Nghĩ về việc học xưa và nay

Ngày đăng: 13/12/2013 - 15:12

Sự học là cao quý nhất ở đời, không đời nào là không được coi trọng. Giáo dục - đào tạo là nền tảng, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là quan điểm nhất quán, là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.

10510279965 036d3fcb77 o

Truyền thống tốt đẹp

Tinh thần hiếu học và sự quan tâm chăm lo cho việc học, chăm lo cho người đi học trong các gia đình Việt Nam đã trở thành truyền thống từ ngàn xưa. Nhà nào có kinh tế sung túc, đều muốn “kiếm cho con vài chữ thánh hiền” để nếu không thi đỗ làm quan thì cũng khỏi mang tiếng là một chữ bẻ đôi không biết. Sự coi trọng tri thức, kính trọng người có học thức là truyền thống được xã hội đề cao, không chỉ trong giới “thượng lưu” mà cả với người bình dân. Đạo lý trọng chữ, trọng thầy đã ngấm sâu trong tâm thức xã hội. Người có học hành, đỗ đạt, vì một lý do nào đó không ra làm quan cũng vẫn được xã hội kính trọng. Việc học tập chủ yếu do từng gia đình, cộng đồng thu xếp. Nhà nước chỉ có một “trường đại học” duy nhất là Quốc Tử Giám dành cho con em của triều đình. Từng nhóm gia đình, hoặc riêng một gia đình, một thôn, xã... mời thầy (thầy đồ) về dạy học cho con cháu trong nhà, trong làng. Cơm áo của thầy do gia chủ (hoặc cùng với) các gia đình có con em đi học đóng góp. Nhiều làng xây văn chỉ để tôn vinh, lập “học điền” để lấy hoa lợi làm quỹ khuyến học... Dù cuộc sống của một xã hội dựa vào nông nghiệp chưa có gì là sung túc, dân gian vẫn “mách” nhau một cách hồn nhiên: “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”... Trong lịch sử đã có rất nhiều gia đình Việt Nam có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt như “họ Ngô (ở Tả Thanh Oai) một bồ tiến sĩ”; có nhiều “đất học”, nhiều làng khoa bảng nổi tiếng đi vào phương ngôn: “Bắc Cổ Am (Hải Phòng), Nam Hành Thiện (Nam Định)”, Mộ Trạch (Hải Dương), Đông Ngạc (Hà Nội), Quỳnh Đôi (Nghệ An)... Việc có người đỗ đạt, được triều đình ban thưởng, được vinh quy bái tổ vẻ vang “võng anh đi trước võng nàng theo sau” rồi được trọng dụng và bổ làm quan là “sự kiện” lớn không chỉ của gia đình mà còn là của cả làng xóm quê hương.

Cánh cửa giáo dục được mở rộng

Phát huy truyền thống dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sự nghiệp giáo dục luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Chỉ một ngày sau khi tuyên bố với thế giới nền độc lập của dân tộc Việt Nam, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và đề nghị phát động một chiến dịch chống nạn mù chữ (là nhiệm vụ thứ hai trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Bản Hiến pháp 1946 - hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp”1. Điều này cũng giống như khoản 1 điều 26 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền được công bố sau đó ba năm (1948): “Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc”.

Trải qua thời gian, những quan điểm phát triển giáo dục ở Việt Nam ngày càng được cụ thể hóa. Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), sự nghiệp giáo dục càng được chú trọng hơn, được coi là quốc sách hàng đầu, tương lai của dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”2. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (10-2012) một lần nữa nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước, của toàn dân và là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên và đi trước. Mục tiêu cốt lõi của giáo dục và đào tạo là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực con người Việt Nam”3.

Cùng với quan điểm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, là việc khẳng định quyền bình đẳng về cơ hội được hưởng nền giáo dục của mọi người dân Việt Nam không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo. Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt đối với trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng khó khăn: ưu tiên đầu tư nhiều mặt về giáo dục cho các địa bàn có nhiều khó khăn; xây dựng trường học kiên cố, đạt chuẩn chất lượng cùng với việc nỗ lực thực hiện xóa đói giảm nghèo, thông qua đó tạo thêm cơ hội cho trẻ em tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ giáo dục. Từ năm 2000, Việt Nam đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Từ năm học 2002-2003, tỷ lệ biết chữ của người lớn trong độ tuổi 15-24 đã đạt gần 95%, số năm đi học trung bình của người dân đạt mức 7,3 năm. Năm 2010 đã có 97,3% người dân biết chữ. Việc dạy chữ dân tộc đã được đẩy mạnh ở các địa phương, nhờ đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số mù chữ giảm mạnh. Có gần 120.000 trẻ khuyết tật học hòa nhập trong các trường phổ thông và mầm non. Trong năm học 2003-2004, hầu hết các địa phương trong cả nước đã huy động được gần 90% trẻ khuyết tật độ tuổi lớp 1 đi học hòa nhập theo chương trình và sách giáo khoa mới. Tất cả những con số đó nói lên rằng Việt Nam đã tạo được sự công bằng trong tiếp cận những quyền lợi về giáo dục cho tất cả trẻ em gái, trai của các dân tộc, trên khắp các vùng, miền và những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việt Nam đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá là nước có những thành tựu đáng kể về giáo dục, đào tạo so với nhiều nước có thu nhập tính theo đầu người tương đương và hoàn toàn có khả năng hoàn thành Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) về phổ cập giáo dục tiểu học trước năm 2015.

Năm 2012, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học là 97,7% và bậc trung học cơ sở là 87,2%. Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, các chỉ số phát triển về cơ sở vật chất được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân thuộc các lứa tuổi, ở các vùng miền. Chất lượng đào tạo đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính sách xã hội hóa giáo dục, đào tạo đã đạt một số kết quả, thể hiện ở việc huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học, đầu tư mở trường, bổ sung kinh phí cho giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trên bình diện quốc tế và khu vực, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia cùng với cộng đồng quốc tế và khu vực trong những nỗ lực khẳng định và thực thi những quyền con người, trong đó có quyền được giáo dục (của công dân nói chung và đặc biệt, của trẻ em nói riêng). Việt Nam là nước đầu tiên tại châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (20-2-1990) và sau đó là Nghị định thư bổ sung số 1 và số 2.

Dù đang còn rất nhiều điều đáng phàn nàn về hệ thống giáo dục hiện hữu chưa theo kịp được những yêu cầu của giai đoạn phát triển xã hội mới nhưng nhìn suốt cả chiều dài gần một thế kỷ đã qua, những tiến bộ trên lĩnh vực này dưới quan điểm phát triển là rõ ràng không thể phủ nhận.

TS. NGÔ VƯƠNG ANH

Báo Nhân Dân

 

***

1. TS. Đỗ Ngọc Hải, Hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp đặt nền móng cho nền lập hiến nhà nước Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 120.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 77.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).

Bình luận