Đồng chí Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng - Kỳ 1
Đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ trần ngày 8-9-2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để tưởng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí Võ Chí Công, Trang tin Điện tử Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xin giới thiệu với bạn đọc bài viết Đồng chí Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng, lược trích từ: Lời Nhà xuất bản trong cuốn sách hồi ký của đồng chí có tựa đề Trên những chặng đường cách mạng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ấn hành năm 2001. Tiêu đề do Ban biên tập Trang tin điện tử Nhà xuất bản đặt.
“... Người chiến sĩ cộng sản phải luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải luôn luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, trước hết như Bác Hồ đã dạy. Có như vậy mới được nhân dân tin yêu, kính trọng. Trong giai đoạn cách mạng mới, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp được hình thành trong lịch sử lâu dài của dân tộc, nhân dân ta nhất định sẽ đi tới ấm no, hạnh phúc”. Võ Chí Công |
Đồng chí Võ Chí Công – tức Võ Toàn – sinh ngày 7-8-1913 tại phủ Tam Kỳ - Quảng Nam của dải đất miềm Trung bất khuất trong một gia đình nho học giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Tuổi thơ của ông rèn đúc trong nỗi đau mất nước, được tắm mình trong các phong trào yêu nước sục sôi chống Pháp ở Trung Kỳ lúc đó. Ông có may mắn và vinh hạnh được sinh thành ở miền đất đã sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt của dân tộc ta hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà tiêu biểu là các cụ Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.
Cụ Võ Nghiệm – tức Võ Dương – thân phụ của ông, vừa là người thầy đầu tiên dạy chữ, truyền vào ông tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc: quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách, vừa là người đồng chí, đồng đội trong cùng chi bộ gồm những người thân do chính ông làm bí thư. Cụ qua đời ở tuổi 66 sau những năm tù đày bị địch tra tấn dã man, đã được Đảng và Nhà nước truy tặng là Liệt sĩ. Thân mẫu của ông – Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thân, một người phụ nữ hiền lành, đôn hậu đã có công lớn gánh vác mọi việc nhà cho cha con ông yên tâm hoạt động cách mạng và là cơ sở tin cậy, nơi lui tới thường xuyên của các chiến sĩ cách mạng trong vùng hồi cách mạng chưa thành công. Phu nhân của Đồng chí Võ Chí Công là bà Phan Thị Nể cũng là một lão thành cách mạng, nguyên là tỉnh ủy viên phụ trách binh vận và phụ vận của Đảng bộ Quảng Nam, người đồng chí thân thiết từng sát cánh cùng ông trong chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hội An tháng 8-1945. Một quê hương kiên trung bất khuất, một gia đình cách mạng mẫu mực và vẹn toàn như vậy tạo thành bệ đỡ vững chắc cho nhà lãnh đạo cao cấp, kiên định và rất mực trung thành của Đảng trong tương lai.
Có thể xem cuộc đời cách mạng của đồng chí Võ Chí Công là hiện thân của một thế hệ cách mạng tài trí, kiên cường, trưởng thành từ cơ sở. Là một thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết, tắm mình trong phong trào cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Kỳ, sau khi Đảng ta ra đời, cả một lớp thanh niên yêu nước ấy chuyển sang khuynh hướng vô sản như một tất yếu tự nhiên. Ông gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1932, rồi dần dần trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt trong vùng những năm sau đó. Mật thám địa phương xem ông là phần tử cực kỳ nguy hiểm, đã nhiều lần tổ chức vây bắt. Tháng 6-1943, do có sự phản bội, chỉ điểm, ông đã bị mật thám Pháp bắt đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm tù cầm cố. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông được tha và trở về lãnh đạo phong trào cách mạng, được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ chủ trì công việc của Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo đề ra kế hoạch hành động một cách sáng tạo và hết sức linh hoạt, đã nhanh chóng giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa này.
Gần cả cuộc đời cách mạng của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng và Khu V từ ngày đầu hoạt động cách mạng cho đến mùa Xuân toàn thắng năm 1975.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Võ Chí Công trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Quảng Nam – Đà Nẵng phụ trách tư pháp và bắt đầu gắn liền sự nghiệp cách mạng của mình với sự nghiệp xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang ở Khu V.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Liên khu V được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Đồng chí và những người đồng đội của mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương giao phó. Từ kinh nghiệm quý của hoạt động giúp bạn, trong kháng chiến chống Mỹ, Khu V đã hơn một lần được Trung ương chỉ định giúp cách mạng các nước anh em.
…
Đầu năm 1953, đồng chí Võ Chí Công được Trung ương triệu tập ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng để bàn về cải cách ruộng đất và ở lại miền Bắc tiến hành phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Với tư cách một người trong cuộc, đồng chí phê phán cách làm rập khuôn, giáo điều dựa vào kinh nghiệm nước ngoài một cách “tả” khuynh dẫn đến những sai lầm, tổn thất lớn cho cách mạng. Từ kinh nghiệm đau xót này đã tránh cho cách mạng miền Nam những tổn thất trong việc giải quyết vấn đề nông dân và ruộng đất ở những vùng giải phóng sau này.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên khu V bao gồm cả Trường Sơn – Tây Nguyên là địa bàn địch đánh phá vô cùng khốc liệt. Lường định trước tình hình, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý cử đồng chí đang tham gia cải cách ruộng đất ở Việt Bắc, bí mật trở lại Khu V, trên một chuyến máy bay của Pháp, cùng đồng chí Lê Đức Thọ vào Nam Bộ, tổ chức cuộc chiến đấu của Khu V trong tình hình mới. Từ đó, trên cương vị là quyền Bí thư rồi Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Võ Chí Công đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng miền Nam. Do bám sát cơ sở, bám sát phong trào, lại trung thành và kiên định, từ thực tiễn chỉ đạo cách mạng Khu V, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược mang ý nghĩa phổ quát của con đường cách mạng miền Nam, đó là con đường dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của quân thù.
Sau phong trào đồng khởi thắng lợi, giữa năm 1961, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào Nam Bộ làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tháng 3-1962, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch và là đại diện của Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam bên cạnh Mặt trận. Vốn là người sâu sát phong trào, đồng chí đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ để nghiên cứu, khảo sát đúc kết kinh nghiệm chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận và chiến xa vận của địch trong chiến tranh đặc biệt.
Với vị trí địa lý trọng yếu của mình, Khu V là nơi quân viễn chinh Mỹ chọn làm địa bàn để đổ bộ những đơn vị chiến đấu đầu tiên thiết lập đầu cầu triển khai cuộc chiến tranh cục bộ, và thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất ở miền Nam trong suốt cuộc chiến tranh. Khu ủy V dưới sự lãnh đạo của đồng chí đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và đánh thắng Mỹ trong chiến tranh cục bộ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt lớn, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ buộc chúng phải hiểu rằng không thể thắng được dân tộc ta trong cuộc chiến tranh này. Với sự lãnh đạo linh hoạt của Khu ủy V, trên chiến trường Khu V quân ta tiến công vào các thành phố, thị trấn, đạt mục tiêu rồi rút ngay, nên thiệt hại cũng ít hơn so với các nơi khác. Về sự kiện lịch sử này đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Với tư cách người lãnh đạo ở một chiến trường khốc liệt nhất, đồng chí Võ Chí Công cho rằng không thể chỉ đòi hỏi chiến thắng mà không tổn thất ít nhiều.
Hiệp định Pari được ký kết, nhưng là một người lãnh đạo chiến trường, từ kinh nghiệm xương máu sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí không ảo tưởng sẽ có hòa bình, mà kẻ địch sẽ lập tức tung quân đánh phá đã tiến hành lãnh đạo công tác tư tưởng trong toàn quân khu. Nhưng sau những năm chiến tranh khốc liệt kéo dài, lúc đầu nhiều cán bộ, chiến sĩ còn có tư tưởng xả hơi khá nặng đã để địch lấn chiếm một số vùng giải phóng của ta. Nhận rõ khuyết điểm, thiếu sót của mình, Đảng bộ Khu V lập tức xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, phát triển thực lực mọi mặt của cách mạng, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền sau khi Mỹ đã rút, dẫn đến sự sụp đổ của chúng trong mùa Xuân 1975.
Với đòn đánh hiểm vào Buôn Ma Thuột thắng lợi, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên làm cho kẻ địch choáng váng, liền sau đấy tại mặt trận Huế - Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ mới xuất hiện, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn nên chớp thời cơ, lãnh đạo quân và dân Khu V phát huy lợi thế tại chỗ, kết hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ Tổng tư lệnh, nhanh chóng xóa sổ Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật của địch, đánh tan 10 vạn tàn quân địch đã hoang mang, rệu rã, giải phóng thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng Sài Gòn – Gia Định vào ngày 30-4-1975 lịch sử.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng điều động ra Trung ương công tác. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khối nông – lâm – ngư nghiệp. Đây là công việc mới mẻ, phức tạp và rất nặng nề với một người quen chỉ đạo chiến tranh, nhưng không được phép từ thác và bằng mọi cách phải làm tròn bổn phận được Đảng và nhân dân giao phó. Nhưng chính phong cách sâu sát cơ sở của người chỉ đạo chiến tranh đã giúp ích rất nhiều cho đồng chí trong công cuộc tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các đơn vị kinh tế quốc doanh của ngành nông – lâm – ngư nghiệp. Do nắm chắc tình hình hợp tác xã nông nghiệp, nhận rõ những bức xúc của xã viên, đồng chí Võ Chí Công đã chọn địa bàn Vĩnh Phúc – quê hương của phong trào khoán hộ của đồng chí Kim Ngọc – thí điểm khoản sản phẩm đến nhóm và người lao động, tổng kết rút kinh nghiệm ở nhiều nơi như Hải Phòng, Hà Nam Ninh (cũ) và hình thành đề án Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, bước đột phá của sự nghiệp đổi mới trong nông nghiệp nói riêng và của sự nghiệp đổi mới nói chung. Từ thành công của sản xuất nông nghiệp sau Chỉ thị 100, năm 1987 Bộ Chính trị giao cho đồng chí Võ Chí Công chủ trì một tiểu ban nghiên cứu tiếp tục đổi mới trong nông nghiệp và hình thành Nghị quyết 10 rất nổi tiếng của Bộ Chính trị.
Có thể nói từ quá trình chỉ đạo thực tiễn của mình, đồng chí Võ Chí Công đã có tư duy mới kiên trì đấu tranh với tập tục làm ăn kém hiệu quả, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đóng góp lớn cho quá trình đổi mới nông thôn, nông nghiệp ở nước ta, góp phần xây dựng đường lối đổi mới tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
Năm 1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Đảng cử và Quốc hội nhất trí cao bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Là người đứng đầu cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, Chủ tịch tập thể của Nhà nước ta, đồng chí đã có đóng góp quan trọng cho hoạt động đổi mới của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, đặc biệt là trong việc lập hiến, lập pháp. Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, đồng chí đã cùng các đồng sự hoàn thành vẻ vang việc sửa đổi toàn diện Hiến pháp 1980 thành Hiến pháp mới – Hiến pháp 1992, hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước.
Trên con đường cách mạng vẻ vang của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, ở những cương vị công tác khác nhau, đồng chí Võ Chí Công đã kiên định lập trường nguyên tắc của Đảng, nhưng thực hiện sáng tạo và linh hoạt mọi nhiệm vụ được giao với nghị lực phi thường của người cộng sản. Đạo đức của đồng chí luôn thể hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phong cách lãnh đạo dễ gần gũi quần chúng, được nhiều người thương mến.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực