Nghĩ về nghề báo!

Ngày đăng: 20/06/2016 - 09:06

Chọn nghề báo, là phải chấp nhận dấn thân, không sợ nguy hiểm, đi tới tận cùng để thực hiện trách nhiệm“ phò chính, trừ tà” và gánh vác những trọng trách mà nhân dân giao phó. Nghề báo có nhiều rủi ro, càng dấn thân càng có nhiều... rủi ro! 

20.6.2016 Lan Nghĩ về nghề báo - ảnh

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. ( Ảnh: TTXVN)

Sinh thời, nhà báo lão thành Hữu Thọ đã nói: “Nghề báo là nghề cao cả dù không có  danh hiệu ưu tú hay nhân dân, nhưng chỉ cần một cái tin nhỏ trên báo cũng được ghi danh mình, trong khi đó một kiến trúc sư thiết kế cả tòa nhà đồ sộ cũng không thể viết tên mình lên đó được. Những điều đó lại càng thấy trách nhiệm của báo chí rất lớn”.

Giá trị hàng đầu của báo chí là thông tin chính xác và kịp thời. Để có thông tin chính xác và kịp thời, ngoài năng lực, sự dấn thân, nhà báo phải trung thực, không bị chi phối bằng lợi ích vật chất và phi vật chất trong quá trình thu thập và đánh giá thông tin.

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, “thế giới phẳng" với sự gắn kết toàn cầu của Internet. Điều đó vừa là thuận lợi vừa là thách thức mỗi người làm báo. Chúng ta không bưng bít thông tin, nhưng thông tin một cách có trách nhiệm, không gây “sốc” và phân tâm cho xã hội, thì cần bản lĩnh, lương tâm của mỗi người làm báo.

Thông tin chuẩn xác, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... là sức mạnh của báo chí. Thực tế cho thấy, nếu không có sự vào cuộc của báo chí, không ít vụ tham nhũng, tiêu cực có  nguy cơ “ chìm xuống” hoặc chậm được xử lý. Tiêu cực, tham nhũng chưa giảm như sự kỳ vọng của nhân dân, điều đó đồng nghĩa với việc nhà báo còn “mắc nợ” nhân dân.

Báo chí với chức năng vốn có của mình sẽ phải đối diện với nhiệm vụ đầy thách thức, đó là phản biện xã hội. Phản biện phải bắt đầu từ thực tiễn cuộc sống và từ những bức xúc của người dân. Báo chí không thực hiện tốt chức năng phản biện, bạn đọc sẽ quay lưng, nhân dân mất niềm tin, dẫn đến  hiệu quả xã hội tích cực của báo chí cũng suy giảm.

Báo chí phát hiện ra những vụ tiêu cực thể hiện sự dấn thân, nhưng báo chí đưa ra được các giải pháp để gỡ các “ nút thắt”, vấn đề khó đang tồn tại trong cuộc sống thì mới là báo chí phản biện, xây dựng.

Phản biện là chỉ ra cái không được, cái còn thiếu, chứ không phủ nhận sạch trơn mọi giá trị. Nhà báo biết nhiều thông tin, nhưng không phải lĩnh vực nào cũng giỏi, nên khi phản biện cần hỏi ý kiến chuyên gia, nghiên cứu kỹ những vẫn đề cần phản biện. Sự phản biện đúng của báo chí sẽ rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống...

Ngày 21 tháng 6 hằng năm là dịp tôn vinh các nhà báo, nhưng cũng là dịp để các nhà báo tự soi lại chính mình, nhắc nhở chính mình là phải cần phấn đấu suốt đời để vượt qua những chặng đường gian khó, tự hứa với chính trái tim mình, suốt đời phục vụ vì nhân dân vì đất nước./.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Bình luận