yvette, đồng chí Lê Đức Thọ đã nói trước với đồng chí phiên dịch Nguyễn Đình Phương: "Hôm nay mình sẽ phê phán Mỹ mạnh đấy, mình sẽ nói thong thả cho cậu dịch, mình sẽ nói Mỹ ném bom trong đợt Nôen là ngu xuẩn, cậu dịch câu ấy cho đúng tinh thần". Để biểu thị thái độ, đoàn ta ngồi tại bàn họp, không ai ra đón đoàn Mỹ như thường lệ. Mở đầu cuộc họp, nhìn thẳng vào mặt Kítxinhgiơ, Cố vấn Lê Đức Thọ lạnh lùng, nghiêm nghị hơn mọi hôm, bình tĩnh tấn công ngay, phê phán rất mạnh thủ đoạn xảo trá của Mỹ. Kítxinhgiơ cúi mặt không dám nhìn lại, chỉ nói: "Tôi có nghe thấy những tính từ... Tôi đề nghị đừng dùng những tính từ đó". Cố vấn Lê Đức Thọ đáp: "Tôi dùng những tính từ đó là kiềm chế lắm rồi, chứ dư luận thế giới, các nhà báo và ngay các nhân vật ở Mỹ còn dùng những câu dữ dội hơn nhiều". Sự ứng phó linh hoạt "vạn biến", "nhu" và "cương" đều đúng lúc và có lý của đồng chí Lê Đức Thọ đã buộc đối phương phải vị nể, khuất phục.

Năm là, kết hợp uyển chuyển giữa đàm với đánh trong bối cảnh ngoại giao đã trở thành một mặt trận nhằm tạo dựng và nắm bắt thời cơ để có thể xoay chuyển cục diện đánh - đàm sao cho có lợi nhất cho ta trong quá trình thực hiện phương châm giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Từ kinh nghiệm xương máu của Hiệp định Giơnevơ và từ chiến trường Nam Bộ trực tiếp đánh Mỹ - tới thẳng Pari để "nói chuyện" với Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ thấu hiểu sâu sắc vai trò riêng và mối quan hệ giữa "đánh" và "đàm" trong bối cảnh mới. Kết quả đàm phán trước hết tuỳ thuộc vào thực tế và chiều hướng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Bác Hồ đã chỉ rõ: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn"[25]. Đồng thời, ngoại giao cũng có vai trò rất quan trọng. Nghị quyết Trung ương 13 (khóa III) khẳng định: "Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động"[26].

Với tư duy chiến lược sắc sảo và sự am hiểu chiến trường miền Nam từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ luôn chỉ đạo sát sao công tác nghiên cứu để đánh giá thật khách quan tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường miền Nam cũng như tình hình nội bộ đối phương nhằm xác định đúng mục tiêu cụ thể của từng bước đàm phán, sáng tạo những biện pháp đấu tranh thích hợp trong từng phương án cụ thể để phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự cùng mặt trận chính trị tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi từng bước và khi có đủ điều kiện chín muồi thì chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đã làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Mỹ phải nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với phiên họp đầu tiên ở Hội trường Clêbe (Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Pari) ngày 13-5-1968. Khác với đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ (đánh xong Điện Biên Phủ mới họp) đàm phán Pari bắt đầu khi ta đang đánh quyết liệt trên cả hai miền Nam, Bắc, nên đánh và đàm có thể hỗ trợ nhau. Việc Mỹ chấp nhận ngừng ném bom miền Bắc không điều kiện ngày 31-10-1968 đã hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự ở chiến trường miền Nam (lúc này ta cũng đang gặp khó khăn sau Tổng tiến công).

Ở Hội nghị Giơnevơ, các nước lớn trực tiếp đàm phán với nhau, vai trò của ta cũng bị hạn chế. Trong đàm phán Pari, ta trực tiếp đối thoại với Mỹ trong cục diện đánh - đàm kéo dài, nên có thể khai thác tối đa mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ (đặc biệt khi bầu cử tổng thống ở Mỹ cuối năm 1968 và cuối năm 1972) và mâu thuẫn giữa Mỹ với chính quyền Sài Gòn để tấn công đối phương. Cuộc tiến công chiến lược xuân hè 1972 ở chiến trường miền Nam đã hỗ trợ cho đợt tấn công ngoại giao tháng 10-1972 và thắng lợi oanh liệt của trận "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972 đã buộc Mỹ không còn lựa chọn nào khác hơn là phải ký kết hiệp định.

Khác với Hội nghị Giơnevơ, khi ta chỉ là một thành phần tham gia với tiếng nói hạn chế, lần này ta đã chủ động mở cả một mặt trận ngoại giao có các "binh chủng" khác nhau, kết hợp đàm phán với chiến trường và quốc tế, kết hợp giữa đàm phán ở Pari với trong nước cùng chung sức hiệp đồng tác chiến. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Duy Trinh, CP50 ở trong nước đã quán triệt được quan điểm của Bộ Chính trị và thông qua thảo luận tập thể có sự đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch nên đã hình thành kịp thời văn bản Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và một số nghị định thư cần thiết trình Bộ Chính trị thảo luận và thông qua. Còn tại Pari, ta đã phối hợp nhịp nhàng giữa hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, "hai mà một" và "một mà hai". Những sáng kiến về giải pháp quan trọng nhất đưa ra trước diễn đàn công khai ở Pari đều được dành cho đoàn miền Nam để khẳng định địa vị pháp lý quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời và tranh thủ rộng rãi dư luận và sự ủng hộ quốc tế.

Cố vấn Lê Đức Thọ đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa đàm phán với đấu tranh dư luận phục vụ cả đàm phán và chiến trường. Đồng chí đã trực tiếp tác động vào nội bộ Mỹ, tranh thủ dư luận Mỹ ngay trong các phiên họp. Đồng thời, đồng chí chỉ đạo tập hợp lực lượng báo chí làm công tác tuyên truyền tranh thủ tất cả các diễn đàn để vừa đề cao chính nghĩa và thiện chí hòa bình của ta, vừa tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy, phê phán các thủ đoạn nhằm hạn chế cuộc chiến đấu của ta như đòi hai bên cùng xuống thang, cùng rút quân, khôi phục khu phi quân sự, v.v. nhằm tranh thủ tối đa sự đồng tình và ủng hộ của dư luận thế giới đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đồng chí luôn khuyến khích cán bộ phát huy vai trò cá nhân trong công tác: "Các cậu cứ mạnh dạn mà phát biểu không phải việc gì cũng xin ý kiến, như vậy còn gì là tư thế người phát ngôn".

Bị thất bại thảm hại trong cuộc tập kích chiến lược B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngày 22-12-1972, Mỹ phải nêu vấn đề gặp lại ở Pari và Mỹ sẽ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra từ ngày 30-12-1972. Bộ Chính trị đã thảo luận suốt ba ngày trong hầm Nhà Rồng ở trong thành. Nhiều ý kiến lật đi, lật lại, cuối cùng nhất trí cao với ý kiến do đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ đề xuất: phía ta nên gặp lại phía Mỹ để đi đến ký hiệp định. Ngày 23-1-1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Tiến sĩ H.Kítxinhgiơ đã ký tắt bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là thắng lợi chung của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự đóng góp của "binh chủng ngoại giao" được đồng chí Lê Đức Thọ trực tiếp bồi dưỡng và rèn luyện, có đủ bản lĩnh và trí tuệ để đấu trí, đấu lý với một đối thủ dày dạn kinh nghiệm và lão luyện về ngoại giao; biết tiến và biết lui đúng lúc để đạt được kết quả cao nhất.

Không chỉ khi được Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công phụ trách mặt trận ngoại giao, đặc trách đàm phán với Mỹ tại Pari, đồng chí Lê Đức Thọ mới làm công tác ngoại giao. Trước đó, đồng chí đã thực hiện một số nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của Đảng, trong đó có nhiệm vụ giúp các đồng chí Campuchia thành lập một đảng riêng theo chủ trương tách Đảng Cộng sản Đông Dương ra làm ba đảng từ năm 1948 và dẫn đầu Đoàn đại biểu của Đảng  ta thăm Pháp năm 1965 theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Từ khi tập kết ra miền Bắc năm 1955, cùng với một số đồng chí khác trong Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ đã tham gia trực tiếp vào công tác hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Sau Đại hội VI của Đảng, với vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí vẫn tiếp tục đóng góp vào xây dựng chủ trương, nghị quyết của Đảng về đối ngoại nhằm phá vỡ thế bao vây cấm vận, giải quyết vấn đề Campuchia, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Riêng đối với Mỹ, trong trả lời phóng viên Hãng Thông tấn Mỹ (UPI) Sylvana Foa ngày 15-3-1985 nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam, đồng chí đã bày tỏ: "Chúng tôi bây giờ cũng muốn có quan hệ bình thường với Mỹ. Tôi cho rằng bây giờ đã đến lúc hai nước nên gặp nhau... không có lý do gì lại không thể gặp nhau vì chiến tranh đã kết thúc hơn chục năm nay. Điều đó chỉ có lợi cho cả hai nước, cho cả hòa bình trong khu vực. Cả hai nước được nhiều cái lợi, cả về kinh tế cũng như chính trị. Không bao giờ chỉ một bên có lợi". Cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đã dự và chỉ đạo nhiều hội nghị ngoại giao từ thập niên 1960 cho đến khi đồng chí lâm bệnh vào cuối thập niên 1980. Trong các hội nghị ngoại giao, đồng chí đề cập đến tất cả các lĩnh vực mà ngành ngoại giao phải thực hiện: từ nắm bắt tình hình thế giới, tình hình trong nước đến nhiệm vụ ngoại giao và công tác Đảng, đoàn thể trong ngành ngoại giao với những chỉ đạo cụ thể có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác xây dựng và phát triển ngành ngoại giao hiện nay và trong tương lai:

Thứ nhất, nói đến ngoại giao là phải nói đến tình hình thế giới, tình hình khu vực. Cán bộ ngoại giao phải nhìn nhận, phân tích, đánh giá tình hình như thế nào cho đúng như nó đang diễn ra và tác động đến tình hình trong nước như thế nào, chúng ta phải chủ động đối phó ra làm sao? Chính các đồng chí làm công tác đối ngoại, ngoại giao phải làm tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đồng chí xác định rõ nhiệm vụ ngoại giao rất quan trọng, chỉ rõ ngoại giao cũng là một mặt trận, nên làm ngoại giao cũng là một nhiệm vụ chiến đấu, đòi hỏi phải chịu đựng gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp chung. Cán bộ ngoại giao phải nắm vững đường lối của Đảng, nhất là đường lối đối ngoại, phải biết tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu, nhiệm vụ trung tâm của từng giai đoạn; công tác ngoại giao rất khó vì liên quan tới thế giới bên ngoài - rộng lớn, phức tạp và thay đổi liên tục, vì vậy cán bộ ngoại giao không chỉ cần hiểu biết thấu đáo về chiến lược và chính sách, mà còn phải biết tận dụng sáng tạo, có sách lược đúng đắn và còn phải khôn khéo.

Thứ hai, muốn nhận biết về nhiệm vụ chiến lược, cần phải nắm vững tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng, nắm được những lực lượng lừng chừng. Lực lượng này chỉ có thể làm chậm sự phát triển, nhưng không bao giờ ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Đó là quy luật tất yếu của cách mạng. Phải nhận rõ bạn thù, bạn cũng có lúc hoang mang, dao động nên cần phải kiên trì giải thích để bạn hiểu ta. Do đó, muốn có sách lược ngoại giao đúng, vừa phải có cách nhìn toàn diện và tổng thể, đồng thời cần phải nghiên cứu sâu và cụ thể. Cán bộ ngoại giao phải chủ động chứ không thể thụ động, công tác ở địa bàn nào phải hiểu biết và sâu sắc về nơi mình công tác. Làm ngoại giao phải tỉ mỉ, biết những cái nhỏ, những cái chi tiết để nắm lấy cái lớn; phải luôn luôn học tập nâng cao tầm nhìn chiến lược, hiểu nơi mình công tác chưa đủ, phải hiểu cả khu vực, từ đó nhìn ra thế giới. Khi có sự việc gì xảy ra, phải xem xét, phân tích một cách toàn diện, tổng thể và đưa ra nhận định của riêng mình. Trong hoạt động ngoại giao, phương pháp đấu tranh ngoại giao phải rất toàn diện, không nên quan niệm đấu tranh ngoại giao chỉ là đàm phán, chỉ là gặp gỡ tiếp xúc, chỉ là phân hóa đối phương. Đấu tranh ngoại giao phải cả trên mặt trận tuyên truyền đối ngoại, cả trên mặt trận vận động quần chúng, tức là ngoại giao nhân dân. Phải kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại nhưng phải có chỉ đạo sâu sát.

Thứ ba, với trọng trách phụ trách công tác tổ chức của Đảng trong nhiều năm (tháng 9-1944 sau khi ra tù đã được Trung ương giao phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ của Đảng), đồng chí Lê Đức Thọ chỉ đạo: sau khi đất nước thống nhất, quan hệ giữa nước ta với các nước trên thế giới sẽ được mở rộng, yêu cầu hoạt động đối ngoại sẽ tăng lên nhiều, vì vậy cần phải tăng cường đội ngũ cán bộ đối ngoại, ngoại giao. Đồng chí yêu cầu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao phải nắm được yêu cầu của các bộ, các ngành có liên quan đến đối ngoại để giúp họ trong hoạt động đối ngoại, làm sao từ chỗ họ phải dựa vào Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại đến tự họ hoạt động ngoại giao được trong những lĩnh vực họ phụ trách.

Về công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, đồng chí Lê Đức Thọ yêu cầu lãnh đạo Bộ Ngoại giao phải biết kết hợp giữa sử dụng cán bộ ngoại giao lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm với việc đào tạo một thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ, có trình độ văn hóa, ngoại ngữ và chính trị cao. Làm ngoại giao mà không biết ít nhất một ngoại ngữ thông thạo thì gay go. Làm ngoại giao, không chỉ chú ý đến hoạt động ngoại giao mà phải chú ý cả công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn thể quần chúng. Làm tốt công tác Đảng, công tác quần chúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đảng lãnh đạo chuyên môn, thực hiện sinh hoạt dân chủ và phát huy trí tuệ tập thể. Đặc biệt, trong điều kiện hoạt động ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam đa dạng, công tác Đảng và đoàn thể sẽ giúp hoạt động ngoại giao nắm được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, làm cầu nối giữa người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước...

Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Thọ không mưu cầu lợi ích cá nhân, vì với đồng chí, hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước là mục tiêu mà đồng chí đã toàn tâm, toàn ý phấn đấu. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, tên tuổi của đồng chí, sự nghiệp cao cả và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng, với dân tộc vẫn trường tồn. Lịch sử ngoại giao ghi công đồng chí như một nhà ngoại giao chiến lược tài ba, mưu lược và khôn khéo.



* Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

[1]. Báo Nhân Dân, ngày 18-10-1990.

[2]. Nguyễn Xuân: Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ và Hiệp định Pari - chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 415.

[3]. Đại tướng Văn Tiến Dũng: Chiến trường là nơi gặp gỡ (Hồi ức về đồng chí Lê Đức Thọ), in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 38.

[4]. Nguyễn Thị Bình: Lê Đức Thọ - Nhà thương thuyết tầm cỡ lớn, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 351.

[5]. Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Pari, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 39.

[6]. Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Pari, Sđd, tr. 44.

[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.28, tr. 176.

[8]. Nguyễn Đình Phương: Anh Sáu và đàm phán Pari, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 477.

[9]. Trung tướng Đoàn Chương: Mở đột phá khẩu, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 425 - 426.

[10]. Hà Văn Lâu: Từ chiến trường đến bàn đàm phán - Nhớ về anh Sáu, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 364.

[11]. Xem: Nguyễn Thị Bình: Lê Đức Thọ - Nhà thương thuyết tầm cỡ lớn, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 351 - 352.

[12]. Xem: Hà Văn Lâu: Từ chiến trường đến bàn đàm phán - Nhớ về anh Sáu, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 366.

[13]. Đinh Nho Liêm: Nhà ngoại giao xuất sắc Lê Đức Thọ, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd,tr. 392.

[14]. Xem: Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự: Năm năm đánh - đàm ở Pari, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 432.

[15],2. Hà Đăng: Hai lần bàn kế sách, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 372, 378.

[16]. Hà Đăng: Hai lần bàn kế sách, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 377.

[17]. Nguyễn Xuân: Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ và Hiệp định Pari - chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 418.

[18]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 136.

[19]. Nguyễn Xuân: Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ và Hiệp định Pari - chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 419 - 420.

[20]. Xem: Nguyễn Đình Phương: Anh Sáu và đàm phán Pari, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 475.

[21]. Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Pari, Sđd, tr. 162.

[22]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 316.

[23]. Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Pari, Sđd, tr. 162.

[24]. Đinh Nho Liêm: Nhà ngoại giao xuất sắc Lê Đức Thọ, in trong sách Nhớ anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr. 393 - 394.

[25]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 126.

[26]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.28, tr. 174.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả