Đồng chí Lê Đức Thọ với trí thức ngành y

Ngày đăng: 08/11/2011 - 16:11

Đại tá Vũ Văn Thuận*

Tôi vốn là bác sĩ phục vụ sức khỏe Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sau khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh mất (6-1967), tôi được Tổng cục Chính trị điều sang công tác ở Tổ y tế I thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, trực tiếp phục vụ sức khỏe cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số đồng chí lão thành cách mạng diện chính sách ưu đãi. Do tận tâm phục vụ, năm 1985, Tổ y tế I đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

LDT21a

Từ tháng 2-1968 đến ngày 13-10-1990, tôi đã được vinh dự phục vụ sức khỏe trên hai mươi năm cho đồng chí Lê Đức Thọ, cùng anh vào Nam ra Bắc, nhiều lần đi các chiến trường, nhiều lần đi công tác ở Pari, Mátxcơva, Bắc Kinh, Lào, Campuchia... Trên hai mươi năm chung sống, bao giờ cũng thấy đồng chí Lê Đức Thọ là một người cộng sản chiến đấu kiên cường, trung thực, thẳng thắn, chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, ngày đêm tận tụy với công việc kể cả những lúc ốm đau. Tôi biết nhiều chuyện hay về cuộc sống... và cách làm việc của đồng chí Thọ nhưng trong bài viết này chỉ xin nói đến quan hệ mật thiết của đồng chí Thọ với trí thức ngành y, với ngành quân y.

Đồng chí Lê Đức Thọ, khi làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã được Trung ương cử kiêm Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương.

Do vị trí công tác và mối quan hệ thân tình, tôn trọng trí thức, đồng chí Lê Đức Thọ bao giờ cũng sẵn lòng giúp đỡ anh chị em trong ngành trong mọi trường hợp cần thiết. Có lần bác sĩ Tôn Thất Tùng cần hóa chất để mổ gan khô, nhưng thứ hóa chất này chỉ có thể nhờ Giáo sư Bửu Hội mới kiếm được. Do vậy, anh Thọ giao cho tôi trình bày với anh Mai Văn Bộ, Tổng đại diện Việt Nam tại Pháp nhờ ngỏ ý với ông Bửu Hội. Kết quả tôi đã mang về được loại hóa chất để mổ gan khô đưa Giáo sư Tùng.

Nhân đó, Giáo sư Tôn Thất Tùng bảo tôi về cảm ơn anh Thọ và đề nghị anh Thọ cho mua một số thuốc cần thiết để chữa bệnh cho Giáo sư Đinh Công Thắng. Sau khi tôi xin ý kiến, chẳng những anh Thọ đồng ý ngay mà còn bảo: "Cậu cứ lo cho anh ấy theo yêu cầu và sau này nếu những đồng chí nào thật cần thiết thuốc gì mà trong nước không có thì cho phép cậu cứ tìm cách giải quyết mà không phải có ý kiến của tôi nữa". Được lời dặn như vậy, tôi chưa bao giờ phụ lòng tin của anh, tất cả những yêu cầu cần thiết, tôi đều có tranh thủ đầy đủ ý kiến của các đồng chí có trách nhiệm trong Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương và Ban Tài chính quản trị Trung ương giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Một lần khác, Giáo sư Tôn Thất Tùng đến mời anh Thọ dự họp bàn việc phong giáo sư ngành y dược (quân dân Y). Cụ Hồ Đắc Di mời anh Sáu cho ý kiến.

Đồng chí Lê Đức Thọ góp ý kiến về cách lựa chọn học hàm, học vị và góp một số ý kiến về ngành y: Bộ Y tế phải đề đạt với Chính phủ tạo ra nhiều cơ sở khoa học kỹ thuật và các phương tiện cần thiết khác, có chính sách ưu đãi tương xứng với khả năng và sự cống hiến của cán bộ, để đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật ngành y dược có điều kiện cống hiến theo tài năng. Trong công tác tổ chức, cần đưa nhiều cán bộ trẻ vào quân đội, cán bộ quân đội đến độ tuổi nào đó ra cơ quan bệnh viện, trường dân y. Đây là sự chuyển đổi có tính xây dựng liên hoàn rất có ý nghĩa nhưng khi thực hiện cần vận dụng chế độ, chính sách thỏa đáng, đừng để cán bộ phải hụt hẫng.

Sau này, nghĩ lại thấy các thầy Di, thầy Tùng, thầy Tước và một số vị khác dự buổi họp đó đã làm được nhiều việc như lời anh Thọ gợi ý hồi đó.

Sau năm 1975, với cương vị đại diện Bộ Chính trị một thời gian tại miền Nam, anh đã đến thăm các bệnh viện. Anh Thọ bàn với anh Phạm Hùng lấy Bệnh viện Vì Dân làm nơi điều trị cho cán bộ cả quân sự và dân sự ba miền vào làm việc khi đau ốm. Ngoài ra, ở miền Trung sau này cũng cần phải có bệnh viện cán bộ. Hai anh đã thống nhất ý kiến: anh Sáu sẽ làm việc với lãnh đạo quân đội, anh Hùng sẽ thông báo cho anh Vũ Văn Cẩn và có quyết định rõ ràng. Ngoài ra, anh Thọ còn góp ý tu bổ, sửa sang Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II một cách cụ thể. Anh Thọ cũng đã cho nghiên cứu chính sách đối với cán bộ ngành y tế cũng như các ngành khác ở lại công tác tại miền Nam sau ngày giải phóng.

Tuy bận chăm lo công việc chung, anh vẫn quan tâm góp ý, giải quyết những việc mà lãnh đạo ngành y đề xuất. Mấy năm trước khi anh mất, anh cũng có ý kiến đề đạt việc củng cố lại Tổ y tế phục vụ Trung ương, bảo tôi dự thảo phương án. Dựa theo ý kiến của anh, tôi đã làm và báo cáo lại với anh, rồi gửi anh Vũ Văn Cẩn.

Các nhà trí thức đã gần anh, hay làm việc với anh, hoặc do anh chủ động tìm gặp đều có lòng mến phục và yêu quý anh.

Trong dịp đàm phán với Mỹ ở Pari, anh Thọ đã nhiều lần gặp gỡ đồng bào Việt Nam ở Pháp và các nước khác. Mọi cuộc gặp đều diễn ra vui vẻ, chân thành. Giáo sư Nguyễn Đạt Xưởng, một nhà khoa học xuất sắc đã từng được tặng Huân chương cao quý của nước Pháp, các cụ Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Xuân Mãn và gia đình đều dành cho anh Thọ tình cảm chân thành và quý trọng. Ngay cả những quan chức cao cấp của chế độ cũ như cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu, tướng Trần Thiện Khiêm, Trần Văn Đôn, sau lần gặp đồng chí Lê Đức Thọ cũng đều tỏ ra vinh dự và bộc bạch hối lỗi với tổ tiên, với quê hương đất nước, với công đức của Cụ Hồ, cũng mong con cháu sẽ thay họ góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng thịnh vượng.

Khi lâm bệnh, anh là người chiến đấu kiên cường với bệnh tật, nghiêm túc tập luyện, uống thuốc và ăn ở theo đúng quy định của y tế để bảo vệ sức khỏe.

Khi anh nằm bệnh viện, biết sức không còn được bao lâu, anh gọi tôi vào và nói: "Tôi muốn có chút quà cho anh em phục vụ, không biết nên tặng cái gì". Thấy anh băn khoăn, tôi đề nghị anh tặng mỗi người một quyển thơ của anh, ghi ý kiến của anh về từng đồng chí và món quà ấy đã làm tất cả chúng tôi cảm động, ghi nhớ.

Ngay đêm ấy, anh lại gọi tôi vào dặn dò một vài việc và nói:

"Có lúc nóng, bực mình đã mắng cậu, Thuận thứ lỗi cho mình. Nhờ cậu nói với những đồng chí đã từng làm việc rằng nếu mình có điều gì làm các đồng chí đó không hài lòng thì cũng thông cảm mà thứ lỗi cho mình".

Ôi một lời trăng trối chân thành thực tâm, quý hơn ngàn vàng! Nhân kỷ niệm 10 năm[1] ngày mất của anh, tôi xin ghi lại bài thơ tôi đã làm ngày 13-10-1990:

Anh Sáu từ nay khuất bóng rồi!

Bao nhiêu trăn trở khắc tim tôi,

Nhiều năm gian khổ anh từng trải,

Phú quý, vinh hoa nhượng cho đời,

Nghĩa dân, tình Đảng anh trọn vẹn,

Liêm - Trung - Trí - Dũng được như lời,

Trăn trở bao điều "yêu cuộc sống",

Ngàn năm an giấc anh Sáu ơi!




* Bác sĩ, quân y, biệt phái Tổ y tế I, trực tiếp chăm sóc sức khỏe của đồng chí Lê Đức Thọ.

[1]. Năm 2000 (B.T).

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận