Đảng cộng sản Việt Nam - 85 năm xây dựng và phát triển

Ngày đăng: 03/02/2015 - 08:02

dcsvn85

Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 12-1-2011)

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là đội tiên phong cách mạng, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam "là cả một pho lịch sử bằng vàng". 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, giành được những thắng lợi hết sức vẻ vang, cả trong đấu tranh giành độc lập, tự do cũng như trong hòa bình, xây dựng đất nước, trong đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội.

Những điều kiện và tiền đề cho sự ra đời của một đảng cách mạng chân chính

Ngày 1-9-1858, quân đội Pháp mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 6-6-1884, Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp khi triều đình nhà Nguyễn ký với phía Pháp Hiệp ước Patơnốt. Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước chống Pháp với những khuynh hướng khác nhau đã liên tiếp nổ ra: phong trào nông dân và các tầng lớp nhân dân trên khắp 3 miền; phong trào Cần Vương; phong trào yêu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản và của tầng lớp tiểu tư sản. Tất cả các phong trào đó diễn ra mạnh mẽ, liên tục nhưng đều thất bại, do: thiếu đường lối chính trị để giải quyết triệt để những mâu thuẫn cơ bản của xã hội, nhất là mâu thuẫn dân tộc; không tập hợp, đoàn kết được các tầng lớp nhân dân; phương pháp, hình thức đấu tranh không thích hợp và không có được một tổ chức đủ năng lực lãnh đạo và phát triển cuộc đấu tranh. Sự nghiệp đấu tranh của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX lâm vào sự bế tắc, khủng hoảng về lãnh đạo, tình hình đen tối như không có đường ra.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi tìm con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập bằng cách hướng về phương Tây. Người đã đi qua các nước châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Tại Pari, thủ đô nước Pháp - nước đang cai trị dân tộc mình - năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn theo tư tưởng của Lênin và đường lối của Quốc tế Cộng sản, gắn sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và xã hội, đi tới chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường đúng đắn và cần thiết với mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Với trí tuệ và tư duy mới, suốt những năm 19, 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá lý luận Mác - Lênin và con đường cách mạng mới vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện về lý luận, tư tưởng, về chính trị và tổ chức, đào tạo cán bộ để xây dựng một đảng cách mạng chân chính. Cần nhấn mạnh rằng, tư tưởng và con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc nêu cao đã được những trí thức và cũng là những nhà yêu nước nổi tiếng khi đó như Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Phan Bội Châu ủng hộ, cổ vũ và đặt niềm tin. Ngày 18-2-1922, trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh đánh giá Nguyễn Ái Quốc như “cây đương lộc”, “nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông”. Năm 1925, Nguyễn Thế Truyền là người viết lời giới thiệu cho tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc xuất bản ở Pháp. Ngày 14-2-1925, Phan Bội Châu gửi thư cho Nguyễn Ái Quốc khi đó đang ở Quảng Châu (Trung Quốc) ủy thác trách nhiệm cho Nguyễn Ái Quốc: “Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai”. Khi về nước, Phan Văn Trường đã đăng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Mác - Ăngghen trên báo La Cloche Fêlee (Chuông rè) từ số 53 (29-3-1926) đến số 60 (20-4-1926). Tư tưởngcộng sản đã được nhiều học sinh, sinhviên, trí thức nghiên cứu và hướng tới.

Với ảnh hưởng tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc và vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Người sáng lập, năm 1929, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã phát triển thành hai tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Những ngày cuối năm 1929, tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng chính thức chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm (Thái Lan) đến Hồng Kông (Trung Quốc) triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì với sự có mặt của đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng (Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp cử đại biểu sang dự và ngày 24-2-1930 được chính thức sáp nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam). Hội nghị hợp nhất họp từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 (sau này Đại hội III của Đảng tháng 9-1960 đã ra nghị quyết lấy ngày 3-2 là ngày kỷ niệm thành lập Đảng).

Những thắng lợi vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo; đã thống nhất được phong trào và lực lượng cách mạng trên cả nước; khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc đã có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn dẫn dắt. Cương lĩnh xác định rõ mục tiêu chiến lược: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”1. Đánh đổ đế quốc Pháp và chế độ phong kiến, xây dựng Chính phủ công - nông - binh, tiến hành thổ địa cách mạng, chia ruộng đất cho dân cày nghèo, thực hiện quyền tự do, dân chủ, lợi ích của nhân dân về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp dân chúng vào hàng ngũ cách mạng mà nòng cốt là công nhân, nông dân, đoàn kết tiểu tư sản, trí thức, tranh thủ cả trung, tiểu địa chủ, tư sản vừa và nhỏ. Bằng phương pháp cách mạng để đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền. Mật thiết liên lạc với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Xây dựng Đảng, đội tiền phong của giai cấp vô sản vững mạnh đủ sức lãnh đạo được dân chúng.

Mới ra đời, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo các phong trào rộng lớn những năm 1930-1931, 1936-1939 không ngừng phát triển lực lượng và phong trào quần chúng, kịp thời tổng kết kinh nghiệm, hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kiên trì nêu cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã nêu cao ngọn cờ dân tộc theo tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng. Hội nghị Trung ương do Người chủ trì (5-1941) đã phát triển hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc, dẫn dắt cao trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945) và Nghị quyết Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào (14 - 16-8-1945) đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đến thắng lợi. “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”2.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc - kỷ nguyên đất nước độc lập, nhândân được tự do, làm chủ xã hội và mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nền độc lập và chính quyền cách mạng còn rất non trẻ đã phải chống lại thù trong, giặc ngoài, đặc biệt là cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Cách mạng trong thế ngàn cân treo sợi tóc. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Trải qua 9 năm kháng chiến, dân tộc Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (7-5-1954) đi đến các nước lớn ký kết Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954) công nhận độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Miền Bắc Việt Nam được giải phóng và quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đế quốc Mỹ gạt Pháp để chiếm miền Nam Việt Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới và chiến tranh xâm lược tàn bạo chống dân tộc Việt Nam. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân kiên trì, anh dũng kháng chiến và đã giành thắng lợi hoàn toàn trong Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy vai trò cầm quyền của Đảng trong thời kỳ mới

Một thời kỳ mới của sự phát triển sau năm 1975, Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Có nhiều thuận lợi, nhưng cách mạng Việt Nam cũng đứng trước những thách thức nặng nề. Phải chống chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng và giúp nước bạn hồi sinh. Phải khắc phục những yếu kém và khủng hoảng về kinh tế - xã hội, sửa chữa những khuyết điểm chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm không đúng quy luật. Đảng quyết tâm đổi mới tư duy lý luận, khảo nghiệm và tổng kết thực tiễn, từng bước đổi mới các chính sách để đi đến hoạch định đường lối đổi mới.

Với đường lối đổi mới, Đại hội VI của Đảng (12-1986) có tầm quan trọng đặc biệt. Đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới với nhận thức mới. Thực hiện đổi mới có nguyên tắc, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa trên cơ sở nắm vững và vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của sự khủng hoảng, sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, các nước Đông Âu. Đảng đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6-1991). Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, coi chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển và thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội. Phát triển chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng.

Thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã làm biến đổi sâu sắc tiến trình phát triển đất nước, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, nâng cao nội lực, vị thế của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cách mạng và đất nước gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng và thành quả về xây dựng Đảng.

Trong suốt chiều dài 85 năm lịch sử, tổ chức và lực lượng của Đảng không ngừng phát triển, đóng vai trò vô cùng quý giá, tiêu biểu cho trí tuệ, ý chí đấu tranh của Đảng và dân tộc. Khởi đầu sự nghiệp đấu tranh của Đảng là con số 310 đảng viên cùng với 3.588 hội viên các tổ chức quần chúng. Năm 1945, với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Đại hội II của Đảng (2-1951), Đảng có hơn 75 vạn đảng viên đã đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Giành thắng lợi quyết định trong đại thắng mùa Xuân 1975, toàn Đảng có gần 1,5 triệu đảng viên trên cả nước. Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và kháng chiến, những đảng viên cộng sản luôn luôn đứng ở tuyến đầu và chấp nhận những thách thức và hi sinh trong chiến đấu, trong lao tù, làm nhiệm vụ quốc tế và cả ở những mặt trận thầm lặng. Sự hi sinh của đồng bào, đồng chí thật là oanh liệt và cao cả. “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do” . Với gần 1,9 triệu đảng viên, năm 1986, Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới. Trải qua gần 30 năm đổi mới, đất nước không ngừng phát triển với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Cũng như các thời kỳ cách mạng và kháng chiến trước đây, công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa luôn đòi hỏi phải tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Vấn đề này hiện nay cần được nhận thức trên những vấn đề căn bản, bức thiết. Thứ nhất, Đảng chú trọng tự nâng cao trình độ trí tuệ, lý luận. Nghiên cứu sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hiểu biết sâu sắc thực tiễn của đất nước và thế giới để vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa trí tuệ của nhân loại. Tổng kết thực tiễn và làm rõ hơn những vấn đề lý luận, quy luật riêng của cách mạng Việt Nam như Hồ Chí Minh đã suy nghĩ và hành động. Thứ hai, Đảng không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối chính trị bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục làm rõ hơn nhận thức và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Phòng ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối, rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, xứng đáng với sự tin cậy chính trị của nhân dân và dân tộc. Thứ ba, cùng với củng cố sức mạnh của tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ từ các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng cán bộ đến chế độ, chính sách đối với cán bộ. Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề ra. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu.

Đảng Cộng sản Việt Nam - 85 năm lãnh đạo cách mạng, trong đó có 70 năm cầm quyền đã đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực hiện nghiêm túc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Làm cho Đảng thực sự là đạo đức, làvăn minh, tiêu biểu cho lương tâm, danh dự và trí tuệ của thời đại Hồ Chí Minh. 

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng 

(Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức)

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.2, tr.2.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.19.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.401.




Bình luận