Đảng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày đăng: 17/03/2015 - 08:03

dangvoicongtacgiaoducchinhtritutuong

Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã xác định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”1, chính vì lẽ đó thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội luôn xác định chăm lo cho thanh niên, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đảng đã đề ra nhiều chủ trương bồi dưỡng, tổ chức, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, đào tạo thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

1. Những tác động của tình hình thế giới và trong nước tới tư tưởng, thái độ chính trị của đoàn viên, thanh niên Việt Nam

Từ năm 1996, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát triển trong tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chứa đựng những yếu tố khó lường với những đặc điểm nổi bật.

Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ khiến chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, tuy nhiên những thành công bước đầu của một số ít các nước xã hội chủ nghĩa trong công cuộc đổi mới đã có những tác động tích cực đến đoàn viên, thanh niên. Niềm tin của đoàn viên, thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội có cơ sở để củng cố. Tuy nhiên, sự áp đảo về số lượng các nước tư bản chủ nghĩa so với số lượng các nước xã hội chủ nghĩa, cùng với đó là sự áp đảo về kinh tế của một số nước tư bản giàu dễ gây tâm lý hoang mang, dao động, lo sợ trước sức mạnh của tư bản chủ nghĩa hoặc xuất hiện tư tưởng sùng bái phương Tây... của một bộ phận nhỏ đoàn viên, thanh niên.

Hiện nay, nguy cơ chiến tranh thế giới hủy diệt bị đẩy lùi, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột về dân tộc, sắc tộc và tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Trên đất nước ta, các thế lực thù địch, phản động vẫn tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhân dân ta, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Chiến lược “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch sẽ tạo ra các áp lực, tấn công chính diện vào lĩnh vực tư tưởng và lý luận, từ đó làm đoàn viên, thanh niên tan rã niềm tin, suy sụp về tinh thần, mất định hướng, hỗn loạn về lý luận, những điều đó trở thành điều kiện hình thành và nuôi dưỡng tâm trạng hoài nghi, tư tưởng bất mãn chống đối từ bên trong. Đây là thách thức không nhỏ đối với đoàn viên, thanh niên và công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng của Đảng, của Đoàn Thanh niên.

Cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển với trình độ ngày càng cao, tăng nhanh lực lượng sản xuất, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới và trong mỗi nước, quốc tế hóa nền kinh tế và đời sống xã hội. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, đoàn viên, thanh niên chính là những người đầu tiên và chịu tác động mạnh mẽ nhất từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nếu nắm bắt được thời cơ sẽ nhanh chóng phát triển, tiếp cận văn minh nhân loại, nâng cao trình độ, tuy nhiên cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các nước tư bản chủ nghĩa trên tất cả các mặt. Hơn nữa, khoa học công nghệ cũng sẽ tạo ra phương tiện để các thế lực thù địch tấn công đoàn viên, thanh niên một cách dễ dàng, trực tiếp và liên tục với cường độ cao bằng nhiều con đường, nhất là thông qua internet, các phương tiện truyền thông...

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4-2001) của Đảng nhận định khái quát những đặc điểm chủ yếu của thế giới và nhấn mạnh: “Toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia” và “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc”2. Xu thế toàn cầu hóa cùng với nó là chính sách mở cửa hội nhập của Đảng trở thành cơ hội cho đoàn viên, thanh niên Việt Nam mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ, tăng cường ý thức chính trị, sự nhận thức về tình hình trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ đoàn viên, thanh niên đã và đang đưa lối sống phương Tây vào trong nước, làm thay đổi một số quan điểm đạo đức cách mạng tốt đẹp, những chuẩn mực truyền thống; dần dần mất đi tinh thần đấu tranh, tinh thần rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng.

Hiện nay, đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công cuộc đổi mới được tiến hành từ năm 1986 đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề để phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là cơ hội lớn để đoàn viên, thanh niên thể hiện tài năng, sức trẻ, tình yêu và nhiệt huyết được cống hiến cho Tổ quốc. Đoàn viên, thanh niên cần thực sự có bản lĩnh trước những tệ nạn xã hội ngày một gia tăng như: ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, tội phạm côn đồ, băng đảng...

Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên.

2. Chủ trương của Đảng và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Ngay từ những năm đầu đổi mới, Đảng đã xác định được tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì vậy, vấn đề thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân lực và nguồn lực con người. Tại các đại hội lần thứ VI, VII, Đảng xác định phải nâng cao công tác đào tạo, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức mới, động viên, phát huy tính tích cực xã hội của thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phấn đấu cho sự thành công của công cuộc đổi mới. Ngày 12-1-1993, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã họp và ra Nghị quyết về công tác thanh niên trong thời kỳ đổi mới. Hội nghị xác định, công tác thanh niên, trong đó có công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố thành bại của cách mạng, của công cuộc đổi mới. Hội nghị đề ra những phương hướng lớn trong chính sách thanh niên, kế hoạch triển khai Nghị quyết tập trung vào các nội dung: Nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về vai trò trách nhiệm lớn của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công cuộc vận động, củng cố và mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên và vận động Đoàn tham gia xây dựng Đảng; tổ chức phong trào Đoàn.

Để phát huy hơn nữa những ưu điểm trong thời kỳ trước và khắc phục những hạn chế trong công tác thanh niên, ngày 20-3-1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về công tác thanh niên trong thời kỳ mới”. Chỉ thị nhấn mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với Đoàn Thanh niên; thực sự coi trọng xây dựng Đoàn là một bộ phận quan trọng trong xây dựng Đảng; chăm lo tốt hơn việc phát triển nguồn nhân lực trẻ để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Tháng 6-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã đề cập đến vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; coi trọng hơn nữa việc giáo dục thế hệ trẻ về chính trị, tư tưởng, văn hóa, nghề nghiệp, đạo đức, lối sống. Đại hội khẳng định, chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đại hội tiến hành nghiên cứu ban hành Luật thanh niên. Tháng 11-2005, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội XI đã thông qua Luật thanh niên. Việc Nhà nước ban hành Luật thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên và nhiều chính sách về công tác thanh niên, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên rèn luyện cống hiến trưởng thành.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, tạo điều kiện cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên mang lại hiệu quả hơn nữa, ngày 29-4-2003, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010”. Chiến lược đã cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng đối với công tác thanh niên trong giai đoạn này, bao gồm hai giai đoạn, trong đó Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam 2004 - 2005 thuộc giai đoạn đầu. Chương trình phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2004 - 2005, được triển khai bằng 5 chương trình cụ thể, trong đó có Chương trình bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên, điều đó chứng tỏ Đảng đã hết sức quan tâm tới vấn đề giáo dục, định hướng tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên trong giai đoạn mới.

Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương quan trọng có tính quyết định, làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết được xác định rõ, theo đó thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp với gia đình, nhà trường và xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần: “Nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên. Tập trung giáo dục, định hướng, cổ vũ thanh niên thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tạo chuyển biến thực sự trong đạo đức, lối sống và hành động của thanh niên”3 là một trong những mục tiêu hàng đầu. Muốn đạt được mục tiêu như vậy, Đảng xác định cần tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Công tác chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Văn kiện Đại hội lần thứ VIII, lần thứ IX và các văn kiện của Đảng về công tác thanh niên thể hiện sự chú trọng của Đảng với công tác Đoàn và phong trào thanh niên, đưa công tác thanh niên theo kịp với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội đất nước; vấn đề giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên ngày càng nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng. Những chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa thông qua các hoạt động của Nhà nước và hệ thống cơ quan lập pháp, vì vậy có điều kiện đi sâu vào đời sống.

Là một tổ chức chính trị - xã hội, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, vì thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn nỗ lực đổi mới toàn diện, phấn đấu thực sự trở thành đội hậu bị tin cậy của Đảng, người bạn thân thiết của thanh niên, định hướng cho thanh niên đến với lý tưởng cách mạng và những giá trị cao đẹp, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (11-1997) phân tích những thành tựu và hạn chế của công tác tư tưởng - văn hóa, tuyên truyền, giáo dục của Đoàn từ năm 1992 đến năm 1997; xác định mục tiêu chung của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là: “Bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam thành lớp người kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, xung kích thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”4. Để thực hiện mục tiêu chung đó, bốn phương hướng nhiệm vụ cơ bản của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi trong nhiệm kỳ 1997 - 2002 đã được đề ra, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là: “Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa, lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc; xây dựng nếp sống, lối sống lành mạnh cho thanh thiếu nhi. Khơi dậy trong thanh niên ý thức tự tôn dân tộc; ý chí tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu; có tinh thần khắc phục khó khăn, xung phong tình nguyện, gương mẫu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên thời kỳ này được thực hiện gián tiếp thông qua bảy chương trình hành động của Đoàn, đáng chú ý nhất là chương trình I: “Giáo dục lý tưởng cho thanh niên; tham gia xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” với biện pháp chính là tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lòng yêu nước, cho thanh, thiếu nhi; coi trọng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức cách mạng, nếp sống, lối sống trong thanh niên; tăng cường giáo dục cho thanh, thiếu nhi về các giá trị văn hóa truyền thống…

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII là Đại hội tuổi trẻ đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện; trên cơ sở vận dụng cụ thể nội dung của Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII của Đảng, Đoàn đã xác định tiêu chí cơ bản cho nhân cách con người thanh niên Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “... là người có lý tưởng và đạo đức cách mạng; có lối sống văn hóa; có ý chí tự tôn, tự cường dân tộc, có trình độ học vấn, giỏi về chuyên môn, nghề nghiệp; có sức khỏe tốt; có năng lực tiếp cận và sáng tạo công nghệ mới, có ý chí chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, phấn đấu cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn mình”5. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yêu cầu trước tiên đối với đoàn viên, thanh niên là cần có lý tưởng đạo đức cách mạng. Mặc dù tiêu chí này còn hơi chung chung, song cũng đã là định hướng tốt để Đoàn xác định rõ hơn nữa vai trò quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Trong số chín phương hướng chung công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi nhiệm kỳ 2002 - 2007, công tác giáo dục của Đoàn được đưa lên hàng đầu với mục đích góp phần củng cố niềm tin, bồi đắp lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa và ý thức pháp luật cho thanh, thiếu nhi. Công tác giáo dục trong thời kỳ này được tăng cường với bảy giải pháp cụ thể: 1- Tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, 2- Giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, 3- Đẩy mạnh giáo dục lối sống, 4- Giáo dục đạo đức cách mạng, 5- Giáo dục luật pháp và ý thức công dân, 6- Giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân, nâng cao cảnh giác cách mạng và trách nhiệm công dân bảo vệ Tổ quốc, 7- Tăng cường giáo dục tinh thần quốc tế chân chính cho thiếu nhi.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX - Đại hội đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển đã đề ra mục tiêu chung của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi nhiệm kỳ mới, trong đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tiếp tục được đặt lên hàng đầu: "Tăng cường bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức công dân, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và văn hoá cho thanh thiếu nhi; xây dựng Đoàn vững mạnh; tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên; phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam xung kích "Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển", phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"6. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Đại hội nêu rõ phương hướng công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi nhiệm kỳ 2007 - 2012, và đặc biệt nhấn mạnh cần xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đoàn viên, chất lượng cán bộ, chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn. Nhiệm vụ quan trọng của Đoàn trong giai đoạn mới được xác định, đó là xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, có ý thức công dân, biết xử lý hài hoà lợi ích của bản thân trong lợi ích chung của tập thể, cộng đồng; có lý tưởng cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng; có tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lao động giỏi; có văn hóa và sống nghĩa tình; có sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh; giàu nhiệt huyết sáng tạo và tinh thần tình nguyện7. Đại hội coi đó là một trong những nhiệm vụ chiến lược và đề ra hệ thống giải pháp: 1- Triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; 2- Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn mà trước hết là đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chính trị; 3- Phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, coi đây là phương thức giáo dục có hiệu quả; 4- Phát huy các nguồn lực xã hội trong bồi dưỡng, giáo dục thanh, thiếu nhi.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên là công tác có ý nghĩa quan trọng, mang tính chất chiến lược và ngày càng nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nếu như tại Đại hội Đoàn lần thứ VII, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên được thực hiện gián tiếp thông qua bảy chương trình hành động của Đoàn, tập trung chủ yếu tại chương trình I: “Giáo dục lý tưởng cho thanh niên, tham gia xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, thì đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đoàn, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên đã được tăng cường với bảy giải pháp cụ thể trong nội dung công tác giáo dục. Đặc biệt, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, các nội dung trong công tác giáo dục đã được hệ thống hóa, trở thành một trong bốn nội dung của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Có thể đánh giá, mục tiêu, phương hướng, biện pháp của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã được hoàn thiện đầy đủ và sâu sắc hơn so với các kỳ đại hội trước.

c) Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, thành tựu và hạn chế

Trong những năm 1996 - 2010, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn xác định trọng tâm công tác hướng đến giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hoá trong thanh niên, góp phần tích cực đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực làm nhiệm vụ xung kích, sáng tạo, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, đổi mới và mở rộng các hình thức sinh hoạt, học tập nhằm không ngừng bồi dưỡng nâng cao nhận thức lý luận, quán triệt đường lối nhiệm vụ cách mạng cho đoàn viên, thanh niên; xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin, xác định rõ trách nhiệm của thanh niên trước yêu cầu và nhiệm vụ của đất nước, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên đã đạt được những thành tựu bước đầu:

- Số lượng đoàn viên được kết nạp mới và được giới thiệu vào Đảng ngày một tăng cao.

Trong Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VII (1993), ở thời điểm năm 1993, Đoàn có khoảng 1,5 triệu đoàn viên. Xuất hiện hiện tượng số lượng, chất lượng đoàn viên tiếp tục giảm và trên 70% số giảm là do tự bỏ sinh hoạt. Bắt đầu từ năm 1999, cùng với nỗ lực trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên và sự xuất hiện một số phong trào thanh niên sôi nổi mới, tiêu biểu là phong trào Thanh niên tình nguyện do Thành Đoàn Hà Nội phát động đã đem đến sức hấp dẫn của Đoàn đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Số lượng đoàn viên mới được kết nạp tăng, số lượng đoàn viên tự bỏ sinh hoạt giảm dần. Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Trung ương Đoàn, năm 1991 chỉ kết nạp được 170.000 đoàn viên thì năm 1999 kết nạp được 848.629 đoàn viên, tăng 13,4% so với năm 1998, gấp 5 lần so với năm 19918. Tính đến cuối năm 2002, Đoàn có hơn 4,3 triệu đoàn viên thì đến năm 2007, Đoàn có trên 6,1 triệu đoàn viên, tăng 2,44 lần so với số lượng đoàn viên năm 19939.

Trong những năm tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu vào Đảng tăng đáng kể. Năm 1999 có 54.358 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Theo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trình bày tại Đại hội lần thứ IX, trong nhiệm kỳ 2002 - 2007, lượng đoàn viên mới được kết nạp tăng vọt lên 4,5 triệu đoàn viên. Số lượng đoàn viên ưu tú có nguyện vọng trở thành đảng viên tăng. Trong vòng 5 năm (2002 - 2007): “Đoàn đã giới thiệu cho Đảng 904.839 đoàn viên ưu tú trong đó có 347.872 đồng chí được kết nạp Đảng, tăng 12,93% so với nhiệm kỳ trước; số đảng viên mới là đoàn viên chiếm trên 60% tổng số đảng viên được kết nạp hàng năm”10.

- Các cuộc vận động, học tập nhằm giáo dục trực tiếp ý thức chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên được tổ chức thường xuyên, liên tục, có trọng tâm và phù hợp.

Trong những năm 1996 - 2010, cùng với việc tăng cường giáo dục chính trị, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của Đoàn và thế hệ trẻ Việt Nam, Đoàn đã đẩy mạnh giáo dục chính trị cơ bản, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp lý, giáo dục về dân số, sức khỏe, môi trường, giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân, tinh thần đoàn kết quốc tế cho thanh, thiếu nhi…

Hoạt động tiêu biểu trong công tác giáo dục tư tưởng của Đoàn là tổ chức có hiệu quả các đợt sinh hoạt chính trị: học tập năm bài học lý luận chính trị, học tập quán triệt các Nghị quyết của Đảng và của các đại hội Đoàn: "Tuổi trẻ Việt Nam tiến bước dưới cờ Đảng", "Nghị quyết Đại hội Đoàn lần thứ VIII và hành động của tuổi trẻ", "Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác", thi các Đội tuyên truyền thanh niên về tư tưởng Hồ Chí Minh…

Các hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho thanh niên được tổ chức sâu rộng, đặc biệt việc tổ chức các diễn đàn thanh niên “Tầm nhìn thế kỷ”, "Tiếp lửa truyền thống, mãi mãi tuổi 20", "Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích" học tập các tấm gương anh hùng liệt sĩ nhân sự kiện xuất bản các nhật ký, hồi ký thời chiến tranh của các liệt sĩ (Nhật ký Đặng Thùy Trâm và cuốn sách Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc) tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, khơi dậy niềm tự hào, sự trân trọng của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh. Ngoài ra, các cuộc thi tìm hiểu nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng, 60 năm Ngày thành lập nước, 75 năm Ngày thành lập Đoàn, 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… đạt kết quả thiết thực, thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh, thiếu nhi tham gia11.

Ngoài ra, công tác giáo dục phổ biến pháp luật, giáo dục lối sống cũng được chú trọng thực hiện. Các cuộc vận động “Cần - Kiệm”, “Cưới văn minh, tiết kiệm”, các diễn đàn “Tuổi trẻ sống đẹp”, các hoạt động biểu dương và học tập tấm gương sáng trong đoàn viên, thanh niên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các cấp bộ Đoàn duy trì thường xuyên và định hướng hưởng thụ âm nhạc, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng.

- Đoàn đã lồng ghép các nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng vào các hoạt động thực tế thiết thực.

Các hoạt động của tuổi trẻ trong những năm 1996 - 2000 được quan tâm phát triển. Các phong trào: "Thanh niên lập nghiệp", "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ giữ nước", v.v., đã tạo được những dấu ấn tốt đẹp trong đời sống xã hội và thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Các hình thức sinh hoạt truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, giúp nhân dân chống bão lụt, v.v., trở thành phong trào đoàn kết rộng rãi lực lượng đoàn viên, thanh niên. Đoàn đã động viên hàng triệu đoàn viên, thanh niên lao động quên mình trên các công trường xây dựng: đường dây điện 500KV Bắc Nam; Thuỷ điện Sơn La; Thuỷ điện Na Hang; Lọc dầu Dung Quất; Khí điện đạm Vũng Tàu, Cà Mau; Đường Hồ Chí Minh... Lực lượng lao động trẻ nông thôn đã từng bước chuyển sang sản xuất lớn với năng suất lao động cao, góp phần từng bước đổi mới nông nghiệp toàn diện và phát triển không ngừng. Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên chiếm gần 1/4 dân số đã và đang hăng say học tập, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Đặc biệt phải nói đến hàng chục vạn đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang chịu đựng mọi khó khăn, thiếu thốn, ngày đêm sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển đảo và biên cương của Tổ quốc. Chính những hoạt động vì cộng đồng do Đoàn phát động đã giúp cho đoàn viên, thanh niên gần gũi với cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; nâng cao tinh thần cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước…

- Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết công tác nắm tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong thanh niên, dự báo xu hướng phát triển, nhận thức, thái độ của thanh niên để có luận cứ khoa học, thực tiễn, kịp thời đề ra các chủ trương, chính sách giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác nắm tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong thanh niên có chuyển biến tích cực, tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp, nổi cộm, các vấn đề phát sinh ở cơ sở về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng và phương tiện giáo dục của Đoàn được tăng cường; hệ thống tài liệu được cung cấp đầy đủ và kịp thời hơn. Hoạt động của các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, đội tuyên truyền thanh niên, các trung tâm thanh, thiếu niên… được đổi mới. 

- Các phương tiện giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên ngày một phong phú, đa dạng và đạt hiệu quả cao.

Hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình của Đoàn có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng; đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của giới trẻ và yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn của phong trào Đoàn; tự chủ động tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, văn hóa, thể thao… Cùng với hệ thống báo chí trung ương, hầu hết các tỉnh, thành đoàn đều duy trì chuyên trang, chuyên mục thanh niên trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương; xây dựng tờ tin công tác thanh niên, tài liệu sinh hoạt định kỳ phát hành tới tận chi đoàn, góp phần chỉ đạo, hướng dẫn công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi cơ sở.

Như vậy, trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các nội dung và phương pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức và lối sống cho đoàn viên, thanh niên được đẩy mạnh và có bước đổi mới theo hướng tích cực. Đoàn viên không chỉ được giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng và đạo đức cộng sản chủ nghĩa, giáo dục về tình hình, nhiệm vụ, đường lối, chính sách của Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục về pháp luật, về tệ nạn xã hội… mà hơn hết Đoàn đã gắn lý thuyết với hành động cụ thể và các hoạt động ngoại khóa; giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học gắn với giáo dục đạo đức, lối sống… Tài liệu học tập, phương tiện truyền bá ngày một phong phú đã giúp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên ngày một sâu rộng và đạt những thành tựu quan trọng, những bước tiến rõ rệt so với thời kỳ đầu tiến hành đổi mới đất nước. Có thể khẳng định, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã và đang góp phần tạo dựng nên thế hệ đoàn viên, thanh niên có thái độ, nhận thức tốt, có bản lĩnh chính trị cao, có ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên lập thân, lập nghiệp, phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, xung phong, tình nguyện của những thế hệ thanh niên lớp trước, trong đó có những đoàn viên ưu tú, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong nhiều hoạt động.

Bên cạnh những mặt đã làm được, trong những năm 1996 - 2010, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên còn tồn tại một số vấn đề:

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng đã thực sự quan tâm tới vấn đề thanh niên, từ năm 1996 đến năm 2010, Đảng đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề về công tác thanh niên. Cũng trong thời gian này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010 (2003), và Quốc hội thông qua Luật thanh niên (2005). Những văn bản mang tính pháp lý này đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thanh niên vào cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian này, tình hình thế giới và trong nước biến động liên tục, vấn đề tư tưởng của thanh niên chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa có chủ trương cụ thể của Đảng về vấn đề này. Những chủ trương, đường lối của Đảng đưa ra chủ yếu tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất của thanh niên hiện nay, trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho đoàn viên, thanh niên, vấn đề về xây dựng lối sống, phát triển nhân cách, đạo đức và phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Thực tế cho thấy, nghị quyết của Đảng và văn bản pháp lý của Nhà nước, của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về đoàn viên, thanh niên nói chung chưa thực sự được phát huy đầy đủ và triển khai sâu rộng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, một số chủ trương, đường lối của Đảng, của Đoàn chưa có sự phân hóa đối tượng cụ thể, ví dụ như giữa đoàn viên, thanh niên thành thị với nông thôn, giữa đoàn viên, thanh niên là trí thức, học sinh, sinh viên với đoàn viên, thanh niên là công nhân...

Hơn nữa, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, bên cạnh những điều kiện thuận lợi rất cơ bản để học tập, trưởng thành, đoàn viên, thanh niên cũng chịu những tác động không nhỏ do mặt trái của sự phát triển đem lại. Chủ trương, đường lối của Đảng, của Đoàn đôi khi chưa bắt kịp được tình hình cụ thể để có biện pháp giải quyết phù hợp, nhanh chóng, triệt để.

Tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là công việc cần thiết và cấp bách, nhưng cũng là công việc lâu dài, để làm tốt vấn đề này, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp:

Thứ nhất, chú trọng nội dung tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục quan tâm chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… cho đoàn viên, thanh niên. Đây chính là cơ sở góp phần xây dựng, hình thành và phát triển niềm tin, lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên; giúp cho đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn vai trò của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trong xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững lập trường trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá của kẻ thù đối với cách mạng nước ta; từ đó, thôi thúc đoàn viên, thanh niên ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác, sẵn sàng cống hiến.

Thứ hai, để làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, cần chủ động, tích cực hơn nữa trong nắm bắt, phản ánh thực tiễn đất nước, tình hình quốc tế, đặc điểm thời đại, từ đó có những đánh giá chính xác, đầy đủ và kịp thời về tình hình tư tưởng đoàn viên, thanh niên trong mối liên quan với những vấn đề trong nước và quốc tế. Chỉ khi đánh giá đầy đủ thực trạng tư tưởng, thái độ chính trị, đạo đức, lối sống của đoàn viên, thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới có thể đưa ra những chủ trương, đường lối, giải pháp hợp lý; tránh trường hợp tập trung đề cập đến những vấn đề xa vời, khó đoán biết và ít có khả năng giải quyết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị với cấp trên những nội dung chưa phù hợp, không hiệu quả hoặc còn mang tính hình thức, từ đó đề xuất cách làm mới có tác động mạnh mẽ đến sự chuyển biến nhận thức và hành động của giới trẻ.

Thứ ba, các cấp bộ Đoàn cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục, tập hợp thanh niên sao cho thật có sức thuyết phục, có đầy đủ luận chứng, có tính khoa học, lôgíc và chặt chẽ, có tính trí tuệ cao song cũng giản dị, bình thường, dễ hiểu; trong tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, không nên khiên cưỡng, ép buộc.

Thứ tư, cần đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên, bởi đó là trường học lớn để  họ phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Trọng tâm của các phong trào cần hướng vào những vấn đề thúc bách của địa phương, ngành để phát động; làm sao vừa có ý nghĩa giáo dục, lôi cuốn thanh niên, vừa có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhân văn. Điều quan trọng không chỉ dừng lại ở việc tổ chức phong trào mà phải tập trung chỉ đạo sâu sát, cụ thể; tăng cường kiểm tra đôn đốc, tổng kết rút kinh nghiệm để phát triển phong trào.

Thứ năm, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có kiến thức, năng lực thực tiễn, có kinh nghiệm, năng khiếu hoạt động công tác Đoàn - nhân tố bảo đảm thúc đẩy phong trào Đoàn phát triển và giáo dục chính trị, tư tưởng, vận động thanh niên thật sự có hiệu quả cao.

Là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là trường học cộng sản của thế hệ trẻ Việt Nam. Trong những biến động của tình hình thế giới và trong nước, hơn lúc nào hết, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong tổ chức Đoàn cần được tăng cường, làm cho mỗi đoàn viên, thanh niên kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy cao độ chí lớn của tuổi trẻ, hăng hái tiến lên trong phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 PGS. TS. VŨ QUANG HIỂN

ThS. HỒ THỊ LIÊN HƯƠNG

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trích trong “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Những chặng đường phát triển”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014.

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, Hà Nội, tr.41,14.

3. Http://dangcongsan.vn.

4. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1997, tr. 54.

5, 6, 7. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2002, tr 39, 74, 77.

8. Ban Dân vận Trung ương: Đảng Cộng sản Việt Nam với công tác vận động thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.66.

9. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Hà Nội, 2002, tr.4.

10. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, tr.60-62.

11. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.67.



Bình luận