Đồng chí Phạm Hùng, người thủ trưởng, người anh lớn của tôi
Ngoài quan hệ công tác trải qua nhiều thời kỳ, đối với tôi, anh Hai Hùng còn là người cùng quê Vĩnh Long. Anh Hai sinh tại xã Long Hồ, huyện Châu Thành. Còn tôi ở làng Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm. Hai vùng quê cách nhau không xa lắm và anh Hai lớn hơn tôi gần một con giáp.
Trước Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, tôi đã tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương Vĩnh Long nhưng không được biết anh Hai, vì anh thoát ly gia đình đi làm cách mạng rất sớm. Chưa tròn 20 tuổi, anh bị bọn thực dân Pháp bắt và kết án tử hình, sau đó giảm án thành chung thân khổ sai.
Suốt trong 15 năm, anh Hai đã sống và đấu tranh tại Nhà tù Côn Đảo.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, tôi công tác tại cấp ủy Đảng ở Rạch Giá thì anh Hai đã từng giữ những trọng trách trong các cơ quan lãnh đạo đầu não ở Nam Bộ, làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ rồi Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Lần đầu tiên tôi được gặp anh Hai trong vùng giải phóng ở Khu 9. Khi đó, anh vừa vượt suối băng ngàn qua chặng đường dài hàng vạn dặm từ chiến khu Việt Bắc trở về chiến trường Nam Bộ. Anh đã ân cần chỉ cho chúng tôi những kinh nghiệm đi đường và căn dặn khi qua những chặng nguy hiểm, giúp chúng tôi chuẩn bị cho cuộc hành trình đầy gian khổ để đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tổ chức từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 tại vùng ATK (An toàn khu) thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Hai năm sau, vào cuối năm 1953, trên đường từ Việt Bắc trở về Nam, tôi được gặp lại anh Hai trong một cánh rừng già ở Chiến khu Đ, nơi đặt bản doanh của Khu ủy, Ủy ban Kháng chiến - hành chính và Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ. Lúc đó, anh Hai là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - hành chính Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ. Tôi còn nhớ mãi mấy ngày làm khách của anh Hai, được anh chiêu đãi mấy bữa rất mực "xa xỉ" đối với "miền Đông gian lao" là... cơm trắng (không phải ăn độn) với mắm ruốc và rau tàu bay.
Từ năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt hơn. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, anh được Bộ Chính trị giao trách nhiệm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Những năm tháng ác liệt ấy cũng là khoảng thời gian tôi thực sự được sống, chiến đấu cùng với anh. Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, anh ra Trung ương và lần lượt được giao trách nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp, sau đó làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho đến khi anh đột ngột ra đi vào mùa xuân năm 1988. Có thể nói, dù còn ở Thành phố Hồ Chí Minh hay ra Trung ương nhận nhiệm vụ phụ trách Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tôi luôn làm việc bên cạnh anh. Những năm tháng gắn bó với anh trong chiến tranh cũng như trong hòa bình đối với tôi thật quý giá và những kỷ niệm về anh mãi mãi ghi sâu trong ký ức tôi.
Đối với chúng ta, thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của anh Phạm Hùng như một viên ngọc quý. Nói đến anh, trước hết là nói đến tinh hoa và khí phách tiêu biểu của người cộng sản, nói đến một viên ngọc quý. Nói đến anh, trước hết là nói đến tinh hoa và khí phách tiêu biểu của người cộng sản, nói đến một mẫu người nghiêm túc, thận trọng, chu đáo, luôn sống và làm việc theo chuẩn mực của tư tưởng đạo đức truyền thống: cần kiệm, liêm chính, kỷ cương.
Những ai có dịp được sống gần anh hẳn đều biết rõ, trong những năm tháng chiến tranh cũng như lúc thời bình, anh đều tuân theo nếp sống nghiêm ngặt của mình là sinh hoạt giản dị, làm việc hết mình, ăn ở có nền nếp, coi trọng việc tu dưỡng rèn luyện bản thân. Trên bàn làm việc của anh cũng như trong chiếc sắc cốt "vật bất ly thân" trong chiến tranh đựng tài liệu mật mang bên người, các loại công văn giấy tờ được anh tự tay sắp xếp chu đáo. Nhờ vậy, mỗi khi cần sử dụng bất kỳ một loại tài liệu nào và bất cứ lúc nào, anh đều có thể dễ dàng tìm thấy. Nhớ lại những người sống trong chiến khu, anh em bảo vệ cho biết ngay cả chiếc võng anh nằm, anh cũng phân biệt rạch ròi, nằm đúng bên đầu và bên chân mà hầu hết bọn chúng tôi gần như không ai quan tâm phân biệt.
Ở anh Hai có một tấm lòng nhân ái sâu sắc và cuộc sống tình cảm chân thành, được mọi người tin yêu, quý mến. Đối với các đồng chí trong Trung ương Đảng và Chính phủ, cũng như đội ngũ lãnh đạo các địa phương và các giới, anh đều có mối quan hệ gắn bó, thân tình biết trân trọng lắng nghe ý kiến của người đối thoại với một thái độ cởi mở. Tuy nhiên, cũng có lúc chúng tôi phát hiện ở anh đôi điều thú vị. Đó là những lúc anh cười giòn giã theo kiểu "raphan" (rafales) thì anh em cứ xáp vào. Còn khi anh cười ngắt quãng theo lối "pác cú" (par coup) thì hãy dè chừng phải chuyển hướng câu chuyện hoặc rút lui.
Trong những tháng năm bị đày ải và giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo, như nhiều người đã biết nói lại, với một tình cảm thương yêu đồng chí đến mức xả thân, anh Hai Hùng đã tự nguyện chịu đòn thay cho không ít bạn tù bị ốm đau, bệnh tật hoặc sức yếu hơn mình, trong số đó có cả Bác Tôn Đức Thắng và đồng chí Lê Duẩn. Tuy thời gian đã nhanh chóng trôi qua gần cả một đời người, nhưng giờ đây mỗi khi nhắc lại những nghĩa cử cao đẹp ấy của anh, trong mỗi người chúng ta đều cảm thấy tin yêu, khâm phục và xao xuyến, bồi hồi... Những năm trước đây, những khi được đến thăm khu biệt giam anh Hai Hùng tại Nhà tù Côn Đảo, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về nghị lực cách mạng và ý chí sắt đá của anh.
Nếu tính cả tuổi đời và tuổi Đảng, đối với tôi, anh Hai Hùng là lớp người đi trước và thuộc bậc đàn anh. Trong cuộc sống đời thường cũng như trong quan hệ công tác đã được gắn bó qua nhiều năm tháng, anh Hai đã dành cho tôi bằng sự chăm sóc chân tình cho lớp kế thừa.
Đối với đất nước, với quê hương, anh Hai Hùng là người cộng sản dạ sắt gan đồng, đối với dân là toàn tâm phục vụ. Đối với gia đình, anh còn là người công dân kiểu mẫu nêu cao tấm gương sáng chói về thủy chung trong đạo nghĩa vợ chồng, là người cha hết sức nghiêm khắc trong việc rèn luyện và nuôi dạy các con.
Theo tôi hiểu, cho đến nay, nhiều người chỉ mới nhận diện anh Hai Hùng qua hình ảnh của một lãnh tụ của Đảng và chính khách của một quốc gia, có thể chưa mấy ai hiểu rõ và khám phá ra được hết thế giới nội tâm phong phú của anh. Ngay từ tuổi thanh niên, khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như lúc bị giam hãm giữa trốn ngục tù, ngay những lúc khó khăn, ác liệt trong chiến tranh, anh Hai đã từng đam mê những tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng của các bậc tiền nhân như: Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu - nhà thơ mù yêu nước lừng lẫy tiếng tăm của nhân dân Nam Bộ, cũng như tấm gương người chiến sĩ cộng sản bất diệt Lý Tự Trọng.
Ngoài thơ văn, còn một loại hình nghệ thuật có sức thu hút và lôi cuốn anh Hai Hùng, đó là ca nhạc tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống của Nam Bộ. Hầu như phần lớn các danh ca, danh cầm, danh hài, diễn viên sân khấu cải lương cũng như nội dung những bài vọng cổ của những nghệ sĩ nổi tiếng anh đều nhớ rõ.
