Nhớ anh Lê Đức Thọ những năm tháng đầu của Cách mạng Tháng Tám và toàn quốc kháng chiến

Ngày đăng: 17/10/2011 - 05:10

Lê Trang*

Những cảm tưởng đầu tiên

Chúng tôi gặp anh, một trong những giảng viên chính trị trong lớp Trần Phú I, lớp của Xứ uỷ Bắc Kỳ tổ chức ở thị xã Hà Đông, trong lúc khắp nơi còn không khí tưng bừng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Những bài giảng súc tích mới mẻ về công tác Đảng, lịch sử cách mạng, tình hình nhiệm vụ mới do nhiều người thầy đã được huấn luyện ngay trong các nhà tù của đế quốc, được tôi luyện trong các nhà tù, và quá trình công tác, trong đó có bài của anh Lê Đức Thọ đã đem lại cho chúng tôi cái hào hứng của những học viên đang khao khát học lý luận chính trị có hệ thống, tuy đây mới là lớp ngắn ngày, tổ chức cấp tốc.

leductho2

Vừa phụ trách lớp Trần Phú này vừa trực tiếp giảng nhiều bài, người lãnh đạo mới ngoài 30 tuổi, với nội dung súc tích, chỉ cầm trên tay một tờ dàn bài ngắn, có nhiệt tình say sưa, cách phân tích hùng biện đã để lại ấn tượng sâu sắc về cái vốn chính trị dồi dào của anh và về phong cách gần gũi thân tình đối với đàn em mới ở độ tuổi 20.

Tôi lại về Văn phòng Xứ uỷ Bắc Kỳ sau một thời gian công tác ở Sơn Tây. Những ngày công tác phụ trách Văn phòng, cơ quan ở gần nơi ở và làm việc của anh Thọ, người giảng viên chính trị lại vừa đang giữ trọng trách Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ, kiêm cả phụ trách công tác tổ chức của Đảng.

Trong những tháng ngày cuối năm 1946, không khí Thủ đô trở nên nóng bỏng khẩn trương do những hành động khiêu khích của Pháp. Vào trung tuần tháng 12, nhiều cơ quan giúp việc Trung ương, xứ uỷ, bộ, ban, ngành đã đi vào quân sự hóa tổ chức lại cho phù hợp với thời chiến. Những cuộc hội nghị và hội ý, hội báo mà anh Thọ tham dự ở cấp lãnh đạo trước quy định thời gian hàng tháng, hàng tuần, nay ngày càng "dầy" hơn, khẩn trương hơn. Anh Thọ di chuyển luôn, ít ở cơ quan.

Trưa ngày 18-12, tôi đang dự họp ở Liên khu 1 nội thành thì có điện thoại gọi về Uỷ ban Bảo vệ thành và ngay sau đó, tôi được lệnh theo giao thông liên lạc ra nhận nhiệm vụ khác. Về tới một làng ven đô (Vạn Phúc), tôi được anh Thọ gặp ngay. Mấy phút giao việc ngắn gọn rồi anh Thọ phải đi gặp Bác ở gần đó. Tiễn anh ra sân, từ đây tôi là thư ký riêng, anh Thọ còn nắm chặt tay tôi và chỉ lên gác căn nhà trước mặt: "Đây là nơi Bác và Thường vụ Trung ương làm việc, nơi Bác hoàn thành dự thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến".

Đêm 19-12-1946, xẩm tối của một ngày lịch sử, mở sang một giai đoạn mới, cả bộ máy phục vụ của Trung ương Đảng và Bác Hồ hành quân chuyển tiếp, tiến về ven sông Đáy Hà Đông, tới địa bàn mới, chứng kiến những giây phút lịch sử mở đầu cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, với Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vô cùng ấm áp và xúc động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban đầu anh chọn khâu công tác tổ chức cấp bách nhất: Anh lo trước hết là chỉ đạo chọn địa điểm, tiếp tế vận chuyển, bảo đảm giao thông liên lạc... cho những chặng đường cơ quan đầu não ta chuyển dần lên căn cứ địa kháng chiến chính. Bao công việc với tính chất dịch chuyển luôn luôn chuyển động phải làm nhanh chóng, luôn luôn có đột xuất. Cần có một đội công tác thông hiểu địa bàn, có ý thức bảo mật, năng động tháo vát đảm nhiệm. Đội công tác gồm một số cán bộ địa phương, đã được Thường vụ Trung ương sử dụng suốt chặng đường dài lên Việt Bắc: đó là các anh Mười Hương, chị Hán, chị Lịch (Ngôn), các anh Nhi, Võ, Tinh, Trần Triệu... sau này đều hoàn thành trọn vẹn công việc được Trung ương giao. Từng bước anh Thọ tiếp tục giúp Thường vụ Trung ương kiện toàn sắp xếp, trước tiên là bộ máy lãnh đạo kháng chiến, lập "Trung kiên chỉ đạo", điều cán bộ bổ sung cho bộ máy bảo vệ Thủ đô, củng cố sắp xếp những cán bộ lãnh đạo, từng khu kháng chiến sau này sáp nhập thành Liên khu.

Cơ quan Trung ương di động và ở phân tán từ xã Phú Đỉnh, Điềm Mạc đến Bình Thành, Sơn Phú... với những xóm hẻo lánh như Tỉn Keo, Khuôn Tát (nơi ở và làm việc của Bác, nơi các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp... thường đến làm việc với Bác Hồ), Bản Bắc (nơi ở và làm việc của Bác Tôn và gia đình), Đồng Chẩn, Đồng Vượng (nơi ở và làm việc của các anh Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt). Những nơi đây đã được ghi như những địa danh lịch sử của căn cứ địa, một trong những An toàn khu trong kháng chiến chống Pháp.

Suốt chặng đường từ Thủ đô lên căn cứ địa Việt Bắc diễn ra nhiều Hội nghị Thường vụ Trung ương, Xứ uỷ, Hội nghị toàn quốc quyết định những vấn đề có tính chiến lược. Ngay trong những ngày đầu vào căn cứ địa chính (Định Hóa - Thái Nguyên), anh Thọ đã giúp Bác, anh Trường Chinh, Thường vụ Trung ương tổ chức sớm Hội nghị cán bộ Trung ương từ ngày 3 đến ngày 6-4-1947 ở Ỷ Lan (ven sông Tuyên Quang) và từ đó đến ngày anh được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử vào miền Nam tham gia lãnh đạo kháng chiến ở đó (cuối năm 1948). Anh đã liên tục tham gia công việc chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ; vừa làm công tác tổ chức cụ thể, vừa làm tham mưu chiến lược.

Phong cách cách mạng, tư duy biện chứng

Qua mấy chục năm công tác tổ chức, anh Thọ thấy rõ tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của công tác xây dựng Đảng. Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, anh đã cùng tập thể lãnh đạo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện công tác hàng đầu này. Trong từng bộ máy chủ chốt, anh hết sức quan tâm đến sự đoàn kết hài hòa cán bộ cũ và mới, đồng thời luôn có ý thức trẻ hóa, khuyến khích những tài năng xuất hiện. Anh có phong cách gần gũi cởi mở, chăm sóc cả sức khỏe và gia đình; mạnh dạn giao công việc. Như một cầu nối giữa Trung ương và bao cán bộ cấp dưới, anh trao đổi bằng "thư công tác". Nhiều đêm anh trực tiếp bóc thư tay của cán bộ gửi về, vì nhiều thư nên anh thường nêu ý cho thư ký viết trả lời, xem lại rồi ký gửi kịp thời. Anh khuyến khích thảo luận dân chủ dù có lúc cọ sát ý kiến căng thẳng nhằm tìm ra chân lý, quan điểm đúng. Tôi còn nhớ cử chỉ thân tình và cương trực của anh khi tiếp xúc riêng cũng như trong hội nghị. Trong nhiều hội nghị cán bộ, anh thường quan tâm tới từng đồng chí khi họ phát biểu, anh thấy một số đồng chí thường "ngồi im" không đào sâu suy nghĩ, hay lấy ý kiến người khác. Một lần, anh nói với một đồng chí Xứ uỷ viên: "Tôi thấy anh thường làm thay Chủ tịch! Từ nay anh nên chú ý góp thêm ý kiến riêng của mình".

Về rèn luyện phẩm chất, anh thường giúp đỡ cán bộ, đảng viên tự rèn luyện mình. Anh nhấn mạnh: cần suốt đời phát huy, tự phê bình, học tập lời dạy và noi gương đạo đức của Bác Hồ, Đảng cầm quyền phải luôn chống bệnh quan liêu, địa vị hiếu danh, "gái và tiền" là hai cái cạm bẫy nguy hiểm nhất, làm đảng viên tha hóa, có khi có người phản bội cách mạng.

Điều quan trọng là phải có tư duy biện chứng khi đánh giá từng người cán bộ, đảng viên; phải xét qua hiệu quả công tác và dựa vào phán xét của quần chúng ở cơ sở. Có lúc anh nói: Đánh giá mỗi con người cán bộ suy ngẫm cho cùng chỉ kết luận đầy đủ và chính xác nhất về phẩm hạnh... khi họ đã nhắm mắt xuôi tay trong 6 tấm.

Trong những năm 1947 - 1948, cùng Ban Thường vụ Trung ương, anh Thọ đã thấy tổ chức Đảng phải mạnh để chuyển nhanh sang giai đoạn mới. Nắm sát tình hình phát triển Đảng ở các địa phương, anh thấy khá phổ biến ở nhiều nơi là bệnh hẹp hòi nên số lượng đảng viên phát triển quá chậm, tuy có những nơi kết nạp ẩu. Anh đề nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị về Xây dựng Đảng thành một Đảng quần chúng và tiếp đó ra Chỉ thị về Xây dựng chi bộ tự động công tác. Anh thường nhấn mạnh việc kết nạp đảng viên mới phải theo tiêu chuẩn; anh quan tâm giúp Trung ương kiện toàn Ban Tổ chức Trung ương; trong Ban Tổ chức có Ban Đảng vụ làm công tác nội bộ, anh giao cho tôi làm Trưởng Tiểu ban chi bộ trong Ban Đảng vụ và chỉ thị chúng tôi phải thường xuyên đi về cơ sở, nhất là khu du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Liên khu 3, nơi đang chiến đấu ác liệt, để kiểm tra giúp đỡ địa phương và rút kinh nghiệm.

Gần gũi thương yêu dân và cán bộ

Bất kỳ ở nơi nào từ đồng bằng, trung du đến Việt Bắc, ở những nơi dân cư thưa thớt, anh Lê Đức Thọ đều tranh thủ ngoài giờ làm việc, tiếp xúc với dân. Từ ngày rời Vạn Phúc đến Bản Bắc cho tới ngày anh tạm biệt vào Nam cuối năm 1948, anh đã sống hòa mình với những gia đình nơi mình tạm trú như những người trong một nhà... Thấm thía nhất là hai cái Tết đầu tiên ăn Tết với dân ở Quốc Oai, Sơn Tây (Tết Đinh Hợi, 2-1947), ở Định Hóa, Thái Nguyên (Tết Mậu Tý, 2-1948). Chúng tôi nhớ lại một kỷ niệm đẹp tại nhà anh La Công Đường. Mồng 3 Tết, anh Thọ có một cuộc trao đổi tâm tình với bà mẹ thân sinh anh Đường.

Bên lửa hồng nhà sàn ấy, cụ bà vừa bế cháu vừa cầm tay anh Thọ, và hỏi:

- Đã mấy Tết cán bộ xa nhà rồi? Liệu bao giờ mới về xuôi gần gia đình?

- Thưa mẹ, năm nay là Tết thứ hai, tôi xa gia đình nhưng ở đây với Mẹ Việt Bắc, thật là ấm lòng.

Anh mỉm cười và nói tiếp: Bao giờ nước nhà độc lập hoàn toàn, giặc Pháp cút về thì anh em lại về xuôi. Câu chuyện kéo dài trong không khí gia đình sưởi ấm lòng người ở cái nhà sàn ấy giữa khu rừng hẻo lánh Việt Bắc.

Nhà thơ Lê Đức Thọ đã ghi tâm tình này trong những dòng thơ đầy xúc động:

...

Tôi thương cụ lận đận

Cụ thương tôi giãi dầu

Giờ đây bao bà mẹ

Tràn ngập một tình thương

Những chàng trai vì nước

Sống cái Tết tha hương.

(Những mảnh lòng xuân, 10-2-1948)

Ở Việt Bắc, bệnh sốt rét rừng có lúc lây lan trong cơ quan, anh Thọ cùng anh Nguyễn Lương Bằng thường xuyên chăm lo từng viên thuốc, ống tiêm Quinacrin (lúc đó có lúc rất thiếu), bát cháo nóng cho anh em ốm đau. Khi đi xa, công tác phí từ Trung ương uỷ viên đến cấp dưới đi bộ hay đi xe đạp đều chung một chế độ ở mức tối thiểu (thường đủ chi mỗi bữa một bánh chưng nhỏ, vài quả chuối tây hoặc bát chè đỗ đen...).

Một đặc tính nổi lên ở anh Thọ là đi vào tâm tư tình cảm từng người, nhất là những anh chị em chưa lập gia đình. Chỉ trong vài năm khi anh là Uỷ viên Thường vụ Trung ương phụ trách tổ chức, chúng tôi thấy "ông mối" này có tài tác động, "ghép" không ít cặp nam nữ thành lập gia đình riêng. Nổi lên trong năm 1947, 1948 là đám cưới anh Lê Văn Lương (bao năm gian khổ, tù đày Côn Đảo, hơn 30 tuổi rồi) và chị Bích Thuận, cán bộ văn phòng; anh Dương Văn Phúc, một chiến sĩ văn thư làm cơ yếu có lúc kiêm cả giữ tiền, tận tụy, liêm khiết kết hôn cùng chị Tôn Thị Hạnh, con gái yêu quý của Bác Tôn.

Những cuộc vui đều được tổ chức giản dị, gọn nhẹ, tiết kiệm. Chúng tôi không thể quên đám cưới hiếm hoi ở căn cứ địa không có cỗ bàn linh đình. Trong lễ cưới anh Lương - chị Thuận, thấy không có hoa quả, anh Thép Mới và một số thanh niên cơ quan nảy ra sáng kiến tìm từ rừng cọ bên đồi, một bó hoa riềng đỏ tươi thắm và mấy quả bưởi rừng Bình Thành... Một tiểu đội phù rể bất ngờ xếp hàng, trịnh trọng dâng hoa cô dâu chú rể giữa tiếng hoan hô sôi nổi của mọi người. Bữa tiệc có xôi đỗ và măng xào; tráng miệng là cà phê đường đen Thanh Hóa, đựng trong cốc cưa ra từ cây nứa, cây vầu trong rừng, nhưng tình cảm đại gia đình thấm thía.

Thật là một bất ngờ đầy thú vị đến với tôi. Khi công tác ở Mátxcơva năm 1968, tôi lại gặp anh sau hơn 20 năm, nhưng ở một chiến trường khác: ở "bàn Hội nghị". Người chiến sĩ cách mạng này đã gần 60 tuổi, đầu đã bạc phơ, nay lại nhận trọng trách ngoại giao: là Cố vấn đặc biệt của Đoàn ta tại Hội nghị Pari về Việt Nam.

Qua Sứ quán ta tại Mátxcơva, anh dành thì giờ tranh thủ hỏi han tình hình quan hệ ta và bạn, những tin tức mới liên quan đến sự ủng hộ, viện trợ của bạn cho chiến trường miền Nam, hậu phương miền Bắc; anh đã nắm khá sâu tình hình các động thái của Mỹ ở các địa bàn, kể cả ở Liên Xô, Ba Lan..., hỏi khá kỹ và nghe chúng tôi kể chi tiết về những cuộc tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ tại Mátxcơva năm 1967.

Anh tâm sự: "Tôi như "con dao pha" làm ngoại giao thực thà là còn như mới, còn ít kinh nghiệm. Mặt trận này không kém phức tạp, nhưng Bác và Đảng giao việc phải xông ra mà gánh mọi việc cùng đoàn anh Xuân Thủy". Vẫn nụ cười tươi rói, giọng nói trong trẻo, anh tin là với những thắng lợi ở chiến trường, với tài ngoại giao của Bác Hồ, Bộ tham mưu đối ngoại dày dặn kinh nghiệm, phái đoàn Xuân Thủy lại có tập thể mạnh, ta nhất định sẽ thắng địch mặc dù đối phương hiện còn nhiều mưu mẹo, đàm phán trên thế mạnh trong khi nó đã sa lầy ở chiến trường...

Tết Bính Dần (1986), sau 40 năm, anh Thọ lại về Vạn Phúc kể từ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương (12-1946). Hồi tưởng lại biết bao kỷ niệm xưa, qua những dòng thơ đầy xúc động, anh nói: "Trận thắng hôm nay là trận thắng cuối cùng". Tết này (Bính Dần, 1986), người chiến sĩ kiên trinh, tóc nay đã bạc, chân đi vẫn vững chắc vượt suối trèo đèo trên con đường Việt Bắc, bao lần chống gậy qua lại dãy Trường Sơn, xông tới chiến trường ác liệt nhất, với hình ảnh đầy ấn tượng như hai câu thơ tặng chiến sĩ Trường Sơn của Tố Hữu:

Anh đi xuôi ngược tung hoành

Bước dài như gió lay thành chuyển non.

Trở lại Vạn Phúc, khoảng cách 40 năm trời như ngắn lại. Bao hình ảnh xưa còn in sâu trong tâm khảm anh, trong đó là hình ảnh Bác và cả Bộ tham mưu chiến lược tài năng của Bác Hồ. Bồi hồi nhớ thương Bác nay đã đi xa, anh Thọ thốt ra tự đáy lòng mình:

Bốn mươi năm, một giấc mơ

Buồng không lặng lẽ, bây giờ là đây.

...

Tưởng như Bác vẫn ngồi đây ngày nào

Nắng xuân thắm cảnh hoa đào

Ra về lòng những nao nao nhớ Người.

"Kỷ niệm xưa"

(Vạn Phúc, mồng 3 Tết Bính Dần)

Ngay sau Tết này, anh Thọ tiếp tục gặp một số đồng chí cùng xuất phát từ Vạn Phúc ngày kháng chiến toàn quốc (19-12-1946). Cùng nhau có những phút "hàn huyên", "ôn cố tri tân". Trong một cuộc gặp gỡ cuối cùng anh tặng tôi cuốn Thơ Lê Đức Thọ mới xuất bản.

*

*       *

Nhiều năm công tác với anh Lê Đức Thọ, trong thời điểm năm mới của năm bản lề chuyển sang thiên niên kỷ mới, trong những kỷ niệm 10 năm[1] anh vĩnh viễn ra đi, chúng tôi thấy lòng bâng khuâng tưởng nhớ sâu sắc tới người thầy học chính trị và cũng là một trong những người anh cả là chiến sĩ kiên cường, tấm gương trong sáng.



* Nguyên:  - Uỷ viên Ban Đảng vụ trực thuộc Ban Tổ chức Trung ương,

- Tham tán công sứ tại Liên Xô,

- Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan,

- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

[1]. Năm 2000 (B.T).

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận