Người sáng lập - Người thầy - Nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 21/06/2015 - 11:06

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm nhận ra báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.

Bởi thế, Người đã sáng lập ra tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam - báo Thanh Niên. Ngày 21-6-1925, Người cho xuất bản số đầu tiên của báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Vì thế, ngày 21-6 được lấy là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Thời kỳ đầu, báo Thanh Niên được biên tập và in ở Quảng Châu (Trung Quốc), với hình thức tuần báo (ra Chủ nhật). Mỗi kỳ, tờ Thanh Niên xuất bản khoảng 100 bản, chuyển về Việt Nam qua liên lạc. Báo có nhiều chuyên mục như: Xã luận, bình luận, có mục sinh hoạt tư tưởng...; được viết bằng chữ quốc ngữ để đạt tới độ phổ cập cao nhất.

Không chỉ là người đặt nền móng và sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là cây viết chủ yếu và trực tiếp biên tập nội dung của tờ Thanh Niên và đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam.

nguoi sang lap

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Người còn sáng lập ra 8 tờ báo khác là: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942) và Tạp chí Đỏ (1930).

Viết báo từ năm 1919, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký. Cách viết của Người dễ hiểu, giản dị mà sâu sắc.

Gần 60 năm làm báo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều quan điểm cơ bản và những suy nghĩ sâu sắc về hoạt động báo chí.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (8-9-1962), Bác đã nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người cũng chỉ rõ, nhà báo phải có dũng khí, không bẻ cong ngòi bút, và muốn vậy phải có “lập trường chính trị vững chắc”, “chính trị phải làm đúng”...

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, báo chí cách mạng phải mang tính tiên phong, định hướng trong cuộc sống. Bởi, báo chí cách mạng là vũ khí đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, tác động sâu xa đến đời sống xã hội, nên báo chí cách mạng phải giữ vị trí tiên phong, mở lối, truyền bá những tư tưởng và tri thức tiến bộ.

Đề cập đến cách làm báo, cũng tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên kinh nghiệm của bản thân trong làm báo: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Người cũng thẳng thắn phê bình các báo mắc phải những lỗi như: Viết quá dài, "dây cà ra dây muống", không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng; thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta; đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng; để lộ bí mật; viết quá lố bịch... Người nhấn mạnh rằng khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng...

Thực tiễn hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, Người vừa là nhà sáng lập, là người đặt nền móng cho báo chí cách mạng nước nhà, đồng thời là một nhà báo xuất sắc của thế kỷ XX. Phong cách, đạo đức, ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực cho báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

Theo Báo Quân đội nhân dân



 

Bình luận