Viết về những phẩm chất tốt đẹp của anh Hai Hùng, sẽ là thiếu sót nếu như chúng ta không đề cập đến những ý thức thực sự cầu thị của anh. Anh có dũng khí dám nhìn thẳng vào sự thật để công khai thừa nhận khuyết điểm của mình. Một sự việc tuy xảy ra cách đây hàng chục năm trời, nhưng đã đọng lại trong ký ức khiến tôi còn nhớ mãi. Cuối những năm 1980, đồng bào ta, nhất là ở miền Bắc, miền Trung bị thiếu hụt lương thực nghiêm trọng do liên tiếp gặp phải thiên tai nặng nề. Sau khi bàn bạc kỹ, Chính phủ đã quyết định cử một phái đoàn do tôi dẫn đầu sang thăm nước Cộng hòa Inđônêxia để một mặt, vay mượn phân bón phục vụ cho nhu cầu sản xuất; mặt khác, vay mượn cả lương thực cung ứng cho nhu cầu thiếu đói. Lúc đầu anh Hai chỉ đồng ý với việc vay mượn phân bón mà không đồng tình với chủ trương đi vay thóc gạo. Nhưng sau đó, anh đã nhận ra thiếu sót của mình rồi công khai tự phê bình trong một cuộc họp. Cũng có đôi khi, tôi "đấu khá mạnh" với anh trong một số chủ trương cụ thể quá cứng như việc khống chế giá mua lúa giống sau lũ lụt lớn năm 1978 ở đồng bằng sông Cửu Long; việc chuyển đất trồng rau sang trồng lúa ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh; việc chuyển 500ha đất trồng rau tại thành phố Đà Lạt sang trồng bắp... tôi chia sẻ với anh về sự căng thẳng trong việc cân đối lương thực, làm sao cho dân trong cả nước đủ no trong khi ngân sách Nhà nước cực kỳ khó khăn. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về nông nghiệp, lúc bấy giờ chính anh là người đứng mũi chịu sào trên lĩnh vực này.
Đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi, trong khoảng thời gian đó, tôi có viết cho anh Hai một bức thư nói rõ về các vụ việc nói trên, bức thư này tôi còn gửi cho cả anh Ba và anh Sáu (anh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ). Nội dung thư khá mạnh. Sau khi nhận được thư tôi, anh Ba lập tức trao đổi ý kiến ngay với anh Sáu và chủ trương không chuyển lá thư này đến anh Hai, nhưng anh Sáu cho anh Ba biết là thư đã đến tay anh Hai rồi. Thế là anh Ba dặn anh Sáu cần phải ngăn anh Hai đừng nên viết thư trả lời cho tôi.
Đúng là sau đó tôi không nhận được thư trả lời của anh Hai. Tuy nhiên sau khi gửi thư đi, tôi vừa lo vừa có phần ân hận thay vì đợi để có dịp trực tiếp gặp anh trao đổi đầy đủ hơn về nội dung trong thư. Một thời gian không lâu khi ra Hà Nội làm việc, tôi gặp lại anh. Anh vẫn bình thường với thái độ chân tình. Sau khi hỏi han công việc của Thành phố Hồ Chí Minh, anh rủ tôi đến nhà chơi. Trong câu chuyện hàn huyên, anh thân mật giãi bày tình hình chung có liên quan đến nội dung bức thư tôi gửi. Anh tâm sự: "Chú mày nêu một thực tế tình hình trong đó rất đúng nhưng chưa thông cảm hết những cái khó khăn của Trung ương". Hai anh em đã trao đổi với nhau từ cái tâm, trách nhiệm và lòng chân thành nên dễ dàng đi đến sự đồng cảm. Qua đó, tôi rút ra thêm được bài học kinh nghiệm quý về mối quan hệ trong Đảng giữa cấp dưới với cấp trên và ngược lại. Nếu những ý kiến đấu tranh trong nội bộ vì lợi ích chung, vì động cơ trong sáng, không dính đến việc tính toán riêng tư, cục bộ thì đấu tranh, kể cả đấu tranh mạnh với người lãnh đạo cấp trên chẳng những không cảm thấy khó chịu, mà còn cảm thông và càng gắn bó hơn trong quan hệ trên, dưới.
Đây chỉ là đôi nét phác thảo về bức chân dung anh Hai Hùng. Anh như mẫu người hoàn mỹ và trên đời này ít có ai như vậy. Cả cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của anh là một tấm gương sáng để chúng ta tôn vinh và học tập.
Riêng phần mình, với tư cách là người con của Vĩnh Long, một đảng viên cộng sản, tôi thật sự tự hào về người anh của quê hương tôi - Đồng chí Phạm Hùng.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Trích trong cuốn sách:
Phạm Hùng - Người Cộng sản kiên trung Nhà lãnh đạo có uy tín lớn
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật , Hà Nội , 2012, tr. 32.
Tr
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực