Đồng chí Phạm Hùng - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 08/06/2012 - 15:06

 

Tôi được gặp gỡ và trực tiếp làm việc nhiều với đồng chí Phạm Hùng từ khi đồng chí ra công tác ở miền Bắc (sau năm 1954), còn trước đó, đồng chí công tác trong Nam Bộ, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tuy không cùng hoạt động với nhau, nhưng từ lâu tôi đã được nghe nói nhiều về đồng chí Phạm Hùng, đó là một đảng viên cộng sản kiên cường, thuộc lớp cán bộ đầu tiên của Đảng.

Đồng chí Phạm Hùng tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, mới 19 tuổi đồng chí đã được Đảng tin cậy giao giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Năm 1931, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân địa phương chống chính quyền thực dân Pháp, đồng chí bị địch bắt và sau đó bị kết án tử hình cùng với các đồng chí Lê Văn Lương, Lý Tự Trọng, Lê Quang Sung... trong “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương” nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Thời gian hơn nửa năm, bị giam tại xà lim án chém Khám Lớn chờ ngày địch đưa đi hành quyết, các đồng chí đã nêu cao ý chí hiên ngang, bất khuất của người cách mạng, khiến kẻ thù vô cùng nể phục. Sau đó, địch đã đưa đồng chí Lý Tự Trọng ra pháp trường hành quyết, còn đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương và một số đồng chí khác được giảm án xuống chung thân khổ sai, đem đày ra Côn Đảo.

Suốt hơn mười một năm, đồng chí Phạm Hùng bị giam ở Nhà tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, đối mặt với kẻ thù và cái chết ngày đêm rình rập, đồng chí luôn tỏ rõ ý chí bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Với uy tín và bản lĩnh, đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác, động viên anh em tù chính trị đoàn kết đấu tranh, đòi cải thiện đời sống tù nhân, chống chế độ nhà tù khắc nghiệt, tổ chức học tập, nghiên cứu lý luận, luôn tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Phạm Hùng và hơn 2000 tù chính trị Côn Đảo được Đảng đưa tàu ra đón về đất liền. Không có ngày nghỉ ngơi, đồng chí tham gia vào Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1946, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phạm Hùng đã cùng tập thể Xứ ủy lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam Bộ lập được nhiều chiến công vang dội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và tặng danh hiệu Nam Bộ Thành Đồng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí Phạm Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; được Bộ Chính trị phân công làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - hành chính Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ. Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ; đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình; chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo, kịp thời động viên nông dân tham gia kháng chiến. Đối với phong trào đấu tranh ở đô thị, đồng chí đã lãnh đạo các cấp ủy Đảng làm tốt công tác vận động nhân sĩ, trí thức, chức sắc và tín đồ tôn giáo tham gia kháng chiến, mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), xây dựng Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam, tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tấn công.

Năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Trung ương Cục miền Nam đột ngột qua đời, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị và Bác Hồ lựa chọn giao gánh vác trọng trách mới: Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Pari.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (tháng 6-1987), đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới.

 Tình hình đất nước ta trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng; các thế lực thù địch tăng cường bao vây, cấm vận, phá hoại nhiều mặt, hòng làm đất nước ta mất ổn định về chính trị và kiệt quệ về kinh tế. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh vững vàng. Đồng chí khẳng định trước Quốc hội: Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân[1]. Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng cùng tập thể Hội đồng Bộ trưởng trong thời kỳ đầu đổi mới, đã chèo chống đưa con thuyền cách mạng nước ta vượt qua những thử thách khó khăn nhất. Bằng trí tuệ và nhiệt tình cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, với nhân dân.

Đồng chí Phạm Hùng đã đột ngột qua đời (ngày 10-3-1988), giữa lúc đang đi công tác ở miền Nam, nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp đổi mới đã đặt tiền đề, cơ sở để nhân dân ta thực hiện thắng lợi những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng, phát triển đi lên.

Có thể nói, trong suốt quá trình 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Không quản gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào, đồng chí Phạm Hùng cũng luôn luôn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng. Đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Trích trong cuốn sách: Phạm Hùng - Người Cộng sản trung kiên Nhà lãnh đạo có uy tín lớn
Nxb. Chính trị quôc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.23.

[1]. Xem: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện kỳ họp  Quốc hội khóa VIII

Bình luận